Luật Ánh Ngọc

Các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm bạn cần nắm rõ

Dịch vụ luật sư | 2024-08-23 16:38:40

1. Hợp đồng bảo hiểm là gì?

Căn cứ quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Hợp đồng bảo hiểm được hiểu là một thỏa thuận giữa 02 bên là bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm (bên bán) và bên mua (người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng), theo đó bên mua có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, ngược lại bên bán thực hiện trách nhiệm bồi thường và trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng. 

Hợp đồng bảo hiểm là gì?

2. Các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Để đảm bảo hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm, cần tuân thủ 05 nguyên tắc được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 khi giao kết và thực hiện hợp đồng. 

2.1. Nguyên tắc trung thực tuyệt đối

Nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong giao kết và thực hiện hợp đồng

Người tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ phải khai báo đầy đủ và chính xác các thông tin liên quan đến giao kết hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm quy định. Đây là trách nhiệm mà bên tham gia bảo hiểm tự giác thực hiện mà không cần phải có sự bắt buộc yêu cầu khai báo. Điều này giúp làm giảm chi phí đánh giá rủi ro bảo hiểm có thể xảy ra, góp phần giải quyết tốt nhất quyền lợi bảo hiểm. 

Tùy theo từng loại bảo hiểm khác nhau, các mục câu hỏi yêu cầu người mua bảo hiểm kê khai thông tin khác nhau.

+ Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ: Các yếu tố về sức khỏe, bệnh án, thói quen, độ tuổi, nghề nghiệp, ...

+ Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản: Loại tài sản, thời gian sử dụng, tổn thất về tài sản trong quá khứ, tình trạng tài sản...

Công ty bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin có trong hợp đồng bảo hiểm. Thông thường, do tính chất phức tạp và dung lượng thông tin trong một bản hợp đồng quá dài nên pháp luật đã cho phép doanh nghiệp bảo hiểm quy định điều khoản mẫu, điều này có thể dẫn đến tình trạng “cài cắm” nhiều điều khoản kỹ thuật rắc rối khiến người mua không hiểu cặn kẽ, dẫn đến mơ hồ cả về quyền và nghĩa vụ và phải gánh chịu thua thiệt khi tranh chấp.

Để “bù đắp” những bất lợi mà bên mua bảo hiểm phải chịu, pháp luật đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm phải “Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”, đảm bảo cho thông tin được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu cho bên mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, công ty bảo hiểm phải giải thích rõ các điều khoản, nghĩa vụ và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, giải đáp những thắc mắc để người tham gia hiểu rõ nhất về hợp đồng bảo hiểm.

2.2. Nguyên tắc quyền lợi có thể được bảo hiểm

Quyền lợi có thể được bảo hiểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với người mua bảo hiểm, bởi hiểu được đúng bản chất, người mua bảo hiểm sẽ có quyết định bảo vệ tối đa lợi ích của mình. Quyền lợi có thể được bảo hiểm được hiểu là lợi ích hoặc quyền lợi liên quan đến (gắn liền với, hay phụ thuộc vào) sự an toàn hay không an toàn của đối tượng bảo hiểm.

Nguyên tắc này chỉ ra rằng người được bảo hiểm muốn mua bảo hiểm phải có lợi ích bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm có thể là quyền lợi đã có hoặc sẽ có trong đối tượng bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Tương ứng với từng loại bảo hiểm, quyền lợi có thể được bảo hiểm được quy định và phạm vi khác nhau. 

Cụ thể:

Quyền lợi có thể được bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ có thể hiểu một cách chung nhất: Quyền lợi có thể được bảo hiểm là mối quan hệ giữa bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm. Trong đó, rủi ro xảy ra với người được bảo hiểm sẽ gây tổn thất, thiệt hại về tài chính hoặc tinh thần đối với bên mua bảo hiểm.

Quyền lợi có thể được bảo hiểm phát sinh ngay tại thời điểm 02 bên giao kết hợp đồng. Để đảm bảo nguyên tắc này, trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải kiểm tra giữa người tham gia bảo hiểm và đối tượng bảo hiểm có tồn tại quyền lợi có thể được bảo hiểm theo nguyên tắc và theo quy định của hợp đồng bảo hiểm đó hay không.

Trong bảo hiểm tài sản, người mua bảo hiểm có một số liên hệ với đối tượng bảo hiểm được pháp luật công nhận, ví dụ như quyền sở hữu, quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu, quyền chiếm hữu hay quyền khác hợp pháp được quy định trong văn bản pháp luật. Vì vậy quyền lợi có thể được bảo hiểm được xác định khi bên mua bảo hiểm có các mối liên hệ về quyền đối với đối tượng bảo hiểm như trên.

Trong hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, khi người mua bảo hiểm có quyền lợi về tài chính; nghĩa vụ, trách nhiệm tài chính; thiệt hại kinh tế đối với đối tượng được bảo hiểm thì sẽ thuộc trường hợp được hưởng "quyền lợi có thể được bảo hiểm".

Trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự: quyền lợi bảo hiểm phải căn cứ theo quy định của luật pháp về ràng buộc trách nhiệm dân sự.

