Nguy cơ và hậu quả khi thực hiện công việc không có ủy quyền


Nguy cơ và hậu quả khi thực hiện công việc không có ủy quyền
Trong xã hội hiện đại ngày nay thì thực hiện công việc không có ủy quyền là một vấn đề pháp lý quan trọng và phổ biến. Vấn đề này có thể phát sinh khi giữa các chủ thể muốn giúp đỡ nhau, hỗ trợ nhau vì mong muốn đem lại lợi ích và hạn chế được tổn thất cho nhau. Tuy nhiên việc thực hiện công việc không có ủy quyền này cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp và có thể gây ra nhiều nguy cơ, hậu quả khác cho người thực hiện công việc không có ủy quyền. Vậy thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa là gì? Thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ gây ra nguy cơ như thế nào, tổn hại ra sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức và thông tin pháp lý quan trọng cho bạn đọc về vấn đề này.

1. Thực hiện công việc không có ủy quyền là gì?

Theo Điều 574 Bộ luật Dân sự năm 2015, thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết nhưng không phản đối.

Một ví dụ về thực hiện công việc không có ủy quyền: Anh A và ông H sống cùng nhà trọ. Vào ngày anh A đi công tác thì trời mưa, thấy anh A không ở nhà mà quần áo vẫn phơi trên giá treo để giữa sân và không có mái che, ông H đã ra rút quần áo của anh A để tạm vào phòng trọ của mình chờ anh A về thì ông H đưa lại quần áo cho anh A. Như vậy, trong trường hợp này, việc ra rút quần áo cho anh A vốn không phải là nghĩa vụ của ông H nhưng ông tự nguyện làm vì lợi ích của anh A và anh A không biết điều đó vì anh đi công tác. Ông H muốn giúp anh A không bị ướt quần áo và việc giúp đỡ này của ông H xuất phát từ lòng tốt của ông H đối với anh A. Vì thế nên hành động ra rút quần áp giúp anh A của ông H được gọi là thực hiện công việc không có ủy quyền.

2. Dấu hiệu nhận biết việc thực hiện công việc không có ủy quyền

 

Dấu hiệu nhận biết của việc thực hiện công việc không có ủy quyền
Dấu hiệu nhận biết của việc thực hiện công việc không có ủy quyền

Để nhận biết việc thực hiện công việc không có ủy quyền có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, người thực hiện công việc không có ủy quyền là người hoàn toàn không có trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện công việc đó nhưng họ đã thực hiện. Không có trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc ở đây trước hết là không có nghĩa vụ mà pháp luật quy định. Pháp luật không ràng buộc họ phải thực hiện công việc không có ủy quyền mà họ có quyền lựa chọn có thực hiện công việc đó hay là không. Tiếp đó, không có trách nhiệm, nghĩa vụ bắt buộc nghĩa là không có nghĩa vụ mà các bên thỏa thuận với nhau trước khi thực hiện công việc không có ủy quyền. Người thực hiện công việc không có ủy quyền vì sự mong muốn và tự nguyện của mình nên đã thực hiện công việc đó. Như vậy có thể thấy rằng khi một người thực hiện công việc không có ủy quyền thì việc thực hiện đó phải bắt nguồn, xuất phát từ ý niệm, ý thức và sự mong muốn tự thân cũng như sự tự nguyện về ý chí của họ. Nếu như việc thực hiện công việc đó không phải là xuất phát từ sự tự nguyện của người thực hiện mà là xuất phát từ ý chí, mong muốn của người khác thì đó không phải là dấu hiệu của việc thực hiện công việc không có ủy quyền.

