Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn thì bị xử lý như thế nào?


Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn thì bị xử lý như thế nào?
Tai nạn giao thông luôn mang lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với người tham gia giao thông. Nhất là trong nhiều trường hợp, người tham gia giao thông gây tai nạn rồi bỏ trốn, dẫn đến người bị nạn không được đưa đi cấp cứu kịp thời mà tử vong hoặc gây ra những thiệt hại nặng nề mà nếu người đó không bỏ trốn thì có thể ngăn chặn được. Vậy pháp luật quy định như thế nào về cách thức xử lý đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bài viết hôm nay chúng ta cùng làm rõ vấn đề trên.

Căn cứ pháp lý:

1. Như thế nào là gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn?

Hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn là hành vi của người điều khiển giao thông đã vi phạm các quy định của luật an toàn giao thông gây tai nạn nhưng bỏ mặc hậu quả xảy ra và rời khỏi hiện trường tai nạn ngay sau đó. Người gây tai nạn lơi dụng thời điểm ban đêm, vắng vẻ hoặc các điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa, sương mù để bỏ trốn, bỏ mặc cho nạn nhân không đưa đi cấp cứu, dẫn đến việc nạn nhân chết oan hoặc bị thương nặng do không được cấp cứu kịp thời. Đây là một hành vi thể hiện sự xuống cấp về đạo đức đáng lên án, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn là hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời quy định trách nhiệm của người điều khiển xe khi xảy ra tai nạn: Người gây ra tai nạn phải dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường tai nạn, đồng thời nhanh chóng đưa người bị nạn đi cấp cứu và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoặc phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi Công an đến trừ khi người gây tai nạn cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Như vậy, người điều khiển xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn có thể xuất phát từ ý thức chủ quan muốn trốn tránh trách nhiệm, lo sợ bị xử lý hoặc có thể do lý do khách quan do bị người khác đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, vì bất kể lý do gì, người gây tai nạn sau đó cũng phải có trách nhiệm trình báo sự việc đến cơ quan công an. Nếu không khai báo hoặc không có mặt ở nơi xảy ra tai nạn thì người gây tai nạn bị quy kết là đã bỏ trốn.  

Tùy vào hậu quả do hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn, người điều khiển phương tiện giao thông có thể bị xử phạt hành chính, chịu trách nhiệm dân sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Xử phạt hành chính đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn

 

Xử phạt hành chính đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn
Xử phạt hành chính đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn

Xử phạt hành chính người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn là việc cơ quan có thẩm quyền (Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động,…)  áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với người gây tai nạn rồi bỏ trốn theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Một người gây tai nạn rồi bỏ trốn chỉ bị xử phạt hành chính khi hành vi bỏ trốn của họ không gây thiệt hại hoặc có gây thiệt hại nhưng không đáng kể và chưa đủ để bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ vào phương tiện tham gia giao thông khi người gây tai nạn điều khiển, người gây tai nạn rồi bỏ trốn sẽ bị áp dụng hình thức xử lý là phạt tiền với các mức độ khác nhau:

  • Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng nếu gây tai nạn giao thông nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường nơi xảy ra tai nạn, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan công an hoặc bỏ trốn mà không tham gia cấp cứu người bị tai nạn giao thông. Cần lưu ý các loại xe tương tự ô tô là những phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi kể cả loại xe 04 bánh chạy bằng điện. (điểm b Khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
  • Người gây tai nạn rồi bỏ trốn bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu người đó điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) hoặc các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe máy (điểm đ, Khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
    • Người điều khiển xe máy điện là người điều khiển xe gắn máy sử dụng động cơ điện có công suất lớn nhất không hơn 4kW và có vận tốc tối đa không quá 50km/h.
    • Người điều khiển các loại xe tương tự xe mô tô là người điều khiển các phương tiện giao thông có hai hoặc ba bánh chạy bằng động cơ có khối lượng không quá 400kg, có dung tích làm việc của động cơ từ 50cm3 trở lên và có vận tốc thiết kết tối đa lớn hơn 50km/h.
    • Người điều khiển xe tương tự xe gắn máy là người điều khiển phương tiện giao thông có hai bánh hoặc ba bánh chạy bằng động cơ, vận tốc thiết kết tối thiểu 25 km/h và tối đa dưới 50 km/h khi khi tắt máy thì không đạp xe đi được.
  • Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng gây tai nạn rồi bỏ trốn thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng (điểm c Khoản 8 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
    • Người điều khiển máy kéo là người điều khiển một loại xe bao gồm phần đầu máy tự di chuyển và rơ mooc được kéo theo sau bằng càng hoặc vô lăng.
    • Người điều khiển xe máy chuyên dùng là người điều khiển xe máy thi công, xe máy nông – lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng được sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
  • Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác gây tai nạn rồi bỏ trốn thì bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (điểm b Khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
    • Người điều khiển xe đạp máy là người điều khiển xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất từ 25km/h trở xuống và có thể đạp xe đi được kể cả khi tắt máy.
    • Người điều khiển xe thô sơ khác là người điều khiển xe bằng sức người hoặc động vật như xe xích lô, xe đạp thồ, xe người kéo (trừ xe nôi trẻ em và xe lăn dành cho người khuyết tật), xe súc vật kéo,..

