Điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất


Điều kiện cấp Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

Theo quy định tại Điều 36 Luật Tài nguyên nước năm 2012, việc khoan điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất phải do tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện. Như vậy, mọi hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất đều phải xin giấy phép.

Vậy để được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất phải đáp ứng những điều kiện gì?

1. Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất?

Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất là giấy phép được cấp cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất, điều tra, khảo sát, thăm dò và khoan khai thác nước dưới đất.

Căn cứ vào quy mô hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất được chia thành ba loại, cụ thể:

  • Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có quy mô nhỏ là giấy phép hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 milimét và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày đêm;
  • Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có quy mô vừa là giấy phép hành nghề cho tổ chức, cá nhân khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250 milimét và thuộc công trình có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm đến dưới 3000m3/ngày đêm;
  • Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có quy mô lớn giấy phép được cấp cho tổ chức, cá nhân hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách từ 250 milimét trở lên và thuộc công trình có lưu lượng từ 3000m3/ngày đêm.

2. Điều kiện để được cấp Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất

 

03 điều kiện cấp phép
03 điều kiện cấp phép

Căn cứ Điều 6 Thông tư 40/2014/TT-BTNMT, tổ chức, cá nhận được cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

2.1. Điều kiện về tư cách hành nghề và thiết bị hành nghề khoan nước dưới đất

Để được cấp giấy phép hành nghề, tổ chức cá nhân xin cấp giấy phép trước tiên phải có tư cách hành nghề khoan nước dưới đất:

  • Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất, tổ chức phải có một trong các giấy chứng nhận sau có nội dung hoạt động liên quan đến ngành nghề khoan nước dưới đất:
    • Quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền cấp;
    • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
    • Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế;
    • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với tổ chức;
    • Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với nhóm cá nhân, hộ gia đình;
  • Máy khoan và các thiết bị thi công khoan phải bảo đảm các điều kiện sau:
    • Đảm bảo số lượng, chất lượng, tính năng kỹ thuật phù hợp với nội dung hạng mục công việc;
    • Trường hợp máy móc, thiết bị yêu cầu phải có kiểm định chất lượng theo quy định thì phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng do cơ quan có thẩm quyền cấp;
    • Trường hợp đề án, dự án có hạng mục thi công công trình khoan nước dưới đất thì máy khoan, thiết bị thi công khoan phải đáp ứng yêu cầu đối với quy mô hành nghề và an toàn lao động theo quy định;

2.2. Điều kiện về người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật

Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật là người đứng đầu tổ chức hoặc người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật của tổ chức, cá nhân hành nghề và phải am hiểu các quy định của pháp luật về bảo vệ nước dưới đất.

Tùy thuộc vào quy mô hành nghề khoan nước dưới đất mà điều kiện đối với người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật sẽ khác nhau:

  • Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn:
    • Về trình độ chuyên môn: Phải tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan.
    • Về kinh nghiệm làm việc:
      • Có ít nhất bảy năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề;
      •  Trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất ba công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 3000 m3/ngày đêm trở lên.
  • Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô vừa:
    • Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan và có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề;
    • Trường hợp người chịu trách nhiệm chính có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan thì phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề;
    • Đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất năm công trình khoan nước dưới đất có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm trở lên.
  • Đối với hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ: Người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải thuộc một trong các trường hợp sau:
    • Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất (địa chất thăm dò, địa chất thủy văn, địa chất công trình, địa kỹ thuật), khoan; có ít nhất hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề và đã trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo hoặc thi công khoan ít nhất năm công trình khoan nước dưới đất;
    •  Là công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 hoặc tương đương trở lên, có ít nhất bốn năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề; đã thi công khoan hoặc trực tiếp tham gia thiết kế, lập báo cáo ít nhất năm công trình khoan nước dưới đất;
    • Trường hợp không có một trong các văn bằng trên thì phải thỏa mãn các yêu cầu:
      • Có ít nhất năm năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề;
      • Đã trực tiếp thi công ít nhất mười công trình khoan nước dưới đất;
      • Có chứng nhận đã qua khóa đào tạo, tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất trong hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất do Cục Quản lý tài nguyên nước hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải là người của tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất hoặc có hợp đồng lao động còn thời hạn ít nhất 12 tháng làm việc tại tổ chức, cá nhân hành nghề đó.

3. Một số câu hỏi liên quan

3.1. Xin Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất cần những gì?

Căn cứ theo Điều 13 Thông tư 40/2014/TT-BTNMT (được sửa đổi bởi Thông tư 11/2022/TT-BTNMT), hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề khoan nước quy mô lớn gồm:

  • Đơn đề nghị cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn;
  • Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép hợp đồng lao động với người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật;
  • Bản khai kinh nghiệm chuyên môn trong hoạt động khoan nước dưới đất của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật.

3.2. Có được sửa đổi, bổ sung Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất?

Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 40/2014/TT-BTNMT, Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất có thể được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung:

  • Có sự thay đổi về thông tin của tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất: Thay đổi địa chỉ trụ sở chính đối với tổ chức hoặc địa chỉ thường trú đối với cá nhân, hộ gia đình;
  • Tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất đề nghị thay đổi quy mô hành nghề;
  • Cơ quan cấp phép quyết định thay đổi quy mô hành nghề do không còn đáp ứng điều kiện hành nghề đối với quy mô hành nghề theo giấy phép đã được cấp.

 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.