Thương nhân muốn phân phối rượu cần phải đáp ứng những điều kiện nào?


Thương nhân muốn phân phối rượu cần phải đáp ứng những điều kiện nào?

Phân phối rượu là quá trình chuyển giao sản phẩm rượu từ nhà sản xuất đến các điểm bán lẻ hoặc khách hàng cuối cùng. Nó bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến vận chuyển, lưu trữ, quản lý kho, và bán rượu cho người tiêu dùng. Quá trình phân phối rượu thường bắt đầu từ nhà sản xuất rượu hoặc nhà nhập khẩu.

1. Điều kiện phân phối rượu

Điều kiện phân phối rượu là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình cung ứng các sản phẩm rượu cho người tiêu dùng. Sự thành công trong việc phân phối rượu đòi hỏi các nhà cung cấp phải đồng hành cùng các điều kiện phân phối phù hợp và được quy định bởi các quy định pháp luật, các chính sách và thị trường. Các văn bản luật pháp quy định điều kiện phân phối rượu đảm bảo rằng các sản phẩm rượu được bán hoặc phân phối đúng cách, có hiệu lực pháp lý và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Thương nhân muốn kinh doanh phân phối rượu cần được đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật sau: 

Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

  • Có quyền sử dụng hợp pháp kho hàng hoặc hệ thống kho hàng với tổng diện tích sàn sử dụng từ 150 m2 trở lên.
  • Rượu dự kiến kinh doanh phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
  • Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên (đã bao gồm địa bàn doanh nghiệp đặt trụ sở chính); tại mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán buôn rượu.
  • Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.
  • Bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu cúa thương nhân kinh doanh phân phối rượu là 01 bộ, bao gồm các tài liệu sau:

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép phân phối rượu.

(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương.

(3) Bản sao hợp đồng thuê/mượn hoặc tài liệu chứng minh quyền sử dụng hợp pháp cơ sở dự kiến làm kho hàng, địa điểm bán rượu lẻ rượu và bán rượu tiêu dùng tại chỗ (nếu có kinh doanh) theo quy định.

(4) Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật) của các sản phẩm rượu dự kiến kinh doanh.

(5) Tài liệu về hệ thống phân phối rượu gồm một trong hai loại sau:

  • Bản sao hợp đồng nguyên tắc, thư xác nhận hoặc bản cam kết tham gia hệ thống phân phối rượu kèm bản sao Giấy phép bán buôn rượu của thương nhân dự kiến tham gia hệ thống phân phối rượu;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh của doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp để kinh doanh rượu.

(6) Tài liệu liên quan đến nhà cung cấp rượu:

  • Bản sao các văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài, trong đó ghi rõ các loại rượu dự kiến kinh doanh phù hợp với hoạt động của các nhà cung cấp rượu;
  • Trường hợp nhà cung cấp rượu là thương nhân trong nước cần có bản sao Giấy phép sản xuất rượu hoặc Giấy phép phân phối rượu.

(7) Bản cam kết do thương nhân tự lập, trong đó nêu rõ nội dung thương nhân bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và kho hàng.

(Căn cứ pháp lý: Nghị định 105/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP))

4. Thẩm quyền cấp giấy phép phân phối rượu của thương nhân

Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là những cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất, phân phối rượu của thương nhân tùy vào quy mô của tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh rượu: 

- Bộ Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô từ 03 triệu lít/năm trở lên và Giấy phép phân phối rượu;

- Sở Công Thương là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có quy mô dưới 03 triệu lít/năm và Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép bán lẻ rượu trên địa bàn;

Như vậy, Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật có thẩm uyền cấp Giấy phép phân phối rượu. 

Lưu ý:  Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì có quyền cấp sửa đổi, bổ sung và cấp lại giấy phép đó

5. Thủ tục cấp giấy phép phân phối rượu

Bước 1: Nộp hồ sơ

Thương nhân kinh doanh phân phối rượu nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phân phối rượu đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;

Bước 2: Tiếp nhận, xem xét hồ sơ và trả kết quả

Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 03 ngày, làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.

Đối với cấp Giấy phép phân phối rượu: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Thương nhân vi phạm về nhập khẩu rượu sẽ bị phạt bao nhiêu? 

Hành vi vi phạm về nhập khẩu rượu là khi một thương nhân không tuân thủ các quy định và quyền lợi của pháp luật quốc tế hoặc quốc gia liên quan đến việc nhập khẩu các loại rượu. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề pháp lý và kinh doanh cho thương nhân đó có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực, bao gồm mất danh tiếng, rủi ro pháp lý và sự mất lòng tin của người tiêu dùng. Do đó, thương nhân nên thận trọng và tuân thủ các quy định pháp luật về nhập khẩu rượu để đảm bảo khởi đầu kinh doanh thành công và đáng tin cậy.

Mức phạt đối với các hành vi vi phạm về nhập khẩu rượu như sau: 

  • Hành vi nhập khẩu trực tiếp hoặc ủy thác nhập khẩu rượu bán thành phẩm để sản xuất rượu thành phẩm có độ cồn từ 5,5 độ trở lên mà không có giấy phép kinh doanh rượu theo quy định có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
  • Bán rượu bán thành phẩm nhập khẩu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên cho đối tượng không có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh rượu từ 01 tháng đến 03 tháng
  • Hành vi nhập khẩu rượu không qua các cửa khẩu quốc tế theo quy định bị xử phạt từ 500.000 đồng lên đến 100.000.000 đồng.

(Căn cứ pháp lý: Điều 26 Nghị định 98/2020/NĐ-CP

Trên đây là những điều kiện mà thương nhân muốn phân phối rượu cần đáp ứng. Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ và giải đáp thắc mắc nhanh chóng. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật Ánh Ngọc.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.