Luật Ánh Ngọc

Để được cấp giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu cần điều kiện gì?

Thủ tục hành chính | 2024-09-23 01:04:24

1. Các điều kiện cần đáp ứng để có giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu 

Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu được định nghĩa chi tiết tại khoản 13 Điều 3 Nghị định 83/2014/NĐ-CP. Theo đó, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là thương nhân làm đại lý kinh doanh xăng dầu nhằm mục đích tự tiêu thụ xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ của mình đồng thời phải tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để bán xăng dầu cho thương nhân đầu mối để hưởng thù lao.

Do tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là một hệ thống và được điều chỉnh chặt chẽ bởi quy định pháp luật, do vậy, trước khi thương nhân hoạt động tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân cần có giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

- Doanh nghiệp phải được thành lập và có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó ghi ngành nghề kinh doanh cụ thể là kinh doanh xăng dầu;

- Điều kiện về cơ sở, vật chất:

+ Có kho chứa, bể chứa xăng dầu mà dung tích tối thiểu phải đạt từ 2000m3 trở lên, đồng thời, kho chứa, bể chứa xăng phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê sử dụng của thương nhân khác đã kinh doanh xăng dầu từ 05 năm trở lên;

+ Doanh nghiệp phải sở hữu phương tiện vận chuyển xăng dầu hoặc thuê sử dụng của thương nhân đã kinh doanh xăng dầu từ 05 năm trở lên;

+ Doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối xăng dầu đáp ứng điều kiện:

- Đáp ứng điều kiện về nguồn nhân lực:

+ Cán bộ quản lý, nhân viên kinh doanh phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy cũng như bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

2. Thủ tục xin cấp giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

Để được làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp cần thực hiện việc xin giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 17 Nghị định 83/2014/NĐ-CP và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 6 Thông tư 38/2014/TT-BTC như sau:

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Trong trường hợp cấp mới giấy phép, doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các nội dung:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP;

+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

+ Bản sao các loại giấy tờ chứng minh nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên kinh doanh tại cửa hàng;

+ Bản kê khai cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo phục vụ cho quá trình kinh doanh xăng dầu;

+ Danh sách và giấy tờ, tài liệu chứng minh của hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân;

+ Bản gốc văn bản xác minh ghi rõ chủng loại xăng dầu của thương nhân cung cấp xăng dầu cho tổng đại lý thời hạn tối thiểu 01 năm.

- Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, thẩm quyền được xác định là Bộ Công thương hoặc Sở Công thương trong từng trường hợp cụ thể.

Đồng thời, thương nhân phải nộp phí, lệ phí đầy đủ theo quy định của Bộ Tài chính khi xin cấp giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

- Bước 3: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ của thương nhân. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ theo yêu cầu thì trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải có thông báo bằng văn bản yêu cầu sửa đổ, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. 

- Bước 4: Cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu

Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, trong vòng 30 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu cho thương nhân.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp giấy phép thì phải có văn bản trả lời gửi đến thương nhân và nêu rõ lý do từ chối.

Sau khi đã được cấp giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, thương nhân có quyền thực hiện việc kinh doanh xăng dầu nhưng phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1. Tại sao phải xin giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu?

Việc xin giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu là cần thiết để đảm bảo hoạt động kinh doanh được thực hiện đúng pháp luật, an toàn và bảo vệ lợi ích của tất cả các bên liên quan:

- Giấy phép giúp doanh nghiệp đảm bảo việc tuân thủ pháp luật về an toàn phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường cũng như quản lý nguồn lực;

- Giấy phép đảm bảo rằng các tổng đại lý kinh doanh xăng dầu tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro về sức khỏe và an toàn khi sử dụng xăng dầu;

- Việc cấp phép giúp các cơ quan chức năng có thể quản lý tốt hơn nguồn cung cấp và phân phối xăng dầu, đảm bảo sự ổn định và công bằng trong thị trường năng lượng cũng như kiểm soát và thu thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, đóng góp vào nguồn thu ngân sách quốc gia;

- Giấy phép tổng đại lý kinh doanh xăng dầu như một sự khẳng định uy tín với khách hàng, cho thấy sự chuyên nghiệp và đáng tin cậy của tổng đại lý trong quá trình vận hành và kinh doanh xăng dầu.

3.2. Giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu có được cấp lại không?

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể các trường hợp cấp lại giấy phép làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, căn cứ theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 17 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về hồ sơ xin cấp lại giấy phép, có thể xác định giấy phép được cấp lại trong các trường hợp sau:

- Giấy phép bị mất;

- Giấy phép bị hư hỏng do nhiều nguyên nhân: bị cháy, bị tiêu hủy,...

Việc cấp lại giấy phép được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 17 Nghị định này. 

3.3. Thương nhân vi phạm điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu bị xử phạt thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 16 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, thương nhân có thể bị xử phạt nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện làm tổng đại lý xăng dầu trong các trường hợp cụ thể:

- Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

- Trường hợp không đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, về kho chứa, bể chứa, phương tiện vẫn chuyển,... thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

- Hành vi không đáp ứng được về hệ thống phân phối xăng dầu thì bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.


Bài viết khác