1. Di chúc được hiểu như thế nào?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Hay nói khác hơn thì di chúc thể hiện ý nguyện của người đó khi còn sống muốn người khác thực hiện ý nguyện của mình sau khi chết. Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết. Sau thời điểm mở thừa kế thì người được chỉ định trong di chúc có quyền yêu cầu chia di sản theo nội dung di chúc.
Vậy khi lập di chúc thì bản di chúc cần có những nội dung gì?
Theo quy định Điều 631 BLDS 2015 thì nội dung 1 bản di chúc gồm các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ tên, nơi cư trú của người lập di chúc;
- Ghi rõ họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di chúc cần ghi rõ di sản để lại và nơi có di sản;
- Ngoài các nội dung trên, thì người lập di chúc có thể ghi những nội dung khác theo ý chí của mình.
Cần lưu ý là khi lập di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì phải ghi số thứ tự mỗi trang và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Xem thêm bài viết tại đây: Thừa kế theo di chúc và quản lý tài sản: Tối ưu hóa di sản thừa kế
2. Lập di chúc bằng file ghi âm thì có giá trị pháp luật không?
Thông thường di chúc lập bằng file ghi âm được lập trước khi người để lại di sản hấp hối trước khi qua đời mà không kịp viết di chúc. Vậy việc lập di chúc dưới dạng file ghi âm có được coi là di chúc có giá trị pháp luật hay không?
Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta cần tìm hiểu những điều kiện có hiệu lực của di chúc nhé!
Một di chúc được xem là hợp pháp khi đáp ứng đủ 4 điều kiện về lập di chúc như sau:
Thứ nhất, về năng lực lập di chúc
- Người lập di chúc phải đủ năng lực lập di chúc. Pháp luật quy định năng lực lập di chúc của cá nhân dựa vào 2 yếu tố: có trí tuệ minh mẫn và có năng lực hành vi dân sự để có thể định đoạt di sản. Theo đó, tại Điều 19 BLDS 2015 quy định “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Cụ thể:
- Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền tự mình lập di chúc tại khoản 1 Điều 625 BLDS 2015 quy định người thành niên có đủ điều kiện sự minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép thì có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
- Trường hợp là người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu đáp ứng điều kiện luật định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 625 BLDS 2015 thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Thứ hai, người lập di chúc phải tự nguyện, minh mẫn, sáng suốt. Không rơi vào những trường hợp sau:
- Di chúc được lập trong tình trạng bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.
Thứ ba, nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Trong đó:
- Điều cấm của pháp luật là những quy định pháp luật không cho phép thực hiện những hành vi nhất định.
- Trái đạo đức xã hội là làm trái những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong cộng đồng, xã hội được thừa nhận và tôn trọng.
Như vậy, người lập di chúc không được ghi những hành vi không được phép thực hiện theo quy định của luật.
Thứ tư, hình thức của di chúc đúng quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 627 BLDS 2015 thì di chúc chỉ được lập thông qua 1 trong 2 hình thức sau:
- Di chúc bằng văn bản, trong đó có:
- Di chúc không có người làm chứng;
- Di chúc có người làm chứng;
- Di chúc có công chứng;
- Di chúc có chứng thực.
- Di chúc miệng.
Như vậy, theo quy định của BLDS 2015 thì 1 di chúc muốn có giá trị pháp luật phải đáp ứng 4 điều kiện như đã phân tích ở trên. Thứ nhất, người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự. Thứ hai, người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn và sáng suốt khi lập di chúc. Thứ ba, nội dụng di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Thứ tư, hình thức của di chúc phải đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, việc một người lập di chúc bằng file ghi âm sẽ không có giá trị pháp luật vì nó không đáp ứng được điều thứ 4 về hình thức của di chúc bởi vì BLDS 2015 chỉ quy định 2 hình thức di chúc đó là di chúc bằng văn bản và di chúc bằng miệng, không quy định di chúc tồn tại dưới dạng file ghi âm. Nghĩa là file ghi âm hiện chưa được công nhận là di chúc hợp pháp.
Tuy nhiên, trường hợp người lập di chúc theo hình thức di chúc miệng mà có nguyện vọng ghi âm thì lúc này hình thức lập di chúc vẫn được xem là di chúc miệng, nếu đáp ứng về điều kiện về hình thức lập di chúc miệng đó là:
- Di chúc miệng là loại di chúc chỉ được lập khi tính mạng của 1 người đang bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản.
- Người lập di chúc miệng phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ, sau đó công chứng, chứng thực di chúc trong thời hạn luật định.
