Kháng cáo phúc thẩm bản án dân sự sơ thẩm - có đều được chấp nhận?


Kháng cáo phúc thẩm bản án dân sự sơ thẩm - có đều được chấp nhận?
Kháng cáo phúc thẩm vụ án dân sự là một quyền của đương sự trong vụ án dân sự, nếu việc kháng cáo được thực hiện đúng thời hạn thì sẽ được Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, mở phiên tòa xét xử. Nhiều trường hợp cứ nghĩ rằng chỉ khi có những vi phạm thì mới được kháng cáo, hoặc cũng có trường hợp cho rằng cứ không theo đúng ý mình thì kháng cáo sẽ được chấp nhận giải quyết lại. Tuy nhiên, tùy vào những vụ án khác nhau và các chứng cứ chứng minh đến vụ án mà Tòa án phúc thẩm sẽ chấp nhận một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, hoặc không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm. Điều này vừa làm mất thời gian, tiền bạc của người kháng cáo khi thuê luật sư để bảo vệ quyền, lợi ích cho mình mà không đạt được kết quả như mong muốn. Trong bài này, Luật Ánh Ngọc sẽ mang đến cho các bạn một vụ án dân sự có thật, người kháng cáo đã tìm đến Luật Ánh Ngọc để được tư vấn và giúp đỡ để kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.

1. Nội dung chi tiết vụ án dân sự

Ngày 30/11/2022, Luật Ánh Ngọc đã gặp một khách hàng tên là Hạnh, khách hàng này đã liên hệ với công ty và yêu cầu được giúp đỡ, chị vừa khởi kiện một vụ án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì chị đã bị xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, tuy nhiên kết quả xét xử của Tòa án làm chị không hài lòng, chị muốn kháng cáo phúc thẩm bản án dân sự đó. Sau đây Luật Ánh Ngọc xin tóm tắt ngắn gọn lại vụ án của chị như sau:

