1. Ly hôn thuận tình mất bao lâu?
Căn cứ các quy định tại Chương XXIII Phần thứ sáu Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thời gian giải quyết ly hôn thuận tình được quy định như sau:
- Tiếp nhận và xử lý đơn đơn yêu cầu:
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu;
- Nếu cần sửa đổi, bổ sung: Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
- Nộp lệ phí: Thẩm phán thông báo cho người yêu cầu về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp lệ phí;
- Thụ lý và thông báo thụ lý đơn yêu cầu:
- Tòa án thụ lý đơn yêu cầu khi người yêu cầu nộp cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu và những chủ thể liên quan.
- Xét đơn yêu cầu: Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 01 tháng, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Sau thời hạn này, Toà án mở phiên họp giải quyết việc ly hôn.
Như vậy, thời gian giải quyết ly hôn thuận tình có thể kéo dài khoảng 02 tháng, kể từ ngày Toà án tiếp nhận đơn yêu cầu giải quyết ly hôn thuận tình. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thì số lương vụ án mà Toà án, Thẩm phán tiếp nhận, giải quyết là tương đối lớn. Do đó, thời gian giải quyết ly hôn thuận tình cũng có thể bị kéo dài hơn so với quy định.
>>>Xem thêm: Vợ/chồng vắng mặt thì Tòa án có giải quyết ly hôn không?
2. Ly hôn thuận tình cần những giấy tờ gì?
Để ly hôn thuận tình, các bên cần chuẩn bị hồ sơ yêu cầu giải quyết việc ly hôn thuận tình bao gồm những tài liệu và giấy tờ như sau:
- Đơn yêu cầu giải quyết ly hôn thuận tình;
- Giấy đăng ký kết hôn (bản chính);
- CCCD/CMND/ Hộ chiếu của vợ, chồng (bản sao);
- Giấy khai sinh của con, nếu có con chung (bản sao);
- Giấy tờ về nợ chung, tài sản chung, nếu có yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận phân chia tài sản chung sau khi ly hôn (bản sao).
Lưu ý: Hiện nay, đơn yêu cầu giải quyết ly hôn thuận tình được thực hiện theo Mẫu số 01-VDS ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP. Bạn đọc có thể tải về TẠI ĐÂY
>>>Xem thêm: Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn thuận tình
3. Một số câu hỏi liên quan
3.1. Nộp hồ sơ ly hôn thuận tình ở đâu?
Theo quy định hiện hành tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết ly hôn nói chung và ly hôn thuận tình nói riêng thuộc về Toà án. Cụ thể như sau:
Thẩm quyền của Tòa án các cấp:
- Toà án cấp huyện: Giải quyết hầu hết các yêu cầu ly hôn, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Toà án cấp tỉnh.
- Toà án cấp tỉnh: Giải quyết yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài hoặc những vụ việc mà Tòa án cấp tỉnh tự mình lấy lên để giải quyết.
Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:
Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Như vậy, đa phần các trường hợp thì vợ, chồng nộp hồ sơ thuận tình ly hôn tại Tòa án cấp huyện nơi một trong hai bên vợ, chồng cư trú, làm việc.
Lưu ý: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.
3.2. Làm thế nào để rút ngắn thời gian ly hôn thuận tình?
Để rút ngắn thời gian ly hôn thuận tình, các bên cần lưu ý những vấn đề sau đây:
- Đảm bảo hồ sơ hợp lệ và đầy đủ nội dung theo quy định. Trong trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung từ Toà án thì phải sửa đổi, bổ sung trong thời gian sớm nhất.
- Đảm bảo nộp hồ sơ đúng thẩm quyền.
- Nộp lệ phí giải quyết việc dân sự trong thời gian sớm nhất.
- Theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ và liên hệ với Toà án, Thẩm phán để được hỗ trợ.
3.3. Án phí ly hôn thuận tình là bao nhiêu? Ai phải nộp?
Căn cứ Danh mục lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 thì án phí ly hôn thuận tình là 300.000 đồng.
Theo Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc chịu lệ phí, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu lệ phí theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người có nghĩa vụ chịu lệ phí thì mỗi người phải chịu một nửa lệ phí.
Như vậy, Luật Ánh Ngọc đã giải đáp vấn đề Ly hôn thuận tình mất bao lâu? Hi vọng bài viết có thể giúp ích cho bạn đọc.