Dấu hiệu của hành vi vi phạm hình sự


Dấu hiệu của hành vi vi phạm hình sự
Vi phạm hình sự là một trong những loại vi phạm pháp luật bên cạnh vi phạm hành chính, vi phạm dân sự,... Vậy làm sao để xác định hành vi nào là vi phạm hình sự? Dấu hiệu của hành vi vi phạm hình sự là gì? Bài viết hôm nay sẽ trình bày năm dấu hiệu để xác định hành vi vi phạm hình sự.

1. Các dấu hiệu của hành vi vi phạm hình sự

Vi phạm hình sự hay còn gọi là tội phạm được quy định cụ thể tại Bộ luật hình sự. Theo đó, vi phạm hình sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến quan hệ xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện.

Một hành vi được xem là hành vi vi phạm hình sự khi có đầy đủ các dấu hiệu sau:

1.1. Là hành vi trái pháp luật nguy hiểm cho xã hội

Hành vi nguy hiểm cho xã hội là những phản ứng, cách thức xử sự của con người của hoạt động của cơ quan, tổ chức được biểu đạt ra bên ngoài gây ra những nguy hiểm hoặc có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Hành vi nguy hiểm cho xã hội được thể hiện ở tính chất nguy hiểm và mức độ nguy hiểm:

  • Tính chất nguy hiểm thể hiện ở “chất” của thiệt hại. Chất được tổng hòa bởi nhiều yếu tố từ quan hệ xã hội bị xâm phạm, phương thức, thủ đoạn, công cụ, nội dung thiệt hại, động cơ, mục đích, hoàn cảnh kinh tế, chính trị,..
  • Mức độ nguy hiểm thể hiện ở “lượng” của thiệt hại. Mặc dù hành vi vi phạm hình sự cùng chung một tính chất nguy hiểm (ví dụ xâm hại đến sức khỏe) nhưng mức độ nguy hiểm có thể khác nhau. Mức độ nguy hiểm có thể đo lường được thông qua giá trị vật chất thiệt hại, mức độ thương tích, bởi lỗi, ..

Như vậy, để xác định hành vi đó có được xem là nguy hiểm cho xã hội hay không, phải xem xét hành vi đó trong mối quan hệ giữa các yếu tố sau:

  • Quan hệ xã hội bị xâm phạm;
  • Phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội;
  • Mức độ thiệt hại;
  • Lỗi, động cơ, mục đích phạm tội;
  • Nhân thân, hoàn cảnh phạm tội;
  • Các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ;

Cần lưu ý phân biệt hành vi vi phạm pháp luật và hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật nhưng không bị coi là vi phạm pháp luật là những hành vi do những người không có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi tại thười điểm thực hiện hoặc của người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý hoặc hành vi được thực hiện do nguyên nhân khách quan và không phải do lỗi của người thực hiện hành vi đó.

Hành vi trái pháp luật có thể được biểu hiện bằng hành động hoặc không hành động:

  • Hành vi hành động là hành vi mà chủ thể phải thực hiện bằng những thao tác, động tác nhất định. Ví dụ dùng dao đâm vào người khác,..
  • Hành vi không hành động là hành vi không được thực hiện bằng những động tác cụ thể, ví dụ không tố giác tội phạm

Hành vi trái pháp luật xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Một người thực hiện hành vi trái với đạo đức xã hội, quy định của tổ chức, tập thể nhưng hành vi đó không được quy định trong pháp luật hình sự thì người đó không được xem là vi phạm hình sự và tùy từng trường hợp có thể là vi phạm hành chính hoặc vi phạm kỷ luật.

Mọi hành vi xảy ra đều dẫn đến một hậu quả nhất định. Hậu quả là những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị hành vi tác động và xã hội. Hậu quả là thước đo đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi trái pháp luật gây ra.