Vào tối ngày 28-8-2017, chị Hạnh đi cà phê ở quán Min trên đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi uống hết chai Sting dâu chị Hạnh đứng lên đi vệ sinh thì bất ngờ bị ông Ngô Phúc Đạt theo dõi và dùng tay tấn công vào vùng ngực và vùng kín của chị Hạnh. Chị Hạnh kháng cự và tìm cách thoát ra ngoài thì bị anh Đạt dùng tay đánh vào đầu, bụng và ngực; khi chị Hạnh cố gắng thoát khỏi sự tấn công của anh Đạt thì anh Đạt dùng điếu thuốc đang hút châm vào tay trái của chị Hạnh làm chị Hạnh bị phỏng một vết bên tay trái và bị đánh đau hết người. Chị Hạnh đã gọi điện thoại 113 và cố gắng giữ anh Đạt lại. Hậu quả mà anh Đạt gây ra cho chị Hạnh là chị Hạnh phải nhập viện hết 04 ngày, mất thêm 02 tuần phục hồi sức khỏe. Đây là cú sốc quá lớn đối với chị Hạnh vì khi chị Hạnh bị như vậy người nhà anh Đạt là cha anh Đạt liên tục vu khống cho chị Hạnh là dụ dỗ con trai ông ấy mà thực chất chị Hạnh không hề quen biết anh Đạt khiến chị Hạnh bức xúc vô cùng. Còn mẹ anh Đạt sau khi được chị Hạnh yêu cầu đi bệnh viện thì có đưa chị Hạnh đi nhưng sau đêm hôm chị Hạnh nhập viện cho tới khi ra viện thì không tới thăm hay chăm sóc chị Hạnh. Khi Công an thành phố Thanh Hóa mời chị Hạnh và bà Lê Thị Ánh là mẹ anh Đạt lên hòa giải, chị Hạnh có yêu cầu bà Ánh hoàn trả tiền viện phí chị Hạnh đã trả và bồi thường thiệt hại về sức khỏe cũng như danh dự và ngày công lao động cho chị Hạnh. Bà Ánh không chịu bồi thường theo yêu cầu của chị Hạnh mà có thái độ bồi thường như bố thí và chỉ đồng ý bồi thường 500.000 đồng, không đồng ý bồi thường các khoản như tổn thất về danh dự, sức khỏe và ngày công lao động cho chị Hạnh. Rồi sau đó bà A bỏ về và thách thức chị Hạnh kiện ra tòa. Sau đó cán bộ hòa giải có gọi điện yêu cầu chị Hạnh đến nhận 500.000 đồng nhưng chị Hạnh không nhận. Suốt 4 năm trời ròng rã, bên phía anh Đạt chưa bao giờ liên hệ để xin lỗi hay có thành ý bồi thường, an ủi chị Hạnh. Chị Hạnh đã phải chịu tổn thương và ảnh hưởng tâm lý rất lớn khiến chị Hạnh bị trầm cảm một thời gian dài. Suốt 4 năm ròng rã bên phía Công an thành phố Thanh Hóa cũng không có bất cứ thông báo về quyết định giải quyết vụ án gửi về cho chị Hạnh. Nay, chị Hạnh yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa giải quyết buộc bị đơn bồi thường các khoản chi phí sau: Thu nhập mỗi ngày của chị Hạnh bởi việc kinh doanh cây cảnh được tính bình quân: 150.000đồng/01 ngày công. - Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất khi nằm viện là: 05 ngày x 150.000đồng/01 ngày = 750.000đồng. - Thiệt hại do thu nhập bị mất để phục hồi sức khỏe sau khi ra viện: 07 ngày x 150.000đồng/01 ngày = 1.050.000 đồng. - Thiệt hại do thu nhập bị mất trong các lần tới Công an, Tòa án làm việc: 11 ngày x 150.000đồng/01 ngày = 1.650.000 đồng. - Thiệt hại do thu nhập bị mất cho các lần đi thu thập chứng cứ, in ấn tài liệu, gửi đơn tới Công an, Tòa án, Viện kiểm sát: 14 ngày x 150.000đ/01 ngày = 2.100.000 đồng. - Chi phí khám chữa bệnh năm 2017: 847.000đồng. - Chi phí in tài liệu, công chứng 03 năm 156.000đồng. - Chi phí xăng dầu, xe cộ: 900.000đồng. - Chi phí gửi vận đơn: 217.000đồng. - Yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tinh thần: 20.000.000 đồng. - Yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự: 10.000.000 đồng. Tổng số tiền yêu cầu bồi thường: 37.670.000 đồng (Ba mươi bảy triệu, sáu trăm bảy mươi nghìn đồng). Yêu cầu gia đình anh Đạt “Thành thật xin lỗi công khai về những gì đã xúc phạm chị Hạnh” (Đơn trình bày yêu cầu ngày 15/10/2022 của bà Lê Thị Bích H).

 

Bồi thường thiệt hại so sức khỏe bị xâm phạm
Bồi thường thiệt hại so sức khỏe bị xâm phạm

Về phía bị đơn, bà Lê Thị Ánh là người giám hộ của bị đơn anh Ngô Phúc Đạt cho rằng: Vào năm 2017, tại quán Min trên đường Hoàng Hoa Thám, Ngô Phúc Đạt trong lúc đi khỏi nhà vệ sinh có vô tình va chạm nhẹ vào chị Hạnh. Ngay sau đó chị Hạnh đã lập tức tóm lấy, liên tục cào đánh Đạt và dùng rất nhiều từ ngữ nặng nề xúc phạm danh dự anh Đạt tại quán cà phê. Bằng phản xạ vô điều kiện, đồng thời tinh thần anh Đạt không được minh mẫn như người bình thường, dễ bị kích động, do đó anh Đạt đã phản kháng lại để bảo vệ mình. Khi sự việc xảy ra, Công an phường An Tâm A đã đến giải quyết và đưa anh Đạt cùng chị Hạnh về phường làm việc. Ngay sau đó bà Ánh có dẫn chị Hạnh đến Trung tâm y tế thành phố Thanh Hóa để kiểm tra và đã chi trả chi phí kiểm tra sức khỏe. Bà Ánh đã lên thăm chị Hạnh 01 lần, lần sau thì đến nhưng được biết Hạnh đã tự ý xuất viện. Sau đó bà Ánh được công an thành phố Thanh Hóa gọi lên để hòa giải, chị Hạnh yêu cầu phải bồi thường 02 triệu nhưng bà Ánh cho rằng không có chứng cứ nên không đồng ý, hơn nữa đến nay đã quá thời hiệu khởi kiện nên bà ánh yêu cầu đình chỉ giải quyết vụ án dân sự này.

