1.Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ
Kinh doanh công cụ hỗ trợ là kinh doanh những phương tiện đặc biệt chịu sự quản lý của nhà nước. Không như các quốc gia được tự do sử dụng, kinh doanh vũ khí, nhằm đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia và trật tự xã hội, Việt Nam luôn quan tâm đến việc quản lý, sử dụng và kinh doanh các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bởi lẽ, đây là những phương tiện có thể gây thương tích và nguy hiểm đến con người nếu không được sử dụng đúng cách.
Muốn kinh doanh công cụ hỗ trợ, tức là muốn được sản xuất, mua bán, xuất nhập khẩu công cụ hỗ trợ thì doanh nghiệp phải được cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ thuộc về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an bởi đây là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Không chỉ cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội còn cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ, giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự,...
2. Hồ sơ xin giấy phép thành lập kinh doanh công cụ hỗ trợ
Muốn xin giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ, doanh nghiệp cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Văn bản đề nghị được cấp phép kinh doanh công cụ hỗ trợ theo quy định;
- Bản sao quyết định thành lập hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản công cụ hỗ trợ;
- Danh sách người quản lý, người phục vụ có liên quan trực tiếp đến công tác bảo quản và kinh doanh công cụ hỗ trợ; hồ sơ cá nhân của người đại diện doanh nghiệp; kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho bảo quản công cụ hỗ trợ;
- Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.
Lưu ý: Bản sao các loại giấy tờ cần phải được công chứng, tài liệu tiếng nước ngoài phải được dịch ra Tiếng Việt. Để quá trình duyệt hồ sơ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng nên chọn người quản lý, người có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh công cụ hỗ trợ không phải là người có tiền án, tiền sự, người đang chấp hành án treo, người đang tạm hoãn thi hành án,... Bởi đây là những đối tượng không được phép kinh doanh công cụ hỗ trợ.
3. Mẫu đơn xin cấp giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ
Văn bản đề nghị được cấp phép kinh doanh công cụ hỗ trợ bao gồm những nội dung sau đây: Quốc hiệu, tiêu ngữ, ngày tháng năm đề nghị, kính gửi cơ quan có thẩm quyền (mà ở đây là Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội).
Bên cạnh đó, văn bản này có những nội dung rất quan trọng sau đây:
- Tên cơ quan, tổ chức đề nghị được cấp phép kinh doanh công cụ hỗ trợ;
- Các thông tin liên quan đến doanh nghiệp: số giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại, email, fax, người đại diện;
- Nội dung đề nghị: đề nghị được kinh doanh công cụ hỗ trợ nào, mã số bao nhiêu,...
Văn bản đề nghị cấp phép này rất quan trọng và không thể thiếu trong hồ sơ xin cấp phép kinh doanh công cụ hỗ trợ. Vì phải có sự đề nghị cấp phép từ phía doanh nghiệp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể xem xét và cấp phép cho doanh nghiệp được.
4. Một số câu hỏi liên quan về giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ
Hỏi: Ai là người được sử dụng công cụ hỗ trợ?
Đáp: Các đối tượng được phép sử dụng công cụ hỗ trợ bao gồm: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Cơ quan thi hành án dân sự; Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, Kiểm ngư, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thủy sản; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan; Đội kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường; An ninh hàng không, lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải; Lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ; Ban Bảo vệ dân phố; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Cơ sở cai nghiện ma túy; Các đối tượng khác có nhu cầu trang bị công cụ hỗ trợ thì căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Hỏi: Có được cấp lại giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ không?
Đáp: Giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ có thể được cấp lại theo quy định của pháp luật, tuỳ vào các trường hợp cụ thể và cũng phải tuân theo quy trình, thủ tục cấp lại giấy phép kinh doanh công cụ hỗ trợ tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến mẫu văn bản xin cấp phép kinh doanh công cụ hỗ trợ. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc cần sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Quý khách hàng hãy liên hệ ngay đến Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ và giải đáp.