1. Tội mua bán trẻ em là gì?
Căn cứ theo Điều 1 Luật trẻ em năm 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Do đó, có thể hiểu mua bán trẻ em là hành vi sử dụng vũ lực để cưỡng bức hoặc dùng thủ đoạn lừa gạt, gian dối, man trá để dụ dỗ, lừa dối và biến người dưới 16 tuổi trở thành món hàng để khai thác vì mục đích kiếm lợi.
Pháp luật hiện hành quy định tội mua bán trẻ em được thực hiện dưới ba hành vi sau:
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em để giao nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo
- Chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì những mục đích vô nhân đạo khác
- Tuyển mộ, vận chuyển hoặc chứa chấp trẻ em để thực hiện các hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em để giao nhận tiền, tài sản hoặc để bóc lộ tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể,…
Như vậy, tội mua bán trẻ em là tội phạm do người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo quy định thực hiện các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em là người dưới 16 tuổi vì mục đích kiếm lợi hoặc vì các mục đích vô nhân đạo khác và được quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
2. Đặc điểm của tội mua bán trẻ em
2.1. Mặt khách quan của tội mua bán trẻ em
Người phạm tội mua bán trẻ em thực hiện một trong những hành vi sau: chuyển giao trẻ em, tiếp nhận trẻ em, tuyển mộ trẻ em, vận chuyển trẻ em hoặc chứa chấp trẻ em với nhiều thủ đoạn khác nhau như:
- Người mua bán trẻ em sử dụng thể lực tác động lên thân thể của trẻ em như trói, đánh tát để trẻ em không kháng cự hoặc dùng lời nói, cử chỉ, thái độ làm cho trẻ em lo sợ, bị đe dọa tâm lý
- Người mua bán trẻ em dùng các thủ đoạn lừa gạt để trẻ em tin tưởng những gì người phạm tội nói và làm theo yêu cầu của người phạm tội
- Ngoài ra, người mua bán trẻ em còn sử dụng các thủ đoạn khác như bắt cóc, cho trẻ em uống thuốc ngủ, thuốc mê hoặc các chất kích thích khác khiến nạn nhân là trẻ em lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để dễ dàng điều khiển nạn nhân
- Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, thủ đoạn mua bán trẻ em càng trở nên tinh vi hơn như người phạm tội sử dụng tên, tuổi, địa chỉ, ảnh giả lừa gạt, hứa hẹn yêu đương, tuyển việc nhẹ lương cao sau đó mua bán trẻ em vào các cơ sở kinh doanh có điều kiện; hoặc lập các nhóm kín trên mạng xã hội về cho nhận con nuôi, hiếm muộn để tìm kiếm những người mang thai ngoài ý muốn để xin con nuôi, sau đó đem bán trẻ em để nhận tiền hưởng lợi.
Tùy thuộc vào từng hành vi phạm tội mà người phạm tội mua bán trẻ em hướng tới những mục đích khác nhau:
- Người phạm tội mua bán trẻ em được nhận một khoản tiền (tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ), tài sản (vàng, bạc, đá quý, ô tô, quyền sở hữu nhà, đất,….) hoặc các lợi ích vật chất khác như tiền lợi nhuận trong các giao dịch, được chữa bệnh, đi du lịch miễn phí..)
- Người phạm tội mua bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục, ép nạn nhân phải bán dâm hoặc đưa họ vào các cơ sở mại dâm để bán dâm hoặc sử dụng để sản xuất các ấn phẩm khiêu dâm, trình diễn khiêu dâm, làm nô lệ tình dục, phục vụ nhu cầu tình dục của người khác
- Mua bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột, cưỡng bức lao động như ép buộc nạn nhân phải làm việc trái ý muốn hoặc ép buộc trẻ em làm công việc mà trẻ em không muốn làm
- Người phạm tội mua bán trẻ em thực hiện các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để chuyển giao nhằm mục đích lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân ví dụ như giác mạc, tim, thận, gan hoặc các phần khác của cơ thể có chức năng sinh lý nhất định của con người
- Người phạm tội mua bán trẻ em còn vì những mục đích vô nhân đạo khác như sử dụng trẻ em để làm thí nghiệm, ép buộc đi ăn xin, sử dụng trẻ em để thực hiện các tội phạm khác như lừa đảo, trộm cắp, buôn bán, vận chuyển ma túy.
Tuy nhiên, tội mua bán trẻ em chỉ cấu thành khi người phạm tội phải đồng thời có mục đích chuyển giao trẻ em hoặc tiếp nhận trẻ em và mục đích để nhận được tiền, tài sản, lợi ích vật chất (mục đích gián tiếp). Trường hợp người phạm tội chỉ có mục đích chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em thì tùy vào từng trường hợp cụ thể thì người phạm tội không bị truy cứu về tội mua bán trẻ em mà phạm các tội khác như Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội môi giới mại dâm, Tội chứa mại dâm;…..