2. Phân tích của Luật Ánh Ngọc về vụ án

Sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung liên quan đến bản án, Luật Ánh Ngọc phân tích sơ bộ như sau:

- Đây là một vụ án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi vì nó được phát sinh từ việc anh Đạt có hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe của chị Hạnh như đấm, đánh gây ra thiệt hại là chị Hạnh phải đến bệnh viện điều trị, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý trong một khoảng thời gian dài (căn cứ theo Điều 584 Bộ luật dân sự 2015).

- Người gây ra thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ và kịp thời, tuy nhiên vì anh Đạt được xác định là người bị thần kinh tâm thần ở mức độ nặng và cũng không có tài sản riêng nên người giám hộ là cha, mẹ tức bà Ánh phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại bằng tài sản của mình, hơn nữa lúc anh Đạt gây thiệt hại cho chị Hạnh là khi đi ra quán cà phê với mẹ là bà Ánh, mặc dù biết con có vấn đề thần kinh nặng nhưng vẫn để con đi vệ sinh một mình thì bà Ánh cũng là người có lỗi (khoản 3 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015)

 

Người gây thiệt hại là người mất năng lực hành vi dân sự
Người gây thiệt hại là người mất năng lực hành vi dân sự

- Quá trình giải quyết vụ án, bà Ánh có yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện. Theo quy định của Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện, tuy nhiên nếu có một bên đương sự hoặc cả hai bên yêu cầu trước khi Tòa án sơ thẩm ra bản án, quyết định thì sẽ được áp dụng. Đối với vụ án về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thời hiệu khởi kiện là là 03 năm kể từ ngày chị Hạnh biết mình bị xâm phạm (Điều 588 Bộ luật dân sự 2015), mà thời điểm xảy ra vụ việc là tháng 8 năm 2017, đến khi chị Hạnh khởi kiện là tháng 8 năm 2022, đã được 05 năm kể từ ngày chị Hạnh bị xâm phạm đến lợi ích, có thể thấy đã quá thời hạn được khởi kiện. Tuy nhiên, trường hợp của chị Hạnh là trường hợp gặp trở ngại khách quan, khiến chị không thể khởi kiện đúng thời hạn, bởi vì việc chị chưa khởi kiện là do chưa có kết quả giải quyết của cơ quan công an thành phố Thanh Hóa, sau lần hòa giải không thành đó, như chị Hạnh và bà Ánh đều khai rằng không nhận được một thông tin gì từ bên công an, làm cho chị Hạnh không biết xử lý như nào, nên không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Vì vậy việc bà Ánh đã yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện nhưng Tòa án không áp dụng mà tiếp tục giải quyết là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

- Về cách giải quyết của Tòa án sơ thẩm: Tòa án sơ thẩm căn cứ vào các Điều 26, 35, 39, 244, 271, 272, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 46,54,584, 585, 586, 588, 590 Bộ luật dân sự. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là chị Hạnh về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thiệt hại do sức khỏe, danh sự bị xâm phạm. Buộc bà Ánh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe do anh Đạt gây ra với số tiền là 3.537.000 đồng. Không chấp nhận việc chị Hạnh yêu cầu ông Đạt bồi thường số tiền 34.110.000 đồng.

 

Chi phí bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm
Chi phí bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm

Phân tích ra, số tiền mà Bản án quyết định bà Ánh phải bồi thường cho chị Hạnh gồm có: thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất khi nằm viện trong 05 ngày là 750.000 đồng; thiệt hại do thu nhập bị mất để phục hồi sức khỏe sau khi ra viện là 1.050.000 đồng; tổn thất tinh thần là 1.490.000 đồng; còn về chi phí khám chữa bệnh tổng là 847.000 đồng, nhưng bà Ánh đã thanh toán 600.000 đồng nên hiện còn 247.000 đồng.