Thứ hai, việc thực hiện công việc không có ủy quyền phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc. Điều này có nghĩa là nếu việc thực hiện công việc không có ủy quyền không phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc mà là vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích của đối tượng khác thì sẽ không được coi là thực hiện công việc không có ủy quyền. Người thực hiện công việc không có ủy quyền, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện công việc phải có suy nghĩ và ý thức rõ ràng rằng bản thân thực hiện công việc này là hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc, vì mong muốn đem lại quyền lợi và không muốn người có công việc bị tổn thất, thiệt hại hay gặp bất lợi nên sẽ thực hiện công việc không có ủy quyền. Tuy nhiên, có thể thấy rằng yếu tố “hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc” chỉ xác định được ở mức tương đối. Bởi trên thực tế, theo quy định của pháp luật, sau khi một người thực hiện xong công việc không có ủy quyền thì họ sẽ được hưởng một khoản thù lao cho công sức mà họ đã bỏ ra với công việc. Nên đôi lúc sẽ có trường hợp một người thực hiện công việc không có ủy quyền thực chất không phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc, mà là vì sau khi thực hiện thì họ sẽ được hưởng thù lao. Vậy nên nếu muốn xác định một người thực hiện công việc không có ủy quyền có phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc hay không, chúng ta cần căn cứ vào đặc điểm, tính chất và quá trình thực hiện công việc đó. Nếu như công việc được thực hiện không cố định, bất ngờ thì có thể coi là thực hiện vì lợi ích của người có công việc; còn nếu công việc được thực hiện thường xuyên, đều đặn, mỗi lần thực hiện xong đều có thù lao thì có thể xem là thực hiện công việc chỉ vì thù lao chứ không phải vì lợi ích của người có công việc, và vì vậy mà có thể coi đó không phải là thực hiện công việc không có ủy quyền.

Thứ ba, người có công việc không biết hoặc biết mà không phản đối về hành động thực hiện công việc của người thực hiện công việc không có ủy quyền. Theo đó, khi công việc đang được thực hiện, người có công việc có thể không biết rằng người khác đang thực hiện công việc đó cho mình hoặc cũng có thể họ biết nhưng họ không phản đối về việc thực hiện công việc đó. Bởi tính chất của việc thực hiện công việc không có ủy quyền là giúp đỡ, hỗ trợ nhau tránh khỏi và vượt qua những khó khăn, tổn thất trước mắt, cho nên thường thì người có công việc sẽ không có mặt ở địa điểm mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đang giúp đỡ họ thực hiện công việc. Đồng thời, trường hợp nếu người có công việc có mặt tại địa điểm đó nhưng họ không có khả năng và điều kiện để thực hiện công việc của họ thì họ sẽ để cho người thực hiện công việc không có ủy quyền làm việc mà không phản đối vì họ biết điều đó sẽ đem lại lợi ích cho họ và ngăn chặn được tổn thất xảy ra. Cần phải lưu ý rằng, nếu như người có công việc có mặt tại địa điểm đó và mong muốn được tự mình thực hiện công việc thì sẽ không làm phát sinh việc thực hiện công việc không có ủy quyền. Và khi người có công việc phản đối việc thực hiện công việc không có ủy quyền thì người thực hiện sẽ không được phép tiếp tục thực hiện công việc nữa. Nếu vẫn tiếp tục thực hiện công việc trong sự phản đối của người có công việc thì người thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ bị coi là có hành vi vi phạm và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Thứ tư, việc thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực sự cần thiết đối với người có công việc. Sự cần thiết đối với người có công việc ở đây được hiểu là trường hợp nếu không thực hiện công việc đó thì sẽ gây tổn hại, bất lợi cho người có công việc, cho nên cần phải thực hiện công việc đó để bảo vệ quyền lợi, giúp đỡ cho người có công việc. Dấu hiệu này được đặt ra bởi trên thực tế có rất nhiều người thực hiện công việc không có ủy quyền mà người có công việc không biết rằng việc thực hiện đó sẽ phát sinh chi phí và họ phải thanh toán cho người thực hiện trong khi họ cảm thấy không muốn và việc thực hiện công việc đó là không cần thiết. Vậy nên, chỉ khi cảm thấy thật sự cần thiết thì chủ thể mới thực hiện công việc không có ủy quyền để tránh gặp phải những rắc rối và tranh cãi không đáng có.

