Yếu tố và tầm quan trọng của hiệu lực hợp đồng trong pháp luật


Yếu tố và tầm quan trọng của hiệu lực hợp đồng trong pháp luật
Hiệu lực của hợp đồng là giá trị pháp lý của hợp đồng, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia ký kết hợp đồng, phải nghiêm túc thực hiện các điều khoản hợp đồng về quyền, nghĩa vụ. Đồng thời cần tuân thủ các điều kiện nhất định để đảm bảo hiệu lực hợp đồng.

1. Hiệu lực của hợp đồng là gì?

Trước khi đi vào làm rõ khái niệm “hiệu lực của hợp đồng” thì chúng ta cần phải hiểu được “hợp đồng” có nghĩa là gì. Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng có nghĩa là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.

Còn hiệu lực của hợp đồng là giá trị pháp lý của hợp đồng, nó không chỉ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của tất cả các bên tham gia ký kết hợp đồng, buộc các bên ký kết phải nghiêm túc trong việc tôn trọng, thực hiện các điều khoản của hợp đồng về quyền và nghĩa vụ đó mà hiệu lực của hợp đồng còn luôn đi kèm với trách nhiệm pháp lý của các bên khi có sự vi phạm về việc thực hiện hợp đồng.

2. 04 Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Căn cứ vào Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 có thể thấy được các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là:

1. Về chủ thể tham gia giao dịch dân sự: chủ thể tham gia giao dịch phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.

Chủ thể tham gia giao dịch dân sự ở đây có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Nếu chủ thể là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, phải nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cũng như tự chịu được trách nhiệm về mọi hành vi của bản thân trong suốt quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng dân sự. Các cá nhân tương ứng với mức độ năng lực hành vi dân sự của mình thì sẽ được tham gia vào các giao dịch dân sự phù hợp với độ tuổi. Tiếp đó, nếu chủ thể là pháp nhân thì việc tham gia giao dịch dân sự sẽ thông qua người đại diện của pháp nhân đó.

2. Sự tự nguyện khi tham gia giao dịch dân sự: chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện, việc tham gia giao dịch phải xuất phát, bắt nguồn từ sự mong muốn và ý chí của bản thân chủ thể.

Các chủ thể tham gia giao dịch dân sự phải có sự tự thân thể hiện, bày tỏ hết những quan điểm của mình một cách thoải mái, tự nguyện đồng thời có quyền lên tiếng quyết định về việc có tham gia hay không tham gia vào các giao dịch dân sự, có quyền được pháp luật bảo vệ khỏi sự cưỡng ép, đe dọa từ các chủ thể khác.

3. Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự: mục đích mà các bên hướng tới, mong muốn đạt được và các điều khoản mà các bên xác lập trong bản hợp đồng không được vi phạm điều cấm của luật, đồng thời không trái đạo đức xã hội.

Các bên có thể được tự do, thoải mái trong việc quyết định, thành lập các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên ý định hình thành trong hợp đồng và các điều khoản mà các bên viết ra không được phạm phải vào những điều mà pháp luật cấm không được phép làm và cũng không được đi ngược lại những quy tắc ứng xử mang tính đạo đức truyền thống của dân tộc.

4. Về hình thức của giao dịch dân sự: nếu như trong trường hợp luật có quy định thì điều kiện về mặt hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Có thể thấy rằng trong một số trường hợp nhất định pháp luật bắt buộc về yếu tố hình thức trong hợp đồng (ví dụ như hợp đồng mua bán đất thì bắt buộc phải có công chứng, chứng thực), nếu như các bên không tuân thủ và vi phạm quy định của pháp luật về mặt hình thức thì giao dịch dân sự đó sẽ không có hiệu lực, tức là không có giá trị pháp lý.

3. Hợp đồng vô hiệu trong các trường hợp nào?

Khoản 1 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các trường hợp của hợp đồng vô hiệu cũng được áp dụng theo các trường hợp của giao dịch dân sự vô hiệu quy định từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Các trường hợp đó là:

  • Thứ nhất, hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
  • Thứ hai, hợp đồng vô hiệu do giả tạo;
  • Thứ ba, hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Ngoại trừ các trường hợp: 

Hợp đồng dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó; hợp đồng dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện hợp đồng với họ; hợp đồng dân sự được người xác lập hợp đồng thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

  • Thứ tư, hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn;
  • Thứ năm, hợp đồng dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Thứ sáu, hợp đồng dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình; 
  • Thứ bảy, hợp đồng dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức. Theo nguyên tắc, các hợp đồng vi phạm quy định liên quan đến điều kiện hình thức (hình thức văn bản, quy định về công chứng, chứng thực) của hợp đồng thì sẽ bị vô hiệu, trừ trường hợp các bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng và yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực;
  • Thứ tám, hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần: Trường hợp hợp đồng dân sự có một phần nội dung bị vô hiệu nhưng không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng đối với các phần còn lại của hợp đồng;
  • Cuối cùng là hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

Ví dụ: A ký hợp đồng với B nhờ B sơn lại nhà cho A nhưng đến ngày thực hiện thì nhà của A bị sập một phần, B không thể thực hiện được nghĩa vụ sơn nhà cho A.

