Luật Ánh Ngọc

Dịch vụ tư vấn thủ tục thành lập công ty Xuất khẩu lao động

Pháp lý doanh nghiệp | 2024-09-01 02:30:55

1. Xuất khẩu lao động là gì?

Xuất khẩu lao động được định nghĩa là hoạt động kinh tế với hình thức là đưa người lao động ra nước ngoài làm việc dưới dạng hợp đồng có thời hạn. Hoạt động xuất khẩu lao động này ngày càng trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự ủng hộ của Nhà nước khi nó giúp giải quyết vấn đề việc làm trong nước và tạo nguồn thu ngoại tệ.

Xuất khẩu lao động là gì?

Người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc có thể thực hiện ký kết các hợp đồng lao động giữa người lao động và nhà tuyển dụng nước ngoài, hoặc thông qua các cơ quan trung gian chuyên về việc xuất khẩu lao động. Người lao động được cung cấp cơ hội làm việc tại nước ngoài trong các ngành nghề khác nhau từ đó tạo thu nhập ổn định giúp cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình.

Xem thêm: Sự cần thiết hoạt động tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp

2. Thành lập công ty xuất khẩu lao động cần những điều kiện gì?

Xuất khẩu lao động hiện nay là ngành nghề tương đối nhạy cảm, do đó để có thể xin cấp Giấy phép hoạt động cho Công ty Xuất khẩu lao động của mình, Quý Khách hàng cần lưu ý những nội dung sau về điều kiện để thành lập công ty xuất khẩu lao động:

2.1. Vốn pháp định, vốn điều lệ: tối thiểu 5.000.000.000 (năm tỷ đồng); 100% vốn điều lệ của tổ chức, cá nhân có quốc tịch Việt Nam

2.3. Không vi phạm các khu vực, ngành nghề bị cấm đi làm việc nước ngoài

2.4. Có nội dung đề án hoạt động đầy đủ, hợp lý

2.5. Lệ phí ký quỹ: 1.000.000.000 (một tỷ đồng), đóng đủ Lệ phí cấp Giấy phép tại thời điểm nhận Giấy phép.

2.7. Vận hành: Có bộ phận chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

2.8. Điều kiện về nhân sự của Doanh nghiệp có ngành nghề xuất khẩu lao động:

a) Đối với lãnh đạo điều hành

Điều kiện: là người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp; không thuộc đối tượng trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của Toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc.

Trình độ học vấn: Bằng đại học trở lên

Kinh nghiệm làm việc: Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế.

b) Đối với nhân viên nghiệp vụ

Điều kiện: ký kết HĐLĐ xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn với Doanh nghiệp; không thuộc đối tượng đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của Toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc

Trình độc học vấn: Cao đẳng trở lên

Kinh nghiệm làm việc: có ít nhất 01 năm làm việc trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đối với nhân viên nghiệp vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài và bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Có bằng tốt nghiệp một trong các chuyên ngành luật, kinh tế/quản trị kinh doanh, ngoại ngữ

Nội dung cần lưu ý khi xin giấy phép xuất khẩu lao động

3. Có thể ra nước ngoài làm việc hợp pháp dưới những hình thức nào?

Hình thức xuất khẩu lao động là cách thức mà Doanh nghiệp nơi đưa người lao động ra nước ngoài làm việc có thời hạn. Căn cứ theo quy định của pháp luật và tình hình thực tế, người lao động có thể ra nước ngoài làm việc thông qua các hình thức sau:

Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ

Theo đó, người lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc có thể thực hiện ký kết các hợp đồng lao động giữa người lao động và nhà tuyển dụng nước ngoài, hoặc thông qua các cơ quan trung gian chuyên về việc xuất khẩu lao động. Người lao động được cung cấp cơ hội làm việc tại nước ngoài trong các ngành nghề khác nhau từ đó tạo thu nhập ổn định giúp cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình.

Xem thêm: Hướng dẫn soạn thảo quy chế công ty áp dụng cho mọi doanh nghiệp

4. Thủ tục, trình tự xin cấp giấy phép thành lập công ty xuất khẩu lao động như thế nào?

Quý khách có dự định thành lập công ty dịch vụ xuất khẩu lao động có thể tham khảo quy trình dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Để đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ xuất khẩu lao động, quý khách cần phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020, trong đó phải có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trường hợp quý khách đã có doanh nghiệp đang hoạt động và muốn mở rộng quy mô sang lĩnh vực hoạt động xuất khẩu lao động thì cần nộp hồ sơ thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh và bổ sung thêm ngành nghề dưới đây:

STT

Mã ngành
(mã ngành cấp 4 theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ)

