05 điều kiện cấp Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện


05 điều kiện cấp Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện
Cơ sở cai nghiện phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng như hoạt động doanh nghiệp thì mới được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện. Cùng Luật Ánh Ngọc chi tiết các điều kiện cấp phép trong bài viết dưới đây.

1. Để được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện cần đáp ứng điều kiện gì?

Giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước  có thẩm quyền cấp cho cơ sở cai nghiện nhằm xác nhận cơ sở đó đã đáp ứng được đầy đủ các điều kiện hoạt động cai nghiện và được thực hiện hoạt động này trong khuôn khổ và sự điều chỉnh của pháp luật.

Tuy nhiên, để được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện, các cơ sở cai nghiện phải đáp ứng được các điều kiện cụ thể được quy định tại Điều 9 Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

1.1. Điều kiện về hoạt động kinh doanh 

Cũng giống điều kiện để xin các loại giấy phép khác, để được cấp giấy phép hoạt động, cơ sở hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện phải được thành lập, tổ chức và hoạt động theo trình tự, thủ tục luật định.

Đây là điều kiện tiên quyết để cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm định, quản lý cơ sở cai nghiện theo quy định. Tùy loại hình kinh doanh của cơ sở cai nghiện ma túy, việc thành lập doanh nghiệp được quy định chi tiết trong Luật doanh nghiệp 2020.

1.2. Điều kiện về cơ sở vật chất

Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất cụ thể được quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 6 Nghị định này và điểm e, khỏa 3 Điều 36 Luật phòng chống ma túy như sau:

- Cơ sở được đặt tại các địa điểm thuận tiện về giao thông, y tế, điện, nước sạch,... nhằm phục vụ cho hoạt động cai nghiện, đồng thời phải có tường bao, biển tên của cơ sở đó;

- Đáp ứng được điều kiện cụ thể về diện tích:

  • Diện tích đất tự nhiên cho 01 đối tượng theo từng vùng: Vùng đô thị: 80m2/đối tượng; vùng nông thôn: 100 m2, khu vực miền núi: 120 m2;
  • Diện tích phòng ở bình quân tối thiểu 06 m2/ đối tượng, riêng đối với đối tượng phải được chăm sóc 24/24, diện tích bình quân 08m2/ đối tượng.

- Các tiêu chuẩn chuyên môn:

  • Các công trình xây dựng, trang thiết bị đảm bảo cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là người nghiện ma túy là người khuyết tật, người từ 12 đến dưới 18 tuổi có thể sử dụng một cách an toàn, tiết kiệm, thuận tiện, đáp ứng điều kiện phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường,...
  • Đảm bảo các tiêu chuẩn y tế, vệ sinh, quần áo, dinh dưỡng, đảm bảo cho người cai nghiện được tiếp cận và học hỏi để không ngừng phát triển, được trau dồi văn hóa, thể dục thể thao, cũng như việc giải trí phù hợp với truyền thống, thuần phong mỹ tục, tôn giáo, tín ngưỡng, phù hợp với từng đối tượng và độ tuổi cụ thể.

- Đảm bảo bố trí các khu riêng đối với các đối tượng đặc biệt: người từ đủ 12 đến 18 tuổi, người mắc bệnh truyền nhiễm, người có sự khác biệt về giới tính, thực thể,... theo quy định mà đã được ghi trong hồ sơ, lý lịch do cơ sở cai nghiện quản lý.

1.3. Điều kiện về trang thiết bị

Bên cạnh đó, cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện phải đảm bảo được trang thiết bị tối thiểu đã được quy định tại Phụ lục I của Nghị định này. Bao gồm các nội dung:

- Các trang thiết bị phục vụ quá trình cai nghiện:

+ Trang thiết bị phục vụ cho việc đón tiếp, tiếp nhận, phân loại người cai nghiện: bàn làm việc, điện thoại, máy tính, máy in, tivi, ghế, bộ đàm, tủ và giá để hồ sơ, điều hòa, máy lọc nước, bảng ghi thông tin,...

+ Trang thiết bị y tế thực hiện các hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác như: giường bệnh, giường cấp cứu, tủ, bàn khám bệnh, đèn khám bệnh, huyết áp kế, nhiệt kế, ống nghe, máy hút đờm, máy lọc không khí, bàn tiểu phẫu,...

