Luật Ánh Ngọc

Một số điểm lưu ý khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 01/07/2024

Dịch vụ luật sư | 2024-03-30 00:03:29

1. Điểm mới cần lưu ý trong Luật Căn cước 2023

Trong công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, với chủ trương đổi mới của nhà nước hiện nay, Luật Căn cước 2023 được ban hành với những điểm mới tích hợp thông tin một cách đầy đủ, khoa học trong thẻ Căn cước ( có gắn chip).

Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự. Chi tiết những điểm mới của Luật Căn cước 2023 so với Luật Căn cước công dân 2014, cụ thể gồm: 

1.1. Tên gọi thẻ Căn cước 

Ở thời điểm trước ngày 01/07/2024, thẻ Căn cước công dân vẫn được coi là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam. Khi thực hiện giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, thẻ Căn cước công dân có giá trị minh chứng về thân phận của người được cấp thẻ. 

Tuy nhiên vì sẽ có nhiều bất cập trong cuộc sống hàng ngày nên bên cạnh việc ban hành Luật Căn cước 2023 (Tên gọi đã được thay đổi ngắn gọn hơn) thì thẻ Căn cước công dân cũng được đổi thành thẻ Căn cước để tiện lợi và phù hợp với hệ thống quản lý quản lý xã hội số, thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật.

Theo đó, Căn cước có thể được hiểu là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng (đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác) và sinh trắc học ( những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác) của một người. 

Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân. Do cơ quan quản lý căn cước cấp, thẻ bao gồm căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp. 

1.2. Bổ sung thêm những thông tin trắc học khác của công dân

Thông tin nhận dạng của một người hiện tại vẫn là dấu vân tay. Tuy nhiên, dấu vân tay có thể bị chai sạn, thay đổi, có thể bị làm giả,... nên dẫn đến nhiều trường hợp khó cho cơ quan quản lý và điều tra. Dựa theo Luật Căn cước mới thì trong Cơ sở dữ liệu căn cước gồm:

Thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt ( Là điểm chú ý của cơ quan cung cấp căn cước hiện tại. Bởi vì theo như sinh học của một người, mống mắt sẽ ít trường hợp bị thay đổi cũng như làm giả được), ADN, giọng nói ( với thông tin ADN và giọng nói, chỉ thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính); nghề nghiệp...

1.3. Thay thế Quê quán trên thẻ Căn cước. 

Thông tin về " Quê quán" được in trên thẻ Căn cước công dân thường được hiểu là quê của Bố ( Cha). Tuy nhiên, có những trường hợp, nhận định " Quê quán" là nơi được sinh ra, hoặc có nhiều câu hỏi " Sao lại là quê của Bố mà không phải là quê của mẹ".

Dẫn đến vấn đề là chúng ta không hiểu thế nào là quê quán cũng như gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi xác minh làm rõ về sự thật. Qua đó, với điểm mới của Luật Căn cước thì việc bỏ thông tin về quê quán, thay bằng nơi đăng ký khai sinh bởi nơi đăng ký khai sinh là thông tin chính xác với bất kỳ cá nhân nào và có thể dễ dàng xác thực.

1.4. Công dân sẽ có Căn cước điện tử

Một trong những nội dung đáng chú ý khác của điểm mới Luật Căn cước là bổ sung Căn cước điện tử. Theo đó, Điều 31 Luật Căn cước nêu rõ, mỗi công dân sẽ chỉ có 01 Căn cước điện tử. Đây là Căn cước được thể hiện qua tài khoản định danh điện tử.

Khi có căn cước điện tử, công dân có thể thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân

1.5. Đối tượng được cấp thẻ Căn cước

Người được cấp thẻ Căn cước công dân là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi. Với những người chưa đủ 14 tuổi, nếu muốn thực hiện một hoạt động hành chính nào thì giấy tờ chứng minh thân phận là Giấy Khai sinh.

Theo đó, khi mà ban hành Luật Căn cước mới, đối tượng được cấp thẻ Căn cước cũng được thay đổi và bổ sung. Ngoài công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thì công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

2. Câu hỏi về Thẻ căn cước mới

Chị L mới làm thẻ căn cước công dân từ tháng 01 năm 2024. Vì biết được thông tin là có Luật Căn cước mới sắp ban hành, vì không biết có phải đi làm lại thẻ căn cước dù thẻ căn cước công dân của chị đang còn hạn. Chị L có gửi câu hỏi về vấn đề của mình gặp phải cho đội ngũ luật sư Luật Ánh Ngọc chúng tôi để xin biết thêm thông tin về vấn đề mắc phải.

Câu hỏi

Luật Ánh Ngọc xin cung cấp một vài thông tin về vấn đề này đến cho chị L cũng như khách hàng khác. Cụ thể như sau: 

(+) Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 01/07/2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

(+) Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

(+) Cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, trong trường hợp được ban hành trước ngày 01/07/2024 thì việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân được áp dụng như đối với thẻ căn cước mới. 


Bài viết khác