Hành vi tảo hôn bị phạt bao nhiêu tiền?


Hành vi tảo hôn bị phạt bao nhiêu tiền?
Tình yêu tuổi học trò luôn là điều đẹp đẽ, mang nhiều cảm xúc hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào một tình yêu tuổi học trò cũng có thể đi đến hôn nhân. Ví dụ đối với tình yêu tuổi học trò khi cả hai chưa đủ tuổi kết hôn, vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì sẽ không thể kết hôn. Đối với trường hợp đó, nếu cả hai vẫn quyết tâm kết hôn thì sẽ không được pháp luật công nhận mối quan hệ hôn nhân và sẽ được cho là có hành vi trái pháp luật: tảo hôn. Trong bài viết sau đây Luật Ánh Ngọc sẽ đưa ra những chia sẻ  những kiến thức pháp lý liên quan đến tảo hôn và xử phạt hành chính đối với tảo hôn.

 

C (sinh năm 2005) và N ( sinh năm 2006) hiện đang là hai học sinh trường THPT X.  Sau khi tham dự kì thi tốt nghiệp THPT năm nay thì C không đạt được kết quả như mong đợi và không đỗ đại học. Vì lí do đó nên C đã ngỏ lời muốn kết hôn cùng N và sau đó cả hai cùng ở nhà kinh doanh thay vì đi học tiếp. Liệu C và N có thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn được hay không? Liệu hành vi tảo hôn của C và N có bị phạt hay không?

1. Tảo hôn là gì

1.1. Định nghĩa hành vi tảo hôn

Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này.

Như vậy, tảo hôn ở Việt Nam là việc vi phạm quy định tuổi kết hôn, là một trong những hành vi vi phạm Luật Hôn nhân gia đình.

Căn cứ theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn là Nam từ đủ 20 tuổi và Nữ từ đủ 18 tuổi. Như vậy có thể thấy, tảo hôn là việc hai bên nam nữ kết hôn với nhau khi một hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, tức nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi, nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi hoặc nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi kết hôn.

Tảo hôn là gì

Đối với trường hợp của C và N thì cả C và N đều chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn là nam 20 tuổi, nữ 18 tuổi. Hiện nay, theo thông tin cung cấp thì C 18 tuổi còn N 17 tuổi, tức là nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Vậy nên nếu C và N kết hôn sẽ là tảo hôn.

1.2. Các trường hợp tảo hôn

Trên thực tế, tảo hôn có 2 trường hợp bao gồm: Tảo hôn đã đăng ký kết hôn và Tảo hôn chưa đăng ký kết hôn.

  • Đã đăng ký kết hôn: Tảo hôn chưa đủ độ tuổi do tự nguyện hoặc ép buộc và đã đăng ký kết hôn.
  • Chưa đăng ký kết hôn: Tảo hôn khi chưa đủ độ tuổi quy định nhưng 2 bên đã quyết định về sống chung như vợ chồng và chưa đăng ký kết hôn.

2. Tảo hôn có vi phạm pháp luật hay không?

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tảo hôn ở Việt Nam là việc vi phạm quy định tuổi kết hôn, là một trong những hành vi vi phạm Luật Hôn nhân gia đình.

Căn cứ theo theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn :Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Như vậy có thể thấy, tảo hôn là việc hai bên nam nữ kết hôn với nhau khi một hoặc cả hai bên chưa đủ điều kiện về độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, tức nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi, nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi. Tảo hôn vi phạm Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn.

Như vậy, tảo hôn là một trong những hành vi trái pháp luật và bị pháp luật cấm.

Một câu hỏi đặt ra là tảo hôn là kết hôn khi nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi. Vậy nên khi kết hôn thì cả hai sẽ phát sinh quan hệ tình dục, vậy thì người nam sẽ bị xử phạt theo Bộ luật hình sự về tội quan hệ với trẻ em nếu như người nữ chưa đủ 16 tuổi. Tuy nhiên, nếu cả hai không quan hệ tình dục thì liệu có vi phạm pháp luật hay không? Câu trả lời là có bởi vì tảo hôn là hành vi trái pháp luật. Do đó, dù trong trường hợp các bên tảo hôn nhưng không quan hệ tình dục vẫn bị coi là vi phạm pháp luật và phải chịu các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Việc kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận. Các quyền lợi vợ chồng sẽ không được pháp luật bảo vệ.

