Các trường hợp thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực


Các trường hợp thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực
Bên cạnh các vấn đề phát sinh liên quan đến giấy phép hoạt động điện lực như sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, đơn vị điện lực cũng cần lưu ý đến trường hợp bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Bài viết hôm nay sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến việc thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

1. Thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực trong trường hợp nào?

Giấy phép hoạt động điện lực là chứng chỉ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực: quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực, phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện lực, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và những hoạt động khác có liên quan.

Căn cứ Điều 37 Luật Điện lực, tổ chức, cá nhân đơn vị điện lực bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau:

  • Không triển khai hoạt động sau sáu tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Mục đích của giấy phép hoạt động điện lực để quản lý, quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân xin cấp phép hoạt động nhưng không triển khai hoạt động có thể ảnh hưởng đến chính sách phát triển điện lực và hoạt động quản lý của nhà nước về lĩnh vực điện lực, do đó việc tiếp tục cấp phép cho tổ chức, đơn vị trên là không cần thiết;
  • Không bảo đảm các điều kiện hoạt động điện lực theo quy định của Luật Điện lực:
    • Không đảm bảo dự án hoặc phương án hoạt động điện lực khả thi;
    • Người quản trị, người điều hành không đáp ứng được điều kiện, năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với lĩnh vực hoạt động;
    • Không đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động điện lực;
    • Không đáp ứng các điều kiện về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu, báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy trình vận hành hồ chứa,… đối với trường hợp hoạt động phát điện;
    • Không đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị công nghệ, công trình đường dây và trạm biến áp theo quy định;
  • Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong giấy phép hoạt động điện lực. Căn cứ theo Điều 14 Thông tư 21/2020/TT-BCT, một trong những trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực là hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép. Do đó, trường hợp tổ chức, đơn vị điện lực hoạt động vượt quá phạm vi giấy phép đã vi phạm nghĩa vụ của mình, do đó sẽ bị thu hồi giấy phép;
  • Cho thuê, cho mượn, tự ý sửa chữa giấy phép hoạt động điện lực. Tương tự, căn cứ theo Khoản 6 Điều 14 Thông tư 21/2020/TT-BCT, trách nhiệm của đơn vị điện lực là không cho thuê, cho mượn, tự sữa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực. Vì vậy, việc thu hồi giấy phép là cần thiết.

Bên cạnh việc bị thu hồi giấy phép hoạt động điện lực do thuộc một trong các trường hợp trên, tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép còn có thể bị xử phạt liên quan đến giấy phép điện lực. 

2. Thủ tục thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực

Căn cứ theo Điều 38 Luật Điện lực, cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động điện lực có quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Như vậy:

  • Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của các đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện có đấu nối với hệ thống điện quốc giá, đơn vị bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của tổ chức, cá nhân có hoạt động điện lực quy mô nhỏ trong phạm vi địa phương.

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 13 Thông tư 21/2020/TT-BCT, khi phát hiện tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực thuộc trường hợp bị thu hồi, cơ quan có thẩm quyền gửi quyết định thu hồi đến đơn vị điện lực và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền công bố thông tin thu hồi giấy phép trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi giấy phép.

Tuy nhiên, khi thu hồi giấy phép, cơ quan có thẩm quyền xác định rõ thời hạn đơn vị điện lực tiếp tục hoạt động để không làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho khách hàng sử dụng điện theo quy định tại Điều 46 Nghị định 137/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung các năm 2018, 2020, 2022).

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày bị thu hồi giấy phép, tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép có quyền khiếu nại về hành vi thu hồi giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Một số câu hỏi liên quan

 

02 câu hỏi hay gặp về giấy phép
02 câu hỏi hay gặp về giấy phép

3.1. Thẩm quyền cấp giấy phép thuộc về ai?

Căn cứ theo Điều 45 Nghị định 137/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung các năm 2018, 2020, 2022), giấy phép hoạt động điện lực được cấp bởi các cơ quan sau:

  • Giấy phép truyền tải điện và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương cấp;
  • Cục Điều tiết điện lực có thẩm quyền cấp giấy phép trong trường hợp sau:
    • Giấy phép hoạt động bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phối điện, trong đó có lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Cục Điều tiết điện lực
    • Giấy phép hoạt động phân phối điện, bán bán điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất từ 03 MW trở lên thuộc thẩm quyền cấp của Cục Điều tiết điện lực ngoài trừ các giấy phép do Bộ Công thương cấp;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương cấp các loại giấy phép sau:
    • Giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03 MW đặt tại địa phương;
    • Giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương;
    • Giấy phép hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương;
    • Giấy phép tư vấn thiết kế hoặc thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV, đăng ký doanh nghiệp tại địa phương;

3.2. Không có giấy phép hoạt động điện lực thì bị xử lý ra sao?

Căn cứ khoản 6 Điều 5 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP), trường hợp tổ chức hoạt động điện lực mà không xin cấp phép bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng trừ trường hợp giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng. Đồng thời, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hoạt động phát điện, phân phối điện, truyền tải điện, tư vấn chuyên ngành điện lực không có giấy phép.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.