1. Hành vi sản xuất rượu không có giấy phép sản xuất rượu bị xử lý thế nào?
Pháp luật hiện hành cho phép cơ sở sản xuất rượu được thực hiện hoạt động sản xuất của mình thông qua hai hình thức: sản xuất rượu công nghiệp và sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, sản xuất rượu là một trong những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, do đó, giấy phép sản xuất rượu là bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất rượu. Mọi hành vi sản xuất rượu không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định.
Điểm a, khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định chi tiết mức phạt đối với hành vi không có giấy phép sản xuất rượu. Theo đó, cơ sở sản xuất rượu không có giấy phép bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều này quy định, đối với hoạt động sản xuất rượu công nghiệp, mức phạt được áp dụng gấp 02 lần, tức là cơ sở sản xuất rượu công nghiệp có thể bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Lưu ý rằng, đây là mức hình phạt áp dụng cho cá nhân, tổ chức có cùng hành vi thì áp dụng mức phạt gấp 02 lần cá nhân.
Như vậy: Mức phạt đối với hành vi sản xuất rượu không giấy phép được quy định:
- Đối với hành vi sản xuất rượu thủ công, mức phạt đối với cá nhân là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, mức phạt đối với tổ chức từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
- Đối với hành vi sản xuất rượu công nghiệp, mức phạt đối với cá nhân là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, mức phạt đối với tổ chức từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.
2. Mức xử phạt vi phạm khác liên quan đến giấy phép sản xuất rượu
Để hoạt động sản xuất rượu được quản lý và hoạt động theo khuôn khổ pháp luật, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt một số hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép kinh doanh, trong đó có giấy phép sản xuất rượu.
- Mức xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cơ sở sản xuất rượu có hành vi:
- Tự ý sửa chữa, tẩy xóa nội dung trên giấy phép sản xuất rượu;
- Cơ sở sản xuất rượu có hành vi cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp giấy phép sản xuất rượu;
- Cơ sở sản xuất rượu thuê, mượn, nhận chuyển nhượng, nhận cầm cố giấy phép của cơ sở khác.
- Mức xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi cơ sở sản xuất rượu có hành vi: Sản xuất rượu không đúng nội dung ghi trên giấy phép về phạm vi, quy mô, địa điểm, mặt hàng rượu.
- Mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cơ sở sản xuất rượu có một trong các hành vi:
- Sản xuất rượu khi giấy phép sản xuất rượu đã hết thời hạn hiệu lực;
- Cơ sở sản xuất rượu không đáp ứng được điều kiện kinh doanh trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất;
- Cơ sở sản xuất rượu sử dụng giấy phép sản xuất rượu của tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh.
- Mức xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cơ sở sản xuất rượu đã bị thu hồi giấy phép sản xuất nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi sản xuất.
Lưu ý: Mức xử phạt được phân tích trên được áp dụng đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Đối với cơ sở sản xuất rượu công nghiệp, mức phạt được quy định gấp 02 lần mức phạt trên. Theo đó, mức phạt đối với cơ sở sản xuất rượu công nghiệp tùy theo hành vi có thể dao động từ 6.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
Đồng thời, căn cứ quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt được xác định gấp 02 lần mức phạt cá nhân.
3. Giải đáp thắc mắc liên quan đến xử phạt các hành vi vi phạm về giấy phép sản xuất rượu
3.1. Thực trạng sản xuất rượu không có giấy phép hiện nay
Hiện nay, nhu cầu sử dụng rượu và các loại đồ uống có cồn của người dân ngày càng tăng cao bởi tính tiện lợi, nhanh chóng. Sự phát triển của ngành nghề này cũng kéo theo nhiều các cơ sở sản xuất rượu được mở, thu về nguồn lợi nhuận ổn định cho các cơ sở sản xuất.
Pháp luật hiện hành đã có quy định liên quan đến việc xin giấy phép cũng như xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép sản xuất rượu. Tuy nhiên, sự hiểu biết cũng như tiếp cận pháp luật của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn cũng như miền núi còn hạn chế, dẫn đến các hành vi vi phạm trong quá trình sản xuất rượu.
Tình hình cấp giấy phép sản xuất rượu còn nhiều hạn chế, nhất là loại hình sản xuất rượu thủ công. Các cơ sở sản xuất rượu thủ công rải rác khắp các vùng, tần suất sản xuất không thường xuyên, tự ý thực hiện sản xuất mà không đăng ký kinh doanh ngày càng nhiều.
Việc sản xuất rượu không có giấy phép dẫn đến nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng khi ngày càng nhiều người bị ngộ độc vì uống rượu không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, gây khó khăn trong quá trình quản lý, giám sát hoạt động sản xuất rượu của cơ quan có thẩm quyền.
3.2. Thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm
Tùy vào hành vi và mức độ vi phạm cũng như phạm vi quản lý, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép sản xuất rượu được quy định chi tiết tại chương III Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính do:
- Ủy ban nhân dân các cấp;
- Công an nhân dân các cấp;
- Đội trưởng đội quản lý thị trường, Cục trưởng cục quản lý thị trường;
- Thanh tra, Chánh thanh tra cấp Sở, Chánh thanh tra cấp bộ và các cơ quan liên quan: Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm,....
3.3. Các biện pháp khắc phục hậu quả nào được áp dụng đối với các hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép sản xuất rượu
Căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại điểm b, khoản 3 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
- Cơ sở sản xuất rượu buộc nộp lại giấy phép sản xuất rượu đã bị tẩy xóa, sữa chữa nội dung cho cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a, khoản 1 Điều này;
- Cơ sở sản xuất rượu buộc phải nộp lại số lợi bất chính thu được do hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.