Tuy nhiên, để xác định hành vi đó có phải là vi phạm hình sự hay không thì phải xác định xem hành vi và hậu quả có mối quan hệ nhân quả với nhau hay không. Nghĩa là hành vi đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại và hậu quả là kết quả tất yếu của hành vi đó gây ra hay không. Mặc dù vậy nhưng pháp luật hiện nay quy định một số trường hợp chủ thể thực hiện hành vi đã được xem là vi phạm hình sự mà không cần xem xét mức độ hậu quả - cấu thành hình thức.

1.2. Chủ thể thực hiện

Theo quy định hiện hành, chủ thể của vi phạm hình sự là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại:

  • Cá nhân là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và tại thời điểm thực hiện hành vi không mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Vậy như thế nào được xem là có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự? Năng lực trách nhiệm hình sự được xem là đầy đủ khi họ có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi khi họ đạt độ tuổi nhất định.
    • Nhà nước lấy mốc 16 tuổi và 18 tuổi để đánh giá mức độ hoàn thiện của năng lực chịu trách nhiệm pháp lý xuất phát từ quá trình phát triển về thể lực, trí lực và tâm sinh lý của con người. Những người từ dưới 18 tuổi theo Luật trẻ em được xác định là trẻ em, là những người chưa phát triển đầy đủ về thể lực, tâm sinh lý, chưa có khả năng nhận thức và đánh giá tính đúng đắn cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra, do đó, pháp luật không quy định mọi trường hợp người dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm đối với mọi hành vi của mình.
  • Pháp nhân vi phạm hình sự là pháp nhân thương mại được thành lập hợp pháp và là chủ thể của hành vi vi phạm hình sự khi hành vi vi phạm đó được thực hiện nhân danh pháp nhân, vì lợi ích của pháp nhân và có sự chỉ đạo, điều hành của pháp nhân thương mại.

Không phải mọi hành vi pháp nhân thực hiện đều là vi phạm hình sự mà chỉ có một số hành vi nhất định được quy định cụ thể tại Điều 76 Bộ luật Hình sự.

Xem thêm: Trách nhiệm và hình phạt của pháp nhân theo quy định pháp luật

1.3. Có tính lỗi

Lỗi là dấu hiệu về tính chủ quan của hành vi vi phạm hình sự, là trạng thái tâm lý, thái độ của chủ thể khi thực hiện hành vi. Một người được xem là có lỗi khi họ tự lựa chọn và quyết định thực hiện hành vi trong khi có đủ điều kiện để lựa chọn và xử sự khác phù hợp với quy định pháp luật.

Trường hợp chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật được quy định trong pháp luật hình sự nhưng xét trong hoàn cảnh thực hiện hành vi, chủ thể không cố ý và vô ý thực hiện hành vi hoặc không nhận thức được hành vi dẫn đến không lựa chọn được cách thức xử sự đúng mực thì có thể xem chủ thể đó không có lỗi và không vi phạm hình sự.

Như vậy, hành vi trái pháp luật phải đi đôi với trạng thái có lỗi thì mới được xem là vi phạm hình sự.

Lỗi bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý:

  • Lỗi cố ý là trường hợp chủ thể nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được những hậu quả do hành vi của mình gây ra nhưng mong muốn hậu quả xảy ra (lỗi cố ý trực tiếp) hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp).
    Ví dụ: Ông H dùng dao để đâm vào ngực của ông B do thù hằn. Ông H biết việc sử dụng dao để đâm vào cơ thể người khác có thể khiến ông B bị thương, thậm chí là thiệt mạng nhưng ông H mong muốn ông B bị thương hoặc tử vong. Trong trường hợp này, ông H thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp.
  • Lỗi vô ý gồm lỗi vô ý vì quá tự tin và lỗi vô ý do cẩu thả.
    • Chủ thể thực hiện hành vi do lỗi vô ý vì quá tự tin là việc người đó nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây ra nhưng tin tưởng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
    • Khác với lỗi vô ý vì quá tự tin, lỗi vô ý do cẩu thả là việc chủ thể thực hiện không nhận thức được hậu quả do hành đó gây ra mặc dù buộc phải thấy trước hoặc có thể thấy trước hậu quả hành vi đó gây ra.

