Cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần đáp ứng điều kiện gì?


Cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần đáp ứng điều kiện gì?
Hiện nay tôi đang có nhu cầu muốn mở một cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, tôi được nhiều người nói việc mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu rất phức tạp và khó khăn bởi nếu muốn kinh doanh xăng dầu phải đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định. Vậy để mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu tôi phải đáp ứng những điều kiện gì, trình tự và thủ tục thực hiện như thế nào?

1. Thế nào là giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu?

Xăng dầu là tên chung để chỉ các sản phẩm của quá trình lọc dầu thô, dùng làm nhiên liệu, bao gồm: Xăng động cơ, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu mazut, nhiên liệu bay; nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác dùng làm nhiên liệu động cơ, không bao gồm các loại khí hóa lỏng và khí nén thiên nhiên.

Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu bao gồm: Cảng chuyên dụng, nhà máy sản xuất, xưởng pha chế, kho, phương tiện vận chuyển và cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Cửa hàng bán lẻ xăng dầu được thành lập và hoạt động theo quy hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đảm bảo mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu lưu thông.

Như vậy, cửa hàng bán lẻ xăng dầu là cơ sở kinh doanh chuyên cung cấp nhiên liệu cho các phương tiện giao thông và có vai trò quan trọng trong hệ thống cung cấp nhiên liệu và có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thường nhật của người dân, doanh nghiệp và hoạt động kinh tế chung.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, để thành lập cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ngoài đảm bảo việc thành lập cửa hàng nằm trong quy hoạch mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải có giấy phép bán lẻ xăng dầu.

Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là giấy phép được cấp cho cơ sở kinh doanh xăng dầu:

  • Có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch của Nhà nước về mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho xăng dầu phục vụ nhu cầu xăng dầu lưu thông;
  • Thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu của đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, thương nhân sản xuất xăng dầu có hệ thống phân phối hoặc thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu;
  • Đáp ứng được đầy đủ các điều kiện về xây dựng, thiết kế, trang thiết bị, cán bộ quản lý và nhân viên bán hàng theo tiêu chuẩn do luật định.
  • Do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Điều kiện được cấp giấy phép cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu

Căn cứ Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 quy định về danh mục các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện xác định 229 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó kinh doanh xăng dầu là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Để được cấp giấy phép đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cần đáp ứng các điều kiện sau:

2.1. Điều kiện về chủ thể xin cấp phép bán lẻ xăng dầu

Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, cụ thể tại khoản 15 Điều 3, quy định chủ thể kinh doanh bán lẻ xăng dầu là thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu, kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.

Theo đó, thương nhân được nhận quyền bán lẻ xăng dầu khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 22 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, gồm:

  • Thương nhân bán lẻ xăng dầu phải được thành lập theo quy định pháp luật, Giấy phép đăng ký kinh doanh phải xác định rõ ngành, nghề kinh doanh là kinh doanh xăng dầu;
  • Thương nhân phải có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc được thuê với thời hạn từ năm (05) năm trở lên;
  • Có đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên kinh doanh được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định pháp luật.

2.2. Điều kiện đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu

 

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần có những điều kiện gì để được cấp phép
Yêu cầu bắt buộc đối với cửa hàng xăng dầu

a)  Điều kiện về địa điểm kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu

  • Cửa hàng bán lẻ xăng dầu được xây dựng phù hợp với quy hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kho xăng dầu phục vụ nhu cầu xăng dầu lưu thông, việc xây dựng phải phù hợp về khoảng cách tối thiểu giữa các cửa hàng xăng và các khu dân cư;
  • Cửa hàng phải thuộc sở hữu hoặc phải được thuê với thời hạn ít nhất là năm (05) năm bởi thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu;
  • Vị trí xây dựng phải đảm bảo an toàn cũng như các quyền lợi của khu dân cư, bao gồm việc xử lý và bảo vệ nguồn nước, giảm tiếng ồn và ô nhiễm không khí, đảm bảo phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hoạt động của cửa hàng không gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xung quanh.
  • Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước, việc di chuyển của cửa hàng không làm ảnh hưởng đến luồng tuyến giao thông, việc neo đậu chỉ thực hiện tại các địa điểm theo quy của từng địa phương và phải được cơ quan có thẩm quyền quản lý đường sông chấp thuận.