+ Trang thiết bị thực hiện hoạt động giáo dục, tư vấn phục hồi hành vi, nhân cách, tái hồi phục cộng đồng như: Máy chiếu, màn chiếu, điện thoại, máy vi tính, máy trợ giảng, tăng âm, tủ sách, bàn ghế, máy tập đa năng, xe đạp, giàn tạ, máy chạy bộ, máy vật lý trị liệu, máy châm cứu,...

- Các trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt của người cai nghiện:

+ Các trang thiết bị trong phòng ở: giường, tủ, tivi, bình đun nước nóng, camera an ninh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, bảng theo dõi quân số,...

+ Các trang thiết bị trong phòng ăn tập thể: hệ thống chụp hút mùi, bàn bếp, dụng cụ nấu ăn, bồn nước, đèn diệt côn trùng, chậu rửa, quạt hơi công nghiệp, hệ thống bình lọc nước, năng lượng mặt trời, bàn ghế ăn, khay, đũa...

- Trang thiết bị phục vụ cho việc bảo vệ, quản lý của cơ sở: camera an ninh, tháp đèn di động, máy dò kim loại, bộ đàm, ống nhòm, áo gile quân cảnh, thiết bị báo động, thiết bị hỗ trợ;

- Trang thiết bị dùng chung của cơ sở: máy bơm nước, máy phát điện, loa, máy vi tính, máy in, điện thoại, bàn làm việc, giá sách, tủ sách, bảng đen, xe cứu thương, lò sưởi, máy giặt, hệ thống âm thanh sinh hoạt,...

1.4. Điều kiện về nguồn nhân lực

Đối với nguồn nhân lực tại cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, cần đáp ứng điều kiện về đội ngũ cán bộ nhân viên cũng như người đứng đầu, cụ thể:

- Đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên: Đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 116/2021/NĐ-CP:

  • Phải được đào tạo theo một trong các chuyên ngành: y, dược, công tác xã hội, tâm lý, sư phạm, luật, kinh tế và các chuyên ngành liên quan khác phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ tại cơ sở;
  • Phải có ít nhất 01 người đứng đầu chịu trách nhiệm, phụ trách một giai đoạn của quy trình cai nghiện theo trình độ chuyên môn phù hợp;
  • Người phụ trách liên quan đến y tế phải là y sĩ, bác sĩ đã được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về xác định tình trạng nghiện, điều trị và cai nghiện ma túy.

- Đối với người đại diện theo pháp luật:

  • Người đại diện theo pháp luật phải có trình độ từ Đại học trở lên;
  • Đã được tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về điều trị, cai nghiện ma túy, hoặc có thời gian làm việc tối thiểu 02 năm tại các cơ sở cai nghiện ma túy.

1.5. Điều kiện về tài chính

Cơ sở cai nghiện phải đảm bảo được các phương án tài chính nhằm duy trì hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện. Phương án tài chính có thể bao gồm nguồn vốn, nguồn tiền dự trữ, dự trù kinh phí,... để thực hiện mọi hoạt động của cơ sở, đảm bảo cho người cai nghiện có điều kiện tốt nhất trong quá trình cai nghiện ma túy. 

2. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện

Việc xin giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

 

Thủ tục cấp giấy phép hoạt động cai nghiện tự nguyện
Cơ sở cai nghiện thực hiện theo các bước sau

- Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này và nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội.

Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện có thể nộp thông qua hình thức nộp trực tiếp hoặc thông qua phương thức trực tuyến.

- Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra và cấp giấy phép

+ Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận, hướng dẫn cơ sở cai nghiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong trường hợp hồ sơ bị thiếu, sai sót;

+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bộ hồ sơ đầy đủ, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra điều kiện cũng như cơ sở cai nghiện và ra quyết định cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện. Trường hợp từ chối cấp, phải có văn bản trả lời đến cơ sở cai nghiện và nêu rõ lý do từ chối.

3. Xử phạt cơ sở hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện không có giấy phép hoạt động

Khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định, cơ sở cai nghiện được cấp giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện. Chỉ khi được cấp giấy phép, cơ sở cai nghiện mới được thực hiện hoạt động này. Trong trường hợp không có giấy phép, cơ sở cai nghiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định hiện hành.

Khoản 7 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, đối với hành vi hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện khi chưa có giấy phép sẽ bị xử phạt từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Lưu ý rằng, mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm là của tổ chức, mức phạt sẽ gấp 02 lần mức phạt cá nhân. Điều đó có nghĩa là, nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, cơ sở cai nghiện sẽ bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và trục xuất nếu là người nước ngoài có hành vi vi phạm.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.