Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Điều kiện và quy trình yêu cầu


Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Điều kiện và quy trình yêu cầu
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý, bởi vì là yếu tố ngoài hợp đồng, không có thỏa thuận trước nên nhiều khi sự việc xảy ra bất ngờ không thể lường trước được gây ra những hậu quả là thiệt hại về vật chất và tinh thần không thể khắc phục mà chỉ có thể làm hạn chế, ngăn chặn xuống mức thấp nhất thiệt hại. Cũng vì vậy mà các chủ thể khi tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có những trạng thái thâm lý khác nhau, quá trình giải quyết có thể không được công bằng nên dễ xảy ra mâu thuẫn, cãi vã.

1. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

 

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự, theo đó người vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây ra tổn hại cho người khác thì phải bồi thường những tổn thất, thiệt hại mà mình gây ra, việc bồi thường giữa người có hành vi trái pháp luật gây tổn hại và người bị thiệt hại không có giao kết hợp đồng hoặc có hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc những hành vi thực hiện hợp đồng được quy định trong nội dung hợp đồng mà hai bên ký kết.

Ví dụ: thiệt hại do súc vật của chủ nuôi gây ra, tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản, thả rông vật nuôi gây tai nạn giao thông,.... 

2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

 

Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Nó là các yếu tố, là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, người phải bồi thường, người được bồi thường và mức bồi thường. Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định cụ thể các điều kiện làm phát sinh trách  nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuy nhiên căn cứ vào Điều 584 BLDS và các quy định, nguyên tắc của pháp luật thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện sau:

2.1. Có thiệt hại xảy ra

Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi lẽ mục đích của việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nhằm bù đắp, khắc phục những tổn thất đã xảy ra cho người bị thiệt hại, do vậy chỉ khi có thiệt hại về tài sản hoặc tinh thần thì mới làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của người gây ra thiệt hại.

Thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:

- Thiệt hại về vật chất như thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (làm hỏng xe cộ khi mượn đi chơi, hoặc đang đi đường thì đâm vào bờ rào nhà bên đường,…); thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm (đánh nhau chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự, vác vật cồng kềnh đụng và người khác làm họ bị thương,…); thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (ngồi đàn đúm nói xấu người khác làm họ bị xa lánh, xấu hổ,…).

- Thiệt hại về tinh thần được hiểu là từ việc gây ra thiệt hại về vật chất làm cho người nhà thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, lòng tin, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm,…

Như vậy, chỉ khi một hành vi mà gây ra một hoặc một số thiệt hại nêu trên thì mới làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người thực hiện hành vi đó. Nếu không có thiệt hại, chẳng hạn như anh A đi xe máy đâm vào tường rào nhà chị B, nhưng tường rào không bị làm sao hay đổ vỡ thì anh A sẽ không phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

2.2. Có hành vi gây thiệt hại hoặc có sự kiện tài sản gây thiệt hại xảy ra trên thực tế

Hành vi gây thiệt hại là những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác, đây phải là những hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại, được thể hiện dưới dạng hành động (tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của chủ thể  vào đối tượng thông qua công cụ, phương tiện gây thiệt hại) hoặc dạng không hành động (chủ thể không làm việc mà pháp luật quy định buộc phải làm trong khi bản thân có đầy đủ điều kiện làm việc đó dẫn đến làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây ra thiệt hại).

Còn nếu hành vi gây ra thiệt hại nhưng hành vi đó không bị coi là trái pháp luật như các trường hợp: do yêu cầu của nghề nghiệp phải gây thiệt hại, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ,…thì người gây ra thiệt hại sẽ không phải bồi thường thiệt hại.

Hơn nữa, không phải mọi trường hợp đều do hành vi của con người gây ra, mà còn có nhiều thiệt hại khác do tài sản gây ra mà người chủ sở hữu tài sản này sẽ phải bồi thường. Để xác định có phải thiệt hại do tài sản gây ra hay không thì phải xem xét có yếu tố tác động từ con người vào tài sản đó không. Chẳng hạn một người đang chặt cành cây làm nó rơi vào người đi đường thì người chặt cây sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường, đây không phải là thiệt hại do tài sản gây ra. Nhưng nếu cành cây đó do bị khô héo đã lâu và bị thấm mưa mục, nặng quá nên bị gãy rơi trúng người đi đường thì sẽ được coi là thiệt hại do tài sản gây ra, chủ sở hữu của cái cây này sẽ phải bồi thường thiệt hại.

