Hồ sơ xin cấp Giấy phép phân phối điện


Hồ sơ xin cấp Giấy phép phân phối điện

Phân phối điện là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, thực hiện hoạt động truyền tải điện từ trạm đến các nơi cần sử dụng. Để được phân phối điện đúng pháp luật, các tổ chức, cá nhân phải xin cấp phép hoạt động điện lực. Vậy để xin được giấy phép phân phối điện thì tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ như thế nào?

1. Trường hợp nào phải xin giấy phép phân phối điện?

Giấy phép phân phối điện là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận cá nhân, tổ chức đủ điều kiện để hoạt động phân phối điện. Theo đó, có thể khẳng định cá nhân, tổ chức đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, về nguồn nhân lực cũng như các điều kiện về an toàn phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp phân phối điện đều phải xin giấy phép phân phối điện. Pháp luật quy định về các trường hợp được miễn giấy phép phân phối điện bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân phát điện tự sử dụng nhưng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;

- Tổ chức, cá nhân phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Như vậy, ngoại trừ các trường hợp nêu trên, tất cả các trường hợp còn lại khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu phân phối điện đều phải xin cấp giấy phép phân phối điện theo quy định.

2. Hồ sơ xin cấp Giấy phép phân phối điện cần những gì?

Hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện được quy định chỉ tiết tại Điều 8 Thông tư 21/2020/TT-BCT.

Hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện
Theo đó, hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện bao gồm các nội dung

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép phân phối điện theo mẫu số 01 ban hành tại phụ lục của Thông tư này;

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp phép;

- Danh sách trích ngang, bản sao hợp đồng lao động, các chứng chỉ như bằng tốt nghiệp, giấy tờ chứng minh thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối điện, tài liệu về kết quả tập huấn,... của người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ ca trưởng vận hành hoạt động phân phối điện;

- Danh mục các hạng mục công trình phân phối điện bao gồm các nội dung: trang thiết bị, đường dây, trạm biến áp, bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành việc lắp đặt các hạng mục công trình lưới điện,... và phạm vi hoạt động của lưới điện do tổ chức đang quản lý;

- Đối với trường hợp mua, bán, sáp nhập bàn giao tài sản lưới điện thì doanh nghiệp cần có thêm biên bản bàn giao hoặc biên bản nghiệm thu. Đối với trường hợp lưới điện thuộc sở hữu chung của các nhà đầu tư, khi xin giấy phép phải có thêm văn bản ủy quyền cho một đơn vị quản lý thực hiện việc xin cấp giấy phép;

- Bản sao thỏa thuận đấu nối vào hệ thống điện quốc gia cũng như bản đồ ranh giới và phạm vi hoạt động lưới điện.

3. Những lưu ý trong quá trình chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép phân phối điện

Hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện cần nhiều giấy tờ phức tạp tùy theo trường hợp của tổ chức, cá nhân xin giấy phép phân phối điện. Để tránh sai sót trong quá trình xin cấp giấy phép, tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số vấn đề:

- Đảm bảo thông tin về doanh nghiệp: Tổ chức, cá nhân cần đảm bảo tất cả các giấy tờ pháp lý của doanh nghiệp là hợp lệ và đầy đủ. Điều này bao gồm các văn bản như Đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận thuế, và các giấy tờ khác liên quan đến quyền sở hữu và quản lý doanh nghiệp;

- Đảm bảo có giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường;

- Đảm bảo đầy đủ các tài liệu liên quan đến người quản lý trực tiếp về kỹ thuật. Các giấy tờ chứng minh thời gian làm việc trong lĩnh vực xin cấp phép thông qua Bản khai lý lịch có xác nhận; tài liệu kề kết quả tập huấn sát hạch đạt yêu cầu,… là những yêu cầu quan trọng và là điểm mới so với quy định trước đây;

- Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép phải đảm bảo các điều kiện về quy hoạch, đất đai, xây dựng, đấu nối và các quy định pháp luật có liên quan trước khi đưa công trình điện lực vào vận hành.

Việc chi tiết hóa các vấn đề về hồ sơ chuẩn bị để xin cấp giấy phép phân phối điện có thể giúp tổ chức, cá nhân chuẩn bị một cách đầy đủ, hợp pháp để tránh bị cơ quan có thẩm quyền trả lại hồ sơ.

4. Một số câu hỏi liên quan đến giấy phép phân phối điện

4.1. Hồ sơ xin giấy phép phân phối điện có thể nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hình thức nào?

Căn cứ khoản 3 Điều 11 Thông tư 21/2020/TT-BCT, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện nộp hồ sơ thông qua các hình thức sau:

- Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp phép của Cục điều tiết điện lực:

+ Có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công theo đường dẫn https://dichvucong.moit.gov.vn;

+ Nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc tài liệu không được gửi qua mạng thông tin điện tử.

- Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Công thương được ủy quyền: Tổ chức, cá nhân có thể nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua nộp trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của cơ quan đó. 

4.2. Đơn đề nghị cấp giấy phép phân phối điện gồm các nội dung nào?

Văn bản đề nghị cấp giấy phép phân phối điện được quy định tại mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 21/2020/TT-BCT. 
Mẫu đơn đề nghị xin cấp giấy phép như sau:

Đơn đề nghị cấp giấy phép phân phối điện
Dưới đây, Luật Ánh Ngọc sẽ hướng dẫn quý khách hàng trong việc điền thông tin trong giấy phép phân phối điện

- Cá nhân, tổ chức điền đầy đủ thông tin của doanh nghiệp mình, bao gồm các thông tin:

+ Tên tổ chức đề nghị cấp giấy phép;

+ Cơ quan cấp trên trực tiếp (nếu có);

+ Các thông tin về trụ sở chính, văn phòng đại diện (nếu có), số điện thoại liên hệ, email liên lạc,...

+ Điền đầy đủ các thông tin về đăng ký doanh nghiệp theo các thông tin được ghi trên giấy đăng ký doanh nghiệp cũng như ngành, nghề đăng ký kinh doanh.

- Phần kính gửi: Ghi đầy đủ tên cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, kèm theo cả tỉnh, thành phố nơi cơ quan đặt trụ sở;

- Các thông tin về nội dung đề nghị cấp giấy phép:

+ Cụ thể ghi cấp giấy phép phân phối điện;

+ Đồng thời, ghi rõ phạm vi hoạt động phân phối điện của cá nhân, tổ chức đề nghị cấp phép;

+ Thời hạn hoạt động: do doanh nghiệp tự đề nghị nhưng không được vượt quá thời hạn 10 năm đối với giấy phép phân phối điện đã được quy định.

- Phần các giấy tờ kèm theo: Ghi đầy đủ các giấy tờ đã chuẩn bị trong bộ hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện, như: giấy phép đăng ký doanh nghiệp, danh sách trích ngang và các giấy tờ chứng minh của đội ngũ nhân lực, danh mục các hạng mục công trình,...

- Phần ký tên: Do đại diện doanh nghiệp xin cấp giấy phép ký, ghi rõ họ tên cũng như đóng dấu.

4.3. Hoạt động phân phối điện không có giấy phép bị xử lý thế nào?

Điều 7 Luật Điện lực hiện hành quy định một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện là hoạt động phân phối điện không có giấy phép theo quy định.  Như vậy, mọi trường hợp tổ chức phân phối điện trong trường hợp phải có giấy phép nhưng không xin cấp giấy phép phân phối điện thì đều bị xử phạt hành chính.

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 5 Nghị định 134/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP), trường hợp tổ chức phân phối điện mà không có giấy phép phân phối điện thì bị phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, trừ trường hợp phân phối điện khi giấy phép đã hết thời hạn sử dụng.

Bên cạnh đó, tổ chức có hành vi vi phạm phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động phân phối điện không giấy phép để khắc phục hậu quả. 

4.4. Lệ phí xin cấp giấy phép phân phối điện theo quy định hiện hành

Căn cứ theo biểu mẫu thu phí cấp giấy phép hoạt động điện lực quy định tại Thông tư 106/2020/TT-BTC, mức lệ phí xin cấp giấy phép phân phối điện được quy định như sau:

Nội dung công việc thu phí Mức phí
Hoạt động phân phối điện có tổng chiều dài đường dây dưới 1000 km hoặc tổng dung lượng trạm biến áp dưới 300 MVA 12.100.000 VNĐ
Phân phối điện có tổng chiều dài đường dây từ 1000 đến dưới 2000 km và tổng dung lượng trạm biến áp từ 300 MVA đến 600 MVA 13.700.000 VNĐ
Tổng chiều dài đường dây từ 2000 km đến dưới 3000 km và tổng dung lượng trạm biến áp từ 600 MVA đến dưới 1000 MVA 18.00.000 VNĐ
Tổng chiều dài đường dây từ trên 3000 km và tổng dung lượng trạm biến áp từ trên 1000 MVA 21.800.000 VNĐ
Phí thẩm định hồ sơ phân phối điện

800.000 VNĐ

Theo đó, tùy vào chiều dài đường dây cũng như tổng dung lượng trạm biến áp mà mức lệ phí nộp cho cơ quan có thẩm quyền là khác nhau. 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.