Nội dung giấy phép tài nguyên nước


Nội dung giấy phép tài nguyên nước
Nước là một trong những tài nguyên quý giá, do đó việc khai thác, sử dụng nước có quy mô lớn, có thể ảnh hưởng đến điều kiện tự nhiên, đời sống con người thì đều phải xin giấy phép tài nguyên nước. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều loại giấy phép tài nguyên nước khác nhau được cấp phép trong các trường hợp khác nhau. Vậy tất cả giấy phép tài nguyên đó thường chứa đựng những nội dung như thế nào? Bài viết hôm nay sẽ giải đáp câu hỏi trên.

1. Thế nào là giấy phép tài nguyên nước

Tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển thuộc lãnh thổ của nước Việt Nam

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể như thế nào là giấy phép tài nguyên nước, tuy nhiên, có thể hiểu giấy phép tài nguyên nước là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức thực hiện khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 02/2023/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật tài nguyên nước, giấy phép tài nguyên nước được phân loại thành 04 giấy phép:

  • Giấy phép thăm dò nước dưới đất;
  • Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt;
  • Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất;
  • Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển.

2. Giấy phép tài nguyên nước gồm những nội dung gì

 

Giấy phép tài nguyên nước gồm những nội dung gì

Giấy phép tài nguyên nước gồm những nội dung gì

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 15 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, giấy phép tài nguyên nước gồm các nội dung chính sau đây:

  • Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép
    • Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép là những cá nhân, tổ chức thực hiện khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan và có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, quy hoạch chuyên ngành có liên quan;
    • Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt có xây dựng hồ, đập trên sông, suối được cấp giấy phép là tổ chức, cá nhân có phương án bố trí thiết bị, nhân lực để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa;
    • Thông tin của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước được thể hiện trên giấy phép thông qua các nội dung như tên, địa chỉ trụ sở chính, lĩnh vực hoạt động theo giấy đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập đối với tổ chức và họ tên, số CCCD, nơi cấp, ngày cấp địa chỉ thường trú đối với cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
  • Tên, vị trí công trình thăm dò, khai thác nước: thôn/ấp, xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố; tọa độ tim các hạng mục chính của công trình (theo hệ tọa độ VN2000, kinh tuyến trục, múi chiếu).
  • Nguồn nước thăm dò, khai thác
    • Nguồn nước thăm dò khai thác là các dạng tích tụ nước tự nhiên hoặc nhân tạo có thể khai thác, sử dụng bao gồm sông suối, kênh, rạch, hồ, ao, đầm, phá, biển, các tầng chứa nước dưới đất, mưa, băng tuyết và các dạng tích tụ nước khác, bao gồm nguồn nước liên tỉnh, nguồn nưới nội tỉnh và nguồn nước liên quốc gia;
    • Trong giấy phép tài nguyên nước, nguồn nước thăm dò, khai thác được thể hiện như sau: tên sông/suối/kênh/rạch/hồ/ao/đầm/phá; nêu rõ sông/suối là phụ lưu, phân lưu, thuộc hệ thống sông nào; trường hợp công trình có chuyển nước thì trong giấy phép sẽ bao gồm cả thông tin về nguồn nước tiếp nhận.
  • Quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình thăm dò, khai thác nước; mục đích sử dụng đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước
    • Quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình khai thác sẽ tùy thuộc vào loại tài nguyên nước mà quy định khác nhau.
    • Ví dụ: Đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, quy mô, công suất, lưu lượng, thông số được thể hiện như sau:
      • Tầng chứa nước khai thác: Pleistocen (qp);
      • Tổng số giếng khai thác: 04 giếng khoan;
      • Tổng lượng khai thác: 60m3/ngày đêm;
      • Mục đích sử dụng đối với giấy phép tài nguyên nước như cấp nước sinh hoạt, tưới, sản xuất công nghiệp, phát điện, nuôi trồng thủy sản...
  • Chế độ, phương thức khai thác, sử dụng nước: bao gồm thông tin về phương thức lấy nước, dẫn nước, chuyển nước bằng các hạng mục chính của công trình, chế độ khai thác, sử dụng nước của công trình cho từng mục đích theo các thời kỳ trong năm (thời gian, lưu lượng và lượng nước khai thác trung bình, lớn nhất và nhỏ nhất). Ví dụ: Chế độ khai thác: 10 giờ/ngày, 264 ngày/năm
  • Thời hạn của giấy phép: Căn cứ theo Nghị định 02/2023/NĐ-CP, tùy thuộc vào từng loại giấy phép tài nguyên nước, thời hạn của giấy phép được xác định như sau:
    • Đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển: thời hạn từ 05 đến 15 năm, gia hạn nhiều lần, mỗi lần từ 03 năm đến 10 năm;
    • Đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, thời hạn là 03 năm đến 10 năm, được gia hạn nhiều lần, mỗi lần từ 02 năm đến 05 năm;

