1. Cơ sở pháp lý
2. Hợp đồng vay tài sản theo quy định của pháp luật
Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến thời hạn trả, bên vay phải hoàn lại cho bên cho vay tài sản cùng loại. Tài sản trả lại phải đảm bảo theo đúng số lượng, chất lượng. Trong trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thì bên vay tài sản có thể phải trả lãi.
Như vậy, theo quy định nêu trên, có thể hiểu đối tượng của hợp đồng vay tài sản thường là động sản. Tuy nhiên không phải mọi động sản đều có thể trở thành đối tượng của hợp đồng vay tài sản, mà chỉ có thể là một khoản tiền hoặc vật cùng loại. Bên cạnh đó, đối với những tài sản là vật không được phép giao dịch (như ma túy, vũ khí) cũng không được coi là đối tượng của hợp đồng vay tài sản.
Trong một số trường hợp, việc cho vay tiền vẫn được chấp nhận dưới hình thức giấy cho vay tiền viết tay nếu đáp ứng một số điều kiện cần thiết. Thậm chí, ngay cả việc mượn tiền không có giấy tờ vẫn sẽ được pháp luật công nhận, tuy nhiên sẽ nảy sinh những rủi ro trong quá trình đòi nợ.
3. Định nghĩa về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là những sự bất đồng ý kiến, sự mâu thuẫn phát sinh từ một bên hoặc các bên chủ thể của hợp đồng đối với vấn đề thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo những thỏa thuận trong hợp đồng vay.
Tranh chấp hợp đồng vay tài sản có thể về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể tham gia trong hợp đồng. Đa phần liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện quyền và nghĩa vụ theo đúng thỏa thuận một cách tự nguyện. Ngoài ra, tranh chấp hợp đồng vay tài sản cũng có thể phát sinh từ nội dung của hợp đồng, thực hiện hợp đồng, giải thích từ ngữ hợp đồng, thực hiện, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng, …
4. Các tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp
Tranh chấp hợp đồng vay tài sản đang ngày càng phức tạp và xảy ra phổ biến. Hiện nay, có một số tranh chấp hợp đồng vay tài sản có thể kể đến như sau:
4.1. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản về chủ thể ký kết hợp đồng
Mọi cá nhân, tổ chức đều có thể là chủ thể của hợp đồng vay tài sản. Đối với chủ thể là cá nhân thì cá nhân đó phải là người có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự. Đối với chủ thể là tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc người đại diện theo ủy quyền của người có thẩm quyền là người ký kết hợp đồng.
Trên thực tế, có rất nhiều tranh chấp hợp đồng vay tài sản phát sinh do người ký kết hợp đồng không có thẩm quyền như: Không phải là người được ủy quyền hợp pháp, người được ủy quyền ký kết hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền, không phải người đại diện theo pháp luật.
Hậu quả pháp lý xảy ra đối với trường hợp này là: Đối với doanh nghiệp, khi hợp đồng được ký bởi những người không có thẩm quyền, về nguyên tắc sẽ vô hiệu. Đối với các cá nhân vay tài sản nhưng không có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự như: mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm ảnh hưởng đến hành vi cũng sẽ dẫn tới hậu quả là hợp đồng vô hiệu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà hợp đồng vay tài sản có thể vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ. Khi hợp đồng vô hiệu sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến quyền lợi của một trong các bên.
Một số khuyến nghị nhằm phòng ngừa tranh chấp hợp đồng phát sinh liên quan đến chủ thể hợp đồng như sau:
- Nếu ký kết hợp đồng vay tài sản với doanh nghiệp, trước khi giao kết hợp đồng cần phải kiểm tra ai là người đại diện theo pháp luật (trong ĐKKD hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương).
- Đối với trường hợp ủy quyền, cần yêu cầu cung cấp văn bản ủy quyền của người có thẩm quyền ký cho người ký. Cần đọc kỹ phần phạm vi ủy quyền để kiểm tra xem người ký có thuộc phạm vi được ủy quyền không.
