Con có ý định giết cha mẹ có được quyển hưởng di sản thừa kế không?


Con có ý định giết cha mẹ có được quyển hưởng di sản thừa kế không?
Quyền thừa kế là quyền mà pháp luật quy định cho mỗi cá nhân và pháp nhân, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều trường hợp người thừa kế không có quyền hưởng di sản thừa kế, vậy trường hợp con có ý định giết cha mẹ thì có còn được quyền hưởng di sản thừa kế hay không? Hãy cũng Luật Ánh Ngọc tìm hiểu trong bài viết này.

1. Pháp luật về thừa kế và hưởng di sản thừa kế

1.1. Các khái niệm liên quan đến thừa kế

Người thừa kế là người được hưởng di sản của người chết để lại theo chỉ định trong di chúc hoặc theo quy định của pháp luật và họ sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản được hưởng.

Người để lại di sản: Người để lại di sản là người đã chết, có tài sản, trước khi chết để lại di chúc hoặc không để lại di chúc.

1.2. Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là trường hợp khi mà người để lại di sản trước khi chết không để lại di chúc.

Người thừa kế theo pháp luật là người thừa kế được quyền hưởng di sản theo hàng thừa kế và điều kiện, trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Những người thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân có một trong ba mối quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng với người để lại di sản và thuộc diện thừa kế trong hàng thừa kế mà pháp luật quy định.

1.3. Thừa kế theo di chúc

Thừa kế theo di chúc khi mà người để lại di sản trước khi chết đã lập di chúc có hiệu lực pháp luật.

Người thừa kế theo di chúc là người thừa kế được hưởng di sản theo sự chỉ định, định đoạt trong di chúc của người để lại di sản trước khi họ chết, người thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức và Nhà nước.

Xem thêm: Thừa kế theo di chúc và quản lý tài sản: Tối ưu hóa di sản thừa kế

2. Các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế

 

Các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế
Các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế

 

Các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế là những người mà đáng lẽ được quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc nhưng bởi vì họ đã có một số hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nghiêm trọng tới mức pháp luật xác định khi họ thực hiện những hành vi đấy là không xứng đáng được hưởng di sản nữa.

Theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự, những trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế gồm:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản. Trường hợp này có hai điều kiện như sau:

  • Người có quyền hưởng di sản thừa kế đã có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc có hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản. Với điều kiện này, phải chứng minh được là có hành vi xâm phạm như trên hay không, bên cạnh đó còn phải chứng minh được là người có quyền hưởng di sản thừa kế đã tiến hành thực hiện các hành vi xâm phạm này một cách cố ý. Nếu chỉ là vô ý thì điều kiện này sẽ không thỏa mãn.
  • Hành vi cố ý xâm phạm đến người để lại di sản của người có quyền hưởng di sản thừa kế đã bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền kết án bằng một bản án hoặc quyết định.

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Trường hợp này, pháp luật chỉ yêu cầu là người có quyền hưởng di sản thừa kế đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản như không chăm sóc, nuôi dưỡng họ,…

- Người bị kế án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng. Trường hợp này, để kết luận là không có quyền hưởng di sản thừa kế thì phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Người có quyền hưởng di sản thừa kế đã có hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác;
  • Hành vi này đã bị Tòa án có thẩm quyền kết án bằng bản án, quyết định;
  • Hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác đã bị kết án phải nhằm mục đích để hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế bị xâm phạm có quyền hưởng.

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

  • Đối với hành vi lừa đối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc được hiểu là đã xâm phạm quyền tự do lập di chúc, tự do ý chí trong việc lập di chúc.
  • Đối với hành vi giả mạo, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc với mục đích là nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì sẽ bị tước quyền hưởng di sản thừa kế.

Như vậy, khi một người rơi vào ít nhất một trong những trường hợp nêu trên thì họ sẽ bị tước quyền thừa kế.

Tuy nhiên, nhằm tôn trọng quyền định đoạt của người để lại di sản, những người này vẫn có được quyền hưởng di sản thừa kế nếu người để lại di sản đã biết hành vi của họ nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc (khoản 2 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015).

3. Con có ý định giết cha, mẹ thì có còn được hưởng di sản thừa kế nữa hay không?

 

Con có ý định giết cha, mẹ thì có còn được hưởng di sản thừa kế nữa hay không?
Con có ý định giết cha, mẹ thì có còn được hưởng
di sản thừa kế nữa hay không?

 

Theo quy định về các trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế, thì trường hợp con có ý định giết cha, mẹ thì giải quyết như sau:

3.1. Thừa kế theo pháp luật

Đối với thừa kế theo pháp luật, nếu mà người thừa kế thuộc một trong các trường hợp không được hưởng di sản thì sẽ không có ngoại lệ. Việc con có ý định giết cha, mẹ có thể sẽ phạm tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị hoặc là chỉ dừng ở ý định phạm tội và sẽ không bị kết án, vì vậy cần xem xét trường hợp này như sau:

 - Người con bị kết án về hành vi chuẩn bị phạm tội giết người: Nếu người có có ý định giết cha, mẹ và đã có hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội mà bị phát hiện, Tòa án ra bản án về hành vi chuẩn bị phạm tội thì sẽ không được quyền hưởng di sản thừa kế.

- Trường hợp người con có ý định giết cha, mẹ, đã chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội nhưng sau đó lại không thực hiện nữa (thuộc trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội), khi này, người con sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, vì vậy sẽ không có bản án nào được Tòa án tuyên, nên người con vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.

- Trường hợp, người con có ý định giết cha, mẹ và nó chỉ dừng lại ở ý định rồi bị phát hiện mà chưa có hành vi chuẩn bị công cụ, phương tiện nào thì cũng chưa thỏa mãn yếu tố của hành vi chuẩn bị phạm tội nên không đủ căn cứ để định tội, bởi vậy người con mà có ý định giết cha, mẹ thì vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.

3.2. Thừa kế theo di chúc

Việc người chết để lại di chúc trước khi chết luôn được Nhà nước và pháp luật tôn trọng và bảo vệ, bởi vậy, những quyết định trong di chúc sẽ được tôn trọng, nếu người để lại di chúc là cha, mẹ mà vẫn quyết định cho người con có ý định giết mình hưởng di sản thừa kế thì người con đó vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế như trong di chúc.

Trừ trường hợp mà người con đã bị kết án về hành vi chuẩn bị phạm tội của tội giết người, mà cha, mẹ là người để lại di chúc không biết hành vi này, không biết là con mình có ý định giết mình và đã bị Tòa án tuyên là phạm tội giết người giai đoạn chuẩn bị phạm tội, nếu người khác chứng minh được là cha, mẹ (người để lại di sản) không biết về điều đó thì người con mà có ý định giết cha, mẹ sẽ không có quyền hưởng di sản thừa kế theo di chúc.

Qua các phân tích trên, ta thấy nếu con mà có ý định giết cha, mẹ mà chưa bị kết án về hành vi này thì vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế, trừ trường hợp đã bị Tòa án ra bản án tuyên phạm tội về ý định giết cha, mẹ và không được hưởng theo di chúc do cha mẹ để lại thì sẽ không có quyền hưởng di sản thừa kế.

Xem thêm: Con nuôi có được hưởng thừa kế và giải quyết tranh chấp thừa kế

Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Ngọc về trường hợp con có ý định giết cha, mẹ có được quyền hưởng di sản thừa kế không? Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ đến Công ty Luật Ánh Ngọc để được tư vấn, hỗ trợ bởi đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm trên các lĩnh vực khác nhau.

 



Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.