Thủ tục cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại


Thủ tục cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại
Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trong các trường hợp cần thiết, cần được cấp lại để đảm bảo sự quản lý của cơ quan nhà nước đối với việc xử lý chất thải nguy hại nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

1. Các trường hợp được cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Bởi những đặc tính này của nó mà chất thải nguy hại ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe con người nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp chính là sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho phép cá nhân/ tổ chức được phép xử lý chất thải nguy hại. Giấy phép này có thời hạn là 05 (năm) năm kể từ ngày cấp.

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp lại trong các trường hợp sau:

  • Giấy phép xử lý chất thải nguy hại hết thời hạn;
  • Đổi từ giấy phép quản lý chất thải nguy hại đã được cấp theo các quy định trước ngày Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu có hiệu lực;
  • Giấy phép bị mất hoặc hư hỏng.

Như vậy, nếu giấy phép xử lý chất thải nguy hại thuộc một trong ba trường hợp nêu trên thì phải xin cấp lại, còn nếu muốn thay đổi thông tin trong giấy phép thì không thể xin cấp lại mà phải xin sửa đổi giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

2. Hồ sơ xin cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Hồ sơ đăng ký cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 01 bộ hồ sơ; bao gồm các loại giấy tờ sau căn cứ theo Điều 18 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại:

  • Đơn đăng ký theo quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư;
  • Các báo cáo, bản sao các biên bản, kết luận thanh tra, kiểm tra theo quy định tại Phụ lục 5 (B.2) ban hành kèm theo Thông tư: Báo cáo việc thực hiện các chương trình, kế hoạch đã lập trong Bộ hồ sơ đăng ký (trong thời gian 01 năm trước thời điểm đăng ký cấp gia hạn hoặc điều chỉnh; trừ trường hợp đăng ký cấp lại trong vòng 06 (sáu) tháng kể từ ngày được cấp phép gần nhất thì không phải báo cáo), bao gồm: Thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; Thực hiện chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải; Thực hiện kế hoạch về an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; Thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; Thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm;...

3. Trình tự, thủ tục xin cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Chậm nhất trước 03 (ba) tháng trước ngày Giấy phép hết hạn hoặc trong thời gian 01 (một) tháng kể từ ngày phát hiện giấy phép bị mất hoặc hư hỏng thì chủ xử lý chất thải nguy hại phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại nộp hồ sơ gồm các tài liệu nêu trên đến Bộ Tài nguyên và Môi trường bằng hình thức trực tiếp, qua bưu điện hoặc các hình thức khác phù hợp để được giải quyết hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Bước 2: Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ.

Nếu hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp phép cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

Nếu hồ sơ còn thiếu thì cơ quan cấp phép phải yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Trường hợp cần thiết, cơ quan cấp phép lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở xử lý chất thải nguy hại theo quy định và tiến hành kiểm tra thực tế cơ sở.

Bước 3: Cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thay thế Giấy phép bị mất trước đó.

 

Trình tự cấp lại giấy phép xử lý  CTNH
Ba bước cấp lại giấy phép 

4. Thẩm quyền cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại vốn là sự cho phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực chất thải nguy hại, cho phép cá nhân/ tổ chức thực hiện xử lý chất thải nguy hại nếu cá nhân/ tổ chức này đủ điều kiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chính là cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường nói chung và chất thải nguy hại nói riêng, được phép giải quyết các vấn đề về môi trường cũng như vấn đề về xử lý chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc và có thể tham khảo lấy ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có địa điểm cơ sở xử lý chất thải nguy hại khi cần thiết.

Như vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường chính là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

5. Một số câu hỏi liên quan

Hỏi: Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp lại có thời hạn trong bao lâu?

Đáp: Căn cứ theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu thì giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp lại có thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày cấp lại.

Hỏi: Nếu không nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại thì có làm sao không?

Đáp: Nếu chủ xử lý chất thải nguy hại thuộc các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 38/2015/NĐ-CP mà không nộp hồ sơ xin cấp lại thì có thể bị phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, căn cứ theo Điểm đ Khoản 1 Điều 11 Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Do việc xử lý chất thải nguy hại có liên quan rất lớn đến bảo vệ môi trường và sức khỏe con người nên nếu giấy phép bị mất mát, hư hỏng hoặc hết thời hạn mà không xin cấp lại thì sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý của các cơ quan tại địa phương, dẫn đến trường hợp chủ xử lý chất thải nguy hại không còn đủ điều kiện xử lý nhưng vẫn tiếp tục xử lý khiến chất thải nguy hại phát tán ra môi trường gây ảnh hưởng xấu. Vì thế, cần xin cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại nếu giấy phép của bạn thuộc một trong ba trường hợp nêu trên.

Trên đây là những nội dung liên quan đến việc cấp lại Giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Nếu có bất kỳ thắc Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới chúng tôi để được hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ pháp lý hiệu quả với chi phí ưu đãi nhất.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.