1. Tội rửa tiền là gì
Tội rửa tiền là tội phạm rất nghiêm trọng được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự nhằm tách tài sản do phạm tội mà có và “biến” nó thành “tiền hợp pháp” thông qua các thủ đoạn như gửi tiền vào ngân hàng, mua trái phiếu, chứng khoán bằng tiền mặt, mua đất, mua nhà, đá quý, kim loại quý hoặc các mặt hàng xa xỉ khác.
2. Các hình thức rửa tiền
Hiện nay, tội rửa tiền được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau
- Vận chuyển tiền mặt. Đây là hình thức rửa tiền truyền thống và được sử dụng rộng rãi bằng cách đưa tiền qua biên giới của các quốc gia chưa quy định hoặc quy định hạn chế về phòng chống rửa tiền;
- Sử dụng tiền vào các hoạt động đánh bài, trò chơi may rủi hoặc mua lại vé trúng thưởng với mức giá cao hơn. Ngoài ra, người phạm tội còn thực hiện rửa tiền thông qua các trò chơi đánh bạc trực tuyến bằng việc mua số lượng lớn thẻ đánh bạc nhưng chỉ sử dụng một trong số ít thẻ đánh bạc để sau đó yêu cầu được nhận lại được tiền dưới dạng séc và tuyên bố là tiền thắng cược;
- Rửa tiền thông qua các công ty bảo hiểm, hệ thống tín dụng. Bằng cách đưa tiền đi gửi tiết kiệm, mua trái phiếu hoặc mua bảo hiểm....;
- Rửa tiền thông qua các hoạt động mua vàng, bạc đá quý;
- Rửa tiền thông qua các tổ chức kinh doanh dịch vụ tiền tệ hoặc chuyển nhượng;
- Rửa tiền thông qua chứng từ giả;
- Rửa tiền thông qua các hoạt động chứng khoán như mua cổ phiếu hay trái phiếu. Người phạm tội tiến hành chi nhỏ số tiền do phạm tội mà có, sau đó mua nhiều loại chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu khác nhau và có thể được phát hành ở nước ngoài để biến chúng thành tiền hợp pháp;
- Rửa tiền thông qua việc thực hiện các giao dịch bất động sản hoặc tài sản sinh lợi;
- Phạm tội rửa tiền thông qua thành lập các công ty không hoạt động theo chức năng vốn có, các công ty thường thiết lập các hợp đồng khai khống giá trị hàng hóa thực tế để rửa tiền;
- Phạm tội rửa tiền thông qua cung cấp các dịch vụ tiền ảo, tài sản ảo.
3. Tội rửa tiền đi tù bao nhiêu lâu?
Tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi rửa tiền, người phạm tội rửa tiền có thể bị áp dụng hình phạt tù khác nhau với mức phạt cao nhất là từ 10 năm đến 15 năm. Cụ thể:
3.1. Thời hạn tù từ 01 năm đến 05 năm
Thời hạn này áp dụng cho người phạm tội thuộc một trong các trường hợp dưới đây và không có tình tiết tăng nặng:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng như:
- Cầm cố, thế chấp tài sản hoặc thực hiện bảo lãnh và cam kết về tài chính, kinh doanh ngoại tệ, công cụ thị trường tiền tệ và chứng khoán có thể chuyển nhượng; Chuyển tiền hoặc chuyển giá trị;
- Tham gia phát hành chứng khoán hoặc thực hiện giao dịch cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác;
- Cho vay, cho thuê tài chính; Mở tài khoản và tiền gửi, rút tiền tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
- Thực hiện góp vốn, huy động vốn vào doanh ghiệp bằng tiền, tài sản dưới mọi hình thức;
- Thực hiện quản lý danh mục đầu tư cá nhân và tập thể; quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán cho tổ chức, cá nhân khác; quản lý, cung cấp bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến đầu tư khác hoặc các hành vi khác trong giao dịch tài chính, ngân hàng theo quy định của pháp luật;
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch khác là việc người phạm tội rửa tiền trực tiếp thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua bên thứ ba hỗ trợ để Chơi, kinh doanh casino; Tham gia chơi, kinh doanh trò chơi có thưởng; Mua bán cổ vật hoặc các hành vi khác không liên quan đến tài chính ngân hàng;
- Biết hay có cơ sở để biết người khác phạm tội mà có là việc người phạm tội biết tiền, tài sản là tiền, tài sản bất hợp pháp do chính người phạm tội nguồn cho biết, được biết qua thông tin đại chúng, hoặc buộc phải biết có nguồn gốc bất hợp pháp;
- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có biết nguồn gốc của tài sản là bất hợp pháp vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
- Che giấu, cản trở xác minh thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí cũng như quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc người khác phạm tội mà có, như không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin nhưng không đầy đủ, cung cấp thông tin giả mạo, sửa chữa, xóa tài liệu chứng cứ,…)
- Thực hiện một trong các hành vi tham gia các giao dịch tài chính, ngân hàng, sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có hoặc có hành vi che giấu đối với tiền, tài sản mà người phạm tội biết là tài sản có được từ việc chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
3.2. Thời hạn từ 05 năm đến 10 năm
Trường hợp cá nhân thực hiện một trong các hành vi rửa tiền nhưng thuộc một trong những trường hợp dưới đây thì bị áp dụng khung hình phạt tội rửa tiền tăng nặng là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
- Người phạm tội rửa tiền có tổ chức
- Người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để phạm tội rửa tiền;
- Người phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội lấy hành vi rửa tiền làm công việc, ngành nghề chính hoặc lấy khoản tiền thu lợi bất chính từ việc rửa tiền làm nguồn sống chính. Ngoài ra, người phạm tội phải thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên;
