1. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định trong Bộ luật hình sự theo hướng không có lợi, làm tăng nặng thêm tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, từ đó làm tăng nặng thêm trách nhiệm hình sự của người phạm tội trong một khung hình phạt.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là các tình tiết làm tăng mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, từ đó làm căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình cho người phạm tội trong phạm vi một khung hình phạt so với các tội khác không có tình tiết tăng nặng đó. Chính bởi ý nghĩa của tình tiết này mà pháp luật hình sự nước ta quy định là chỉ có những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định trong các Điều cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để Tòa án áp dụng trong việc quyết định hình phạt.
1.1. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội
Những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng với cá nhân phạm tội được quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự, theo đó chỉ những tình tiết quy định tại khoản này mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để Tòa án áp dụng, các tình tiết khác không được quy định trong khoản này thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt.
Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự quy định có 15 tình tiết được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tương ứng từ điểm a đến điểm p khoản 1 Điều 52 này.
Chỉ những tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 52 này mới được coi là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, những tình tiết khác không được quy định mặc định không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, và Tòa án không được sử dụng các tình tiết này vào việc quyết định hình phạt đối với bị cáo.
1.2. Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung thêm đối tượng của chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại (là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên gồm doanh nghiệp và tổ chức kinh tế khác)và để pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự thì phải có đủ các điều kiện sau:
- Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
- Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
- Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự quy định.
Pháp nhân thương mại phạm tội cũng bị áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, do khác với cá nhân phạm tội nên các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định riêng tại khoản 1 Điều 85 Bộ luật Hình sự năm 2015. Và cũng chỉ có những tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 85 này mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng cho pháp nhân.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân được quy định gồm:
- Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội
- Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng
- Phạm tội 02 lần trở lên
- Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm
- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội
- Dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội hoặc nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm
2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định trong Bộ luật Hình sự theo hướng có lợi cho người phạm tội, làm giảm nhẹ đi tính chất nguy hiểm, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, từ đó làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội.
2.1. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với cá nhân phạm tội
Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bao gồm các tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó gồm có 22 điểm từ điểm a đến điểm x tương ứng với 22 tình tiết có thể được áp dụng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, với tính nhân đạo của pháp luật hình sự, Bộ luật hình sự có quy định các tình tiết khác tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự cũng có thể được áp dụng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và khi áp dụng thì Tòa án phải ghi rõ lý do giảm nhẹ, ví dụ như việc người phạm tội đầu thú,…
2.2. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Cũng giống như đối với cá nhân phạm tội, pháp nhân phạm tội cũng được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quyết định hình phạt. Các tình tiết cụ thể được quy định tại khoản 1 Điều 84 Bộ luật Hình sự 2015 được quy định gồm:
- Đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm
- Tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả
- Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không ớn
- Tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án
- Có nhiều đóng góp trong việc thực hiện chính sách xã hội
Ngoài những tình tiết quy định tại khoản 1 này, thì Tòa án có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ để Tòa án quyết định hình phạt. Quyết định hình phạt là hoạt động cụ thể nhất để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội, do đó hoạt động này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xử lý đúng đắn vụ án. Hình phạt phải được quyết định phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để đạt được mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng của hình phạt, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bộ luật hình sự năm 2015 quy định khá nhiều các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hơn nữa, trong mỗi điều luật cụ thể có quy định các tình tiết định khung tăng nặng hình phạt, các tình tiết định khung giảm nhẹ hình phạt trùng với các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Tòa án áp dụng để quyết định hình phạt phù hợp thì có một số nguyên tắc như sau:
- Những tình tiết đã quy định là dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm sự nữa. Ví dụ: Tại điểm o khoản 1 Điều 123 quy định tình tiết "phạm tội có tổ chức" là tình tiết định khung hình phạt tăng nặng, vì vậy nếu người phạm tội vi phạm khoản này sẽ không áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "phạm tội có tổ chức" quy định tại điểm a khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 nữa.
- Chỉ những tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015 mới được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
- Ngoài những tình tiết đã được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự thì tại khoản 2 Điều này, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc những tình tiết khác là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng phải có lý do trong bản án.
Mỗi tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đều có ý nghĩa và phản ánh mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với việc quyết định hình phạt, cũng vì vậy mà Tòa án cần phải cân nhắc mức độ ảnh hưởng của các tình tiết này đối với hành vi phạm tội và người phạm tội để có thể đưa ra quyết định về hình phạt phù hợp mà sẽ không căn cứ vào số lượng của các tình tiết đó.
Ví dụ, A phạm tội cố ý gây thương tích thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự, mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ từ 06 tháng đến 03 năm, cao nhất là phạt tù đến 3 năm. Vì vậy, kể cả có 1 hay nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì hình phạt cao nhất có thể áp dụng với A là 03 năm tù.
Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 52 và Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với cá nhân phạm tội, Điều 84, 85 Bộ luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đều là những tình tiết có liên quan đến tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thái độ, khả năng giáo dục, cải tạo của người phạm tội, Tòa án khi quyết định hình phạt cần phải căn cứ thêm các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để đảm bảo quyết định hình phạt đúng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và để đạt được tối đa hiệu quả của hình phạt khi áp dụng với người phạm tội.
Trên đây là tổng hợp các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Để tìm hiểu các tình tiết cụ thể hơn, mời các bạn theo dõi trang web của Luật Ánh Ngọc chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật những bài viết tiếp theo phân tích các tình tiết này.
Xem thêm: Có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp phạm tội lần đầu?