Xem thêm bài viết: Hợp đồng dịch vụ: Bảo vệ quyền lợi và tránh rủi ro cho các bên

4. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Hợp đồng có hiệu lực từ khi nào?

Theo khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu hợp đồng được giao kết hợp pháp thì sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Như vậy, có thể thấy rằng thời điểm có hiệu lực của hợp đồng sẽ được xác định dựa vào một trong ba thời điểm sau: thời điểm giao kết hợp đồng; thời điểm các bên thỏa thuận; thời điểm luật liên quan có quy định khác.

4.1. Thời điểm giao kết hợp đồng

Nếu các bên giao kết hợp đồng không có thỏa thuận khác và luật liên quan không quy định khác thì hiệu lực của hợp đồng sẽ phát sinh vào thời điểm giao kết hợp đồng

Theo Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời điểm giao kết hợp đồng của các bên được quy định như sau:

  • Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời cho việc chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm cuối cùng của thời hạn đó chính là thời điểm giao kết hợp đồng.
  • Trường hợp các bên giao kết hợp đồng bằng lời nói thì thời điểm giao kết hợp đồng chính là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Thông thường, khi các bên giao kết hợp đồng với nhau bằng lời nói thì sẽ gặp mặt nhau và tiến hành trao đổi trực tiếp. Thời gian giao kết hợp đồng bằng lời nói của các bên diễn ra nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào giá trị của hợp đồng giao kết giữa các bên.
  • Trường hợp các bên giao kết hợp đồng bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng chính là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản (có thể là điểm chỉ; vừa ký vừa điểm chỉ). Còn trường hợp các bên giao kết hợp đồng bằng lời nói và sau đó xác lập lời nói đó thành văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng chính là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng bằng lời nói.

4.2. Thời điểm mà các bên thỏa thuận

Theo nguyên tắc chung tại khoản 1 Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hiệu lực của hợp đồng sẽ phát sinh từ thời điểm các bên giao kết. Tuy nhiên, trường hợp các bên có thỏa thuận khác về thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng không phải là thời điểm giao kết hợp đồng, thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng lúc này chính là thời điểm mà các bên lựa chọn và ấn định với nhau (ví dụ: hợp đồng này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký).

4.3. Thời điểm luật liên quan có quy định khác

Đối với trường hợp luật liên quan có quy định khác về thời điểm giao kết hợp đồng thì thời điểm hiệu lực của hợp đồng phát sinh là thời điểm pháp luật liên quan đã quy định cụ thể.

Ví dụ như: Điều 458 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

5. Tầm quan trọng của hiệu lực hợp đồng

Hiệu lực của hợp đồng có tầm quan trọng như thế nào?
Hiệu lực của hợp đồng có tầm quan trọng như thế nào?

Có thể thấy rằng hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa và tầm quan trọng vô cùng to lớn trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên ký kết hợp đồng, bảo vệ quyền lợi và tạo độ tin cậy cho các bên khi tham gia ký kết, giao dịch với nhau, đồng thời hiệu lực của hợp đồng cũng đóng vai trò là căn cứ quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng phát sinh giữa các bên.

Thứ nhất, hiệu lực của hợp đồng xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng: khi các bên giao kết hợp đồng với nhau và hợp đồng đã có hiệu lực thì hiệu lực của hợp đồng sẽ ràng buộc các bên phải có trách nhiệm, tuân thủ, thực hiện tốt các điều khoản hợp đồng. 

Thứ hai, hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao kết hợp đồng.

Sau khi hợp đồng các bên thỏa thuận đã có hiệu lực mà một bên xâm phạm quyền hoặc vi phạm hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên còn lại, thì hiệu lực của hợp đồng sẽ là chứng cứ pháp lý quan trọng để buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại, buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra và nâng cao độ tin cậy của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng.

Thứ tư, hiệu lực của hợp đồng có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp giữa các bên giao kết hợp đồng.

Khi giải quyết tranh chấp, dựa vào chứng cứ là bản hợp đồng hợp pháp và có hiệu lực, cơ quan tiến hành giải quyết tranh chấp sẽ đánh giá, xem xét sự việc tuyên bố bên vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì vi phạm các điều khoản trong bản hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật, từ đó mà tranh chấp hợp đồng giữa các bên được giải quyết.

Bài viết trên đây đã trình bày đầy đủ về khái niệm, điều kiện có hiệu lực, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng cũng như các trường hợp hợp đồng vô hiệu, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hiệu lực của hợp đồng. Bạn đọc còn có thắc mắc gì liên quan đến Hiệu lực của hợp đồng là gì? Định nghĩa, yếu tố và tầm quan trọng trong pháp luật thì hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.