[Chi tiết] Quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu


[Chi tiết] Quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu
Sản xuất rượu là ngành nghề, kinh doanh có điều kiện, do đó cần thực hiện xin giấy phép sản xuất rượu. Việc cấp giấy phép sản xuất rượu phải tuân theo trình tự, thủ tục nhất định. Vậy trong hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu gồm những gì?

1. Để xin giấy phép sản xuất rượu, cần chuẩn bị những gì?

Giấy phép sản xuất rượu là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức sản xuất rượu, theo đó, xác nhận cơ sở đó đã đáp ứng đủ các điều kiện sản xuất rượu theo quy định. Khi có giấy phép sản xuất rượu, cá nhân, tổ chức có quyền sản xuất rượu dưới hình thức thủ công hoặc công nghiệp trong phạm vi pháp luật cho phép.

Hiện nay, để xin giấy phép sản xuất rượu, thương nhân chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ theo các quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, cụ thể:

1.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

Để xin giấy phép sản xuất rượu thủ công, cá nhân, tổ chức chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu được quy định tại Điều 20 Nghị định 105/2017/NĐ-CP:

- Thứ nhất, đơn đề nghị xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công theo mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Thứ hai, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Thứ ba, bản sao hợp lệ bản công bố sản phẩm rượu/ bản sao giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với trường hợp rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật. Hoặc bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, trừ trường hợp cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không phải xin giấy phép;

- Thứ tư, bản liệt kê hàng hóa rượu dự kiến sản xuất kèm theo bản sao nhãn hàng hóa của cơ sở.

1.2. Hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp

Điều 19 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định chi tiết hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp bao gồm:

- Thứ nhất, đơn đề nghị xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công theo mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Thứ hai, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương;

- Thứ ba, bản liệt kê danh mục hàng hóa rượu, kèm theo bản sao hợp lệ nhãn hàng hóa rượu mà cơ sở sản xuất rượu dự kiến sản xuất.

- Thứ tư, bản sao hợp lệ Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/ bản sao Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm hoặc bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc bản sao giấy tờ cụ thể: GMP, HACCP, ISO 22000, EFS, BRC, FSSC 22000;

- Thứ năm, bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cơ sở sản xuất rượu;

- Thứ sáu, bản sao hợp lệ bằng cấp, chứng chỉ chứng nhận chuyên môn, giấy tờ tùy thân hoặc hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng đối với cán bộ kỹ thuật.

2. Việc xin giấy phép sản xuất rượu được thực hiện thế nào?

Giấy phép sản xuất rượu được cấp phép theo thủ tục được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

 

Thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu
Việc xin cấp giấy phép sản xuất rượu được thực hiện theo trình tự sau

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu

Cá nhân, tổ chức chuẩn bị 01 bộ hồ sơ tùy theo trường hợp xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công hoặc sản xuất rượu công nghiệp.

- Bước 2: Nộp và tiếp nhận hồ sơ

+ Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ xin cấp giấy phép tại cơ quan có thẩm quyền thông qua hình thức nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua phương thức trực tuyến;

+ Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy phép và hướng dẫn sửa đổi, bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc. 

- Bước 3: Trả kết quả cấp giấy phép sản xuất rượu cho cá nhân, tổ chức

Trong thời hạn 10 ngày làm việc (đối với hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công) và 15 ngày (đối với hồ sơ xin cấp giấy phép rượu công nghiệp), cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xem xét và ra quyết định cấp giấy phép sản xuất rượu cho cá nhân, tổ chức.

Trường hợp từ chối cấp giấy phép, cơ quan nhà nước phải trả lời bằng văn bản và thông báo đến cá nhân, tổ chức được biết lý do từ chối.

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1. Đơn xin cấp giấy phép sản xuất rượu gồm những nội dung gì?

Mẫu đơn xin cấp giấy phép sản xuất rượu được quy định chung đối với cả hình thức sản xuất rượu công nghiệp và sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Theo đó, đơn xin cấp giấy phép sản xuất rượu được soạn theo mẫu số 01 ban hành kèm theo khoản 25 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP, thay thế cho mẫu quy định tại phụ lục Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

Dưới đây  là mẫu đơn xin cấp giấy phép sản xuất rượu: 

TÊN THƯƠNG NHÂN

Số:......./...... 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

....., ngày....... tháng......... năm............

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP

SẢN XUẤT RƯỢU CÔNG NGHIỆP/ SẢN XUẤT RƯỢU THỦ CÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH KINH DOANH

Kính gửi: (Bộ Công thương/ Sở Công thương hoặc Phòng Kinh tế/ Phòng Kinh tế và hạ tầng) (2)

Tên thương nhân: (ghi rõ tên doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hợp tác xã)

Địa chỉ trụ sở chính: ( địa chỉ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hợp tác xã) Điện thoại: (ghi thông tin liên lạc) Fax:................. .....

Địa điểm sản xuất: (ghi rõ trụ sở sản xuất của cơ sở sản xuất rượu)

Điện thoại:.................................. Fax:........ ..........................................................
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương)/Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số.......... do....................... cấp ngày........ tháng....... năm............ (phần này ghi rõ thông tin theo thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã)

Đề nghị..... (2)  xem xét cấp Giấy phép... .....(1).........., cụ thể là:

Được phép sản xuất rượu như sau:
Sản xuất các loại rượu: (Ghi tên loại rượu dự định sản xuất. Ví dụ: Rượu vodka, rượu trắng, rượu vang,...)
Quy mô sản xuất sản phẩm rượu: (Đối với sản xuất rượu công nghiệp: cần ghi rõ quy mô, công suất thiết kế. Đối với sản xuất rượu thủ công: cần ghi rõ sản lượng dự kiến sản xuất, tính theo đơn vị lít/năm)

(Tên thương nhân) xin cam đoan thực hiện đúng các quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày...tháng.... năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và những quy định của pháp luật có liên quan. Nếu sai, xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

 
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu (nếu có)

3.2. Thời hạn cấp giấy phép sản xuất rượu được quy định thế nào?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp giấy phép sản xuất rượu, thời hạn để cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiểm tra và cấp giấy phép được quy định:

- Đối với giấy phép sản xuất rượu công nghiệp: Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

- Đối với giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

3.3. Thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu trong từng trường hợp cụ thể được quy định như sau:

- Đối với giấy phép sản xuất rượu công nghiệp:

  • Bộ Công thương có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên;
  • Sở Công thương có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm.

- Đối với giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh:

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công là phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế- Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.