3. Nghĩa vụ của các bên trong thực hiện công việc không có ủy quyền

 

Nghĩa vụ của các bên trong thực hiện công việc không có ủy quyền
Nghĩa vụ của các bên trong thực hiện công việc không có ủy quyền

 

3.1. Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền

3.1.1. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền

Theo Điều 575 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi thực hiện công việc không có ủy quyền, người thực hiện công việc có những nghĩa vụ sau đây:

Thứ nhất, người thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.

Thứ hai, người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì người thực hiện phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.

Thứ ba, người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.

Thứ tư, người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân.

Thứ năm, người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc trong trường hợp bản thân người thực hiện công việc không có ủy quyền có lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đảm nhận công việc được nữa.

3.1.2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

Căn cứ vào Điều 577 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong quá trình thực hiện công việc không có ủy quyền mà người thực hiện công việc cố ý hoặc vô ý gây thiệt hại thì phải thực hiện các nghĩa vụ như sau:

Thứ nhất, người thực hiện công việc không có ủy quyền mà cố ý gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc thì có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.

Thứ hai, người thực hiện công việc không có ủy quyền mà vô ý gây thiệt hại trong quá trình thực hiện công việc thì cũng có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện. Tuy nhiên, căn cứ vào yếu tố vô ý và hoàn cảnh đảm nhận công việc thì người thực hiện công việc không có ủy quyền có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại.

3.2. Nghĩa vụ của người có công việc được thực hiện

Căn cứ vào Điều 576 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có công việc được thực hiện phải có các nghĩa vụ sau đây:

Thứ nhất, người có công việc được thực hiện có nghĩa vụ phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc. Đồng thời, người có công việc được thực hiện có nghĩa vụ phải thanh toán các chi phí hợp lý cho người thực hiện công việc không có ủy quyền khi người thực hiện công việc đó đã bỏ chi phí ra để thực hiện công việc, kể cả khi công việc được thực hiện không đạt được kết quả theo ý muốn của người có công việc được thực hiện.

Thứ hai, người có công việc được thực hiện có nghĩa vụ phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, nghiêm túc, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

4. Các trường hợp chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền

Theo Điều 578 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp thứ nhất: việc thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ chấm dứt theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện.

Trường hợp thứ hai: việc thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ chấm dứt khi người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc.

Trường hợp thứ ba: việc thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ chấm dứt khi người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 575 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp thứ tư: việc thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ chấm dứt khi người thực hiện công việc không có ủy quyền chết nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại nều là pháp nhân.

Xem thêm bài viết tại: Giao dịch dân sự vô hiệu: Hậu quả pháp lý và giải quyết tranh chấp

5. Nguy cơ và hậu quả khi thực hiện công việc không có ủy quyền

 

Nguy cơ và hậu quả khi thực hiện công việc không có ủy quyền

Nguy cơ và hậu quả khi thực hiện công việc không có ủy quyền

Từ những vấn đề đã nêu trên có thể thấy được rằng, khi thực hiện công việc không có ủy quyền, người thực hiện phải mang trên mình rất nhiều trách nhiệm. Từ việc phải chuẩn bị và tiến hành công việc đó như thế nào để đúng với quy định pháp luật, đến việc phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện nếu gây ra thiệt hại. Nếu so sánh với người có công việc được thực hiện thì nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền là nhiều hơn nhưng quyền lợi của họ thì lại ít hơn người có công việc được thực hiện. Bởi bản chất của việc thực hiện công việc không có ủy quyền là vì lợi ích của người có công việc được thực hiện. Vậy nên, dù biết rằng người thực hiện công việc không có ủy quyền là vì sự tự nguyện của bản thân và có ý tốt đối với người có công việc được thực hiện, tuy nhiên, những người thực hiện công việc này cần phải lưu ý một số vấn đề liên quan đến nguy cơ, hậu quả khi thực hiện công việc không có ủy quyền để có thể bảo vệ quyền lợi của bản thân trong trường hợp cần thiết như sau:

