[Toàn bộ] Quy trình sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu


[Toàn bộ] Quy trình sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu
Để tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động sản xuất rượu, pháp luật hiện hành cho phép sửa đổi, bổ sung giấy phép theo quy trình luật định. Vậy, giấy phép sản xuất rượu được sửa đổi, bổ sung trong trường hợp nào? Thủ tục sửa đổi, bổ sung được thực hiện thế nào?

1. Trường hợp được sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu

Giấy phép sản xuất rượu được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đủ điều kiện hoạt động sản xuất rượu, thể hiện các nội dung về thông tin của cơ sở sản xuất, lĩnh vực hoạt động, phạm vi và địa bàn sản xuất, hiệu lực của giấy phép cũng như quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất rượu.

Căn cứ quy định tại Điều 26 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phép sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu. Việc sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu được thể hiện thông qua giấy phép điều chỉnh và là một phần không thể tách rời của giấy phép sản xuất rượu đã được cấp lần gần nhất.

Theo đó, khi có nhu cầu thay đổi bất cứ nội dung nào của giấy phép sản xuất rượu, cá nhân, tổ chức được phép nộp hồ sơ xin sửa đổi, bổ sung giấy phép. Sự thay đổi đó có thể bao gồm các nội dung:

- Thay đổi thông tin của cơ sở sản xuất rượu:

+ Có sự thay đổi về tên doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

+ Thay đổi về địa chỉ trụ sở hoặc địa điểm sản xuất rượu: có thể có sự thay đổi thông qua việc mở rộng hoặc thu hẹp, thay đổi địa chỉ tiến hành sản xuất rượu;

+ Thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã: Thay đổi người đại diện theo pháp luật, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu hợp tác xã; thay đổi số quyết định, ngày cấp giấy chứng nhận,...

+ Thay đổi về thông tin liên lạc: Số điện thoại, fax, email,...

- Thay đổi lĩnh vực hoạt động của cơ sở sản xuất: 

+ Thay đổi về sản phẩm rượu: Có thể chuyển đổi sản phẩm rượu đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất sang loại rượu khác;

+ Thay đổi về quy mô sản xuất: Cơ sở sản xuất có thể có sự thay đổi về sản lượng rượu, mở rộng hoặc thu hẹp quy mô, công suất sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế.

2. Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu

Việc thực hiện sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu được quy định chi tiết tại Điều 26 Nghị định 105/2017/NĐ-CP.

 

Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu
Thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép được thực hiện qua 03 bước sau

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Cá nhân, tổ chức chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này, bao gồm:

+ Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu theo mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

+ Bản sao hợp lệ giấy phép sản xuất rượu đã được cấp;

+ Các tài liệu, giấy tờ chứng minh nội dung cần sửa đổi, bổ sung liên quan.

- Bước 2: Nộp hồ sơ

Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hình thức nộp trực tiếp, gửi hồ sơ qua bưu điện hoặc thông qua phương thức trực tuyến.

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép và thông báo đến cơ sở sản xuất rượu trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc. Cá nhân, tổ chức phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hồ sơ.

- Bước 3: Cấp giấy phép điều chỉnh

Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiến hành sửa đổi, bổ sung và cấp giấy phép sản xuất rượu điều chỉnh cho cá nhân, tổ chức trong thời hạn 07 ngày làm việc.

Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền từ chối sửa đổi, bổ sung giấy phép thì phải thông báo bằng văn bản đến cho cá nhâ, tổ chức được biết lý do từ chối. 

3. Một số câu hỏi liên quan đến sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu

3.1. Ai có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu

Căn cứ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Theo đó, thẩm quyền sửa đổi, bổ sung giấy phép trong từng trường hợp thuộc về:

- Đối với giấy phép sản xuất rượu công nghiệp:

  • Bộ Công thương có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên;
  • Sở Công thương có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm.

- Đối với giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh:

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công là phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế- Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3.2. Có được tự sửa chữa, tẩy xóa, thay đổi nội dung trên giấy phép sản xuất rượu không?

Căn cứ quy định tại Điều 26 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, việc sửa đổi, bổ sung giấy phép sản xuất rượu phải được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền, theo một trình tự nhất định.

Cá nhân, tổ chức tự ý thực hiện việc sửa đổi, bổ sung giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính theo quy định.

Đối với hành vi tự ý tẩy, xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung trên giấy phép sản xuất rượu, điểm a, khoản 1 và khoản 5 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức phạt như sau:

- Cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức;

- Cơ sở sản xuất rượu công nghiệp: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ phải buộc nộp lại giấy phép sản xuất rượu đã bị tẩy xóa, sữa chữa làm thay đổi nội dung trên giấy phép để khắc phục hậu quả.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.