1. Hợp đồng vay tiền là gì?
Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định."
Theo đó, Hợp đồng vay tiền là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó, bên cho vay giao tiền cho bên vay. Khi đến thời hạn theo thỏa thuận giữa các bên, bên vay phải hoàn trả lại đúng số tiền đã vay và phải trả lãi nếu hai bên có thỏa thuận. Bên cho vay phải có nghĩa vụ giao đủ số tiền mà hai bên thỏa thuận cho bên vay tại địa điểm và theo thời gian đã thỏa thuận.
Ngoài ra, bên cho vay không được yêu cầu bên vay phải trả lại tiền trước thời hạn trừ phi có thỏa thuận hoặc:
- Với Hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi: Bên vay có thể trả lại tiền vay cho bên kia bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước, bên cho vay được đòi lại tiền nếu được bên vay đồng ý.
- Với Hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi: Bên vay có quyền trả lại tiền vay trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn.
2. Hình thức của Hợp đồng vay tiền
Pháp luật không quy định hình thức cụ thể của Hợp đồng vay tiền. Các bên có thể giao kết hợp đồng vay tiền bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể, bằng điện tử online....
Khi xảy ra tranh chấp, các bên phải tự cung cấp bằng chứng, chứng cứ để chứng minh quyền lợi hợp pháp của mình.
>>> Đọc thêm: Giấy cho vay tiền viết tay có hợp pháp không?
3. Lãi suất trong Hợp đồng vay tiền
Về nguyên tắc, pháp luật tôn tọng sự thỏa thuận của các bên khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, với Hợp đồng vay tiền, pháp luật quy định lãi suất vay tối đa là 20%/năm. (Căn cứ Điều 468 Bộ luật Dân sự). Trong trường hợp lãi suất vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì phần vượt quá đó không có hiệu lực.
Như vậy, mặc dù các bên có thể thỏa thuận về lãi suất cho vay nhưng không được vượt quá mức lãi giới hạn là 20%/năm của khoản vay. Nếu vi phạm về lãi suất, người cho vay có thể bị phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Xử phạt vi phạm hành chính
Căn cứ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013 của Chính phủ, theo đó, nếu cho vay tiền có cầm cố tài sản mà lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay thì sẽ bị phạt tiền từ 05 - 15 triệu đồng.
Như vậy, căn cứ vào thời điểm cho vay, mức lãi suất không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Chịu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, một người có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu vi phạm một trong các điều sau:
- Cho vay với lãi suất cao gấp 05 lần lãi suất giới hạn (20%/năm)
- Thu lợi bất chính từ 30 - 100 triệu đồng
- Đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Ngoài ra, nếu thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Như vậy, có thể thấy, mức phạt hành vi cho vay nặng lãi là rất nặng. Bởi vậy, bên vay và bên cho vay đều phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật về lãi suất.
4. Hợp đồng vay tiền mẫu
Luật Ánh Ngọc giới thiệu với bạn một Hợp đồng vay tiền mà chúng tôi đã giúp khách hàng ký kết. Mong rằng Quý khách hàng có thể tham khảo và bảo vệ quyền lợi của mình tốt nhất khi ký kết Hợp đồng vay tiền.
5. Tải về mẫu Hợp đồng vay tiền
Click để tải về mẫu Hợp đồng vay tiền: Tải về mẫu Hợp đồng vay tiền
Để được tư vấn cụ thể về hợp đồng bạn ký kết, liên hệ với Luật Ánh Ngọc ngay hôm nay!
Đọc thêm: Lưu ý khi ký kết Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và mẫu Hợp đồng