Tên ngành nghề

1

7830

Cung ứng và quản lý nguồn lao động

Chi tiết: Cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài

 

Bên cạnh đó, trường hợp quý khách cần thành lập công ty dịch vụ xuất khẩu lao động, Luật Ánh Ngọc đưa ra nội dung về thành phần hồ sơ để thành lập Doanh nghiệp như sau:

Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp 2020, Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT về đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ thành lập công ty xuất khẩu lao động bao gồm các tài liệu sau:

STT

Loại hình doanh nghiệp

Hồ sơ cần chuẩn bị

1

Công ty hợp danh

(1) Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty hợp danh (theo mẫu Phụ lục I-5 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(2) Điều lệ công ty hợp danh;

(3) Danh sách thành viên công ty hợp danh;

(4) Bản sao các giấy tờ sau đây:

- CCCD/CMND/Hộ chiếu của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân;

- GCN ĐKDN/GP hoạt động của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức;

- CCCD/CMND/Hộ chiếu của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền.

(5) Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức.

(6) Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật

2

Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên

(1) Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty TNHH hai thành viên trở lên (theo mẫu Phụ lục I-3 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(2) Điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên;

(3) Danh sách thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên (theo mẫu Phụ lục I-6 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(4) Bản sao các giấy tờ sau đây:

- CCCD/CMND/Hộ chiếu của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân;

- GCN ĐKDN/GP hoạt động của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức;

- CCCD/CMND/Hộ chiếu của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền;

- CCCD/CMND/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của Công ty.

(5) Văn bản ủy quyền cho cá nhân đại diện của thành viên là tổ chức;

(6) Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

3

Công ty TNHH MTV

(1) Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên (theo mẫu Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(2) Điều lệ của công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu hoặc do tổ chức làm chủ sở hữu;

(3) Bản sao các giấy tờ sau đây:

- CCCD/CMND/Hộ chiếu của chủ sở hữu công ty là cá nhân;

- GCN ĐKDN/GP hoạt động của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức;

- CCCD/CMND/Hộ chiếu của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

(4) Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

4

Công ty Cổ phần

(1) Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty cổ phần (theo mẫu Phụ lục I-4 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(2) Điều lệ của công ty cổ phần;

(3) Danh sách cổ đông sáng lập của công ty cổ phần (theo mẫu Phụ lục I-7 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(4) Bản sao các giấy tờ sau đây:

- CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với cổ đông sáng lập là cá nhân;

- GCN ĐKDN/GP hoạt động đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền;

- CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của Công ty.

(5) Văn bản ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ và nhận kết quả nếu không phải là người đại diện theo pháp luật

 

Nơi nộp hồ sơ thành lập/thay đổi đăng ký doanh nghiệp: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.

Thời hạn giải quyết hồ sơ: Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính sẽ phản hồi về tình trạng hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đủ điều kiện cấp giấy phép, Doanh nghiệp cần tiến hành bổ sung thêm một số văn bản theo yêu cầu. Thời hạn để bổ sung hồ sơ kể từ ngày nhận được thông báo của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh là 60 ngày.

Bước 2: Hoàn thiện các thủ tục về Doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau khi nhận được chấp thuận hồ sơ hợp lệ và được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quý khách cần đăng công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện những công việc sau:

- Treo bảng hiệu công ty tại nơi đặt trụ sở chính; khắc dấu công ty;

- Hoàn thiện việc góp vốn thành lập doanh nghiệp;

- Đăng ký sử dụng chữ ký số online (Token) để phục vụ mục đích đóng thuế và nộp tờ khai thuế trực tuyến.

Bước 3: Chuẩn bị cơ sở vật chất các điều kiện liên quan tới việc thành lập doanh nghiệp dịch vụ xuất khẩu lao động

- Thực hiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng, thông báo số tài khoản ngân hàng với Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

- Thực hiện ký quỹ tại ngân hàng và cam kết không rút số tiền ký quỹ này trong suốt thời gian hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động;

- Thực hiện xin xác nhận số dư nơi mở tài khoản ngân hàng của Doanh nghiệp. Khi xin xác nhận, Doanh nghiệp cần đảm bảo số vốn điều lệ trong tài khoảng ngân hàng theo quy định của pháp luật là từ 05 tỷ đồng trở lên;

- Thực hiện chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất dành cho học viên và cán bộ nhân viên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Để giảm bớt các chi phí và rút ngắn quá trình hoàn thiện thủ tục, quý khách có thể lựa chọn liên kết với các cơ sở đào tạo khác để tận dụng nguồn nhân lực và cơ sở vật sẵn có tại các cơ sở đó;

- Thực hiện xây dựng bộ máy nhân sự của công ty xuất khẩu lao động đáp ứng các quy định của pháp luật.