Hậu quả của hành vi mua bán trẻ em là thực tế trẻ em trở thành món hàng hóa bị đưa ra để trao đổi, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của trẻ em bị xâm phạm. Nếu người phạm tội đã thực hiện các hành vi tìm kiếm, liên hệ nơi bán, mua trẻ em hoặc thỏa thuận giá cả nhưng vì nguyên nhân nào đó ngoài ý muốn khiến cho người phạm tội chưa hoàn thành việc mua bán trẻ em thì người đó vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em trong trường hợp phạm tội chưa đạt.
Đối tượng của tội mua bán trẻ em là đối tượng đặc biệt – trẻ em. Trẻ em trong tội danh là những người dưới 16 tuổi, không phân biệt giới tính. Đây là những người chưa phát triển đầy đủ về mặt nhận thức, thể chất, sức khỏe. Do đó, trước những thủ đoạn của người phạm tội, nạn nhân có thể không nhận thức được tính đúng sai cũng như không có đủ khả năng để chống trả với tội phạm.
Xem thêm bài viết: Tổ chức, bắt ép trẻ em đi ăn xin thì bị xử lý như thế nào?
2.2. Mặt khách thể của tội mua bán trẻ em
Tội mua bán trẻ em xâm phạm đến quan hệ pháp luật được pháp luật ưu tiên, bảo vệ. Hành vi mua bán trẻ em đã xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm và các quyền tự do chính đáng của con người như quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Ngoài ra, tội mua bán trẻ em còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự.
2.3. Mặt chủ thể của tội mua bán trẻ em
Người phạm tội mua bán trẻ em là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm về tội mua bán trẻ em nếu hành vi thuộc khoản 2, khoản 3 của Điều 151 Bộ luật hình sự. Thông thường, những người chưa thành niên phạm tội thường đóng vai trò đồng phạm.
2.4. Mặt chủ quan của tội mua bán trẻ em
Người phạm tội mua bán trẻ em thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi mua bán trẻ em là nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật nghiêm cấm, thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra nhưng mong muốn hậu quả xảy ra. Người phạm tội thực hiện hành vi mua bán trẻ em với nhiều động cơ, mục đích khác nhau như vì tiền, lợi ích vật chất, vụ lợi cá nhân hoặc vì động cơ trả thù,..
Cần phân biệt tội mua bán trẻ em với các tội: Tội môi giới mại dâm; Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người; Tội cưỡng bức lao động vì các tội danh này đều chứa các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, tội mua bán trẻ em thực hiện với mục đích chính là được nhận vật chất, lợi ích khác, còn các mục đích như bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể chỉ mới dừng lại ở ý định trong đầu người phạm tội mà chưa thực hiện ra ngoài thực tế. Trong khi đó, với các tội danh trên, hành vi bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể là dấu hiệu cấu thành tội phạm, người phạm tội phải thực hiện các hành vi trên thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3.Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội mua bán trẻ em
3.1 Người phạm tội mua bán trẻ em bị phạt tù từ 07 năm tù đến 12 năm
Người phạm tội thực hiện các hành vi chuyển giao, tiếp nhận, tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp trẻ em để được giao nhận tiền, tài sản, các lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích đã nêu ở trên thì bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn từ 07 năm đến 12 năm.
Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội mua bán trẻ em thực hiện hành vi chuyển giao trẻ em hoặc tiếp nhận trẻ em có mục đích trực tiếp là để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác nhưng bên cạnh đó còn có mục đích nhân đạo như xin con nuôi của người có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện nuôi con và muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và giao cho cha mẹ đứa trẻ một khoản tiền từ việc cho, nhận con thì không bị truy cứu trách nhiệm về tội phạm này.
3.2. Người phạm tội mua bán trẻ em bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
Đây là khung hình phạt của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong luật hình sự vì hậu quả và tính gây thiệt hại của hành vi tương đối lớn, không chỉ ảnh hưởng đến bản thân và gia đình nạn nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Trường hợp người phạm tội thực hiện các hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận trẻ em thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
- Người phạm tội mua bán trẻ em lợi dụng chức vụ, quyền hạn
- Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội mua bán trẻ em. Đây là trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn môi giới nuôi con dưới 16 tuổi để thực hiện tội mua bán trẻ em. Theo đó, người phạm tội mua bán trẻ em thuộc các trường hợp dưới đây thì được xem là phạm tội với tình tiết lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội:
- Người phạm tội biết mục đích của người nhận trẻ em làm con nuôi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc bán cho người khác vì mục đích vô nhân đạo nhưng vẫn chuyển giao trẻ em để nhận tiền, tài sản hoặc những lợi ích vật chất khác
- Người phạm tội lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì những mục đích vô nhân đạo khác
- Người phạm tội lợi dục chức vụ, quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản và các lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi trẻ em làm con nuôi trái pháp luật hoặc tạo những điều kiện thuận lợi cho việc môi giới, nhận nuôi con trái pháp luật dù biết mục đích của người nhận nuôi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc vì các mục đích bô nhân đạo khác
- Tuy nhiên, trong trường hợp người mua bán trẻ em biết người khác vì lý do hiếm muộn hoặc yêu trẻ có nhu cầu nuôi con nuôi đã môi mới cho người này xin con nuôi từ những gia đình khó khăn và có mong muốn cho con đẻ của mình đi làm con nuôi và có nhận được một khoản tiền từ việc cho con và việc môi giới thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em.
