Kinh doanh dịch vụ nổ mìn không giấy phép có bị xử lý không?


Kinh doanh dịch vụ nổ mìn không giấy phép có bị xử lý không?

Kinh doanh dịch vụ nổ mìn là hoạt động cung cấp dịch vụ nổ mìn giữa tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh với các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Đây là ngành, nghề kinh doanh được quản lý chặt chẽ bởi tính đặc thù và nguy hiểm của nó. Vì vậy, pháp luật quy định mọi trường hợp kinh doanh dịch vụ nổ mìn đều phải xin giấy phép. Vậy trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp cố tình kinh doanh không giấy phép thì có bị xử lý không?

1. Các trường hợp kinh doanh dịch vụ nổ mìn cần giấy phép?

Giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn là giấy tờ pháp lý thể hiện sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nổ mìn. Theo đó, các doanh nghiệp này được thực  hiện dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động trong địa bàn đất liền của 1 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, nổ mìn diễn ra trên thềm lục địa, hoặc nổ mìn trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Khi tiến hành dịch vụ nổ mìn, các trường hợp dưới đây phải xin giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn bao gồm:

- Dịch vụ nổ mìn trong xây dựng và khai thác mỏ: Các công trình xây dựng lớn, như đường cao tốc, cầu, hầm, hay các công trình khai thác khoáng sản có thể yêu cầu sự can thiệp của các dịch vụ nổ mìn. Trong trường hợp này, việc xin giấy phép thường là bắt buộc để đảm bảo an toàn và tuân thủ các quy định về môi trường;

- Phá dỡ công trình xây dựng: Khi cần thực hiện phá dỡ các công trình lớn, như tòa nhà cao tầng, hầm gửi xe, việc sử dụng dịch vụ nổ mìn có thể đòi hỏi giấy phép để đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định;

- Ngành công nghiệp mỏ và địa chất: Các hoạt động như khoan, nổ mìn trong quá trình khai thác khoáng sản cũng thường yêu cầu các giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn để đảm bảo quản lý môi trường và an toàn lao động;

- Dịch vụ phòng cháy chữa cháy: Trong trường hợp phải sử dụng mìn để tạo ra các vùng cản trở lửa trong các khu vực rừng hoặc nơi có nguy cơ cháy rừng, cần có sự phê duyệt của cơ quan chức năng và phải thực hiện thủ tục xin giấy phép;

- Dự án nghiên cứu khoa học: Các dự án nghiên cứu có thể sử dụng dịch vụ nổ mìn để thăm dò khoáng sản, địa chất hoặc khám phá tài nguyên, và trong trường hợp này, cần có sự phê duyệt từ cơ quan quản lý.

2. Kinh doanh dịch vụ nổ mìn không giấy phép bị xử lý thế nào?

Một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ nổ mìn và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là hoạt động nổ mìn không có giấy phép theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, mọi trường hợp tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nổ mìn trong trường hợp phải có giấy phép nhưng không xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn thì đều bị xử phạt.

Xử phạt hành vi không có giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn
Việc xử phạt do cơ quan có thẩm quyền quyết định

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 56 Nghị định 71/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nổ mìn không có giấy phép có thể bị xử phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Bên cạnh việc bị xử phạt do kinh doanh dịch vụ nổ mìn không giấy phép, tổ chức, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính liên quan đến giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn tại Điều 51 Nghị định này như sau:

- Doanh nghiệp có hành vi không thông báo hoặc thông báo không chính xác, không đầy đủ nội dung trước khi tiến hành dịch vụ nổ mìn theo giấy phép thì bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

- Doanh nghiệp có hành vi mua, bán, cho mượn, chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

- Tổ chức, doanh nghiệp có hành vi chiếm đoạt, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung trong giấy phép kinh doanh thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

- Lợi dụng giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để buôn bán mìn hoặc làm dịch vụ nổ mìn, nổ mìn không đúng địa điểm đã quy định thì bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, tùy từng trường hợp vi phạm mà doanh nghiệp có thể bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung như: tịch thu tang vật, thu hồi, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh,... Đồng thời, phải khắc phục hậu quả thông qua việc nộp lại số lợi có được do hành vi bất hợp pháp gây nên và buộc nộp lại giấy phép cho cơ quan có thẩm quyền.

