1. Định giá tài sản trong tố tụng hình sự là gì?
Hiện nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định chi tiết về định nghĩa của định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Dù vậy, có thể hiểu đơn giản định giá tài sản là việc cá nhân, tổ chức thẩm định và quyết định về giá cả của một loại tài sản nào đó. Và tài sản được định giá trong tố tụng hình sự là những tài sản liên quan trực tiếp đến vụ án hình sự, cần được xác định rõ giá trị để xác định tội danh, mức bồi thường thiệt hại.
Dẫn đến, có thể hiểu định giá tài sản trong tố tụng hình sự là việc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, khi xét thấy cần xác định giá trị tài sản có liên quan đến việc xác định tội danh, định khung hình phạt, mức bồi thường thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự ra văn bản yêu cầu định giá. Với việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tính chất, mức độ của từng tội danh cụ thể, qua đó xác định chính xác khung hình phạt, mức hình phạt được áp dụng.
2. Một vài quy định cần tuân đủ để được định giá tài sản trong tố tụng hình sự
2.1. Để định giá tài sản trong tố tụng hình sự cần dựa vào căn cứ nào?
Để được định giá tài sản trong tố tụng hình sự, ngoài việc tài sản đó không phải là tài sản bị cấm thì còn cần dựa vào một số căn cứ sau:
Trong đó:
(1) Giá thị trường của tài sản
- Đây là giá giao dịch phổ biến trên thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm định giá và địa điểm định giá được yêu cầu định giá;
- Mức giá giao dịch phổ biến được thu thập là giá mua, bán thực tế của giao dịch thành công; giá niêm yết của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giá ghi trên hóa đơn, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ…
(2) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định
- Đây là mức giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc quyết định đang có hiệu lực áp dụng tại thời điểm được yêu cầu định giá;
- Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định giá tối đa, giá tối thiểu, khung giá thì áp dụng mức giá cụ thể do cơ quan hoặc đơn vị sản xuất kinh doanh quy định tại thời điểm được yêu cầu định giá.
(3) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp
Đây là giá được xác định dựa trên kết quả thẩm định tại "Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá" của doanh nghiệp thẩm định giá còn hiệu lực đối với tài sản được thuê thẩm định giá.
(4) Giá trong tài liệu, hồ sơ hợp pháp về loại tài sản
Đây là giá được các cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan yêu cầu định giá cung cấp.
(5) Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá
Đây là những những thông tin, tài liệu giúp xác định giá của tài sản cần định giá
(Ví dụ: ý kiến đánh giá về giá trị của tài sản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các tổ chức, cá nhân có kiến thức, hiểu biết về tài sản; lời khai và hồ sơ tài liệu của các bên liên quan đến tài sản).
2.2. Có yêu cầu nào cần đảm bảo về định giá tài sản trong tố tụng hình sự?
Bên cạnh dựa vào các căn cứ để định giá tài sản trong tố tụng hình sự, để đảm bảo về định giá tài sản trong tố tụng hình sự được thực hiện đúng theo quy định thì cơ quan khi yêu cầu định giá tài sản cần chú ý một vài yêu cầu sau:
- Ban hành văn bản yêu cầu định giá tài sản. Trong đó, văn bản phải đảm bảo có các nội dung:
+ Tên cơ quan yêu cầu định giá; họ tên người có thẩm quyền yêu cầu định giá;
+ Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
+ Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định giá;
+ Tên tài liệu có liên quan (nếu có);
+ Nội dung yêu cầu định giá tài sản;
+ Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời hạn trả kết luận định giá tài sản.