2.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả

Quan hệ nhân quả là mối liên hệ khách quan, tất yếu của bản thân các sự vật, hiện tượng, trong đó nguyên nhân luôn có trước hậu quả.

Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hành vi gây thiệt hại được coi là nguyên nhân và thiệt hại được coi là hậu quả. Hai cái này phải có mối quan hệ nhân quả với nhau, tức là thiệt hại có sau khi hành vi gây thiệt hại đã xảy ra. Đồng thời, thiệt hại này xảy ra phải do chính hành vi gây thiệt hại gây ra, tức là hành vi này sẽ gây ra thiệt hại là hậu quả như này, đây là hậu quả tất yếu sẽ xảy ra của hành vi vi phạm.

Nếu không đáp ứng được những dấu hiệu này thì sẽ không có mối quan hệ nhân quả với nhau, nên tức khắc người gây ra hoặc chủ sở hữu của tài sản gây ra hành vi sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường với thiệt hại không liên quan.

Ví dụ, A lái xe đâm vào B đang đi bộ làm B bị gãy chân. Sau khi vào bệnh viện chữa trị thì phát hiện B bị bệnh dạ dày cấp tính và B bắt A bồi thường chi phí chữa gãy chân và cả chi phí chữa bệnh dạ dày vi cho rằng do bị A đâm đi khám mới phát hiện thêm bệnh này. Trường hợp này ta thấy, hành vi của A đâm vào B chỉ trực tiếp làm cho B gãy chân, chứ không liên quan đến việc B bị bệnh dạ dày, nguyên nhân là hành vi đâm xe và hậu quả là bệnh dạ dày không liên quan đến nhau, việc đâm xe vào người không thể gây ra bệnh dạ dày nên A không phải chịu trách nhiệm bồi thường với việc B bị đau dạ dày và phải chữa trị.

3. Quy trình đòi lại công bằng trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

 

Quy trình đòi lại công bằng trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Quy trình đòi lại công bằng trong việc yêu cầu
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Đòi lại công bằng trong việc bồi thường thiệt hại không chỉ đối với người bị thiệt hại mà cả người gây ra thiệt hại, bởi vì nhiều trường hợp gây thiệt hại không đáng kể nhưng mức bồi thường lại quá lớn, làm cho người có trách nhiệm bồi thường không thể thực hiện được hoặc nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của họ. Vì vậy, để có thẻ bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của mình không bị xâm hại, chủ thể nên tìm hiểu và mắm được một số quy định về quy trình giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

3.1. Nắm được các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Khi có sự kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra, cả bên bị thiệt hại và bên gây thiệt hại đều có thể phải bồi thường cho nhau hoặc không phải bồi thường. Thực tiễn có nhiều trường hợp do chưa có hiểu biết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên người bị thiệt hại nặng hơn hay đòi bồi thường cao, còn người gây thiệt hại hoặc thiệt hại ít lại phải bồi thường, nhiều khi vì không muốn làm lớn chuyện nên đòi bao nhiêu bồi thường bấy nhiêu hoặc trường hợp thiệt hại do tài sản gây ra mà chủ sở hữu cho rằng không phải lỗi của mình nên không bồi thường. Điều này khi xảy ra tranh chấp dễ gây mất tình làng nghĩa xóm, xảy ra cãi vã, tranh chấp dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Vì vậy để có thể đòi lại công bằng cho mình khi xảy ra vụ việc bồi thường thiệt hại, trước tiên các chủ thể phải nắm được các quy định chung của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Một là, nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được quy định cụ thể tại Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 và hướng dẫn cụ thể trong Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao gồm:

- Với các thiệt hại thực tế đã xảy ra như tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó, được tính thành tiền tại thời điểm giải quyết bồi thường. phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời để nhằm khắc phục cũng như ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thiệt hại phát sinh sau thời điểm giải quyết bồi thường lần đầu được xác định tại thời điểm giải quyết bồi thường lần tiếp theo nếu có yêu cầu của người bị thiệt hại.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế do có sự thay đổi về tình hình kinh tế-xã hội, sự biến động về giá cả trên thị trường, khả năng lao động của người bị thiệt hại, của người có trách nhiệm bồi thường,… thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Khi đó kèm theo đơn yêu cầu là các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Chẳng hạn A và B đi xe máy đâm vào nhau, xe của A bị hư hỏng nặng nhất phải sửa hết 10 triệu, nhưng do A và B đều có lỗi, nên B sẽ chỉ bồi thường cho A một phần mà không phải toàn bộ thiệt hại.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. Trường hợp này được hiểu là khi mà có hành vi gây thiệt hại, biết trước là sẽ gây ra hậu quả mà không thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại xảy ra trong khi mình có đủ điều kiện để thực hiện nhưng lại để mặc hậu quả xảy ra thì sẽ không được bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: A thấy B đang lùi xe ô tô, do tầm nhìn hạn chế nên B không hề hay biết là sắp lùi phải chiếc xe máy A đỗ ở sau, thấy vậy nhưng A vẫn không nhắc B, và cũng k đến để di chuyển xe máy lùi lại, kết quả xe máy bị đè lên, hư hỏng phải sửa chữa hết 5 triệu đồng. Trường hợp này, A sẽ không được bồi thường.

Đây là những quy tắc chung trong việc bồi thường thiệt hại, để có thể đòi lại công bằng cho mình, cả bên bị thiệt hại và bên có trách nhiệm bồi thường đều cần phải nắm và hiểu được trước khi yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Hai là, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Hành vi gây thiệt hại có thể được thực hiện bởi bất cứ chủ thể nào nhưng không phải tất cả chủ thể này đều có khả năng thực hiện việc bồi thường và cũng có những trường hợp người không thực hiện hành vi gây thiệt hại nhưng vẫn phải bồi thường. Cụ thể quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

- Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường (đây là những người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hành vi dân sự, bồi thường bằng tài sản của mình, không phụ thuộc vào tình trạng tài sản của họ).

- Người dưới 18 tuổi, là người chưa thành niên thì xem xét như sau:

  •   Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường bằng tài sản của cha mẹ nếu đủ hoặc tài sản riêng của con nếu tài sản của cha, mẹ không đủ bồi thường.
  •   Người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu đủ hoặc bằng tài sản của cha, mẹ nếu thiếu.
  •   Người chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi gây thiệt hại trong thời gian ở trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì trường học, bệnh viện, pháp nhân đó phải bồi thường nếu họ có lỗi. Nếu các tổ chức này chứng minh được là mình không có lỗi thì cha mẹ, người giám hộ của người gây thiệt hại phải bồi thường.
  •   Trường hợp người giám hộ bồi thường thì được dùng tài sản của người được giám hộ để thực hiện nghĩa vụ nếu họ có tài sản, nếu không có thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình (nếu họ có lỗi), còn chứng minh được là mình không có lỗi thì người giám hộ không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Vậy là, không phải cứ người gây ra thiệt hại sẽ phải bồi thường hoặc bố mẹ, người giám hộ của họ phải bồi thường cho mà còn tùy trường hợp người có trách nhiệm bồi thường là cá nhân, chủ thể nào.

Ba là, các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng. Chẳng hạn nhà A bị cháy có dấu hiệu lan sang nhà B, thấy vậy A đã dùng nước để xịt nhưng do lửa to, gió mạnh nên lửa vẫn lan sang khu sân nhà B làm cháy bờ rào và nhiều cây cảnh trong vườn của B. Khi này, A sẽ không phải bồi thường.

- Thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Ví dụ, A đang đi xe máy đến ngã tư đèn xanh nên A vẫn đi thì B chạy bộ lao ra từ ngõ và đâm vào A, A không bị làm sao nhưng B bị xây xước da phải vào vào bệnh viện để băng bó. Trường hợp này, lỗi hoàn toàn do B nên A không phải bồi thường.