Bước 4: Xin cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó để có thể đi vào hoạt động, ngoài việc quý khách đăng ký thành lập doanh nghiệp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Doanh nghiệp cần nộp hồ xin cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài lên Cục quản lý lao động ngoài nước trực thuộc quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm những văn bản sau:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép dịch vụ Xuất khẩu lao động của Doanh nghiệp;

- Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp mới nhất;

- Chứng từ chứng minh Doanh nghiệp đủ điều kiện về vốn pháp định, điều kiện ký quỹ;

- Đề án hoạt động của Doanh nghiệp;

- Sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp của Người đại diện theo pháp luật/Người điều hành hoạt động xuất khẩu lao động;

- Trích ngang các nhân sự chuyên trách trong hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc;

- Văn bản ủy quyền cho người thực hiện thủ tục cấp giấy phép nếu không phải là người đại diện theo pháp luật.

Thời hạn cấp giấy phép: Trong vòng 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền thẩm định hợp lệ (bao gồm cả việc thẩm định hồ sơ và thẩm định tình hình cơ sở vật chất, các thông tin đã kê khai tại địa chỉ Doanh nghiệp đăng ký hoạt động nghiệp vụ)

Nơi nộp hồ sơ: Cục Quản lý lao động ngoài nước, 41 Phố Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Lệ phí cấp giấy phép: 5.000.000 VNĐ (Năm triệu đồng)

Xem thêm: Dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên cho Doanh nghiệp

Bước 5: Giấy phép dịch vụ Xuất khẩu lao động hợp lệ

Theo Quy định tại Điều 15 Luật Người lao động Việt Nam 2020 đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020, Doanh nghiệp trong vòng 30 ngày được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ, quý khách cần đăng tải Giấy phép trên trang thông tin điện tử của Doanh nghiệp.

Thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

5. Tìm kiếm thông tin công ty dịch vụ xuất khẩu lao động uy tín ở đâu?

Với sự bùng nổ của các doanh nghiệp dịch vụ Xuất khẩu lao động, không khó để có thể lựa chọn Công ty hỗ trợ dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, với sự nở rộ của Mạng xã hội, rất nhiều Công ty dịch vụ xuất khẩu lao động bất hợp pháp xuất hiện gây ảnh hưởng đến niềm tin về nhu cầu ra nước ngoài làm việc của người lao động. Để có thể lựa chọn chính xác công ty dịch vụ xuất khẩu lao động có được cấp phép hoạt động hay không hoặc có đang bị thu hồi giấy phép hoạt động hay không, người lao động có thể tra cứu theo hướng dẫn dưới đây:

Hướng dẫn tra cứu thông tin Công ty dịch vụ xuất khẩu lao động

6. Một số câu hỏi thường gặp khi đăng ký giấy phép dịch vụ xuất khẩu lao động

6.1. Có thể xin cấp lại Giấy phép xuất khẩu lao động?

Căn cứ theo Điều 14 Luật người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc 2020, Quý khách có thể xin cấp lại giấy phép xuất khẩu lao động cho Doanh nghiệp của mình như sau:

Điều kiện cấp lại giấy phép: Giấy phép bị mất hoặc hư hỏng

Thời hạn: 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp lại giấy phép của Doanh nghiệp thực hiện dịch vụ

Thẩm quyền: Giấy phép do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp lại

Lệ phí: Miễn phí

6.2. Làm thế nào để điều chỉnh thông tin trong giấy phép dịch vụ Xuất khẩu lao động?

Khi Quý khách có sự thay đổi thông tin về người đại diện pháp luật, địa chỉ trụ sở, thông tin pháp lý của Doanh nghiệp, Quý khách có thể làm văn bản đề nghị gửi lên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để được xem xét cấp lại giấp phép.

Thời hạn: 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấp thay đổi giấy phép của Doanh nghiệp thực hiện dịch vụ

Thẩm quyền: Giấy phép do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp lại

Lệ phí: Miễn phí

Những lưu ý khi xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động

6.3. Trường hợp Doanh nghiệp không được cấp giấy phép dịch vụ Xuất khẩu lao động?

Khi hồ sơ của Doanh nghiệp không hợp lệ hoặc chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ phản hồi về lý do từ chối cấp giấy phép dịch vụ xuất khẩu lao động cho Doanh nghiệp bằng văn bản.

Trên đây là toàn bộ nội dung về Dịch vụ tư vấn thủ tục thành lập công ty Xuất khẩu lao động mà chúng tôi cung cấp tới quý khách hàng. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ đến 0878.548.558 hoặc lienhe@luatanhngoc.vn, Luật Ánh Ngọc với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm sẽ hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho bạn.


Bài viết khác