Người giám hộ trong việc bảo vệ quyền lợi của người không tự chủ


Người giám hộ trong việc bảo vệ quyền lợi của người không tự chủ
Trong cuộc sống ngày nay, con người đang được sống và ưu tiên phát triển toàn diện về mọi mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những con người có thể tự chủ được với cuộc sống của mình, chăm lo được hết mọi mặt cho cuộc sống của mình (đa số là những người trưởng thành, trung niên) thì cũng có rất nhiều người đang trong độ tuổi cần được chăm sóc, giám sát hoặc những người không có khả năng tự chăm lo cho bản thân mình. Vì vậy đối với họ, người giám hộ là một người rất quan trọng để giúp họ có được cuộc sống cân bằng và được bảo vệ khi cần thiết. Vậy người giám hộ là gì? Vai trò của người giám hộ là như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin pháp lý quan trọng cho bạn đọc về vấn đề này.

1. Người giám hộ là gì?

Từ khái niệm giám hộ được quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật dân sự năm 2015 có thể rút ra được khái niệm người giám hộ như sau:

Người giám hộ là cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (người được giám hộ).

2. Điều kiện làm người giám hộ

 

Điều kiện làm người giám hộ
Điều kiện làm người giám hộ

 

2.1. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Theo Điều 49 Bộ luật dân sự năm 2015, nếu đáp ứng đầy đủ bốn điều kiện dưới đây thì cá nhân có thể được làm người giám hộ:

Thứ nhất, cá nhân đó phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Thứ hai, cá nhân phải có tư cách đạo đức tốt, có các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Thứ ba, cá nhân không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.

Thứ tư, cá nhân không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

2.2. Điều kiện của pháp nhân làm người giám hộ

Theo Điều 50 Bộ luật dân sự năm 2015, nếu đáp ứng đầy đủ hai điều kiện dưới đây thì pháp nhân có thể được làm người giám hộ:

Thứ nhất, pháp nhân đó phải có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.

Thứ hai, pháp nhân phải có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

3. Các trường hợp của người giám hộ

3.1. Người giám hộ đương nhiên

3.1.1. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Theo Điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015, người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được xác định theo thứ tự như sau:

Đầu tiên, người giám hộ đương nhiên sẽ là anh ruột cả hoặc chị ruột cả của người chưa thành niên. Nếu những người này không đáp ứng được điều kiện để trở thành người giám hộ theo quy định tại Điều 49 Bộ luật dân sự năm 2015 thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo sẽ là người giám hộ đương nhiên cho người chưa thành niên. Trong trường hợp nếu tất cả các anh chị ruột trong gia đình có thỏa thuận khác với nhau thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên có thể sẽ không nhất thiết phải là anh ruột, chị ruột kế tiếp sau anh ruột cả, chị ruột cả.

Tiếp theo, nếu không có hoặc không xác định được người giám hộ theo thứ tự trên thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên sẽ là đồng thời là cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại của họ. Trường hợp nếu ông bà nội và ông bà ngoại của người chưa thành niên có thỏa thuận cử một người hoặc nhiều hơn một người trong số họ làm người giám hộ thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên có thể chỉ là một người trong số họ hoặc: ông bà nội là đồng giám hộ; ông bà ngoại là đồng giám hộ; ông nội, ông ngoại cùng là đồng giám hộ;…

Và trường hợp nếu như không có hoặc không xác định được người giám hộ theo hai thứ tự trên thì người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên sẽ có thể là một trong những người sau: bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột của người chưa thành niên.

3.1.2. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Theo Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015, đầu tiên, người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được xác định dựa trên sự lựa chọn của người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự tại thời điểm người được giám hộ vẫn có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu không có trường hợp người giám hộ được lựa chọn nào thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được xác định theo thứ tự như sau:

Thứ nhất, trường hợp hai người là vợ, chồng đã kết hôn theo quy định của pháp luật, có đủ điều kiện để trở thành người giám hộ thì khi người vợ bị mất năng lực hành vi dân sự thì người chồng sẽ là người giám hộ đương nhiên của người vợ. Và ngược lại, nếu người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì người vợ sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên của người chồng.