- Ngoài việc ban hành văn bản thì sau 24h kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao (gửi) văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ quan yêu cầu định giá còn phải gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
2.3. Phương pháp để định giá tài sản trong tố tụng hình sự
Sau khi biết được để định giá tài sản trong tố tụng hình sự cần những căn cứ nào, cần đáp ứng một vài yêu cầu ra sao thì tiếp theo, cơ quan yêu cầu định giá có một vài phương pháp để định giá tài sản như sau:
|
||||||||||||||
Yêu cầu hội đồng thẩm định cần đảm bảo khi áp dụng những phương pháp trên: - Tài sản chưa qua sử dụng được xác định theo giá của tài sản giống hệt mới hoặc tài sản tương tự mới theo hướng có điều chỉnh để phù hợp với hiện trạng của tài sản cần định giá tại thời điểm cần định giá; - Với việc sử dụng từ 02 phương pháp định giá tài sản trở lên, Hội đồng định giá tài sản cần đánh giá, phân tích, tính toán hoặc lựa chọn để đi đến kết luận cuối cùng về mức giá của tài sản cần định giá. |
3. Giải đáp thắc mắc về định giá tài sản trong tố tụng hình sự
3.1. Bản kết luận định giá tài sản sau khi tiến hành định giá tài sản trong tố tụng hình sự có những chú ý nào?
Căn cứ tại Điều 101 và Điều 221 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 19 và Điều 20 Nghị định 30/2018/NĐ-CP có quy định về bản "Kết luận định giá tài sản" sau khi tiến hành định giá tài sản trong tố tụng hình sự sẽ có một vài chú ý sau:
- Bản kết luận định giá tài sản được lập bằng văn bản;
- Nội dung của bản kết luận định giá tài sản phải đảm bảo một số nội dung chính sau:
+ Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản;
+ Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; họ, tên Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản và các thành viên của Hội đồng;
+ Số của văn bản yêu cầu định giá và ngày nhận văn bản yêu cầu định giá;
+ Quyết định thành lập Hội đồng định giá tài sản;
+ Tên tài sản cần định giá;
+ Thông tin, tài liệu có liên quan đến tài sản cần định giá;
+ Kết luận về giá của tài sản;
+ Chữ ký của các thành viên của Hội đồng có mặt tại phiên họp định giá tài sản và dấu của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng hoặc cơ quan của Chủ tịch Hội đồng.
- Trong vòng 24 tiếng kể từ khi lập ra bản kết luận định giá tài sản thì Hội đồng thẩm định giá tài sản sẽ gửi đến cơ quan yêu cầu định giá tài sản;
- Bản kết luận định giá tài sản được lập thành ít nhất 03 bản (trong đó 02 bản lưu trong Hồ sơ định giá tài sản và 01 bản gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu định giá tài sản).
3.2. Ai có quyền định giá tài sản trong quá trình giải quyết vụ án hình sự? Có được từ chối hay không?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 69 Bộ Luật Tố tụng hình sự có quy định "Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật". Khi đó, người định giá tài sản có thể tham gia khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng.
Khi được tham gia định giá tài sản, người định giá tài sản sẽ có quyền lợi sau:
- Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá;
- Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá;
- Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;
- Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản.
3.3. Có thể tham gia được bao nhiêu thành viên trong phiên họp định giá tài sản trong tố tụng hình sự?
Hiện nay, có thể có 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng định giá tham dự thì phiên họp định giá tài sản mới được bắt đầu được tiến hành (nếu Hội đồng định giá nhiều nhất 3 thành viên thì cả 3 thành viên đều phải có mặt đủ tại phiên họp).
Ngoài ra, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá biết. Khi được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có quyền đưa ra ý kiến về việc định giá, nhưng không được quyền biểu quyết về giá của tài sản.
3.4. Các trường hợp không phải định giá tài sản trong tố tụng hình sự
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP có quy định về một vài trường hợp không phải định giá tài sản trong tố tụng hình sự, gồm:
- Hội đồng định giá chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục định giá hoặc chưa có kết luận về giá của tài sản cần định giá;
- Thành viên Hội đồng thuộc một trong các trường hợp không được tham gia định giá tài sản;
- Có sự thay đổi về thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá, thay đổi về nội dung yêu cầu định giá khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trên đây là một vài thông tin liên quan đến vấn đề định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Hy vọng với những thông tin chúng tôi đã cung cấp sẽ một phần hỗ trợ quý khách hàng giải quyết vấn đề mà khách hàng đã gặp phải. Còn có thắc mắc nào hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được tư vấn và hỗ trợ một cách sớm nhất.