Đối với giấy phép thăm dò nước dưới đất: thời hạn là 02 năm và chỉ được gia hạn một lần với thời gian gia hạn dưới 01 năm;

    • Trường hợp hồ sơ nộp trước ngày giấy phép đã được cấp trước đó hết hiệu lực thì được tính nối tiếp với thời điểm hết hiệu lực của giấy phép đã được cấp trước đó.
  • Các yêu cầu, điều kiện cụ thể đối với từng trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước do cơ quan cấp phép quy định nhằm mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác liên quan.
    • Tùy thuộc vào từng loại giấy phép mà có các yêu cầu, điều kiện cụ thể khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích bảo vệ nguồn nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
    • Ví dụ như đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, một số yêu cầu điều kiện có thể kể như:
    • Thực hiện việc quan trắc mực nước, lưu lượng, chất lượng nước trong quá trình khai thác;
    • Thiết lập vùng bảo hộ vệ sinh của công trình khai thác nước;
    • Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành liên quan;
    • Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, thuế tài nguyên và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
    • Hàng năm thực hiện tổng hợp báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền về tình hình khai thác, sử dụng nước và các vấn đề phát sinh trong quá trình khai thác, kết quả quan trắc;
    • Thực hiện theo dõi các hiện tượng tai biến địa chất, sụt lở đất trong khu vực khai thác nước dưới đất, có biện pháp phòng ngừa, khắc phục, bảo đảm an toàn trong trường hợp xảy ra sự cố.
  • Quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép. Căn cứ theo Luật tài nguyên nước năm 2012, quyền, nghĩa vụ của chủ giấy phép được quy định như sau:
    • Được khai thác, sử dụng tài nguyên nước đúng mục đích như sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh theo pháp luật quy định;
    • Được hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
    • Được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích;
    • Được dẫn nước chảy qua đất liền kề thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức cá nhân khác;
    • Được quyền sử dụng số liệu, thông tin về tài nguyên nước, được khiếu nại, khởi kiện về các hành vi vi phạm quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước;
    • Có các nghĩa vụ sau:
      • Khai thác, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phụ hậu quả tác hại do nước gây ra;
      • Không cản trở hoặc làm thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
      • Khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin số liệu liên quan đến khai thác, sử dụng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học;
      • Các trường hợp bổ sung, thay đổi mục đích, quy mô khai thác, sử dụng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Quy trình, thủ tục cấp giấy phép tài nguyên nước

 

Quy trình, thủ tục cấp giấy phép tài nguyên nước
Quy trình, thủ tục cấp giấy phép tài nguyên nước

Căn cứ theo Điều 35 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, quy trình, thủ tục cấp giấy phép tài nguyên nước được thực hiện như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ thì chuyển qua bước 3, nếu hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận thông báo nộp bổ sung. Trong trường hợp sau khi nộp bổ sung vẫn không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ và thông báo lý do.

Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thực hiện thẩm định đề án, báo cáo, kiểm tra thực tế hiện trường (nếu cần thiết).

  • Trường hợp đủ điều kiện cấp phép thì cơ quan tiếp nhận trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
  • Trường hợp không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ và thông báo lý do;
  • Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận thông báo cụ thể nội dung sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo;
  • Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ và thông báo nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu phải làm lại;

Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân nhận giấy phép.

4. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến giấy phép tài nguyên nước

4.1. Có được cấp lại hay điều chỉnh giấy phép tài nguyên nước

Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, có thể được điều chỉnh giấy giấy phép thăm dò nước dưới đất và các loại giấy phép tài nguyên nước còn lại đối với các nội dung liên quan đến quy mô, điều kiện mặt bằng, nhu cầu khai thác,…

Tuy nhiên, các nội dung về nguồn nước, tầng chứa nước khai thác, sử dụng; lượng nước khai thác, sử dụng vượt quá 25% quy định trong giấy phép đã được cấp thì không được điều chỉnh.

Tương tự, căn cứ theo Điều 27 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, trường hợp giấy phép bị mất, rách, hư hỏng hoặc thay đổi tên chủ giấy phép thì được cấp lại.

4.2. Có bao nhiêu loại giấy phép tài nguyên nước? Có bị thu hồi giấy phép không?

Hiện nay theo pháp luật hiện hành có 04 loại giấy phép tài nguyên nước: giấy phép thăm dò nước dưới đất, giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và giấy phép khai thác, sử dụng nước biển. Ngoài ra, còn có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước nhưng hiện nay đã được tích hợp vào giấy phép môi trường.

Căn cứ theo Điều 25 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, các trường hợp bị thu hồi giấy phép gồm:

  • Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;
  • Chủ giấy phép giải thể, phá sản hoặc cá nhân là chủ giấy phép không đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi dân sự;
  • Có sự gian dối, giả mạo tài liệu, hồ sơ trong quá trình xin cấp giấy phép;
  • Vi phạm quy định về giấy phép, quyết định đình chỉ hiệu lực giấy phép.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.