- Cá nhân dùng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để rửa tiền như sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước hoặc sử dụng những thủ đoạn gian dối, mánh khóe nhằm tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội;
- Tiền, tài sản phạm tội mà có có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Hành vi rửa tiền giúp cho người phạm tội thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
- Người phạm tội tái phạm nguy hiểm.;
3.3. Thời hạn từ 10 năm đến 15 năm
Trường hợp tiền, tài sản do phạm tội mà có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc người phạm tội thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến tính ổn định hoặc gây ra nguy cơ mất ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia như làm mất lòng tin của công chúng, làm mất khả năng thanh khoản, mất cân bằng hệ thống tài chính,… thì cá nhân bị áp dụng khung hình phạt tội rửa tiền cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm
Ngoài ra, cá nhân phạm tội rửa tiền còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm tính từ thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt tù.
Đối với cá nhân chuẩn bị công cụ, phương tiện để chuẩn bị phạm tội rửa tiền thì chỉ bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
4. Pháp nhân rửa tiền có phạm tội rửa tiền không?
Căn cứ theo Điều 324 Bộ luật Hình sự, trường hợp pháp nhân thực hiện các hành vi tương tự như cá nhân nêu trên thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền theo các khung hình phạt dưới đây:
- Trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi rửa tiền nhưng không có tình tiết tăng nặng thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
- Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, phạm tội từ 02 lần trở lên, tiền, tài sản phạm tội mà có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ hoạt động rửa tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng;
- Trường hợp pháp nhân thương mại thực hiện rửa tiền, tài sản có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia thì bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động của pháp nhân từ 01 năm đến 03 năm;
- Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội rửa tiền đã gây ra thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây ra thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả do hành vi rửa tiền gây ra thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;
- Trường hợp pháp nhân thương mại được thành lập nhằm mục đích chính là để kinh doanh, buôn bán hàng cấm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp, pháp nhân thương mại phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung:
- Phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng
- Cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
- Cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Có thể bạn quan tâm: Trách nhiệm và hình phạt của pháp nhân theo quy định pháp luật
5. Trường hợp không phạm tội rửa tiền
Không phải mọi trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi rửa tiền đều phạm tội rửa tiền. Do đó, nếu cá nhân, tổ chức không thỏa mãn đồng thời các điều kiện tương ứng dưới đây với cá nhân/tổ chức thì không phạm tội rửa tiền:
- Người phạm tội rửa tiền thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Việc người phạm tội có đạt được mục đích hay không không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Trường hợp người phạm tội rửa tiền nhưng chưa đạt được mục đích phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt;
- Người phạm tội rửa tiền đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, xâm phạm trật tự an toàn xã hội, an toàn công cộng;
- Đối tượng tác động của tội rửa tiền là tiền (Việt Nam đồng, ngoại tệ) và tài sản (vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản tồn tại dưới dạng vật chất, phi vật chất hoặc hữu hình, vô hình,..) do hành vi phạm tội mà có
- Người phạm tội rửa tiền thực hiện các hành vi: tham gia giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do phạm tội mà có; sử dụng hoặc che giấu nguồn gốc của số tiền do phạm tội mà có;
- Chủ thể phạm tội:
- Đối với cá nhân, phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội nhận thức được hành vi rửa tiền là trái pháp luật và có khả năng điều khiển, quyết định thực hiện hay không thực hiện hành vi rửa tiền
- Đối với pháp nhân thì là pháp nhân thương mại được thành lập nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận bao gồm doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác. Ngoài ra, pháp nhân thương mại phạm tội này còn là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế được thành lập đúng quy định nhưng mục đích chính của pháp nhân là thực hiện hành vi rửa tiền.
Từ những nội dung đã trình bày ở trên, có thể thấy, bất kể người nào đủ tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một trong các hành vi rửa tiền thì đều phạm tội rửa tiền. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi rửa tiền mà người phạm tội có thể bị áp dụng các khung hình phạt tội rửa tiền khác nhau.