Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là cách gọi tắt của Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hay Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm có tiếng anh là: "Certificate of Food Safety Conditions"
1. Tại sao phải xin giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Hay nói cách khác, việc xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là việc cần phải thực hiện để hợp pháp hóa việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo Khoản 8 Điều 1 Nghị định 124/2021/NĐ-CP, hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống; sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có giấy chứng nhận án toàn thực phẩm có thể bị xử phạt từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng, tùy từng lĩnh vực kinh doanh, trừ trường hợp không thuộc đối tượng xin giấy phép.
Ngoài ra, để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm cho pháp luật quy định.
Do đó, việc xin và được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là một minh chứng cho việc cơ sở đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm mà nhà nước quy định.
Có thể thấy, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý mà còn có giá trị thiết thực, giúp nâng cao uy tín của cơ sở đối với người tiêu dung và đối tác kinh doanh.
2. Đối tượng phải xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Căn cứ Điều 34 Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, trừ các cơ sở sau đây (Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP) :
- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
- Sơ chế nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;
- Nhà hàng trong khách sạn;
- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;
- Kinh doanh thức ăn đường phố;
- Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Có thể thấy, đối tượng phải xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thu hẹp. Điều này giúp công tác quản lý Nhà nước về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm được hiệu quả và dễ dàng hơn.
3. Thủ tục xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo các bước sau đây:
Bước 1: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Bước 3: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiếp nhận kết quả:
- Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Hoặc, văn bản trả lời về việc không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
4. Mẫu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm 2010, Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm là văn bản mà cơ quan có thẩm quyền cấp cho các cơ sở khi cơ sở đó đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm tại Điều 34 Luật này và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mẫu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là Mẫu số 14 ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Dưới đây là mẫu giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định hiện hành, bạn đọc có thể tải về TẠI ĐÂY
5. Một số câu hỏi thường gặp
5.1. Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm có thời hạn bao lâu?
Thông thường giấy chứng nhận an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực trong 3 năm kể từ ngày cấp. Trong thời gian chứng chỉ còn hiệu lực, doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì các yêu cầu của tiêu chuẩn bởi vì định kỳ 1 năm/ lần hoặc ngẫu nhiên cơ quan nhà nước sẽ đến để đánh giá điều kiện cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
5.2. Kiểm tra định kỳ tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm bao nhiêu lần một năm?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 48/2015/TT-BYT, tần suất kiểm tra theo kế hoạch không quá 01 lần một năm, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất quy định tại Điều 8 Thông tư 48/2015/TT-BYT.
5.3. Làm sao để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho cơ sở
- Tuân thủ quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm tại Luật An toàn thực phẩm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất, vận chuyển, chế biến, bảo quản thực phẩm;
- Trình báo với cơ quan có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh, sản xuất thực phẩm.
Trên đây, Luật Ánh Ngọc đã cung cấp mẫu giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như cung cấp thông tin liên quan đến loại giấy phép này. Hi vọng bài đọc có thể giúp ích cho bạn đọc.