Quy định của pháp luật Việt Nam thẩm định giá viên


Quy định của pháp luật Việt Nam thẩm định giá viên
Thẩm định giá viên là những chuyên gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định giá trị của tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy cho hoạt động thẩm định giá, pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể liên quan đến đào tạo, chứng nhận và thực hiện công việc thẩm định giá của các chuyên gia này. Trong bài viết này, Luật Ánh Ngọc sẽ chia sẻ vơi các bạn về những quy định này và ý nghĩa của chúng đối với hoạt động thẩm định giá viên tại Việt Nam.

1. Căn cứ pháp luật

2. Thẩm định giá là gì?

2.1. Khái niệm thẩm định giá

 

Hoạt động thẩm định giá
Hoạt động thẩm định giá

 

Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Thẩm định giá thường được sử dụng trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, doanh nghiệp và các loại tài sản có giá trị khác.

Mục đích chính của thẩm định giá là xác định giá trị hợp lý của một tài sản để có thể đưa ra quyết định mua, bán, đầu tư, hay cho vay. Quá trình thẩm định giá thường dựa trên việc phân tích các yếu tố như thông tin thị trường, điều kiện kinh tế, thu nhập, tài sản tương tự đã được giao dịch, và các phương pháp định giá phù hợp.

Có nhiều phương pháp và phương tiện để thực hiện thẩm định giá, ví dụ như phương pháp so sánh, phương pháp chiết khấu dòng tiền, phương pháp định giá tài sản, phương pháp định giá cổ phiếu. Mỗi phương pháp được áp dụng tùy thuộc vào loại tài sản và mục đích thẩm định giá cụ thể.

Đặc điểm của hoạt động thẩm định giá:

+ Tổ chức đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật giá 2022 được hoạt động thẩm định giá.

+ Cá nhân không được hoạt động thẩm định giá độc lập.

+ Hoạt động thẩm định giá phải tuân thủ quy định về thẩm định giá của Luật giá 2022.

2.2. Nguyên tắc hoạt động thẩm định giá

Pháp luật Việt Nam quy đinh các nguyên tắc thẩm định giá nhằm đảm bảo tính chính xác, minh bạch và đáng tin cậy trong quá trình thẩm định giá. Hoạt động thẩm định giá cần tuân thủ các nguyên tắc sau: 

- Tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam: Đây là nguyên tắc quan trọng để đảm bảo rằng hoạt động thẩm định giá tuân thủ các quy định, hướng dẫn và tiêu chuẩn được đề ra bởi pháp luật và cơ quan quản lý thẩm định giá tại Việt Nam. Tuân thủ pháp luật và tiêu chuẩn sẽ đảm bảo tính hợp pháp và chất lượng của quá trình và kết quả thẩm định giá.

- Chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật: Nguyên tắc này yêu cầu những người thực hiện hoạt động thẩm định giá phải có sự chịu trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này bao gồm việc thực hiện quy trình đúng, sử dụng phương pháp và dữ liệu chính xác, báo cáo kết quả một cách minh bạch và đúng thời hạn, và tuân thủ các nghĩa vụ và trách nhiệm khác liên quan đến hoạt động thẩm định giá.

- Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá: Điều này đảm bảo rằng hoạt động thẩm định giá được tiến hành một cách độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như áp lực từ bên ngoài, lợi ích cá nhân hay xung đột lợi ích. Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực và khách quan là quan trọng để đảm bảo kết quả thẩm định giá chính xác và đáng tin cậy.

- Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật: Nguyên tắc này yêu cầu bảo mật và bảo vệ thông tin liên quan đến hoạt động thẩm định giá. Thông tin như dữ liệu tài chính, thông tin thị trường, phân tích và kết quả thẩm định giá phải được bảo mật và chỉ được sử dụng cho các mục đích đúng đắn theo quy định của pháp luật. Bảo mật thông tin đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo rằng thông tin không bị lợi dụng hoặc rò rỉ gây thiệt hại cho các bên liên quan.

Các nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính tin cậy và chất lượng của quá trình thẩm định giá tại Việt Nam. 

3. Quy trình thẩm định giá tài sản

Qúa trình thẩm định giá tài sản cần thực hiện theo quy định pháp luật như sau:

(1) Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.

(2) Lập kế hoạch thẩm định giá.

(3) Khảo sát thực tế, thu thập thông tin.

(4) Phân tích thông tin.

(5) Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.

(6) Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.

4. Thẩm định giá viên

 

Thẩm định giá viên
Thẩm định giá viên

 

4.1. Tiêu chuẩn của thẩm định giá viên

- Có năng lực hành vi dân sự.

- Có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan.

- Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành gồm: Kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do các tổ chức đào tạo hợp pháp ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.

- Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 (ba mươi sáu) tháng trở lên tính từ ngày có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành vật giá, thẩm định giá và các ngành gồm: Kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do các tổ chức đào tạo hợp pháp ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.

- Có Chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá do cơ quan, tổ chức có chức năng đào tạo chuyên ngành thẩm định giá cấp theo quy định của Bộ Tài chính, trừ các trường hợp sau:

  • Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học trong nước hoặc nước ngoài về chuyên ngành vật giá, thẩm định giá;
  • Người đã có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học ngành kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá và đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành thẩm định giá.

- Có Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp.

4.2. Những người không được hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá

Căn cứ Điều 36 Luật Giá 2022 quy định về những trường hợp không được hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá như sau:

- Người không đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 34 của Luật giá 2022.

- Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

- Người đang bị cấm hành nghề thẩm định giá theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội về kinh tế, chức vụ liên quan đến tài chính, giá, thẩm định giá mà chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

- Người đã bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên.

- Người có hành vi vi phạm pháp luật về tài chính bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định xử phạt.

- Người đang bị đình chỉ hành nghề thẩm định giá.

5. Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề

 

 

Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề
Quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề

 

5.1. Quyền của thẩm định viên về giá hành nghề

- Hành nghề thẩm định giá theo quy định của Luật giá 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ;

- Yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản thẩm định giá và tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thẩm định giá;

- Từ chối thực hiện thẩm định giá nếu xét thấy không đủ điều kiện thực hiện thẩm định giá;

- Tham gia tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

5.2. Nghĩa vụ của thẩm định viên về giá hành nghề

- Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng thẩm định giá;

- Ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá về kết quả thẩm định giá;

- Giải trình hoặc bảo vệ kết quả thẩm định giá do mình thực hiện với khách hàng thẩm định giá hoặc bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá không phải là khách hàng thẩm định giá nhưng có ghi trong hợp đồng thẩm định giá khi có yêu cầu;

- Tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do cơ quan, tổ chức được phép tổ chức;

- Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc qua email: lienhe@luatanhngoc.vn hoặc điện thoại: 0878.548.558 nếu có bất kì thắc mắc nào liên quan đến "Quy định của pháp luật Việt Nam về thẩm định giá viên " hoặc các vấn đề pháp lý khác để được tư vấn, giải đáp nhanh chóng. Luật Ánh Ngọc rất mong khi nhận được sự phản hồi của Qúy khách. Xin cảm ơn!

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.