Xem thêm bài viết: Sự khác biệt giữa hành vi vi phạm hình sự và vi phạm hành chính

3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn

 

Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn

Trong trường hợp người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn để lại những thiệt hại về người, tài sản thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông theo điểm c Khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự với tình tiết “bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn”.

Một người bỏ trốn sau khi điều khiển xe gây tai nạn sẽ bị truy cứu về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm như sau:

Về mặt chủ thể: Người phạm tội là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội biết rõ hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn là bị nghiêm cấm, mặc dù người phạm tội có thể ngăn chặn hành vi này nhưng vì lo sợ, muốn trốn tránh trách nhiệm với người bị nạn mà cố tình thực hiện hành vi bỏ trốn.

Về mặt khách thể: Hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn đã xâm phạm đến trật tự quản lý của nhà nước trong lĩnh vực an toàn giao thông. Ngoài ra, có thể gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông khác.

Về mặt khách quan: Người phạm tội đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông như không đi bên phải theo chiều của mình, không đi đúng làn đường, phần đường quy định, không chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ, không chấp hành theo chỉ dẫn của Cảnh sát giao thông, chạy xe quá tốc độ, không nhường đường cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, đi ngược chiều,….. dẫn đến gây tai nạn với những người đang tham gia giao thông khác. Nhưng sau đó thay vì giúp đỡ người bị nạn thì người phạm tội thực hiện hành vi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm dẫn đến gây thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe con người như làm cho người khác bị thương nặng, bị chết hoặc gây thiệt hại về tài sản cho người khác. Đây là đặc điểm để xác định người điều khiển xe tham gia giao thông gây tai nạn bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không có hậu quả xảy ra thì người gây tai nạn chỉ bị xử phạt hành chính. Cần lưu ý rằng thiệt hại về tài sản do hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn chỉ được xác định thiệt hại cho hành vi vi phạm đó trực tiếp gây ra, còn những thiệt hại gián tiếp như thiệt hại do mất thu nhập, chi phí điều trị… không tính là thiệt hại để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi gây tai nạn với lỗi vô ý và thực hiện hành vi bỏ trốn với lỗi cố ý. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Đối với hành vi bỏ trốn, người phạm tội thực hiện với hành vi cố ý, người phạm tội biết việc mình bỏ trốn có thể gây thiệt hại cho nạn nhân hoặc nơi xảy ra tai nạn nhưng người phạm tội vì muốn trốn tránh trách nhiệm mà để mặc cho hậu quả xảy ra.

Như vậy, nếu một người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn rồi bỏ trốn thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù có thời hạn từ 03 đến 10 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm nếu có căn cứ cho rằng nếu người phạm tội tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc thực hiện công việc nhất định sẽ có nguy cơ gây thiệt hại cho người khác. Thời hạn cấm được tính từ thời điểm người phạm tội chấp hành xong án phạt tù.

Xem thêm bài viết: Vượt đèn đỏ gây tai nạn thì bị xử phạt như thế nào?

