Tội ăn cắp theo quy định của Bộ luật Hình sự


Tội ăn cắp theo quy định của Bộ luật Hình sự
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, hành vi ăn cắp được xác định dựa trên giá trị của tài sản bị chiếm đoạt. Nếu giá trị tài sản ăn cắp không vượt quá mức được quy định, người phạm tội có thể chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

1. Ăn cắp được hiểu như nào?

"Ăn cắp" (hay còn gọi là ăn trộm, trộm cắp) là hành vi mà một hay một nhóm người dùng cách lén lút, bí mật để chiếm đoạt tài sản của người khác. 

Tài sản bị trộm cắp
Tài sản bị ăn cắp có thể là tiền bạc, đồ vật, vật nuôi, ...

Cần lưu ý rằng, tuy từ "ăn cắp" (hay ăn trộm, trộm cắp) và "ăn cướp" đôi khi được sử dụng chung, nhưng chúng có ngữ nghĩa khác nhau. Trong đó, "ăn cắp" thường ám chỉ hành vi chiếm đoạt tài sản một cách lén lút, trong khi "ăn cướp" thường liên quan đến việc sử dụng vũ lực để chiếm đoạt tài sản.

Xem thêm bài viết: Trộm cắp tài sản bao nhiêu thì bị đi tù? Khung xử phạt như thế nào?

2. Quy định về tội ăn cắp theo quy định của Bộ luật Hình sự

Ăn cắp” là cách gọi phổ biến của người dân để chỉ hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút. Tuy nhiên, trong Bộ luật Hình sự không có tội “ăn cắp” mà thay vào đó là tội “trộm cắp tài sản” được quy định tại Điều 173.

2.1. Cấu thành tội phạm

  • Chủ thể:
  • Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên (theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017);
  • Những người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này khi hành vi phạm tội thuộc các khung hình phạt rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. (theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
  • Khách thể:
  • Khách thể của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
  • Mặt khách quan
  • Về hành vi khách quan: Người phạm tội phải có hành vi chiếm đoạt tài sản một cách lén lút.

Ví dụ, trên màu chuyến xe bus đông đúc, A nhìn thấy B để ví ở túi quần đằng sau và B đang nói chuyện với người khác. Thấy vậy, A đã tiến lại gần, lợi dụng sơ hở thò tay lấy trộm chiếc ví của B.

  • Về mặt hậu quả: Hậu quả của tội trộm cắp tài sản thường là thiệt hại về giá trị tài sản bị chiếm đoạt trái phép.

Lưu ý: Chỉ khi giá trị tài sản bị trộm cắp từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội trộm cắp tài sản; nếu giá trị tài sản bị trộm cắp dưới 2.000.000 đồng thì cần phải có các điều kiện khác để xác định xem người thực hiện hành vi này sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự hay chỉ phải chịu trách nhiệm hành chính.

  • Mặt chủ quan
  • Đây là hành vi cố ý, tức là người phạm tội có nhận thức rõ ràng về việc chiếm đoạt tài sản hoặc có thể gây ra hậu quả là thiệt hại về tài sản cho người khác nhưng họ vẫn mong muốn thực hiện hoặc cố ý bỏ qua hậu quả đó.
  • Mục đích: Mong muốn chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức.

2.2. Trách nhiệm hình sự

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), được quy định cụ thể như sau:

Khung 1: Người nào thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của người khác, có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, sẽ bị xử phạt cải tạo không giam giữ trong khoảng thời gian từ 06 tháng đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản và tiếp tục vi phạm;
  • Đã bị kết án về tội trộm cắp này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), chưa được xóa án tích và tiếp tục vi phạm;
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  • Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của nạn nhân và gia đình họ;
  • Tài sản là di vật, cổ vật.

Khung 2: Phạm tội trong một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  • Hành vi trộm cắp có tổ chức;
  • Hành vi trộm cắp có tính chất chuyên nghiệp;
  • Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  • Sử dụng các thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
  • Hành hung để tẩu thoát;
  • Tài sản bị chiếm đoạt là bảo vật quốc gia;
  • Tái phạm có tính nguy hiểm.

Khung 3: Phạm tội trong một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

  • Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 4: Phạm tội trong một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

  • Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

3. Giải đáp thắc mắc

3.1. Ăn cắp vặt có phải chịu trách nhiệm hình sự không?

Ăn cắp vặt có thể phải đi tù
Hành vi ăn cắp vặt có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự

Ăn cắp vặt là một dạng của trộm cắp tài sản, hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào giá trị của tài sản và các điều kiện cụ thể.

  • Trách nhiệm hành chính: Theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi ăn cắp vặt có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
  • Trách nhiệm hình sự: Theo Điều 173 Bộ luật Hình sự, những hành vi trộm cắp tài sản với giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự như đã đề cập ở mục trên.

3.2. Người dưới 18 tuổi ăn cắp có bị đi tù không?

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự trên nếu người dưới 18 tuổi phạm Tội trộm cắp tài sản thì sẽ xử lý như sau:

  • Người phạm tội đã đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có các hành vi nêu tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.

  • Người phạm tội từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi thì vẫn phải chịu truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản, trong trường hợp này tùy vào giá trị tài sản trộm cắp nếu thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

  • Người chưa đủ 14 tuổi phạm tội thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là sẽ không bị phạt tù.

Như vậy, người dưới 18 tuổi trộm cắp tài sản vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tù.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.