Tự ý nghỉ việc không báo trước có phải chịu trách nhiệm gì không?


Tự ý nghỉ việc không báo trước có phải chịu trách nhiệm gì không?
Tôi đã mâu thuẫn với công ty trong một thời gian dài, nay tôi đã tìm được một công việc với mức thu nhập tốt hơn nên tôi đã tự ý nghỉ việc không báo trước với công ty. Luật sư cho tôi hỏi liệu tôi có phải chịu trách nhiệm gì không?

Việc tự ý nghỉ việc không báo trước là một tình huống không hề hiếm trong môi trường làm việc hiện nay. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ doanh nghiệp nào, từ những người trẻ mới vào nghề đến những người có kinh nghiệm nhiều năm. Việc tự ý nghỉ việc không báo trước có thể mang theo nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả người lao động và doanh nghiệp.

Trong bài viết này, Luật Ánh Ngọc sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về tình huống này, những hậu quả tiềm ẩn và cách giải quyết tốt nhất để đảm bảo mối quan hệ làm việc được duy trì và phát triển một cách bền vững.

1. Quy định về việc người lao động nghỉ việc 

Theo đó, các trường hợp mà người lao động được phép nghỉ việc tức là chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động được quy định tại Điều 34 Bộ Luật lao động 2019 bao gồm:

  • Hợp đồng lao động chấm dứt tự động khi hết thời hạn được quy định trong hợp đồng;
  • Cả người lao động và người sử dụng lao động đều đồng ý chấm dứt hợp đồng trong thời điểm mong muốn;
  • Người lao động bị vướng vào các tình huống pháp lý như bị kết án, tử hình bị pháp luật cấm làm việc trong thỏa thuận hợp đồng,... theo luật quy định;
  • Đối với người lao động là người có quốc tịch nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng bị trục xuất, hoặc bị hết hạn giấy phép lao động;
  • Hợp đồng lao động tự động chấm dứt khi một trong hai bên mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;
  • Người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng theo đúng luật quy định;
  • Trường hợp chấm dứt do không đạt yêu cầu của thử việc được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Xem thêm bài viết: Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước không?

 

Tự ý nghỉ việc không báo trước, người lao động phải chịu trách nhiệm gì?
Tự ý nghỉ việc không báo trước, người lao động phải chịu trách nhiệm gì?

 

2. Người lao động được hưởng quyền lợi gì khi nghỉ việc tuân thủ đúng luật?

Nếu tự ý nghỉ việc không báo trước thuộc các trường hợp trên thì đây là trường hợp được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng quy định. Lúc này, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi sau:

  • Tiền lương của những ngày đã làm việc chưa được thanh toán;
  • Trợ cấp thôi việc;
  • Tiền phép năm chưa nghỉ hết;
  • Tiền trợ cấp thất nghiệp.

3. "Tự ý nghỉ việc không báo trước" phải chịu trách nhiệm gì?

Trước tiên, chúng ta phải hiểu rằng Hợp đồng lao động là một văn bản pháp lý mà người lao động và người sử dụng lao động ký kết để thiết lập và quy định mối quan hệ lao động giữa họ. Hợp đồng lao động chứa các điều khoản và điều kiện về công việc, lương bổng, nghĩa vụ, quyền lợi, và các điều khoản khác liên quan đến việc làm. 

3.1. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

Pháp luật quy định các trường hợp để người lao động tránh những rủi ro cũng như bảo vệ quyền lợi trong quá trình chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, trong trường hợp người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, cụ thể căn cứ khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019, người lao động cần tuân thủ về thời hạn báo trước: Thời hạn báo trước nhằm đảm bảo sự công bằng và cho phép cả người lao động và người sử dụng lao động chuẩn bị cho việc chấm dứt hợp đồng. 

Theo đó, người lao động phải tuân theo thời hạn báo trước được pháp luật quy định tùy theo loại hợp đồng: 

Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người lao động phải có thông báo nghỉ việc trước ít nhất 45 ngày cho doanh nghiệp, còn với hợp đồng lao động xác định thời hạn thì phải báo trước 30 ngày. Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng thì phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.