- Các bên cũng cần lưu ý kiểm tra cẩn thận thông tin của doanh nghiệp, cá nhân vay tài sản, đặc biệt, đối với bên cho vay phải kiểm tra năng lực trong việc thanh toán các khoản vay để tránh tranh chấp do bên vay không thể trả được nợ.
4.2. Có nhiều tranh chấp phát sinh vì các bên đã không làm giấy giao nhận tài sản khu thực hiện việc cho vay
Tranh chấp này xảy ra phổ biến đối với các hợp đồng vay tiền. Cụ thể, trong hợp đồng vay nếu thiếu điều khoản quy định về thời gian, địa điểm, phương thức giao nhận tiền thì sau này dễ phát sinh tranh chấp về việc bên vay đã nhận tiền hay chưa?
Đối với trường hợp này, khi xảy ra tranh chấp, theo khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bên nguyên đơn có nghĩa vụ phải chứng minh đã giao tiền nếu bên bị đơn phủ nhận việc nhận tiền. Trong trường hợp nguyên đơn không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc giao tiền thì tòa án không có đủ căn cứ để giải quyết yêu cầu của nguyên đơn và nguyên đơn có thể mất số tiền đã cho vay.
Do đó, để tránh xảy ra tranh chấp, trong hợp đồng vay, các bên cần thỏa thuận rõ ràng về vấn đề thời điểm, địa điểm, phương thức giao nhận tài sản vay và bắt buộc phải có giấy giao nhận tiền. Biên bản giao nhận tài sản có đủ chữ ký của các bên.
4.3. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản phát sinh khi bên vay chậm trả nợ
Thông thường, trong hợp đồng vay tài sản, các bên thường sẽ thỏa thuận rõ về số tiền vay, tài sản vay, lãi suất, thời điểm trả, ... Một điều khoản không thể thiếu là bên vay phải cam kết trả các khoản vay đúng thời hạn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, trên thực tế, các tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường phát sinh khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Cụ thể là trả tiền không đúng hạn, trả thiếu không không trả.
Đặc biệt, khi liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng thì điều này còn phức tạp hơn nữa. Một số trường hợp phổ biến đó là giao dịch vay tài sản chỉ có một người đúng tên trên giấy vay tiền, nhưng khi vợ hoặc chồng không trả nợ thì bên cho vay yêu cầu người còn lại cũng phải trả nợ. Trên thực tế, rất khó để xác minh xem người chồng/vợ còn lại có biết đến hợp đồng vay tiền này không.
Thông thường, người chồng hoặc vợ thường khai không biết, không sử dụng tài sản vay nhưng tòa không xác minh làm rõ mà buộc cả hai vợ chồng cùng có trách nhiệm liên đới trả nợ vì cho rằng vay trong thời kỳ hôn nhân. Đây là nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung là tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung. Cũng theo quy định của luật, một bên vợ hoặc chồng không tham gia giao dịch mà vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới chỉ trong trường hợp quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình. Như vậy, nếu một bên vợ hoặc chồng không biết, không sử dụng tài sản vay thì sẽ không phát sinh nghĩa vụ liên đới trả nợ. Nếu nguyên đơn cho rằng một bên vợ hoặc chồng biết việc vay tiền nên yêu cầu liên đới trả nợ thì nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh người vợ hoặc chồng còn lại biết và đồng tình để vợ hoặc chồng vay tiền.
Do đó, để hạn chế tranh chấp hợp đồng vay tài sản trong trường hợp này, ngay từ đầu, các bên cần đặt ra các điều khoản chi tiết, cụ thể cũng như quy định chi tiết trách nhiệm của bên vay, nhất là khi bên vay đã kết hôn.
