1. Không có giấy phép kinh doanh phạt bao nhiêu?
Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa là một loại chứng thư pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động kinh doanh này.
Nếu hoạt động kinh doanh mà không xin phép thì doanh nghiệp có thể bị xử phạt. Mức xử phạt không có Giấy phép kinh doanh được quy định cụ thể tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
- Kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký => Mức phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng và Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh => phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng;
- Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh => phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng;
- Vẫn thành lập hộ kinh doanh dù không được quyền hoặc Không đăng ký hộ kinh doanh dù thuộc trường hợp phải đăng ký => phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng;
- Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề có điều kiện dù đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện yêu cầu tạm ngừng => phạt tiền 10 - 20 triệu đồng;
- Tiếp tục kinh doanh trước hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký cấp huyện nơi đã đăng ký => phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
2. Đối tượng bị xử phạt không có giấy phép kinh doanh
Đối tượng bị xử phạt không có giấy phép kinh doanh là đối tượng thuộc các trường hợp phải xin giấy phép kinh doanh theo quy định pháp luật nhưng đã không xin phép.
Ngoài ra, đối tượng bị xử phạt không có giấy phép kinh doanh còn là các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa (trừ trường hợp thuộc điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ/CP).
- Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định này.
- Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này.
- Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành.
- Các hoạt động cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo; Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại; Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
3. Trường hợp không bị xử phạt dù không có giấy phép
Theo quy định của pháp luật hiện hành, không phải mọi trường hợp cơ sở kinh doanh đều phải xin giấy phép. Do đó, đối với các cơ sở sau thì khi thực hiện hoạt động kinh doanh không có giấy phép sẽ không bị phạt:
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế thuộc trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư được quyền thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa sau khi đăng ký thực hiện các hoạt động đó tại các giấy tờ có liên quan theo quy định của pháp luật;
- Nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường, đăng ký thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2018/NĐ/CP;
4. Một số câu hỏi thường gặp
4.1. Làm sao để không bị xử phạt không có giấy phép kinh doanh?
Để không bị xử phạt không có giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp trước khi hoạt động phải xin cấp giấy phép kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền.
Chi tiết xem tại: Dịch vụ thành lập Công ty trọn gói tại Việt Nam
4.2. Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa
Tùy thuộc vào chủ thể trong nước hay ngoài nước, thẩm quyền cấp giấy phép hiện nay sẽ được quy định khác nhau:
- Đối với nhà đầu tư trong nước: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở của doanh nghiệp sẽ có thẩm quyền cấp Giấy phép.
- Đối với nhà đầu tư nước ngoài: Bộ Công thương.
4.3. Thu hồi giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa
Giấy phép kinh doanh bị thu hồi trong các trường hợp sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị thu hồi.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án có mục tiêu hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa bị thu hồi.
- Nội dung kê khai trong hồ sơ cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép kinh doanh là giả mạo.
- Ngừng hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa quá 12 tháng mà không báo cáo Cơ quan cấp Giấy phép.
- Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 40 Nghị định này trong 24 tháng liên tiếp.
- Không gửi báo cáo, tài liệu, giải trình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định này sau thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn theo yêu cầu.
4.4. Thời hiệu xử phạt không giấy phép kinh doanh là bao lâu?
Thời hiệu xử phạt đối với tổ chức hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký là 01 năm được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm nếu hiện tại vẫn chưa thực hiện đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp đã đăng ký doanh nghiệp thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Trên đây là giải đáp của Luật Ánh Ngọc về thắc mắc "Không có giấy phép kinh doanh phạt bao nhiêu?". Có thể thấy, doanh nghiệp kinh doanh mua bán hàng hoá mà không xin phép có thể bị áp dụng mức xử phạt không có giấy phép kinh doanh lên đến 100.000.000 đồng.