Ngoài ra, sau 03 tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn và sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Xem thêm bài viết tại: Thủ tục khai nhận di sản thừa kế mới
3. Câu hỏi thường gặp
3.1. Người lập di chúc được sửa đổi, thay thế, hủy bỏ di chúc khi nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 640 BLDS 2015 thì người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Bởi vì, di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết nên lúc người lập di chúc còn sống thì những người được thừa kế trong di chúc vẫn chưa có quyền đối với tài sản mà họ sẽ được hưởng. Do đó, người lập di chúc muốn thay đổi ý chí của mình trong di chúc, có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Cụ thể:
- Quyền sửa đổi di chúc: là việc mà người lập di chúc đưa ra quyết định sửa đổi di chúc, hậu quả pháp lý của việc sửa đổi di chúc là phần nội dung của di chúc bị sửa đổi sẽ không có giá trị pháp lý, còn phần nội dung di chúc trước không bị sửa đổi vẫn có giá trị pháp lý.
- Quyền bổ sung di chúc: là việc người lập di chúc đưa ra quyết định bổ sung vào di chúc, hậu quả pháp lý của việc bổ sung di chúc là nếu phần bổ sung và phần nội dung di chúc trước đó có mâu thuẫn thì phần bổ sung có hiệu lực pháp luật, còn phần di chúc bị mẫu thuẫn với phần bổ sung sẽ không có hiệu lực pháp luật.
- Quyền thay thế di chúc: là việc người lập di chúc quyết định lập di chúc mới hoàn toàn so với di chúc cũ. Hậu quả pháp lý là di chúc đã được lập trước đó không còn giá trị pháp lý
- Quyền hủy bỏ di chúc: theo khoản 3 Điều 640 BLDS 2015, trường hợp bị coi là hủy bỏ di chúc, đó là khi người lập di chúc thay thế di chúc đã lập.
Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 1 phần hoặc toàn bộ di chúc đã được công chứng. Theo quy định tại khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014 khi di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.
3.2. Khi lập di chúc ở Ủy ban nhân dân cấp xã cần có thủ tục gì?
Thủ tục lập di chúc, tại Điều 636 BLDS 2015 quy định việc lập di chúc tại UBND phải tuân thủ theo thủ tục như sau:
Bước 1: Người lập di chúc cần chuẩn bị hồ sơ gồm dự thảo di chúc cần lập; phiếu yêu cầu chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; căn cước công dân; giấy tờ về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,...
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn không phụ thuộc vào nơi cư trú của người lập di chúc (căn cứ theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)
Bước 3: Quy trình thực hiện
- Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc của mình trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố.
- Sau đó, người lập di chúc đọc lại toàn bộ nội dung di chúc và xác nhận việc ghi chép đó đúng với ý chí của mình và người lập di chúc tiến hành ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc.
- Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.
Ngoài ra, trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được, không ký hoặc không điểm chỉ được vào bản di chúc thì phải có người làm chứng và người làm chứng này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Bước 4: Nộp lệ phí chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã là 50.000 đồng/di chúc (căn cứ theo Quyết định 1024/QĐ-BTP 2018 công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực chứng thực và Thông tư 257/2016/TT-BTC).
Xem thêm bài viết tại đây: Ủy ban nhân dân xã có công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?
3.3. Người lập di chúc có nguyện vọng để lại 1 phần tài sản dùng vào việc thờ cúng thì những người thừa kế có được chia không?
Theo quy định tại Điều 645 BLDS 2015 thì trong trường hợp người lập di chúc có để lại 1 phần tài sản dùng cho việc thờ cúng, phần di sản đó không được chia thừa kế mà được giao cho người đã được chỉ định để quản lý nhằm thực hiện việc thờ cúng.
3.4. Trường hợp không có tên trong di chúc có được hưởng phần di sản người lập di chúc để lại không?
Theo quy định tại Điều 644 BLDS 2015, trong trường hợp những người không có tên trong di chúc nhưng vẫn được hưởng di sản đó là con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động (người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung vào nội dung di chúc) thì vẫn được hưởng di sản bằng 2/3 suất của 1 người thừa kế theo pháp luật nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật.
Xem thêm bài viết tại đây: Tranh chấp về thừa kế theo di chúc
Trên đây là phân tích của Luật Ánh Ngọc về "Lập di chúc bằng file ghi âm thì có giá trị pháp luật không?" Quý khách hàng cần tư vấn hay hỗ trợ hãy liên hệ tới chúng tôi để nhận hỗ trợ nhé!