1. Điều kiện được cấp giấy phép cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu
Căn cứ Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 quy định về danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện xác định 229 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó kinh doanh xăng dầu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Để được cấp giấy phép đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cần đáp ứng các điều kiện sau:
1.1. Điều kiện về chủ thể xin cấp phép bán lẻ xăng dầu
Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, cụ thể tại khoản 15 Điều 3, quy định chủ thể kinh doanh bán lẻ xăng dầu là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.
Theo đó, thương nhân được nhận quyền bán lẻ xăng dầu khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, gồm:
- Thương nhân bán lẻ xăng dầu phải được thành lập theo quy định pháp luật, Giấy phép đăng ký kinh doanh phải xác định rõ ngành, nghề kinh doanh là kinh doanh xăng dầu;
- Thương nhân phải có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc được thuê với thời hạn từ năm (05) năm trở lên;
- Có đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên kinh doanh được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định pháp luật.
1.2. Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu
a) Điều kiện về địa điểm kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu
- Cửa hàng bán lẻ xăng dầu được xây dựng phù hợp với quy hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho xăng dầu phục vụ nhu cầu xăng dầu lưu thông, việc xây dựng phải phù hợp về khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng xăng và các khu dân cư;
- Cửa hàng phải thuộc sở hữu hoặc phải được thuê với thời hạn ít nhất là năm (05) năm bởi thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu;
- Vị trí xây dựng phải đảm bảo an toàn cũng như các quyền lợi của khu dân cư, bao gồm việc xử lý và bảo vệ nguồn nước, giảm tiếng ồn và ô nhiễm không khí, đảm bảo phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hoạt động của cửa hàng không gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xung quanh.
- Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước, việc di chuyển của cửa hàng không làm ảnh hưởng đến luồng tuyến giao thông, việc neo đậu chỉ thực hiện tại các địa điểm theo quy của từng địa phương và phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý đường sông chấp thuận.
b) Điều kiện về mặt kỹ thuật xây dựng
Việc thiết kế và xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thực hiện theo các yêu cầu quy định tại QCVN 01:2020/BCT về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu:
- Các yêu cầu chung đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu
- Vị trí xây dựng, neo đậu cửa hàng xăng dầu, các dịch vụ tiện ích thuộc cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, xây dựng, vệ sinh môi trường, phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật hiện hành;
- Việc sử dụng các thiết bị công nghệ để thanh toán phải được thực hiện ngoài vùng nguy hiểm hoặc phải là loại phòng nổ;
- Trường hợp cửa hàng xăng dầu có kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đóng chai thì phải tuân thủ quy định tại TCVN 6223:2017;
- Phải xây dựng phương án phòng ngừa sự cố tràn dầu;
- Tuân thủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Yêu cầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt đất và mặt nước
- Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu mặt đất phải đảm bảo các quy định về khoảng cách giữa các hạng mục xây dựng, kết cấu và vật liệu xây dựng, đường và bãi đỗ xe cho xe ra vào, tường bao,...
- Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước, kết cấu và vật liệu xây dựng phải có bậc chịu lửa II, III; phải có phương án phòng chống lụt bão, phải xác định vị trí neo đậu tránh bão theo quy định; phải có biện pháp chống, néo và sơ tán để tránh bão,... .
- Ngoài các yêu cầu chung, mỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đảm bảo các yêu cầu riêng mang tính đặc thù đối với từng hạng mục trong cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm đảm bảo an toàn trong suốt thời gian cửa hàng hoạt động.
c) Điều kiện về cán bộ quản lý và nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Cán bộ quản lý và nhân viên kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, điều kiện về trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, cán bộ, nhân viên phải đảm bảo đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc, có giấy khám sức khỏe và xác nhận đủ sức khỏe để làm việc.
Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu là hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định pháp luật.
2. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến giấy phép bán lẻ xăng dầu
1.2. Giấy chứng nhận cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hiệu lực trong bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có hiệu lực năm (05) năm.
1.3. Có được gia hạn đối với Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu không?
Điểm d khoản 2 Điều 25 Nghị định 83/2014/NĐ-CP và tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 95 /2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định việc cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trong trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực.
Như vậy, thời hạn của Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là năm (05) và không được gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận. Trường hợp thương nhân tiếp tục kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận mới.
Trên đây là những giải đáp của Luật Ánh Ngọc về những băn khoăn của quý bạn đọc về giấy phép bán lẻ xăng dầu.
Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Cảm ơn quý khách đã quan tâm và theo dõi bài viết của Luật Ánh Ngọc.