1. Các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ví dụ 1:
Mới đây, thông tin liên quan đến Phó Đức Nam được cộng đồng mạng quan tâm. Theo ghi nhận của Google Trend, từ khóa tìm kiếm về nhân vật này tăng trưởng với tốc độ "chóng mặt". Được biết trước khi vướng phải những thông tin tiêu cực, chàng trai sinh năm 1994 từng nổi tiếng trên Tiktok với tên gọi Mr Pips.
Với gần 2.000 nhân viên, đường dây lừa đảo do Mr Pips điều hành đã tạo và sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram, Viber để lập ra các hội nhóm đầu tư, đăng tải nhiều bài viết của các chuyên gia tài chính, giả mạo để dụ dỗ, kéo nạn nhân vào bẫy lừa đảo chúng giăng ra. Cụ thể, để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các sàn đầu tư chứng khoán.
Ban đầu, nhóm đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó chúng thúc giục nạn nhân tăng vốn giao dịch. Khi người tham gia không còn khả năng về tài chính, nhóm đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch lừa đảo không có giấy phép hoạt động rõ ràng, lợi nhuận hứa hẹn quá cao và thường yêu cầu nạp tiền liên tục. Khi người dân đầu tư thua lỗ, các đối tượng lừa đảo sẽ tiếp tục thuyết phục nạn nhân nạp thêm tiền để “gỡ gạc”. Trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp này, các đối tượng còn giả mạo làm chuyên gia tài chính để "quây" nạn nhân.
Từ nhân viên sale, leader, sale manager, đến quản lý văn phòng đều sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram, Viber để lập ra nhiều hội nhóm đầu tư với cái tên mỹ miều như VIP, đầu tư thông minh, chiến lược đầu tư thông minh... và giả làm các chuyên gia tài chính, thầy đọc lệnh, phân tích kỹ thuật, mã lệnh, đóng giả làm nhà đầu tư nhằm tạo niềm tin và điều tra thông tin tài chính của các nạn nhân, rồi dụ dỗ tham gia tiếp.
"Các đối tượng còn 'chăm sóc' bị hại theo kiểu 1-1 liên tục và thân mật, để họ cảm thấy có sự đồng hành và nhiệt tình, được quan tâm, tôn trọng trong quá trình đầu tư. Sau đó, các đối tượng đưa lệnh, đọc lệnh trên các hội nhóm do chúng lập ra để nhà đầu tư đặt theo, cuốn vào dòng tiền bị thua, muốn nạp thêm để gỡ và càng đặt nhiều thì càng nhanh " cháy" tài khoản
Để tạo uy tín, đường dây này còn quảng cáo các công ty "ma" và mời người nước ngoài đến tư vấn đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế tại các văn phòng; tổ chức hội thảo, sự kiện và khóa học đầu tư trên mạng, quảng bá xây dựng hình ảnh cá nhân là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc tế để thu hút nhà đầu tư sẵn sàng nạp tiền.
Bên cạnh đó, các nhân viên sale trong đường dây này thường xuyên giới thiệu như "rót mật vào tai" bị hại cam kết không có rủi ro hoặc bảo hiểm 100% vốn, nhưng trên thực tế khi nhà đầu tư chuyển tiền thì chúng sẽ lừa cho họ thua hết tiền, thậm chí khuyên họ tiếp tục nạp tiền thêm để gỡ.
Đối tượng Phó Đức Nam xây dựng hình cá nhân trên Facebook, Telegram, Zalo, TikTok… là nhà đầu tư chứng khoán quốc tế thành công, và khoe rất nhiều tiền, vàng, nhà, xe, vàng bạc, đồng hồ… để thu hút nhà đầu tư tham gia vào đầu tư chứng khoán như mình.
Đáng chú ý, các đối tượng còn thuê một số văn phòng gần trụ sở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để hướng dẫn, tiếp bị hại khi phát sinh đơn kiện, mời bị hại đến trụ sở tham gia nhằm tăng uy tín, tạo niềm tin.
Cơ quan điều tra xác định được 2661 bị hại, trong đó, tiếp nhận trình báo khoảng 300 người, đã ghi lời khai 95 bị hại, tố giác bị chiếm đoạt khoảng 130 tỷ đồng,... và thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 59 đồng hồ phiên bản giới hạn trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong tỏa 125 bất động sản.
=> Đánh giá hành vi của Mr Pips và đồng bọn như sau:
Các đối tượng thể hiện sự tinh vi trong việc thực hiện hành vi phạm tội khi tạo dựng nên một hệ thống bài bản với sự tham gia, phối hợp, giúp sức của nhiều cá nhân khác nhau, xâm phạm nghiêm trọng tới tài sản của người khác cũng như an ninh trật tự xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, theo thông tin công an cung cấp, Nam cùng các đối tượng đã có nhiều hành vi nhằm gây nhầm lẫn, tạo sự tin tưởng để các nhà đầu tư chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định sẵn và chiếm đoạt tài sản. Đây có thể coi là các thủ đoạn gian dối, phục vụ mục đích chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, việc cơ quan công an điều tra đối tượng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 là hoàn toàn có cơ sở.