Thứ hai, trường hợp cả người vợ, người chồng đều mất năng lực hành vi dân sự, hoặc một trong hai vợ, chồng bị mất năng lực hành vi dân sự và người còn lại không đáp ứng đủ điều kiện để trở thành người giám hộ thì người giám hộ đương nhiên của người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ là người con cả của họ. Nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con kế tiếp sẽ là người giám hộ đương nhiên của người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Thứ ba, đối với hai trường hợp là người mất năng lực hành vi dân sự chưa kết hôn hợp pháp và chưa có con hoặc trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự đã kết hôn hợp pháp nhưng cả vợ, chồng và con của người đó đều không đáp ứng đủ điều kiện để trở thành người giám hộ thì cha, mẹ của người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên của họ.

3.2. Người giám hộ được cử, chỉ định

Có thể thấy rằng, khi không có hoặc không thể xác định được người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc xác định người giám hộ cho các đối tượng này sẽ chuyển sang phương thức cử, chỉ định người giám hộ quy định tại Điều 54 Bộ luật dân sự 2015. Và cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cử người giám hộ là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ. Còn nếu có hoặc xảy ra tranh chấp về phương thức lựa chọn, cử hay chỉ định người giám hộ giữa những người thân thích với nhau hoặc của Ủy ban nhân dân cấp xã thì Tòa án sẽ có thẩm quyền chỉ định người giám hộ cho người được giám hộ.

Về thủ tục để cử người giám hộ cũng phải thực hiện đúng, rõ ràng theo các bước sau: (1) lập văn bản cử người giám hộ, trong đó ghi rõ các nội dung: lý do cử, quyền và nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ; tình trạng tài sản của người được giám hộ; (2) phải có sự đồng ý của người được cử; (3) phải xem xét nguyện vọng của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi trở lên khi cử, chỉ định người giám hộ cho họ.

Về thủ tục xác định người giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải tuân theo trình tự sau đây: (1) người được giám hộ lựa chọn người giám hộ cho mình khi họ còn trong tình trạng minh mẫn, có thể tự kiểm soát được bản thân; (2) Tòa án chỉ định người có thể làm giám hộ đương nhiên tại Điều 53 Bộ luật dân sự năm 2015; (3) Tòa án chỉ định hoặc đề nghị một cá nhân hoặc pháp nhân nào đó làm giám hộ cho người được giám hộ khi không có giám hộ nào theo Điều 53.

Xem thêm: Ủy ban nhân dân xã có công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?

4. Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ

 

Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ
Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ

 

4.1. Quyền của người giám hộ

Quyền của người giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quy định tại Điều 58 Bộ luật dân sự năm 2015, ngoài ra quyền của người giám hộ cũng có thể được quy định trong văn bản cử giám hộ theo khoản 3 Điều 54 của Bộ luật này, cụ thể là:

Thứ nhất, người giám hộ có quyền sử dụng, định đoạt tài sản của người được giám hộ cho các hoạt động hàng ngày, cần thiết của người được giám hộ;

Thứ hai, người giám hộ có quyền được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ; được sử dụng tài sản của người được giám hộ để bồi thường thiệt hại cho hành vi gây ra tổn thất của người được giám hộ.

Xem thêm: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Điều kiện và quy trình yêu cầu

Thứ ba, người giám hộ có quyền đại diện, thay mặt người được giám hộ để thực hiện các hành vi pháp lý cho họ như xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện các quyền khác của người được giám hộ theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy rằng những quyền trên mà pháp luật quy định cho người giám hộ đều là những quyền quan trọng và cần thiết. Bởi mục đích của việc giám hộ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là chăm sóc, chữa bệnh và bảo vệ quyền lợi cho họ. Nên người giám hộ cho những đối tượng này phải được quy định về quyền lợi trong việc giám hộ một cách hợp lý và rõ ràng để họ có thể thực hiện được việc giám hộ một cách tốt nhất và hiệu quả nhất.

