Không có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm bị xử lý thế nào


Không có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm bị xử lý thế nào

Quảng cáo mỹ phẩm là một trong những hoạt động nổi trội khi nhu cầu làm đẹp ngày tăng cao dẫn đến nhiều sai phạm liên quan đến giấy phép quảng cáo. Theo quy định, giấy phép quảng cáo mỹ phẩm là văn bản pháp lý bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm. Vậy, các vi phạm liên quan đến giấy phép quảng cáo mỹ phẩm bị xử phạt như thế nào? Cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.

1. Các trường hợp buộc phải có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm

Giấy phép quảng cáo mỹ phẩm là giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp nhằm xác nhận các nội dung quảng cáo mỹ phẩm, cho phép cá nhân, tổ chức được phép quảng cáo mỹ phẩm thông qua các hình thức quảng cáo khác nhau.

Căn cứ theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Thông tư 09/2015/TT-BYT thì tất cả hoạt động quảng cáo mỹ phẩm dưới mọi hình thức bắt buộc phải xin giấy phép trước khi tiến hành, không loại trừ trường hợp cụ thể nào. Theo đó, các sản phẩm mỹ phẩm quy định Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT đều phải xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm, gồm:

  • Các loại mặt nạ;
  • Các sản phẩm phấn trang điểm, phấn phủ, phấn dùng sau khi tắm, bột vệ sinh,...
  • Các sản phẩm mỹ phẩm dùng cho môi;
  • Nước hoa, nước thơm, xà phòng tắm, khử mùi,...
  • Các sản phẩm sữa tắm, dầu, gel,...
  • Các sản phẩm chống nhăn da, chống lão hóa, kem chống nắng,...
  • Sản phẩm tẩy lông;
  • Sản phẩm chăm sóc, làm trắng da, cấp ẩm,...
  • Sản phẩm chăm sóc tóc: thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc, dầu hấp tóc, kem ủ,...
  • Sản phẩm dùng cạo râu: kem, xà phòng, sữa...
  • Các sản phẩm chăm sóc răng miệng;
  • Các sản phẩm dưỡng móng tay, móng chân,...

 

Tại sao bắt  buộc phải có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm
Tại sao bắt buộc phải có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm

Việc pháp luật hiện hành quy định tất cả loại hình quảng cáo mỹ phẩm phải có giấy phép quảng cáo xuất phát từ một số nguyên nhân dưới đây:

- Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng: Mỹ phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người sử dụng. Quảng cáo không chính xác hoặc gian lận về thành phần, công dụng của sản phẩm có thể dẫn đến việc người tiêu dùng không có thông tin đầy đủ và chính xác về sản phẩm, từ đó có thể gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe;

- Ngăn chặn quảng cáo gian lận: Việc xin giấy phép giúp chính quyền kiểm soát và ngăn chặn các hành vi quảng cáo gian lận, lừa đảo, hay những chiến dịch quảng cáo không trung thực. Điều này giúp duy trì sự minh bạch và công bằng trong thị trường mỹ phẩm;

- Quản lý chất lượng sản phẩm: Các quy định và yêu cầu trong quá trình xin giấy phép thường đi kèm với các tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Việc đảm bảo rằng mọi sản phẩm đều đáp ứng các tiêu chuẩn này giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm có thể gây hại;

- Nâng cao uy tín doanh nghiệp: Việc có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm giúp doanh nghiệp đảm bảo việc tuân thủ pháp luật. Từ đó, giúp ngăn chặn những chiến dịch quảng cáo không chính xác, duy trì uy tín của doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm;

- Quản lý thông tin về sản phẩm: Việc xin giấy phép quảng cáo cũng giúp cơ quan có thẩm quyền quản lý thông tin về các sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo, từ đó tăng cường khả năng giám sát và kiểm soát trên thị trường.

2. Xử phạt khi không có giấy phép quảng cáo mỹ phẩm

Mỹ phẩm được coi là hàng hóa đặc biệt theo danh mục hàng hóa đặc biệt do Chính phủ quy định. Vì vậy, hành vi quảng cáo mỹ phẩm không có giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt theo quy định tại Điều 49 Nghị định 138/2021/NĐ-CP như sau: 

Tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo hàng hóa, sản phẩm đặc biệt mà chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo thì bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng, đồng thời bị buộc tháo dỡ xóa quảng cáo hoặc thu hồi tạp chí in quảng cáo để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, Điều 51 Nghị định 138/2021/NĐ-CP còn quy định chi tiết về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm:

- Hành vi quảng cáo mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nhưng doanh nghiệp không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nơi quảng cáo khi tiến hành quảng cáo ở địa phương khác thì bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

- Việc quảng cáo không đọc hết các thông tin liên quan đến tên mỹ phẩm, công năng của mỹ phẩm cũng như các cảnh báo khi sử dụng thì bị xử phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng;

- Nếu vi phạm một trong các hành vi sau thì bị xử phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng:

  • Nội dung quảng cáo mỹ phẩm không phù hợp với quy định pháp luật;
  • Quảng cáo mỹ phẩm khi chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm hoặc phiếu công bố mỹ phẩm đã hết hiệu lực;
  • Quảng cáo mỹ phẩm thiếu các nội dung trên giấy phép quảng cáo mỹ phẩm.