Thứ nhất, thực hiện công việc không có ủy quyền có thể khiến cho người thực hiện rơi vào trạng thái kiệt sức, nguy hiểm đến tính mạng của mình. Thật vậy, với nghĩa vụ là người thực hiện phải thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình, tuy nhiên trong một số trường hợp, người thực hiện công việc không có ủy quyền vì mong muốn, tự nguyện của mình hoặc vì lợi ích của người có công việc được thực hiện nên đã lựa chọn thực hiện công việc không có ủy quyền nhưng không biết rằng công việc đó lại quá sức, vượt tầm kiểm soát và vượt quá khả năng thực hiện của mình. Nên trong quá trình thực hiện công việc không có ủy quyền, việc phải tuân theo nghĩa vụ là “phải thực hiện công việc như công việc của chính mình, nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó” có thể khiến cho người thực hiện công việc không có ủy quyền phải làm và trải qua rất nhiều thao tác như: làm công việc hết mình, cố gắng nắm bắt được ý định của người có công việc để thực hiện công việc, thậm chí nếu họ nắm bắt sai ý định và thực hiện sai dẫn đến gây thiệt hại, tổn thất cho người có công việc thì họ còn phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại,… Điều này hoàn toàn có thể dẫn đễn hậu quả là người thực hiện công việc không có ủy quyền bị hao tổn sức lực, căng thẳng, bị ảnh hưởng và không bảo đảm được sức khỏe, gây nguy hiểm đến tính mạng của mình,…

Thứ hai, nguy cơ và hậu quả mà tất cả những người thực hiện công việc không có ủy quyền không mong muốn bản thân mình bị gặp phải nhất chính là việc phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp họ vô ý gây ra tổn thất trong quá trình thực hiện công việc. Căn cứ vào các quy định pháp luật, có thể thấy được rõ ràng rằng người thực hiện công việc không có ủy quyền tự nguyện, mong muốn giúp đỡ người có công việc được thực hiện, vì lợi ích của người có công việc được thực hiện. Tuy nhiên trường hợp họ không may, vô ý để xảy ra sơ suất, sai sót khiến cho người có công việc được thực hiện bị tổn hại thì họ vẫn phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, tuy được giảm mức bồi thường nhưng không thể loại trừ trường hợp số tiền họ phải bồi thường là rất lớn nên dù có được cân nhắc, xem xét để giảm thì cũng không đỡ được là bao nhiêu.

Thứ ba, việc thực hiện công việc không có ủy quyền có thể gây ra nguy cơ và hậu quả là tranh chấp, kiện tụng giữa người thực hiện và người có công việc được thực hiện. Cụ thể là khi người thực hiện công việc không có ủy quyền thực hiện công việc vì lợi ích của người có công việc được thực hiện nhưng người có công việc được thực hiện lại không biết và không muốn, mà sau khi thực hiện xong công việc thì người thực hiện lại đòi được thanh toán chi phí thực hiện. Trong trường hợp này vì người có công việc được thực hiện vốn thấy việc thực hiện công việc không có ủy quyền là không cần thiết nên có thể họ không muốn thanh toán chi phí cho người thực hiện, vì thế mà tranh cãi nổ ra giữa các bên, dẫn đến tranh chấp và kiện tụng giữa cả người thực hiện công việc không có ủy quyền và người có công việc được thực hiện.

Tóm lại, việc thực hiện công việc không có ủy quyền để thể hiện sự giúp đỡ, hỗ trợ và vì bảo vệ lợi ích của người có công việc được thực hiện là một tấm lòng tốt, là một hành động đáng được đề cao. Tuy nhiên, việc thực hiện công việc không có ủy quyền này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ và có thể gây ra nhiều hậu quả bất lợi đối với bản thân người thực hiện công việc không có ủy quyền nên họ cần lưu ý để tránh phải nhận về những bất lợi đối với bản thân.

Bạn đọc còn có thắc mắc gì liên quan đến vấn đề thực hiện công việc không có ủy quyền, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhanh nhất:

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.