Tảo hôn và các vấn đề pháp lý


Tảo hôn và các vấn đề pháp lý
Trong bài viết này, Luật Ánh Ngọc sẽ giúp cho quý đọc giả hiểu hơn về tảo hôn và các vấn đề pháp lý xung quanh vấn nạn tảo hôn!

Kết hôn là chuyện cả đời, và là hạnh phúc của đôi bên, đây cũng là quyền lợi của con người được pháp luật quy định và bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại trường hợp kết hôn trái quy định, đặc biệt là vấn đề tảo hôn. Khái niệm về tảo hôn đã không còn xa lạ đối với mỗi người chúng ta, đặc biệt là ở các vùng núi, vùng sâu vùng xa. Tảo hôn đã và đang để lại nhiều hệ lụy cho xã hội, cho gia đình và bản thân những người rơi vào tình trạng tảo hôn. Hiểu được vấn đề này, Luật Ánh Ngọc sẽ chia sẻ đến quý đọc giả những vấn đề pháp lý liên quan đến tảo hôn để hạn chế tình trạng tảo hôn trong toàn xã hội.

1.Tảo hôn là gì?

Tảo hôn là gì?

Tảo hôn là gì?

Trên thế giới, tùy thuộc vào mỗi quốc gia, pháp luật sẽ quy định về độ tuổi kết hôn của nam và nữ. ở Việt Nam, pháp luật về hôn nhân gia đình quy định rất cụ thể về khái niệm tảo hôn. Tảo hôn là hành vi lấy chồng, lấy vợ khi một bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định. Điểm a, khoản 1 Điều 8 quy định tuổi kết hôn của nam là 20 tuổi, tuổi kết hôn của nữ là 18 tuổi. 

Như vậy, tảo hôn là việc vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn, là một trong những hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình. Không những thế, đây còn là hành vi trái với những chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục ảnh hưởng đến chính những đứa trẻ khi còn đang ở độ tuổi phát triển, tâm sinh lý chưa được vững vàng; gây ảnh hưởng đến xã hội trong việc duy trì nòi giống. Trên thực tế, có trường hợp tảo hôn đăng  ký kết hôn và trường hợp tảo hôn không đăng ký kết hôn.

Căn cứ pháp lý: khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Ví dụ về tảo hôn: A Dúa 14 tuổi và Nông Thị Dền 12 tuổi cùng là người dân tộc Tày. Do gia đình Dền nợ tiền nhà A Dúa nên Dền bị gia đình ép bỏ học để kết hôn trừ nợ.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, các em chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật và không mang tính tự nguyện trong cuộc hôn nhân này.

2.Nguyên nhân dẫn đến tảo hôn và hậu quả của tảo hôn

2.1 Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tảo hôn

- Do hiểu biết của người dân còn hạn chế: Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn. Trình độ dân trí thấp của một số bộ phận người dân tại các vùng núi, vùng sâu vùng xa khiến cho họ chưa tiếp cận được những tiến bộ về hôn nhân. Bên cạnh đó, chính những vùng đồng bằng, thành thị, mặc dù được tuyên truyền về vấn đề này, nhưng sự quan tâm, chăm sóc con cái còn bị hời hợt, buông lỏng,... cũng là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn này.

- Do phong tục tập quán còn lạc hậu: Sự lạc hậu trong phong tục tập quán của những địa phương vùng núi, là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên vấn nạn tảo hôn. Nhiều địa phương vẫn coi tảo hôn là một phong tục, nên có những quan niệm lạc hậu, hủ tục lạc hậu trong hôn nhân như: bắt vợ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó,...

- Ảnh hưởng của mạng Internet và truyền thông xã hội: Sự phát triển của Internet và mạng xã hội đang là nguy cơ dẫn đến tảo hôn. Các em dùng điện thoại, mạng xã hội không đúng mục đích dẫn đến kết bạn, làm quen và yêu sớm. Bên cạnh đó, cha mẹ lại không giám sát và nắm bắt được tất cả thông tin cũng như mối nguy hại mà mạng xã hội gây nên, dẫn đến việc các em yêu đương, thậm chí sống thử, quan hệ trước hôn nhân và mang thai khi chưa đủ tuổi kết hôn.

- Công tác tuyên truyền, giáo dục còn nhiều hạn chế: Chính quyền địa phương, đặc biệt là những nơi vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số chưa tuyên truyền pháp luật phòng chống tảo hôn một cách mạnh mẽ, quyết liệt, nên không thường xuyên và mang lại hiệu quả.

2.2 Hậu quả của tảo hôn gây ra đối với xã hội và con người

Mặc dù hiện nay, nhiều trường hợp kết hôn sớm là do hai bên tự nguyện,tuy nhiên vấn nạn tảo hôn gây nên hậu quả lớn đối với bản thân các em, đối với gia đình và với xã hội. 

-Đối với bản thân, gia đình:

+ Việc kết hôn sớm khi cơ thể còn phát triển chưa hoàn thiện, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các em. Mang thai và sinh con sớm sẽ làm chậm quá trình phát triển của cơ thể, gây nên nhiều di chứng về sau, bệnh tật, dị tật cho cả mẹ và con.

+ Kết hôn sớm sẽ mất đi cơ hội học tập, làm việc, cơ hội để cải thiện cuộc sống, không có cơ hội tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại, tiên tiến.

+ Việc kết hôn quá sớm hay bị ép buộc sẽ dẫn đến tình trạng  ly thân, ly hôn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

-Đối với xã hội:

Tảo hôn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển xã hội, gây gia tăng tỷ lệ đói nghèo, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực trong tương lai, gây gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ người thiếu hụt về thể chất và trí tuệ ngày càng tăng cao.

3.Tảo hôn có vi phạm pháp luật không? Hậu quả pháp lý của tảo hôn là gì?

 Hành vi tảo hôn là hành vi bị cấm theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Các hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn đều là hành vi vi phạm pháp luật và đều bị xử phạt.

Hậu quả pháp lý của tảo hôn là gì

Hậu quả pháp lý của tảo hôn là gì

Theo quy định của pháp luật, hành vi tảo hôn có hậu quả pháp lý như sau:

3.1 Bị hủy kết hôn trái pháp luật

Trường hợp tảo hôn có đăng ký kết hôn là hành vi trái pháp luật và có thể bị hủy theo yêu cầu của những người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật. Tòa án có thẩm quyền xem xét điều kiện về độ tuổi kết hôn để xử lý. Tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn, Tòa án sẽ xử lý trong hai trường hợp:

+ Nếu một trong hai bên chưa đủ điều kiện về độ tuổi hoặc không yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ hủy kết hôn trái pháp luật.

+ Nếu các bên đã đủ điều kiện kết hôn và yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó.

3.2 Xử phạt hành chính

Đối với hành vi tảo hôn, Điều 47 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính về hành vi này như sau:

"- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Như vậy, hành vi tảo hôn bị xử phạt hành chính trong 2 trường hợp:

+ Tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

+ Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn dù đã có quyết định tủa Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó. 

Mức phạt hành chính đối với hành vi này từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

3.3 Truy cứu trách nhiệm hình sự

Pháp luật hình sự không quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi tảo hôn, nhưng xử lý hành vi tổ chức tảo hôn theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

" Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm."

Như vậy, đối với hành vi tổ chức tảo hôn, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Trên đây là toàn bộ nội dung chúng tôi tư vấn về tảo hôn và các vấn đề pháp lý liên quan. Mọi thắc mắc, vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ nhanh chóng và hiệu quả.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.