- Hành vi quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm sản phẩm là thuốc thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Mức phạt trên được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân về cùng hành vi vi phạm.

Tùy theo từng trường hợp, có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục như: Buộc cải chính thông tin, buộc tháo dỡ, gỡ bỏ các thông tin quảng cáo sai phạm.

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1. Quảng cáo mỹ phẩm trên tiktok có cần đăng ký không?

Hoạt động quảng cáo mỹ phẩm trên tiktok là một dạng của hình thức quảng cáo mỹ phẩm. Chính vì vậy, trước khi tiến hành quảng cáo mỹ phẩm, cá nhân, tổ chức bắt buộc phải thực hiện việc xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.2. Thắc mắc về phạm vi quảng cáo mỹ phẩm

Câu hỏi: Công ty tôi đã tiến hành xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm và đã được cấp giấy phép. Vậy công ty tôi có được phép quảng cáo trên tất cả các phương tiện truyền thông để quảng cáo mỹ phẩm của mình hay không?

Luật Ánh Ngọc trả lời:

Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi chưa được cung cấp trên giấy phép quảng cáo mỹ phẩm của bạn được cấp phép quảng cáo dưới hình thức nào. Tuy nhiên, công ty bạn không được tiến hành quảng cáo sản phẩm của mình trên tất cả các phương tiện được, vì nguyên tắc tiến hành quảng cáo thì đăng ký quảng cáo bằng phương tiện nào thì chỉ được phép quảng cáo trên phương tiện đó. 

Chúng tôi lấy thí dụ về việc công ty bạn đăng ký quảng cáo mỹ phẩm trên báo chí, điều này nghĩa là ngoài việc quảng cáo sản phẩm trên báo, công ty bạn không được phép quảng cáo mỹ phẩm qua hình thức nào khác.

 

Thắc mắc liên quan
Thắc mắc liên quan

3.3. Làm thế nào để có thể xin giấy phép quảng cáo mỹ phẩm

Để tiến hành việc xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm, tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét và cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm.

Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép được quy định chi tiết tại Điều 20 Thông tư 09/2015/NĐ-CP:

- Cá nhân, tổ chức nộp 01 bộ hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền;

- Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ thì cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ;

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Phiếu tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm chưa hợp lệ thì cá nhân, tổ chức được thông báo để hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Quá thời hạn trên mà cá nhân, tổ chức không hoàn thiện hồ sơ thì hồ sơ đề nghị xác nhận nội dung mỹ phẩm hết giá trị;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ hợp lệ, Sở Y tế xem xét và thẩm định và cấp Giấy phép quảng cáo mỹ phẩm.

4. Cần lưu ý gì để tránh bị xử phạt khi quảng cáo mỹ phẩm?

Khi tiến hành quảng cáo mỹ phẩm, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau để tránh bị xử phạt về các hành vi vi phạm liên quan đến quảng cáo mỹ phẩm:

- Kiểm tra và đáp ứng quy định: Xác định rõ các quy định và yêu cầu của pháp luật đối với quảng cáo mỹ phẩm tại địa phương bạn hoạt động. Nắm vững các tiêu chuẩn về quảng cáo mỹ phẩm, thành phần, và công dụng của sản phẩm;

- Xin giấy phép: Nếu bạn chưa có giấy phép, hãy liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép quảng cáo mỹ phẩm;

- Tuân thủ quy định: Hãy đảm bảo rằng mọi chiến lược quảng cáo của bạn tuân thủ đầy đủ các quy định và yêu cầu pháp luật;

- Chấp nhận hậu quả: Nếu đã vi phạm, hãy chấp nhận trách nhiệm và xử lý hậu quả theo quy định của pháp luật. Có thể bao gồm việc nộp phạt, sửa chữa hoặc ngừng sử dụng chiến lược quảng cáo vi phạm;

- Tìm sự tư vấn pháp lý nếu cần thiết để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định tại các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng ký quảng cáo uy tín. 

Lưu ý rằng việc không tuân thủ quy định về quảng cáo mỹ phẩm có thể mang lại hậu quả nặng nề, không chỉ bị xử phạt theo quy định pháp luật mà còn khiến doanh nghiệp uy tín, mất khách hàng. Hãy luôn là doanh nghiệp thông minh để xây dựng lòng tin từ phía khách hàng.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.