Ngoài ra, thời hạn báo trước không bị trái pháp luật còn theo thỏa thuận mà hai bên đã đồng ý ghi trong hợp đồng lao động, đặc biệt với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3.2. Trường hợp nào được "tự ý nghỉ việc không báo trước"?

Khi người lao động rơi vào các tình huống sau thì có thể tự ý nghỉ việc mà không cần phải báo trước với doanh nghiệp, cụ thể:
Thứ nhất, Nếu người sử dụng lao động vi phạm nghiêm trọng quy định trong hợp đồng hoặc có các hành vi như đánh đập, ngược đãi, ép buộc làm việc, có những lời nói, hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người lao động hoặc quấy rối tình dục người lao động tại nơi làm việc.
Thứ hai, người sử dụng lao động không sắp xếp, bố trí công việc cho người lao động theo đúng thỏa thuận hợp động, hoặc việc tiếp tục công việc sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe và an toàn của người lao động có yếu tố vi phạm vệ sinh an toàn lao động
Thứ ba, người sử dụng lao động không trả lương đầy đủ hoặc trả trễ hạn trừ khi gặp các tình huống bất khả kháng do luật quy định
Thứ tư, người lao động là lao động nữ mang thai có quyền được chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước nếu công việc đó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi, tuy nhiên lưu ý cần phải có xác nhận của cơ sở khám bệnh về việc tiếp tục làm việc sẽ gây tác động xấu đến thai nhi.
Thứ năm, người lao động nghỉ hưu theo luật này quy định, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận làm việc khác.
Thứ sáu, người sử dụng lao động gian dối trong việc cung cấp không đúng các thông tin về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, lương thưởng và phụ cấp, các loại bảo hiểm... vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu làm cho người lao động không thể thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng lao động.

3.3. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Chúng ta đơn giản có thể hiểu rằng việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật tức tự ý nghỉ việc không báo trước là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không tuân thủ các quy định mà Luật Ánh Ngọc vừa nêu trên.

Quay trở lại với tình huống đầu bài viết, nếu không có các lý do được nêu tại mục 3.2 mà chỉ do mâu thuẫn nội bộ và tìm được công ty mới có đãi ngộ cao hơn nên bạn tự ý nghỉ việc không báo trước để sang công ty khác làm thì thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Xem thêm bài viết: Mẫu đơn nghỉ việc mới nhất 

 

Tự ý nghỉ việc không báo trước, người lao động phải chịu trách nhiệm gì?
Tự ý nghỉ việc không báo trước, người lao động phải chịu trách nhiệm gì?

 

3.4. Nghĩa vụ của người lao động khi nghỉ việc không báo trước

Như đã phân tích ở trên, người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019, bao gồm các khoản sau:

Một là, nửa tháng tiền lương được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Hai là, khoản tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

Ba là, nếu giữa người lao động và người sử dụng lao động có ký kết hợp đồng đào tạo nghề (trong đó kinh phí của người sử dụng lao động và kể cả kinh phí của đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động) thì người lao động còn phải có nghĩa vụ hoàn trả cho người sử dụng lao động khoản chi phí đã bỏ ra trong việc đào tạo nghề theo nội dung các bên đã thỏa thuận trước đó.

Bên cạnh đó, khi đã xác định rằng người lao động đã nghỉ việc không báo trước là trái pháp luật thì người sử dụng lao động có thể không thanh toán những khoản tiền lương chưa chi trả cho những ngày làm việc trước đó. dựa vào cơ sở này, người sử dụng lao động có thể giữ lại cho đến khi các bên bàn giao lại công việc đầy đủ cũng như giải quyết xong tranh chấp nếu có. Những khoản bồi thường trên có thể khấu trừ vào khoản tiền lương ngày làm việc trước đó của người lao động, tuy nhiên người lao động vẫn phải trả đầy đủ các khoản bồi thường nêu trên khi người sử dụng lao động yêu cầu. Nếu việc yêu cầu này không được thực hiện thì khởi kiện ra tòa án để giải quyết.

Trên đây là bài viết về trách nhiệm của người lao động nếu tự ý nghỉ việc không báo trước của công ty Luật Ánh Ngọc. Nếu bạn muốn được giải đáp thắc mắc hoặc cần giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực lao động, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được sự hỗ trợ tận tâm nhất từ chúng tôi.

 

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.