Tham khảo: Mua bảo hiểm có phải lừa đảo? Những điều bạn cần biết về bảo hiểm

2.3. Nguyên tắc bồi thường

Nguyên tắc bồi thường

Nguyên tắc bồi thường được áp dụng trong trường hợp "sự kiện bảo hiểm" xảy ra, thiệt hại do rủi ro được bảo hiểm gây ra. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường để đảm bảo cho người được bảo hiểm có tài chính như trước khi có tổn thất xảy ra, không hơn không kém.

Nguyên tắc này đặt ra nhằm mục đích khôi phục lại một phần hoặc toàn bộ tình trạng tài chính như trước khi xảy ra tổn thất cho người được bảo hiểm, giúp đỡ, giảm giá trị được tổn thất, thiệt hại khi người mua bảo hiểm gặp rủi ro để vượt qua khó khăn. Xuất phát từ mục đích này, Luật quy định giá trị bồi thường "số tiền bồi thường mà người bảo hiểm được nhận không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng".

Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng các bên tham gia lợi dụng bảo hiểm để trục lợi.

Lưu ý: Nguyên tắc bồi thường chỉ áp dụng cho hai loại bảo hiểm là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự, không áp dụng cho bảo hiểm nhân thọ và các nghiệp vụ bảo hiểm con người.

2.4. Nguyên tắc thế quyền

Theo nguyên tắc thế quyền, sau khi doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm mà một bên khác (bên thứ 3) phải chịu trách nhiệm về chi phí, tổn thất đó, Công ty bảo hiểm sẽ được hưởng mọi quyền lợi hợp pháp của người được bảo hiểm để giảm bớt tổn thất, nghĩa là người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao quyền yêu cầu bên thứ 3 bồi hoàn trong phạm vi số tiền bồi thường bảo hiểm. Nguyên tắc thế quyền không áp dụng cho bảo hiểm con người.

2.5. Nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên

Được hiểu là những rủi ro được bảo hiểm phải là những rủi ro bất thường, không thể lường trước được. Quy định này phù hợp với bản chất nhân văn của hợp đồng bảo hiểm. Thực tế đã có nhiều trường hợp, người mua bảo hiểm có hành vi lừa dối, tự mình gây ra những rủi ro như tự làm tổn thương thân thể, chặt tay chân,.. nhằm mục đích hưởng tiền bảo hiểm để trục lợi. Vì vậy chủ thể tham gia mua bảo hiểm cần lưu ý rõ về quy định pháp luật để đảm bảo yếu tố quyền lợi cho mình trong giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. 

Bài viết tham khảo Trình tự thủ tục thành lập công ty hoạt động đại lý bảo hiểm

3. Lưu ý đối với bên mua bảo hiểm trước khi tham gia bảo hiểm

Thực tế hiện nay, do nhu cầu và mục đích sử dụng, nhiều cá nhân, tổ chức tham gia từ 02 hợp đồng bảo hiểm trở lên thì trong trường hợp này, người được bảo hiểm được nhận tiền bồi thường từ nhiều hợp đồng bảo hiểm khác nhau, có thể từ các công ty bảo hiểm khác nhau hoặc của cùng một công ty bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường của tất cả các hợp đồng bảo hiểm sẽ không vượt quá giá trị tổn thất.

Khi một đối tượng được bảo hiểm bởi nhiều công ty bảo hiểm thì các công ty bảo hiểm sẽ có nghĩa vụ cùng đóng góp bồi thường theo tỷ lệ phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm (nguyên tắc này không áp dụng cho các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe).

Trường hợp người được bảo hiểm cũng được một bên thứ ba có trách nhiệm chi trả thiệt hại. Khi đó, tổng số tiền bồi thường của bên thứ ba và công ty bảo hiểm cũng không vượt quá giá trị tổn thất mà người được bảo hiểm phải gánh chịu. Nếu người được bảo hiểm đã nhận tiền bồi thường của công ty bảo hiểm, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm bảo lưu và chuyển quyền đòi bồi thường người thứ ba cho công ty bảo hiểm.

Ví dụ: Anh A có tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự số 2 với công ty Cổ phần bảo hiểm B (từ ngày 03/03/2018). Ngày 06/09/2023 trên đường đi làm về, anh bị ô tô (do anh C điều khiển) đâm phải.

Do vậy, theo như hợp đồng bảo hiểm số 2 anh A sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường theo sự kiện bảo kiện, ngoài ra anh được anh C bồi thường dân sự. 

Nếu anh A đã nhận tiền bồi thường của công ty bảo hiểm, anh A phải có trách nhiệm bảo lưu và chuyển quyền đòi bồi thường người thứ ba (anh C) cho công ty bảo hiểm B. (Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

Bài viết đã cung cấp một số thông tin cần lưu ý đối với các chủ thể trước khi tham gia hợp đồng bảo hiểm. Trong qua trình tham khảo, nếu Quý khách hàng còn gặp các vấn đề thắc mắc cần được tư vấn, vui lòng liên hệ tới chúng tôi để được giải đáp một cách chi tiết nhất.


Bài viết khác