Luật Ánh Ngọc

Xử phạt vi phạm liên quan giấy phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu

Thủ tục hành chính | 2024-09-01 01:38:49

1. Các trường hợp phải xin giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu

Giấy phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho thương nhân nhằm xác nhận thương nhân đã đủ các điều kiện để kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại cửa hàng của mình theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định 83/2014/NĐ-CP, có 2 trường hợp thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu phải xin giấy phép bao gồm:

- Thương nhân có từ 02 hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trở lên trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Thương nhân có hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu nằm trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Trường hợp, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ có 01 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp đó hoặc cửa hàng đi thuê của thương nhân khác thì được miễn trừ không phải xin giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu.

Đồng thời, thương nhân phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 19 Nghị định 83/2014/NĐ-CP để được cấp giấy phép:

- Doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ghi ngành, nghề kinh doanh là kinh doanh xăng dầu;

- Thương nhân có cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của mình hoặc thuê cửa hàng với thời hạn thuê từ 05 năm trở lên, đồng thời đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định này;

- Đáp ứng được các điều kiện về nguồn nhân lực bao gồm: cán bộ quản lý và nhân viên làm việc trực tiếp tại cửa hàng phải được đào tạo và được cấp các chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về an toàn phòng cháy, chữa cháy cũng như bảo vệ môi trường.

2. Xử lý vi phạm liên quan đến giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu

Việc xử phạt các hành vi vi phạm được quy định chi tiết tại Nghị định 99/2020/NĐ-CP

Khoản 2 Điều 14 Nghị định 99/2020/NĐ-CP, quy định hành vi thương nhân bán lẻ xăng dầu tại các cơ sở không có giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu là hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh đại lý bán lẻ xăng dầu. Theo đó, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định rằng, giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu là một hình thức của giấy phép kinh doanh xăng dầu. Do đó, các quy định về xử phạt liên quan đến giấy phép đại lý bán lẻ xăng dầu cũng được xác định theo mức xử phạt liên quan đến giấy phép kinh doanh xăng dầu. 

Căn cứ theo quy định tại Điều 20 Nghị định này, tùy từng trường hợp mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý với các mức phạt khác nhau:

- Cá nhân, tổ chức có hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung trên giấy phép đại lý bán lẻ xăng dầu thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

- Cá nhân, tổ chức cho thuê, mượn, cầm cố, chuyển nhượng hoặc có hành vi đi thuê, đi mượn, nhận cầm cố, thế chấp, hay chuyển nhượng giấy phép đại lý bán lẻ xăng dầu thì bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng;

- Kinh doanh đại lý bán lẻ xăng dầu khi giấy phép đại lý bán lẻ xăng dầu đã hết thời hạn hiệu lực, kinh doanh sai nội dung đã được quy định trong giấy phép, hoặc sử dụng giấy phép của thương nhân khác để làm đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm mục đích trục lợi thì bị phạt từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng;

- Trường hợp thương nhân cố tình thực hiện đại lý bán lẻ xăng dầu trong thời gian bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoặc bị tước quyền sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu thì bị xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, Điều 14 Nghị định 99/2020/NĐ-CP quy định mức xử phạt liên quan đến đại lý bán lẻ xăng dầu như sau. Mức phạt áp dụng từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu thương nhân có hành vi vi phạm dưới đây:

- Đại lý bán lẻ xăng dầu có cửa hàng không đáp ứng được các điều kiện kinh doanh, không đảm bảo sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cũng như các yêu cầu về thiết kế cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

- Đại lý bán lẻ xăng dầu sử dụng quản lý hoặc nhân viên kinh doanh không đáp ứng điều kiện theo quy định, không được huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ, không có các chứng chỉ liên quan đến trình độ, nghiệp vụ về công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Đồng thời, tùy theo mức độ và hành vi vi phạm, thương nhân còn có bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung cũng như biện pháp khắc phục hậu quả như:

+ Tước quyền sử dụng hoặc thu hồi giấy phép đại lý bán lẻ xăng dầu từ 01 đến 03 tháng;

+ Đình chỉ hoạt động đối với đại lý bán lẻ xăng dầu có hành vi vi phạm;

+ Buộc nộp lại số lợi thu được từ hành vi bất hợp pháp mà thương nhân đã thu được.

Lưu ý rằng, mức phạt trên là mức phạt áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có cùng hành vi vi phạm các quy định trên thì cơ quan có thẩm quyền áp dụng mức phạt bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức.

3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm liên quan đến giấy phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu

Căn cứ theo quy định tại chương V Nghị định 99/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP, có thể xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm liên quan đến giấy xác nhận đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc về các cơ quan sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;

- Thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong Công an nhân dân;

- Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng(Bộ Tư lệnh);

- Cục trưởng cục Quản lý thị trường;

- Chánh thanh tra bộ, cơ quan ngang Bộ, Chánh thanh tra Sở cũng như các chức danh tương đương.

Theo đó, tùy hành vi và mức độ vi phạm mà xác định thẩm quyền xử lý vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể trong phạm vi chức năng quản lý của cơ quan đó. 

4. Những lưu ý để tránh bị xử phạt khi làm đại lý bán lẻ xăng dầu

Việc làm đại lý bán lẻ xăng dầu đòi hỏi tuân thủ nhiều quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu cũng như các văn bản liên quan để tránh bị xử phạt.

Khi làm đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau

- Đăng ký và tuân thủ pháp luật: Thương nhân cần đảm bảo đã đăng ký đầy đủ các giấy phép và chứng chỉ cần thiết để làm đại lý bán lẻ xăng dầu. Bên cạnh đó, cần tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý ngành năng lượng và tổ chức quản lý thị trường;

- Không có các hành vi kinh doanh bán lẻ xăng dầu khi không có giấy phép, kinh doanh trái nội dung giấy phép, không thực hiện các hành vi cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng giấy phép, không tự ý sửa chữa, tiêu hủy giấy phép khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Đảm bảo an toàn cháy nổ: Tuân thủ các quy tắc an toàn cháy nổ để đảm bảo an toàn cho cửa hàng và môi trường xung quanh. Đồng thời, thường xuyên sử dụng, tập huấn và bảo dưỡng thiết bị an toàn như bình chữa cháy, hệ thống chống cháy nổ;

- Giá cả và quảng cáo: Tuân thủ giá xăng được quy định bởi cơ quan quản lý và không thực hiện các hành vi độc quyền hoặc làm giảm giá không hợp lý, không sử dụng quảng cáo đánh lừa hoặc sai lệch về sản phẩm và giá xăng, đảm bảo chất lượng và giá xăng luôn ổn định;

- Bảo dưỡng và an toàn hóa học: Thương nhân cần đảm bảo rằng cơ sở vật chất và thiết bị đều được bảo dưỡng đúng cách, tuân thủ các quy tắc an toàn trong việc lưu trữ và sử dụng hóa chất, dầu và xăng;

- Thuế và báo cáo tài chính: Duy trì hệ thống kế toán chặt chẽ để theo dõi doanh thu, lợi nhuận và các vấn đề thuế, đảm bảo luôn tuân thủ và nộp đúng, đầy đủ các loại thuế và báo cáo tài chính theo đúng quy định;

- Kinh doanh bảo vệ môi trường: Thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc xử lý chất thải và rò rỉ;

- Cam kết về chất lượng sản phẩm: Đảm bảo chất lượng xăng dầu và các sản phẩm khác để tránh các vấn đề pháp lý và duy trì uy tín của doanh nghiệp.


Bài viết khác