Theo pháp luật hiện hành, các cơ quan sau có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm liên quan đến giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn:

- Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành cấp bộ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp;

- Chánh Thanh tra Sở Công Thương, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh;

- Cục trưởng cục Hóa chất.

3. Một số câu hỏi liên quan

Câu hỏi liên quan
Liên quan đến giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn, có nhiều những thắc mắc xoay quanh vấn đề này

3.1. Có được chuyển nhượng giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn không?

Luật Ánh Ngọc trả lời:

Căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 51 Nghị định 71/2019/NĐ-CP thì hành vi chuyển nhượng (hay còn gọi là mua, bán) giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn sẽ bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Như vậy, doanh nghiệp không được phép chuyển nhượng giấy phép kinh doanh của mình cho tổ chức, cá nhân khác.

3.2. Giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn có được sử dụng cho nhiều địa điểm nổ mìn khác nhau không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, địa điểm nổ mìn do doanh nghiệp đăng ký và được ghi cụ thể trong giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn. Do đó, giấy phép này chỉ có hiệu lực đối với các địa điểm đã được quy định, và không được sử dụng để thực hiện kinh doanh dịch vụ nổ mìn ở nới khác. 

Việc kinh doanh dịch vụ nổ mìn không đúng địa điểm đã quy định có thể bị xử phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh dịch vụ nổ mìn ở nhiều địa điểm khác nhau thì cần được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3.3. Khi kinh doanh dịch vụ nổ mìn, doanh nghiệp cần lưu ý gì để không bị xử phạt?

Để việc kinh doanh dịch vụ nổ mìn thực sự hữu ích và hiệu quả, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Xin giấy phép và tuân thủ pháp luật: Doanh nghiệp cần xin và duy trì giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn và chứng chỉ cần thiết để thực hiện các hoạt động nổ mìn. Tuân thủ mọi quy định liên quan đến an toàn, môi trường, và lao động trong lĩnh vực nổ mìn;

- Đào tạo và chứng chỉ: Doanh nghiệp cần đảm bảo nhân lực tham gia dịch vụ nổ mìn đều được đào tạo đầy đủ và có chứng chỉ an toàn nổ mìn. Đồng thời, cần thường xuyên cập nhật và phổ biến kiến thức về các phương pháp và quy trình mới, cũng như các biện pháp an toàn mới nhất cho nhân vien của mình;

- Quản lý rủi ro: Thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro trong quá trình nổ mìn, bao gồm việc đánh giá địa chất, lập kế hoạch an toàn, và kiểm soát chất nổ;

- Kiểm tra và bảo dưỡng thiết bị: Thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng các thiết bị nổ mìn để đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả và an toàn;

- Ghi chép và báo cáo: Duy trì hệ thống ghi chép chi tiết về mọi hoạt động nổ mìn và báo cáo các sự cố ngay lập tức;

- Chú trọng đến môi trường: Tuân thủ các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực;

- Theo dõi thời hạn hiệu lực của giấy phép: Việc này giúp các doanh nghiệp biết thời hạn của giấy phép để đảm bảo quá trình kinh doanh dịch vụ của mình được đảm bảo theo quy định và chủ động trong việc gia hạn giấy phép của mình.

Bằng cách tuân thủ chặt chẽ các quy định và thực hiện các biện pháp an toàn, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và tránh bị xử phạt khi kinh doanh dịch vụ nổ mìn.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Ánh Ngọc về các quy định liên quan đến việc xử phạt hành vi vi phạm không có giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn. Nếu quý khách còn thắc mắc về vấn đề này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.