b)  Điều kiện về mặt kỹ thuật xây dựng

Việc thiết kế và xây dựng cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thực hiện theo các yêu cầu quy định tại QCVN 01:2020/BCT về yêu cầu thiết kế cửa hàng xăng dầu:

  • Các yêu cầu chung đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu 
    • Vị trí xây dựng, neo đậu cửa hàng xăng dầu, các dịch vụ tiện ích thuộc cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, xây dựng, vệ sinh môi trường, phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật hiện hành;
    • Việc sử dụng các thiết bị công nghệ để thanh toán phải được thực hiện ngoài vùng nguy hiểm hoặc phải là loại phòng nổ;
    • Trường hợp cửa hàng xăng dầu có kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đóng chai thì phải tuân thủ quy định tại TCVN 6223:2017;
    • Phải xây dựng phương án phòng ngừa sự cố tràn dầu;
    • Tuân thủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật hiện hành.
  • Yêu cầu đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt đất và mặt nước
    • Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu mặt đất phải đảm bảo các quy định về khoảng cách giữa các hạng mục xây dựng, kết cấu và vật liệu xây dựng, đường và bãi đỗ xe cho xe ra vào, tường bao,...
    • Đối với cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên mặt nước, kết cấu và vật liệu xây dựng phải có bậc chịu lửa II, III; phải có phương án phòng chống lụt bão, phải xác định vị trí neo đậu tránh bão theo quy định; phải có biện pháp chống, néo và sơ tán để tránh bão,... .
  • Ngoài các yêu cầu chung, mỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đảm bảo các yêu cầu riêng mang tính đặc thù đối với từng hạng mục trong cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm đảm bảo an toàn trong suốt thời gian cửa hàng hoạt động.

c) Điều kiện về cán bộ quản lý và nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu

Cán bộ quản lý và nhân viên kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải đáp ứng các điều kiện sau:

Thứ nhất, điều kiện về trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên của cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo huấn luyện  nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, cán bộ, nhân viên phải đảm bảo đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc, có giấy khám sức khỏe và xác nhận đủ sức khỏe để làm việc.

Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu là hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định pháp luật.

3. Quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu

 

Các bước xin cấp giấy phép ban lẻ
Các bước xin cấp phép bán lẻ xăng dầu

Thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần thực hiện thủ tục xin Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần chuẩn bị một (01) bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Thương nhân nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo 03 hình thức: trực tiếp, trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính. Theo đó, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là Sở Công thương nơi mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Bước 3: Chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ và nhận kết quả

Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận của thương nhân, Sở Công thương có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ.

  • Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Sở Công thương phải có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung;
  • Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Công thương có trách nhiệm xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu cho thương nhân.

Nếu Sở Công thương từ chối cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do từ chối cấp.

4. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến giấy phép bán lẻ xăng dầu

4.1. Mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà không có giấy phép bán lẻ xăng dầu có bị xử phạt không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trường hợp thương nhân kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu thì bị phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Bên cạnh hình phạt chính, thương nhân sẽ bị đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu từ 01 đến 03 tháng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm.

Như vậy, nếu thương nhân mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà không có giấy phép bán lẻ xăng dầu sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật.

4.2. Giấy chứng nhận cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hiệu lực trong bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có hiệu lực năm (05) năm.

4.3. Có được gia hạn đối với Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu không?

Điểm d khoản 2 Điều 25 Nghị định 83/2014/NĐ-CP và tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 95 /2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định việc cấp lại Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trong trường hợp Giấy chứng nhận hết hiệu lực.

Như vậy, thời hạn của Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là năm (05) và không được gia hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận. Trường hợp thương nhân tiếp tục kinh doanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận mới.

Trên đây là những giải đáp của Luật Ánh Ngọc về những băn khoăn của quý bạn đọc về giấy phép bán lẻ xăng dầu.

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Cảm ơn quý khách đã quan tâm và theo dõi bài viết của Luật Ánh Ngọc.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.