Bốn là, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp gây ra thiệt hại và việc bồi thường không được thỏa đáng, các bên không thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường thì sẽ khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. Theo Điều 588 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Nắm được một số quy định trên, về cơ bản chủ thể khi gặp và tham gia quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng này có thể tự mình giải quyết, thỏa thuận với nhau vừa hợp tình, hợp lý và hợp pháp.

3.2. Thỏa thuận về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Đối với pháp luật dân sự sẽ tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, miễn sao các thỏa thuận không vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Bởi vậy, khi xảy ra sự kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau về mức bồi thường như nào, bồi thường những thiệt hại gì cụ thể.

Việc thỏa thuận và bồi thường có thể tiến hành bằng miệng hoặc lập thành văn bản thỏa thuận đều được. Miễn sao có thể giải quyết được vấn đề thỏa đáng mà không vi phạm điều cấm của luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người khác.

3.3. Yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trong thực tiễn, không phải mọi trường hợp nào các bên cũng thỏa thuận được với nhau về mức bồi thường, trong trường hợp này có thể yêu cầu tòa án giải quyết. Quá trình yêu cầu tòa án giải quyết được thực hiện như sau:

Bước 1: Gửi đơn yêu cầu khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đến Tòa án có thẩm quyền.

Tòa án có thẩm quyền ở đây là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc, hoặc nơi bị đơn có trụ sở (trường hợp là pháp nhân) nếu không có thỏa thuận khác hoặc nguyên đơn lựa chọn khác. Nếu hai bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc nguyên đơn lựa chọn thì có thể nộp đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi nguyên đơn cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra thiệt hại để Tòa án giải quyết.

Khi gửi đơn có thể gửi kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh là có thiệt hại xảy ra, mức độ thiệt hại, số tiền đã bồi thường,…

Có thể gửi đơn bằng cách nộp trực tiếp đến Tòa án hoặc gửi theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi qua Cổng thông tin điện tử của tòa án huyện (nếu có).

Bước 2: Tòa án xem xét thụ lý đơn

Sau khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện thì sẽ phân công Thẩm phán giải quyết, khi này bên khởi kiện phải chú ý theo dõi khi Thẩm phán có yêu cầu bổ sung, cung cấp thêm tài liệu chứng cứ hoặc thông báo nộp tiền tạm ứng án phí thì đi nộp tại cơ quan thi hành án dân sự huyện và nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho tòa án để thụ lý vụ á.

Bước 3: Tòa án giải quyết vụ án

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, khi này có thể thẩm phán sẽ thực hiện các biện pháp để thu thập thêm chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án thì hai bên đều phải phối hợp đầy đủ. Nếu hòa giải không thành Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Khi đó hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đánh giá hành vi trái pháp luật, thiệt hại gây ra, mức độ lỗi của mỗi bên mà tình trạng khắc phục thiệt hại như nào để đưa ra quyết định đúng pháp luật, đúng như sự thật khách quan của vụ án.

Với bản án được ban hành có hiệu lực pháp luật, các bên có nghĩa vụ phải thực thi hành theo đúng nội dung quyết định của bạn án. Nếu bên có nghĩa vụ bồi thường không thực hiện thì bên được bồi thường có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, yêu cầu bên đó phải thi hành bán án.

Có thể thấy, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra rất nhiều trong đời sống hàng ngày, với những nội dung mà Luật Ánh Ngọc đã phân tích và trình bày hi vọng có thể giúp ích cho bạn khi gặp phải tình huống này để làm sao có thể bảo vệ được những quyền và lợi ích của mình không bị xâm phạm, lợi dụng. Nếu bạn còn có những vướng mắc gì liên quan đến Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: Điều kiện và quy trình yêu cầu, vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc qua 0878.548.558 hoặc lienhe@luatanhngoc.vn, Luật Ánh Ngọc với đội ngũ luật sư dày dặn kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực sẽ hỗ trợ và giải đáp thắc mắc cho bạn.

 

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.