1. Như thế nào là giấy phép xây dựng?
Theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý được dùng trong lĩnh vực xây dựng, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để thực hiện việc xây dựng mới, sửa chữa cải tạo hoặc di dời công trình xây dựng của mình.
Giấy phép xây dựng được cấp cho chủ đầu tư dùng khi tiến hành xây dựng các loại công trình xây dựng, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình công nghiệp, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật và các loại công trình khác.
Luật xây dựng chia thành các loại giấy phép xây dựng:
+ Giấy phép xây dựng mới công trình;
+ Giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình;
+ Giấy phép di dời công trình;
+ Giấy phép xây dựng có thời hạn.
2. Các trường hợp được cấp lại giấy phép xây dựng
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 100 Luật xây dựng và được hướng dẫn tại Điều 52 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, các trường hợp sau sẽ được cấp lại giấy phép xây dựng:
+ Giấy phép xây dựng bị mất;
+ Giấy phép xây dựng bị rách hoặc bị nát.
Đồng thời, việc cấp lại giấy phép xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại dưới hình thức bản sao giấy phép xây dựng.
3. Trình tự, thủ tục cấp lại giấy phép xây dựng
Để được cấp lại giấy phép xây dựng bị rách, nát hoặc bị mất, chủ đầu tư chuẩn bị hồ sơ và thực hiện theo các thủ tục quy định tại Điều 102 Luật xây dựng như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin cấp lại giấy phép xây dựng bao gồm:
+ Đơn đề nghị xin cấp lại giấy phép xây dựng theo mẫu 02 Phụ lục II Nghị định 15/2021/NĐ-CP và nêu rõ lý do đề nghị cấp lại giấy phép;
+ Trong trường hợp giấy phép đã được cấp bị rách, nát: Chủ đầu tư nộp kèm bản chính giấy phép xây dựng đã cấp;
+ Đối với trường hợp bị mất, bị thất lạc giấy phép: Bản cam kết tự chịu trách nhiệm về việc thất lạc giấy phép xây dựng của chủ đầu tư.
(Căn cứ pháp lý: khoản 2 Điều 52 Nghị định 15/2021/NĐ-CP)
- Bước 2: Nộp hồ sơ
Chủ đầu tư nộp 02 bộ hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy phép xây dựng (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện).
- Bước 3: Kiểm tra và xem xét hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tiến hành kiểm tra hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đủ và đúng theo yêu cầu thì ghi giấy biên nhận nộp hồ sơ;
+ Trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định thì hướng dẫn để chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp lại giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư.
- Bước 4: Cấp lại giấy phép xây dựng
+ Trong thời hạn 05 ngày, cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép xây dựng cho người có yêu cầu. Chủ đầu tư nhận giấy phép kèm theo hồ sơ thiết kế đã nộp để xin giấy phép tại nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trong giấy biên nhận;
Trường hợp từ chối cấp lại giấy phép, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho chủ đầu tư được biết.
Nếu quá thời hạn theo quy định mà cơ quan có thẩm quyền không trả kết quả cho chủ đầu tư thì khi đó, chủ đầu tư được phép xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt có trong bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
4. Giải đáp thắc mắc
4.1. Mất giấy phép xây dựng thì phải làm sao?
Theo quy định của pháp luật, cụ thể trong khoản 1 Điều 100 Luật xây dựng thì khi mất giấy phép xây dựng, chủ đầu tư được phép xin cấp lại giấy phép xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.
4.2. Cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép xây dựng?
Câu hỏi: Gia đình chúng tôi đã xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở mới tại thôn X, xã Y, huyện Z, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã để lạc mất giấy phép xây dựng. Vậy, trong trường hợp này, tôi phải xin cấp lại giấy phép xây dựng ở đâu?
Luật Ánh Ngọc trả lời:
Khoản 4 Điều 103 Luật xây dựng quy định, cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép xây dựng chính là cơ quan cấp giấy phép xây dựng. Theo đó:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp lại giấy phép cho các công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh buộc phải có giấy phép mà không thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
- Sở xây dựng, Ban quản lý khu công nghiệp, khu công nghệ, khu kinh tế, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cấp giấy phép đối với các công trình thuộc phạm vi và chức năng của mình nếu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền thực hiện;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cấp lại giấy phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ, công trình cấp III, cấp IV trên địa bàn quản lý của mình.
Trong trường hợp của bạn, thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng thuộc về Ủy ban nhân dân huyện Z, tỉnh Hải Dương. Vì vậy, bạn có thể chuẩn bị hồ sơ và nộp đến Ủy ban nhân dân huyện Z để được cấp lại bản sao giấy phép theo quy định.
4.3. Giải đáp thắc mắc về thời hạn cấp lại giấy phép
Câu hỏi: Vì sự vô ý của mình, không may tôi đã để giấy phép xây dựng của mình bị rách. Tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ xin cấp lại giấy phép và có giấy biên nhận ghi rõ thời hạn trả kết quả. Tuy nhiên, đã quá thời hạn ghi trên giấy hẹn 01 tháng, tôi vẫn chưa được cấp lại giấy phép xây dựng. Vậy trong trường hợp này, tôi phải làm sao?
Trả lời:
Chào bạn, theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật xây dựng thì trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn chỉnh, cơ quan có thẩm quyền cấp lại giấy phép phải xem xét và cấp bản sao giấy phép xây dựng cho người có yêu cầu. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp giấy phép thì phải trả lời chủ đầu tư bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Do vậy, trong trường hợp của bạn, cơ quan có thẩm quyền phải cấp hoặc có văn bản trả lời bạn (trong trường hợp từ chối cấp giấy). Bạn có thể trực tiếp lên cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn về trường hợp của bạn.
Nếu cơ quan đó vẫn không có văn bản trả lời, thì bạn được phép xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định.
Đồng thời, khi chậm trễ trong việc cấp, cấp lại giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường do việc cấp giấy phép chậm theo quy định.
5. Dịch vụ xin giấy phép xây dựng tại Luật Ánh Ngọc
Luật Ánh Ngọc là công ty có kinh nghiệm lâu năm trong việc tư vấn pháp luật về giấy phép xây dựng cũng như hỗ trợ thực hiện các dịch vụ xin cấp/cấp lại/gia hạn các loại giấy phép xây dựng trên cả nước.
Sử dụng dịch vụ tại Luật Ánh Ngọc, chúng tôi thực hiện các công việc:
- Tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ của khách hàng và tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ;
- Tư vấn pháp lý toàn diện đối với các vấn đề liên quan đến giấy phép xây dựng cũng như hồ sơ, trình tự thực hiện đối với từng loại giấy phép và từng trường hợp theo nhu cầu;
- Thực hiện các công việc theo ủy quyền của khách hàng: Chuẩn bị hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính để xin cấp/cấp lại/gia hạn/ điều chỉnh giấy phép xây dựng, làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết phát sinh nếu có;
- Theo dõi tiến độ của toàn bộ quá trình xin giấy phép;
- Nhận và bàn giao kết quả tận tay cho khách hàng theo yêu cầu;
- Hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý khác nếu quý khách hàng có nhu cầu.
Với cam kết "khách hàng là thượng đế", Luật Ánh Ngọc cam kết mang lại các gói dịch vụ xin cấp giấy phép xây dựng tốt nhất và hiệu quả nhất, tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí cho khách hàng. Mọi thông tin cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được tư vấn chi tiết.