Luật Ánh Ngọc nhận thấy, việc Tòa án ra quyết định như này là hoàn toàn đúng, các yêu cầu khác của chị Hạnh như thiệt hại do thu nhập bị mất trong các lần đến Công an, Tòa án làm việc, các lần đi thu thập chứng cứ, in ấn tài liệu, chi phí xăng dầu, xe cộ…thì không có căn cứ, không thỏa mãn quy định của pháp luật để được bồi thường. Cụ thể căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, …" và theo hướng dẫn tại Điều 1 của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐT ngày 08/7/2006 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau: phải có thiệt hại xảy ra; phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật và phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại.

Ngoài ra, với vụ án này, chị Hạnh còn có thể yêu cầu bồi thường chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho người bị thiệt hại, chi phí này được xác định là một ngày lương tối thiểu vùng cho một ngày khám chữa bệnh theo mức quy định: thành phố Thái Bình tại vùng II là 130.000 đồng/ngày x 5 ngày = 650.000 đồng. Tuy nhiên, do trong quá trình giải quyết vụ án, do Luật sư bào chữa cho chị trước đó không tìm hiểu kỹ nên đã bỏ sót, nên không có yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án sơ thẩm nên việc Tòa án sơ thẩm đã không xem xét khoản này.

Chị Hạnh muốn Luật Ánh Ngọc tư vấn và hỗ trợ chị kháng cáo phúc thẩm bản án sơ thẩm, chị muốn đòi được số tiền chị yêu cầu và thêm khoản như Luật Ánh Ngọc vừa tư vấn.

Khi nhận được đề nghị này, Luật Ánh Ngọc cũng đã trình bày cho chị về việc kháng cáo phúc thẩm bản án, những nội dung nào có thể kháng cáo phúc thẩm, khả năng kháng cáo phúc thẩm bản án dân sự được chấp nhận như thế nào.

Có thể thấy, tất cả các tài liệu liên quan gồm Biên bản ghi lời khai ngày 15/9/2017, biên bản làm việc ngày 28/9/20217, giấy xác nhận khuyết tật đều cho thấy mức bồi thường như trên là hợp lý, việc chị Hạnh yêu cầu mức quá cao so với thực tế thiệt hại nên không được chấp nhận. Hơn nữa, bên bị đơn cũng đã bồi thường một phần chi phí chữa bệnh, tại thời điểm hòa giải, do chị Hạnh đã yêu cầu chi phí mà không đưa ra được hồ sơ bệnh án kết luận về mức viện phí là 2.000.000 nên bà Ánh mới không chi trả.

Nay nếu chị Hạnh muốn kháng cáo phúc thẩm bản án sơ thẩm này, Luật Ánh Ngọc đã trình bày với chị rằng, kháng cáo phúc thẩm là một quyền của chị, kháng cáo của chị có thể đúng hoặc sai sẽ không bị xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, chị cần phải hiểu rõ trường hợp của mình để tránh mất thời gian, công sức, tiền bạc thuê luật sư bảo vệ quyền, nghĩa vụ cho mình, hơn nữa Luật Ánh Ngọc cũng không thể đảm bảo rằng kháng cáo phúc thẩm đối với vụ này sẽ được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ. Hơn nữa, đối với phần mà Tòa án không xem xét đến như đã trình bày là chi phí bồi dưỡng sau khi bị xâm hại, do chị Hạnh không đề cập, không yêu cầu giải quyết nên Tòa không xem xét đến là hoàn toàn đúng, Tòa phúc thẩm sẽ không chấp nhận nếu kháng cáo phúc thẩm về nội dung này.

Chị Hạnh vẫn một mực muốn Luật Ánh Ngọc giúp đỡ, mình sẽ chi trả thù lao hợp lý, tuy nhiên sau khi nghe Luật Ánh Ngọc phân tích, giải thích khả năng kháng cáo phúc thẩm được chấp nhận là thấp nên tỏ ý quan ngại, bảo sẽ về suy nghĩ thêm vài ngày rồi liên hệ lại sau. Khi khách hàng nói vậy Luật Ánh Ngọc cũng đã đoán đến trường hợp khách hàng muốn đi tìm Luật sư khác để hỗ trợ, vì họ cần sự cam kết về khả năng thành công, khả năng thắng vụ kiện. Vài ngày sau đó, Luật Ánh Ngọc nhận được thông tin là chị Hạnh đã thuê Luật sư ở Công ty luật khác. Ngày phiên tòa phúc thẩm diễn ra, Luật Ánh Ngọc cũng đến tham dự phiên tòa để xem xét cũng như để học hỏi thêm kinh nghiệm từ các Luật sư khác và cách mà Tòa án giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cả bên bị đơn cũng có kháng cáo phúc thẩm về việc bồi thường thiệt hại, họ cho rằng bà Ánh không phải bồi thường vì hành vi này là hành vi do con của bà gây ra nhưng mà người con này thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, Hồi đồng xét xử đã giải thích rằng vì bị mất năng lực dân sự, cha mẹ là người giám hộ đương nhiên, hơn nữa thời điểm anh Đạt xâm phạm sức khỏe của chị Hạnh là khi mà bà Ánh đưa anh Đạt đi chơi nhưng không quản lý tốt và con mình đã gây ra thiệt hại. Không những thế, anh Đạt không có tài sản riêng, bà Ánh cũng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại nên bà Ánh có nghĩa vụ phải bồi thường bằng tiền, tài sản của mình (căn cứ theo khoản 3 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015).