- Mua bán từ 02 trẻ em đến 05 trẻ em
- Mua bán trẻ em là trẻ do người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong trường hợp này, người phạm tội là cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
- Người phạm tội mua bán trẻ em đưa trẻ em ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trường hợp người phạm tội đã hoặc đang đưa trẻ em ra khỏi biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất của nước ta hoặc đã thực hiện thủ tục xuất cảnh đối với nạn nhân
- Người phạm tội mua bán trẻ em từ 02 lần trở lên là trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mua bán trẻ em từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
- Người phạm tội mua bán trẻ em vì động cơ đê hèn như để trả thù, trốn tránh trách nhiệm của bản thân, phạm tội đối với người mà mình mang ơn,…
- Trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận, vận chuyển, tuyển mộ, người phạm tội gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loại tâm thần và hành vi của trẻ em mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trừ trường hợp để lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân.
3.3. Người phạm tội mua bán trẻ em bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
Đây là mức phạt cao nhất của tội mua bán trẻ em. Theo đó, người phạm tội mua bán trẻ em sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất là tù chung thân – bị cách ly hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội vô thời hạn khi có hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chuyển giao, tiếp nhận trẻ em thuộc các trường hợp sau:
- Mua bán trẻ em có tổ chức là việc người phạm tội mua bán trẻ em với hình thức đồng phạm và có sự câu kết chặt chẽ với nhau, từng người phạm tội được phân công, sắp đặt vai trò nhất định trong quá trình phạm tội. Đây là trường hợp phạm tội nguy hiểm hơn việc mua bán trẻ em một cách đơn lẻ của một cá nhân, bởi khi thực hiện hành vi phạm tội mua bán trẻ em có tổ chức, người phạm tội dễ dàng thực hiện hơn và cũng dễ dàng che giấu hành vi phạm tội của mình
- Người phạm tội mua bán trẻ em có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi mua bán trẻ từ từ 05 lần trở lên không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tính. Người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được thông qua hoạt động mua bán trẻ em làm nguồn thu nhập chính, nguồn sống chính và xem hành vi phạm tội là nghề nghiệp để kiếm sống
- Quá trình mua bán trẻ em dẫn đến gây thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loại tâm thần và hành vi của trẻ em với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên
- Người phạm tội mua bán trẻ em để thực hiện lấy đi bộ phận cơ thể của trẻ em. Trường hợp người phạm tội đã lấy bộ phận cơ thể quyết định sự sống của nạn nhân như tim, buồng gan khiến trẻ em chết thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết tăng nặng “Để lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Trường hợp trong quá trình lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân khiến nạn nhân thương tích, tổn hại sức khỏe, rối loại tâm thần mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhận chết do nhiễm trùng hoặc tự sát thì tùy vào từng trường hợp mà người phạm tội mua bán trẻ em bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nặng hơn
- Trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận trẻ em khiến trẻ em chết hoặc tự sát. Ảnh hưởng tiêu cực của hành vi mua bán trẻ em đến tâm lý, tinh thần của nạn nhân, đặc biệt nếu mua bán trẻ em để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động khiến nạn nhân quẫn trí, suy nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết. Hành vi tự sát của nạn nhân không nhất thiết phải dẫn đến hậu quả chết người thì người phạm tội mới bị truy cứu về tình tiết này. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người phạm tội có lỗi vô ý với cái chết của nạn nhân
- Người phạm tội mua bán trẻ em đối với 06 người trở lên
- Người phạm tội mua bán trẻ em tái phạm nguy hiểm.
3.4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội mua bán trẻ em
Ngoài việc bị áp dụng các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. Cần làm gì khi phát hiện người phạm tội mua bán trẻ em
Trước tiên, để tránh trở thành nạn nhân của tội mua bán trẻ em, những người dưới 16 tuổi phải luôn được nhắc nhở, luôn nâng cao cảnh giác, đề phòng người lạ, người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn hoặc rủ hợp tác làm ăn.
Trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ về công việc lương cao trong các nhà máy, cửa hàng thì cần phải đặt nghi ngờ và tham khảo ý kiến của mọi người trong gia đình trước khi đồng ý và phải thông báo, nhắn gửi người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi đi xa.
Trong trường hợp phát hiện người phạm tội mua bán trẻ em thì cần thông báo tới cơ quan công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc bất kì cơ quan, tổ chức nào gần nhất nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi mua bán người.
Trên đây là toàn bộ Thông tin tội mua bán trẻ em. Trong trường hợp độc giả còn vấn đề nào thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề liên quan, xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc theo thông tin dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.