4.2. Nghĩa vụ của người giám hộ

Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi được quy định tại các Điều 55, 56, 57 Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, người giám hộ có các nghĩa vụ như sau:

Thứ nhất, người giám hộ có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ là những đối tượng trên. Đây là nghĩa vụ quan trọng nhất của một người giám hộ. Nghĩa vụ bảo vệ này được thể hiện qua việc người giám hộ thay người được giám hộ quản lí tài sản cho họ; tự mình sử dụng và định đoạt tài sản vì lợi ích của người được giám hộ hoặc giám sát người được giám hộ thực hiện việc đó để quyền lợi của người được giám hộ được bảo vệ sao cho hiệu quả nhất. Người giám hộ phải có trách nhiệm thực hiện các hành vi pháp lí cũng như các hành vi thực tế để bảo vệ quyền nhân thân, quyền tài sản của người được giám hộ và nếu người khác hoặc đối tượng khác xâm phạm đến tài sản của người được giám hộ thì người giám hộ phải yêu cầu người khác trả lại tài sản cho người được giám hộ, đồng thời thực hiện các nghĩa vụ cho người được giám hộ khi cần thiết.

Thứ hai, người giám hộ có nghĩa vụ chăm sóc, giáo dục người được giám hộ chưa đủ 15 tuổi và chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ bị mất năng lực hành vi dân sự, người được giám hộ có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Nghĩa vụ này được đặt ra cho người giám hộ là đúng đắn bởi vì đối với người được giám hộ là người chưa đủ mười lăm tuổi thì họ vẫn chưa thể hoàn toàn có được nhận thức và hành vi đúng đắn cũng như sự trưởng thành để xử lý trước mọi tình huống nên họ cần được người giám hộ chăm sóc và giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn để từ đó nhận thức và hành vi của họ được phát triển theo hướng tốt hơn. Còn đối với người được giám hộ là người bị mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì bản thân họ đã có bệnh về sức khỏe, hệ thần kinh, tâm lý, tâm thần cho nên họ cần thiết phải có được sự quan tâm, chăm sóc và chữa trị đặc biệt, vì thế mà người giám hộ phải có trách nhiệm chăm sóc người được giám hộ thật tốt và để ý đến thời gian, lịch trình khám sức khỏe định kỳ để đưa người được giám hộ đi chữa bệnh, điều trị bệnh đúng thời điểm. Việc chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho người được giám hộ được thực hiện theo khả năng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người giám hộ.

Thứ ba, người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ là người chưa đủ mười lăm tuổi, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi; quản lý tài sản của người được giám hộ là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Có thể thấy đối với người chưa đủ mười lăm tuổi và người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì họ chưa hoặc không có được nhận thức, ý thức đúng đắn về việc chi tiêu, sử dụng tài sản sao cho hợp lý nên người giám hộ phải có trách nhiệm quản lý tài sản cho họ để tài sản của họ không bị tiêu tốn một cách bừa bãi, phung phí và được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Pháp luật cũng tạo điều kiện cho người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi không hoàn toàn bị quản lý tài sản bởi người giám hộ khi quy định người giám hộ sẽ không quản lý tài sản của đối tượng này khi pháp luật có quy định khác. Ở độ tuổi này thì người được giám hộ cũng đã có được suy nghĩ và độ chín chắn nhất định nên họ có thể được quyết định về tài sản của mình theo quy định của pháp luật.

Và khi quản lý tài sản của người được giám hộ, người giám hộ phải quản lý chúng như tài sản của mình, phải bảo quản, giữ gìn tài sản thật cẩn thận và không được làm hỏng hay mất tài sản của người được giám hộ; chỉ được sử dụng, định đoạt tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ; không được tự ý tặng, cho tài sản của người được giám hộ bởi hợp đồng tặng cho là loại hợp đồng không có đền bù nên nếu tặng, cho thì sẽ làm giảm sút, hao hụt đi khối tài sản của người được giám hộ. Đối với những giao dịch có giá trị lớn thì phải có sự đồng ý, xác nhận của người giám sát việc giám hộ thì người giám hộ mới được thực hiện giao dịch.