4. Trách nhiệm dân sự của người gây tai nạn rồi bỏ trốn

  • Trong trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn gây thiệt hại về tài sản của người khác thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại của tại sản bị mất, bị hư hỏng, những lợi ích mà người bị thiệt hại có được từ việc sử dụng, khai thác tài sản nhưng do tài sản đã bị thiệt hại vì vụ tai nạn dẫn đến người đó mất khoản lợi ích này..
  • Trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn gây thiệt hại về sức khỏe cho người bị nạn thì người gây tai nạn có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục vụ sức khỏe; bồi thường cho khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút của người bị thiệt hại và các chi phí hợp lý cũng như các khoản thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; tiền bồi thường tổn thất về tinh thần,…
  • Nếu người gây ra thiệt hại rồi bỏ trốn mà không cứu giúp nạn nhân, khiến nạn nhân chết thì người đó còn phải chịu trách nhiệm bồi thường các chi phí mai táng, ma chay, các khoản tiền bù đắp tinh thần cho thân nhân tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở; tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

5. Người dưới 16 tuổi gây tai nạn rồi bỏ trốn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

 

Người dưới 16 tuổi gây tai nạn rồi bỏ trốn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không
Người dưới 16 tuổi gây tai nạn rồi bỏ trốn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không

Theo quy định tại Điều 12 Bộ Luật Hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong một số tội danh nhất định. Trong trường hợp người dưới 16 tuổi gây tai nạn rồi bỏ trốn thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà bị áp dung biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng nếu người gây tai nạn từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhằm mục đích giáo dục văn hóa, học nghề lao động cho người vi phạm dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường.

Ngoài ra, người giao phương tiện cho người dưới 16 tuổi điều khiển gây tai nạn rồi bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” với khung hình phạt cao nhất phạt tù với mức phạt cao nhất là 07 năm tù, cụ thể:

  • Người giao phương tiện bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu người được giao xe tham gia giao thông làm chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 01 người từ 61% trở lên; hoặc từ 02 trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
  • Trường hợp người được giao xe tham gia giao thông làm chết 02 người hoặc tỷ lệ tổn thương gây ra cho 02 người trở lên từ 122% đến 200% hoặc thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng trở lên thì người giao xe bị pạt từ từ 06 tháng đến 03 năm.
  • Trường hợp người được giao xe tham gia giao thông làm chết 03 người trở lên, gây thương tích, tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 201% trở lên hoặc thiệt hại về tài sản trên 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù.
  • Ngoài ra, người giao phương tiện còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Xem thêm bài viết: Người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy thì bị xử phạt như thế nào?

6. Cần làm gì khi phát hiện người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn

Khi phát hiện người gây tai nạn giao thông nhưng để mặc nạn nhân bỏ trốn thì chúng ta nên:

  • Ghi lại biển kiểm soát của chiếc xe gây tai nạn đang bỏ chạy, ghi chú các đặc điểm của phương tiện như màu sơn, nhãn hiệu và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.
  • Khẩn trương cấp cứu người bị nạn nếu có.
  • Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông.

Có thể bạn quan tâm:

Như vậy, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông thể hiện sự suy thoái về đạo đức của người điều khiển phương tiện giao thông. Một người gây tai nạn nhưng không dừng lại giúp đỡ nạn nhân mà bỏ mặc chạy trốn để thoái thác trách nhiệm hoặc trốn tránh bị xử lý thể hiện tính chất nguy hiểm của người phạm tội. Vì vậy, người phạm tội cần phải cách ly ra ngoài đời sống xã hội với thời hạn tối đa 10 năm là hoàn toàn xác đáng, giúp người phạm tội nhận ra hành vi vi phạm của mình để từ đó biết cách hối cải, sửa đổi và trở thành người có ích cho xã hội.

Trên đây là toàn bộ thông tin về các thức xử lý đối người tham gia giao thông bỏ trốn sau khi điều khiển xe gây tai nạn giao thông. Nếu độc giả còn vấn đề nào thắc mắc về hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề giao thông khác, xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc qua số điện thoại: 0878.548.558 hoặc qua email: lienhe@luatanhngoc.vn hoặc đến trực tiếp trụ sở chính của Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng nhất.

 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.