 

Phiên tòa phúc thẩm
Hình ảnh minh họa Phiên tòa phúc thẩm

Bên chị Hạnh, chị Hạnh đã kháng cáo phúc thẩm toàn bộ bản án, nhưng quá trình phiên tòa diễn ra không cung cấp được thêm chứng cứ mới.

Tại đây, phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát cũng đã nhắc đến phần bồi thường chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho chị Hạnh và yêu cầu Tòa án phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của chị Hạnh và sửa bản án sơ thẩm bổ sung thêm chi phí bồi thường này. Còn với kháng cáo của bà Ánh, đại diện Viện kiểm sát yêu cầu không chấp nhận kháng cáo.

Sau khi nghị án, Tòa phúc thẩm đã quyết định như sau:

-  Không chấp nhận kháng cáo của chị Hạnh.

-  Không chấp nhận kháng cáo của bà Ánh.

-  Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm.

Đối với phần yêu cầu của chị Hạnh và đại diện Viện kiểm sát, tòa phúc thẩm cũng nêu rõ vì  phiên tòa sơ thẩm chị Hạnh không yêu cầu giải quyết khoản bồi thường này nên Tòa án sơ thẩm không giải quyết là hoàn toàn đúng. Về các chi phí khác tòa sơ thẩm cũng đã tính theo đúng các căn cứ đã thu thập và chứng cứ, tài liệu các bên cung cấp, nên vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm. Với khoản chi phí bồi dưỡng kia chị Hạnh có thể khởi kiện thành một vụ án mới, tuy nhiên với số tiền không đến 1.000.000 đồng thì việc khởi kiện chỉ mất thời gian, công sức, chi phí của mình.

Vậy là, quan điểm của Tòa án phúc thẩm giải quyết đối với vụ án này cũng gần giống với những phân tích, giải thích của Luật Ánh Ngọc với chị Hạnh từ ban đầu. Bởi vậy mà khả năng kháng cáo phúc thẩm được chấp nhận là rất ít, khi có bất cứ vụ nào mà khách hàng tìm đến, Luật Ánh Ngọc cũng đều phân tích chi tiết đúng, sai, giải thích cho khách hàng hiểu quy định của pháp luật được áp dụng để giải quyết vấn đề này là như nào, khả năng thắng kiện thuộc về mình là bao nhiêu để khách hàng xem xét và lựa chọn. Luật Ánh Ngọc sẽ không chỉ vì thù lao cao mà đưa cho khách hàng những cam kết không chính xác mà sẽ đưa ra tất cả những yếu tố liên quan, những khả năng để khách hàng lựa chọn, nếu khách hàng vẫn đồng ý khi mà khả năng thắng kiện thấp thì Luật Ánh Ngọc vẫn sẽ nỗ lực hết mình để bảo vệ tối đa nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Trên đây là ví dụ về một vụ án tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra trên thực tế, nguyên đơn và bị đơn đều có kháng cáo phúc thẩm nhưng Tòa án phúc thẩm không chấp nhận các kháng cáo này. 

Mời các bạn đọc thêm các vụ án hấp dẫn khác tại: Hồ sơ vụ án

Luật Ánh Ngọc hỗ trợ tư vấn trên nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, nếu các bạn cần sự trợ giúp vui lòng liên hệ để được tư vấn.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.