Xem thêm bài viết: Hợp đồng vay tiền cần chú ý những gì? Mẫu hợp đồng vay tiền chi tiết
5. Các biện pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng vay tài sản, các bên có thể tự thương lượng với nhau, tiến hành hòa giải thông qua một bên thứ ba (Hòa giải viên) hoặc giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng trọng tài. Hiện nay, phương thức tố tụng trọng tài đang ngày càng được nhiều người biết đến và sử dụng, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Trong trường hợp đã thực hiện thương, hòa giải nhưng không thành, hoặc nếu có bên có nhu cầu thì có thể nộp đơn khởi kiện dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết.
Xem thêm bài viết: Dịch vụ soạn thảo Hợp đồng cho thuê nhà theo quy định mới nhất
6. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa án
Theo quy định tại các Điều 39, 35, 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết của Tòa án được xác định cụ thể như sau:
- Nếu nguyên đơn là cá nhân, các bên tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản để yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn. Nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức thì khởi kiện tại tòa án nơi có trụ sở của nguyên đơn. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì khởi kiện tại tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc khởi kiện tại nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức) theo thủ tục sơ thẩm.
- Thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh được xác định trong trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc nếu cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết.
7. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp đối với hợp đồng vay tài sản
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu thời hạn đó kết thúc thì một trong các bên có thể mất quyền khởi kiện. Trừ trường hợp luật có quy định khác, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính bắt đầu từ ngày người có quyền yêu cầu khởi kiện biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, giống như các tranh chấp hợp đồng thông thường, thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
8. Khi hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản, bên cho vay có được tiếp tục khởi kiện không?
Như đã đề cập, trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện thì bên cho vay sẽ mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự 2015, nếu thuộc một trong những trường hợp sau thì dù đã hết thời hiệu nhưng bên cho vay vẫn được bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và vẫn có quyền khởi kiện lên tòa án có thẩm quyền để đòi lại tài sản cho vay. Các trường hợp đó bao gồm:
- Bên có nghĩa vụ (bên đi vay) đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối bên có quyền là người khởi kiện;
- Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
- Các bên đã tự hoà giải với nhau.
Tuy nhiên, cần phân biệt được yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, đòi lại tài sản với yêu cầu trả nợ trong tranh chấp hợp đồng vay tài sản (ví dụ: cần phân định rõ trường hợp đòi lại tiền đang bị người khác chiếm giữ với đòi lại tiền khi cho người khác vay) là khác nhau. Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, đối với tranh chấp hợp đồng vay tài sản thì thời hiệu khởi kiện là 3 năm; Theo Khoản 2 Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015, đối với yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, đòi lại tài sản thì không bị áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Xem thêm bài viết: Dịch vụ tư vấn và soạn thảo Hợp đồng thuê chuyên gia mới nhất
9.Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại tòa án
9.1. Hồ sơ cần chuẩn bị
Theo quy định tại Điều 189, 91, 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
- Đơn khởi kiện: Theo mẫu 23-DS Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP
- CMND/CCCD hoặc hộ khẩu của người khởi kiện. Nếu người khởi kiện/bị kiện là doanh nghiệp thì cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đăng ký hoạt động.
- Các tài liệu có liên quan tới nội dung tranh chấp như hợp đồng, thỏa thuận, các văn bản có giá trị tương đương liên quan đến giao dịch vay tài sản, tài liệu, chứng cứ chứng minh việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay, chứng minh sự vi phạm nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi trong hạn của bên vay,….
9.2. Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại tòa án
Để có thể nhanh chóng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, có thể thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp theo trình tự các bước sau đây:
Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị và nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án
Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, có các phương thức nộp đơn khởi kiện như sau:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi hồ sơ qua đường bưu điện;
- Gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 2: Thụ lý vụ án
- Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án sẽ xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết. Trong trường hợp thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
- Theo Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án được quy định như sau (Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015):
- 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Chánh án tòa án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan.
- Nếu có quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án thì tính lại thời hạn chuẩn bị xét xử kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Ngoài ra, thẩm phán cũng tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).
Bước 4: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
- Tòa án phải mở phiên tòa trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
- Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm nếu bản án của tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.
Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Ngọc. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hoặc các vấn đề khác, hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ và giải đáp từ đội ngũ luật sư chuyên nghiệp.