1. Xử lý vi phạm liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu
Mặc dù các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu tương đối đầy đủ và rõ ràng nhưng không ít thương nhân khi tiến hành hoạt động kinh doanh xăng dầu vẫn có một số hành vi vi phạm quy định pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.
1.1. Các vi phạm về Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu của thương nhân
Căn cứ các quy định pháp luật về các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, xác định: Các vi phạm về Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu thuộc nhóm các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh.
Theo đó, Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện là một trong các loại giấy phép kinh doanh xăng dầu do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu đáp ứng các điều kiện tại Điều 24 Nghị định 83/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định 95/2021/NĐ-CP.
Các hành vi vi phạm thường gặp của thương nhân kinh doanh xăng dầu gặp liên quan đến loại giấy phép này có thể kể đến như:
Thứ nhất, hành vi thực hiện bán lẻ xăng dầu mà không có giấy phép kinh doanh, được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 99/2020/NĐ-CP.
Theo đó, nếu một thương nhân sở hữu nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì tại mỗi cửa hàng này đều phải được kiểm định về các điều kiện bán lẻ xăng dầu và được cấp Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Trường hợp một cửa hàng của thương nhân không được cấp Giấy chứng nhận thì cửa hàng đó sẽ vi phạm điều kiện kinh doanh xăng dầu và bị áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, việc không có giấy phép bán lẻ xăng dầu còn được hiểu là trường hợp thương nhân đã làm thủ tục xin cấp phép nhưng chưa cấp phép đã tiến hành kinh doanh.
Thứ hai, hành vi sử dụng Giấy chứng nhận được cấp đã hết hiệu lực theo điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định 99/2020/NĐ-CP.
Hiệu lực Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định pháp luật là năm (05) năm kể từ ngày cấp mới (khoản 4 Điều 25 Nghị định 83/2014/NĐ-CP), sau thời hạn đó, thương nhân thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận như trường hợp cấp mới.
Tuy nhiên, vì lý do nào đó (không nhớ thời hạn hoặc cố tình không thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận), thương nhân kinh doanh xăng dầu vẫn duy trì hoạt động của cửa hàng xăng dầu mà không đảm bảo điều kiện về Giấy chứng nhận theo quy định.
Thứ ba, hành vi sử dụng Giấy chứng nhận của thương nhân khác để kinh doanh xăng dầu theo điểm c khoản 3 Điều 20 Nghị định 99/2020/NĐ-CP.
Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là giấy phép cấp cho cửa hàng kinh doanh, ghi nhận các thông tin liên quan đến cửa hàng như tên cửa hàng, địa chỉ, thương nhân cung cấp xăng dầu, cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp nào,...
Quy định tại khoản 18 Điều 1 Nghị định 95/2021, thương nhân kinh doanh xăng dầu phải đứng tên trên Giấy chứng nhận và là chủ sở hữu của cửa hàng (hoặc là người thuê với thời hạn ít nhất là năm (05) năm).
Như vậy trường hợp thương nhân kinh doanh xăng dầu, sử dụng Giấy chứng nhận do thương nhân khác đứng tên là hành vi không phù hợp với các quy định của pháp luật.
Thứ tư, hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu (khoản 1 Điều 20 Nghị định 99/2020/NĐ-CP).
Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu là giấy phép do cơ quan nhà nước cấp cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu ghi nhận việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh do pháp luật quy định. Các nội dung trên Giấy chứng nhận được pháp luật bảo đảm, mọi hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa là trái với quy định pháp luật.
1.2. Hình thức và mức độ xử phạt liên quan đến Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu
Ứng với mỗi loại hành vi và tùy vào mức độ vi phạm sẽ áp dụng hình thức và mức độ xử lý phù hợp. Hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, các vi phạm liên quan đến Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu được xử lý như sau:
Về hình thức xử phạt, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền (khoản 1 Điều 4 Nghị định 99/2020/NĐ-CP).
Thương nhân vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
Ngoài hai hình thức trên, thương nhân có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 99/2020/NĐ-CP đối với từng hành vi cụ thể.
Về mức xử lý vi phạm, được áp dụng với từng hành vi cụ thể và tùy theo tính chất, mức độ của hành vi:
- Đối với hành vi không có Giấy chứng nhận, thương nhân bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng; bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
- Đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong giấy phép, thương nhân kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, bị buộc nộp lại Giấy chứng nhận đã bị tẩy xóa, sửa chữa.
- Đối với hành vi sử dụng Giấy chứng nhận được cấp đã hết hiệu lực và sử dụng giấy phép của thương nhân khác để kinh doanh, thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng; bị buộc nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm
Thẩm quyền xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu được quy định tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP, theo đó căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và sự phân định thẩm quyền xử phạt giữa các chủ thể, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến Giấy chứng nhận gồm:
- UBND các cấp, cụ thể là Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 56 và khoản 1 Điều 63;
- Công an nhân dân căn cứ các quy định tại khoản 5, 6, 7 Điều 57 và khoản 2 Điều 63;
- Bộ đội biên phòng xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 4, 5, 6 Điều 58 và tại khoản 3 Điều 63;
- Cảnh sát biển Việt Nam xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 4, 5, 6, 7 Điều 59 và khoản 4 Điều 63;
- Quản lý thị trường xử lý vi phạm theo khoản 2, 3, 4 Điều 61 và khoản 7 Điều 63;
- Thanh tra thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 Điều 62 và khoản 7 Điều 63.
3. Những lưu ý để tránh bị xử phạt khi bán lẻ xăng dầu
Từ những phân tích trên, Công ty Luật Ánh Ngọc đưa ra một số lưu ý nhằm tránh việc bị xử phạt khi bán lẻ xăng dầu như sau:
Một là, cửa hàng bán lẻ xăng dầu cần đáp ứng các điều kiện trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh xăng dầu, phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định pháp luật.
Hai là, thường xuyên cập nhật các thông tin trên Giấy chứng nhận như tên cửa hàng, địa chỉ kinh doanh, tên thương nhân cung cấp xăng dầu, thời hạn của Giấy chứng nhận,... để kịp thời thực hiện việc xin cấp Giấy chứng nhận mới, sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận hoặc cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định.