Đối với vụ án này, số tiền các bị hại đã nạp là khoảng hơn 50 triệu USD. Dù đây chưa phải con số cuối cùng những con số do cơ quan công an cung cấp hiện đã vượt xa mức 500 triệu đồng. Do đó, Mr Pips có thể bị áp dụng khung hình phạt theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 là 12-20 năm tù hoặc tù chung thân.
Đối với các đối tượng khác, cơ quan điều tra sẽ phải đánh giá vai trò cũng như tính chất hành vi của các đối tượng trong hệ thống như thế nào. Nếu bị xác định có vai trò giúp sức để Nam thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng cũng có thể bị xem xét trách nhiệm ở khung hình phạt tương tự.
Ví dụ 2:
Để thực hiện ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo đã lập nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook rồi nhắn tin qua Messenger mua hàng và thỏa thuận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng. L nhắn tin kết bạn với tài khoản Zalo “Hoa Nở Không Màu” cung cấp số tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân của bị hại để tài khoản Zalo này ngụy tạo hình ảnh giao dịch chuyển tiền thành công đến số tài khoản ngân hàng của bị hại rồi gửi lại hình ảnh qua tin nhắn Zalo cho bị cáo. Bị cáo chụp ảnh màn hình điện thoại hình ảnh trên rồi gửi ảnh qua tin nhắn Messenger cho bị hại để bị hại tin tưởng đã nhận được tiền và giao tài sản cho bị cáo. Với thủ đoạn như trên, bị cáo đã 03 lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau: Ngày 02-12-2022, bị cáo chiếm đoạt 01 chiếc xe máy điện biển kiểm soát 18MĐ1 - 021.15 của anh Đoàn Văn L có trị giá 6.000.000 đồng, ngày 07-12-2022 bị cáo chiếm đoạt 01 chiếc xe đạp điện (không có biển kiểm soát và đăng ký xe) nhãn hiệu GIANT 133M của anh Trần Văn Tiện có trị giá 2.600.000 đồng, ngày 15-12-2022 bị cáo chiếm đoạt 01 chiếc xe máy điện biển kiểm soát 17MĐ7 - 029.68 của chị Nguyễn Thị Á có trị giá 4.400.000 đồng. Tổng trị giá tài sản bị cáo chiếm đoạt là 13.000.000 đồng. Bị cáo có năng lực trách nhiệm hình sự, bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ, lỗi của bị cáo là lỗi cố ý. Do đó, bị cáo đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội phạm và hình phạt quy định tại khoản 1 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bản án số 73/2023/HS-ST)
=> Hành vi của bị cáo gây mất trật tự an toàn xã hội. Bị cáo đã sử dụng thủ đoạn chuyển tiền giả để lừa lấy xe của các nạn nhân rồi bán đi lấy tiền sử dụng cá nhân.
Ví dụ 3:
Giai đoạn từ năm 2018 đến tháng 12/2020, Phan Đình Tín (SN 1988, trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được biết đến như một doanh nhân trẻ thành đạt, là Giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Ding Dong và đồng thời là chủ Văn phòng công chứng Phạm Thùy Chi (sau đổi tên thành Văn phòng công chứng Bùi Ần). Văn phòng công chứng này do Tín thành lập và thuê công chứng viên, nhân viên để vận hành.
Trong thời gian này, do gặp khó khăn tài chính Tín đã làm giả 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cùng một giấy đăng ký xe, sau đó sử dụng các giấy tờ này để cầm cố và chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho nhiều người, chiếm đoạt tổng số tiền 9,3 tỷ đồng.
Thủ đoạn của Tín bao gồm việc nhận sổ đỏ từ những người làm dịch vụ nhà đất, sau đó tuyên bố rằng mình đã mua các thửa đất này để vay tiền bằng cách cầm cố quyền sử dụng đất.
Để tạo niềm tin, Tín giả mạo hợp đồng chuyển nhượng đất, ký giả chữ ký chủ sở hữu và trình lên công chứng viên để hợp thức hóa. Bằng cách này, Tín đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 85 tỷ đồng từ nhiều người.
Ngoài ra, Tín còn nhận tiền của hai cá nhân để làm thủ tục sang tên sổ đỏ. Tuy nhiên, thay vì thực hiện cam kết, Tín đã mang các sổ đỏ này đi cầm cố, chiếm đoạt thêm 294 triệu đồng. Tổng số tiền mà Tín chiếm đoạt từ các nạn nhân lên tới hơn 94 tỷ đồng.
=> Tín đã lợi dụng lòng tin của các chủ đất mà giả mạo hợp đồng chuyển nhượng đất, ký giả chữ ký chủ sở hữu để lừa đảo hơn 85 tỷ đồng từ nhiều người.
2. Bài học kinh nghiệm
Để phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mọi người cần chú ý:
- Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm
- Thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại
- Không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó
- Thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến.
- Trường hợp có nghi ngờ về các đối tượng lừa đảo tài sản cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết
Nếu bạn còn thắc mắc hoặc cần giải quyết trong trường hợp cụ thể, hãy liên hệ ngay với chúng tôi - Luật Ánh Ngọc qua số Hotline: 0878548558 hoặc Email: lienhe@luatanhngoc.vn để được giải đáp và hỗ trợ bạn nhanh chóng với chi phí hợp lý.