Trong trường hợp của C và N, nếu cả hai kết hôn thì C và N sẽ vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về điều kiện kết hôn. Đối với hành vi này, C và N sẽ phải chịu hậu quả pháp lý.

3. Hậu quả pháp lý của tảo hôn

Tảo hôn là một hành vi vi phạm pháp luật quy định trong Luật hôn nhân và gia đình 2014 cùng các văn bản pháp luật các liên quan. Theo quy định này, hành vi tảo hôn rõ ràng là một hành vi trái pháp luật và bị pháp luật cấm.Vậy hành vi này sẽ có hậu quả pháp lý như thế nào?

Hậu quả pháp lý của tảo hôn

3.1. Hủy kết hôn trái pháp luật

Với trường hợp tảo hôn có đăng ký kết hôn thì hành vi kết hôn đó là trái pháp luật và có thể bị hủy khi có yêu cầu của những người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật. Theo thủ tục Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Tòa án có thẩm quyền xem xét về điều kiện độ tuổi khi kết hôn để xử lý.

Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy hành vi kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn (ở trường hợp này là đủ tuổi kết hôn theo quy định) và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân gia đình.

Hành vi kết hôn sẽ bị hủy nếu như tại thời điểm xem xét yêu cầu hủy kết hôn, một trong hai bên không đủ điều kiện về độ tuổi hoặc một trong hai bên không yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân đó.

Như vậy, đối với trường hợp của C và N thì khi yêu cầu đăng ký kết hôn thì yêu cầu của cả hai sẽ bị hủy bỏ và cả hai sẽ không thể đăng ký kết hôn.

3.2. Hậu quả pháp lý khi hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn

Khi hành vi kết hôn trái pháp luật do hành vi tảo hôn bị hủy sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý sau:

  • Hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.
  • Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con (Nếu hai bên đã có con với nhau) được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
  • Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

4. Xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn

4.1. Xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn

 Theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn sẽ bị xử lý như sau: (chưa đủ yếu tố bị truy cứu trách nhiệm hình sự).

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Theo đó, người nào có hành vi tảo hôn cụ thể tổ chức cho đôi nam nữ lấy nhau, nhưng người nữ hoặc người nam chưa đủ tuổi kết hôn thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Đối với trường hợp bị phát hiện là có hành vi tảo hôn, đã có xử phạt của cơ quan có thẩm quyền hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án mà vẫn tiếp tục chung sống như vợ chồng với nhau thì sẽ bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Xử phạt hành chính đối với hành vi tảo hôn

Có thể hiểu như sau: Nếu C và N tổ chức đám cưới thì hai bên gia đình, người tổ chức đám cưới cho C và N sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức phạt là từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Trong trường hợp việc tảo hôn của C và N bị các cơ quan chức năng phát hiện, đã có những chế tài xử lý nhưng cả hai vẫn tiếp tục chung sống như vợ chồng dù chưa đủ tuổi thì cả hai sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Có một lưu ý rằng: Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

4.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tổ chức tảo hôn

Bộ luật hình sự 2015 hiện đã bỏ quy định về tội tảo hôn. Điều đó có nghiã là hành vi tảo hôn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, vẫn có quy định truy cứu trách nhiệm hình sự về tôi tổ chức tảo hôn.  Cụ thể, điều 183 Bộ luật hình sự 2015 quy định tội tổ chức tảo hôn như sau:

Người nào tổ chức hành vi lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm

Theo quy định này, trường hợp tảo hôn bị xử lý hình sự khi người thực hiện hành vi tổ chức hành vi lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ điều kiện về độ tuổi để kết hôn đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm. Theo đó, mức xử phạt được quy định là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Hầu như trên thực tế, hành vi tảo hôn chỉ bị phạt hành chính (phạt tiền) và với nhiều gia đình đây chỉ là mức phạt nhẹ nhàng, họ sẵn sàng chi trả. Đối với gia đình nghèo khó, dân tộc thiểu số thì số tiền quá lớn họ không thể trả được và chế tài nộp tiền phạt rất khó thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số. Các gia đình tổ chức cưới tảo hôn cho con đa số là hộ nghèo nên không có tiền nộp phạt. Chính quyền địa phương cũng khó mà cưỡng chế. Các gia đình còn tìm đủ mọi cách “cưới chui”. Chỉ đến khi cặp vợ chồng tảo hôn sinh con mới đi làm đăng ký khai sinh, đặt UBND xã vào tình thế phải “hợp thức hóa” để bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ.

5. Trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Do mức phạt hành vi tảo hôn là trên 500.000 đồng sẽ áp dụng thủ tục xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 57, 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi năm 2020. Theo đó thủ tục xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo trình tự:

Bước 1:  Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính.

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập tại nơi xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền lập biên bản hoặc địa điểm khác thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Bước 2: Ký biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký.

Bước 3: Giao biên bản vi phạm hành chính

Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa.

Trường hợp biên bản vi phạm hành chính có sai sót hoặc không thể hiện đầy đủ, chính xác các nội dung thì phải tiến hành xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính để làm căn cứ ra quyết định xử phạt. Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được lập thành biên bản xác minh. Biên bản xác minh là tài liệu gắn liền với biên bản vi phạm hành chính và được lưu trong hồ sơ xử phạt.

Biên bản vi phạm hành chính có thể được lập, gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.

Hiện tại, theo thông tin cung cấp thì C và N chưa tổ chức đám cưới và chưa làm thủ tục đăng kí kết hôn. Tuy nhiên, nếu C và N quyết định tổ chức đám cưới và về cùng một nhà chung sống như vợ chồng thì sẽ vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn là Chủ tịch UBND phường/ xã nơi C và N đang chung sống như vợ chồng. Chủ tịch sẽ lập biên bản vi phạm và thực hiện các bước như trên để xử phạt hành vi tảo hôn của C và N.

Một tình yêu đẹp và hạnh phúc sẽ có đích đến là một cuộc hôn nhân, một gia đình trọn vẹn. Tuy nhiên, không phải tình yêu ở bất kì độ tuổi nào cũng có thể kết hôn mà đôi lứa chỉ có thể kết hôn khi có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình. Những trường hợp kết hôn khi không đủ tuổi sẽ là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý nặng nề. Thực trạng tảo hôn hiện vẫn đang diễn ra hàng ngày ở những vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận tri thức dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho cả cá nhân và xã hội. Chính vì vậy, qua bài viết này, Luật Ánh Ngọc xin được chia sẻ đến quý vị những thông tin liên quan đến xử phạt tảo hôn. Qua đó, Luật Ánh Ngọc mong rằng những chia sẻ về chế tài đối với hành vi tảo hôn sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng này. Với những thông tin được chia sẻ trên đây, Luật Ánh Ngọc hy vọng giải đáp được phần nào thắc mắc của quý vị. Để biết thêm chi tiết về các quy định tảo hôn, quý khách hàng có thể liên hệ với Công ty Luật Ánh Ngọc qua trang web. Hy vọng những thông tin được Luật Ánh Ngọc chia sẻ trong bài viết đem lại những lợi ích tốt nhất cho quý khách hàng.

Với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các luật sư, khách hàng có thể yên tâm tin tưởng vào chất lượng dịch vụ và đạt được kết quả như mong muốn. Công ty Luật Ánh Ngọc luôn sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ Quý khách hàng những thông tin cần thiết trong quá trình khách hàng thực hiện cấp dưỡng nuôi con. Xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Ánh Ngọc để được tư vấn cụ thể.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.