Thứ tư, người giám hộ có nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật. Có thể thấy đại diện không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ sẽ là đại diện cho người được giám hộ trong các quan hệ pháp luật nội dung và tố tụng, các giao dịch dân sự của người được giám hộ khi cần thiết. Người giám hộ sẽ thực hiện việc đại diện cho người được giám hộ dưới hai hình thức sau:

Trước hết, đối với người chưa thành niên thì người giám hộ với tư cách người đại diện sẽ kiểm soát việc người được giám hộ thực hiện các giao dịch dân sự bằng hình thức “đồng ý” với nội dung cũng như hình thức của giao dịch. Thời điểm đồng ý không có ý nghĩa quyết định. Người giám hộ có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự mà người được giám hộ đã thực hiện nhưng không được sự đồng ý của người giám hộ là vô hiệu theo quy định tại Điều 125 và Điều 128 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Xem thêm: Giao dịch dân sự vô hiệu: hậu quả pháp lý và giải quyết tranh chấp

Còn đối với người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người giám hộ với tư cách là người đại diện sẽ thực hiện các giao dịch dân sự vì quyền lợi hợp pháp của người được giám hộ.

5. Vai trò của người giám hộ trong việc bảo vệ quyền lợi của người không tự chủ

 

Vai trò của người giám hộ trong bảo vệ quyền lợi của người không tự chủ
Vai trò của người giám hộ trong bảo vệ quyền lợi của người không tự chủ

 

Qua sự phân tích về quyền và nghĩa vụ của người giám hộ, có thể thấy được người giám hộ có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người được giám hộ.

Đầu tiên, nhờ có người giám hộ quản lý tài sản, theo dõi, giám sát việc sử dụng và định đoạt tài sản của người được giám hộ nên số tài sản đó của người được giám hộ mới có thể được bảo vệ, không bị hư hỏng và sử dụng hiệu quả vì lợi ích của người được giám hộ. Và cũng nhờ có người giám hộ thực hiện các hành vi pháp lý, hành vi thực tế để bảo vệ các quyền nhân thân, quyền tài sản của người được giám hộ, yêu cầu người khác trả lại tài sản cho người được giám hộ nên quyền nhân thân và quyền tài sản của người được giám hộ mới được bảo đảm tốt hơn, ngăn chặn được các hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân, quyền tài sản và sự xâm phạm tài sản của các chủ thể khác đối với người được giám hộ.

Tiếp đó, nhờ có người giám hộ chăm sóc, giáo dục, bảo đảm điều trị bệnh cho người được giám hộ mà người được giám hộ đã giảm bớt được nhiều khó khăn hơn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Thay vì họ phải chật vật chống chọi, đấu tranh với bệnh tật, tiếp thu kiến thức đời sống và nhiều vấn đề khác một mình thì họ đã có người giám hộ nâng đỡ, hỗ trợ họ để chất lượng cuộc sống của họ được cao hơn, bệnh tật của họ được thuyên giảm dần theo thời gian,...

Ngoài ra, nhờ có người giám hộ thực hiện việc đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự và kiểm soát việc thực hiện các giao dịch dân sự của người được giám hộ mà các giao dịch dân sự được tiến hành một cách nghiêm túc, đúng đắn và có hiệu quả hơn. Điều này giúp tiết kiệm và bảo vệ được tài sản, tiền bạc của người được giám hộ, tránh được tình trạng người được giám hộ bị rơi vào bẫy lừa đảo hoặc bị phung phí tiền bạc vào những thứ không cần thiết.

Và nhờ có người giám hộ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ mà người được giám hộ được sống và làm việc một cách an toàn, có các quyền tự do, quyền sở hữu, quyền công bằng và các quyền lợi khác, được bảo vệ sức khỏe, được học tập và phát triển bản thân;… Người được giám hộ sẽ không cần phải lo lắng về sự xâm phạm quyền lợi và nghĩa vụ đến từ các chủ thể khác.

Tóm lại, vai trò của người giám hộ đối với người được giám hô là vô cùng quan trọng và to lớn, giúp cho người được giám hộ có được sự giúp đỡ cần thiết, từ đó loại bỏ dần được những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống mà họ đang gặp phải để được phát triển tốt hơn.

Bài viết trên đây đã phân tích những vấn đề quan trọng về Người giám hộ trong việc bảo vệ quyền lợi của người không tự chủ. Bạn đọc đang có thắc mắc về vấn đề liên quan hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp sớm nhất

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.