Ngoài ra, động cơ phạm tội và mục đích phạm tội cũng là hai dấu hiệu quan trọng để xác định trách nhiệm pháp lý của hành vi vi phạm hình sự:

  • Động cơ vi phạm hình sự là động lực, đòn bẩy thúc đẩy chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hình sự như vụ lợi, đê hèn,...
  • Mục đích vi phạm hình sự là kết quả, mục tiêu mà chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi. Tuy nhiên, thực tế, hành vi có đạt được mục đích hay không thì không phải là yếu tố xác định xem hành vi đó có là hành vi vi phạm hình sự không.

1.4. Khách thể của vi phạm hình sự

Khách thể là những quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ, bị hành vi vi phạm hình sự xâm hại. Khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ được quy định thành từng nhóm sau:

  • An ninh quốc gia;
  • Tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người;
  • Quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân;
  • Quan hệ sở hữu;
  • Quan hệ hôn nhân và gia đình;
  • Quan hệ trật tự quản lý kinh tế;
  • Môi trường;
  • Ma túy;
  • An toàn công cộng, trật tự công cộng;
  • Lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông;
  • An toàn công cộng, trật tự công cộng;
  • Trật tự quản lý hành chính;
  • Chức vụ;
  • Tư pháp;
  • Nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu;
  • Phá hoại hòa bình, chống loại người và tội phạm chiến tranh.

1.5. Tính chịu hình phạt

Đây là dấu hiệu bắt buộc của vi phạm hình sự bởi chỉ có hành vi vi phạm hình sự mới phải chịu một biện pháp trừng phạt là hình phạt. Không có vi phạm hình sự thì không có hình phạt.

Trách nhiệm hình sự là biện pháp trừng phạt đối với chủ thể vi phạm hình sự nhằm thể hiện quyền lực nhà nước, có sự răn đe cũng như ngăn chặn, phòng ngừa, cải tạo và giáo dục chủ thể vi phạm hình sự, bảo vệ thể chế xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, nhà nước, bảo vệ trật tự xã hội

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp vi phạm hình sự đều phải chịu hình phạt. Pháp luật quy định một số trường hợp nhất định được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn chấp hành hình phạt.

Không truy cứu trách nhiệm đối với hành vi được thực hiện bởi chủ thể không có năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện do sự kiện bất khả kháng, phòng vệ chính đáng hoặc trong tình thế cấp thiết.

 

Ví dụ về vi phạm hình sự
Ví dụ về vi phạm hình sự

Ví dụ về vi phạm hình sự: Hành vi gây rối trật tự công cộng của diễn viên Ngọc Trinh là hành vi vi phạm hình sự:

  • Hành vi lái xe phản cảm, nguy hiểm như thả hai tay khi đi xe, đứng hai chân một bên xe,... là hành vi nguy hiểm, xâm phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ là trật tự an toàn xã hội;
  • Tại thời điểm thực hiện hành vi, Ngọc Trinh có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có lỗi;
  • Diễn viên Ngọc Trinh phải chịu hình phạt là 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm.

2. Phân biệt vi phạm hình sự với các loại vi phạm pháp luật khác

Bên cạnh vi phạm hình sự còn có vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật, vi phạm dân sự. Mặc dù đều là các hành vi vi phạm pháp luật nhưng giữa các loại vi phạm trên đều có những điểm khác biệt. Dưới đây là một số điểm khác biệt cơ bản mà độc giả có thể tham khảo:

Điểm phân biệt

Vi phạm hình sự

Vi phạm hành chính

Vi phạm dân sự

Vi phạm kỷ luật

Tính nguy hiểm

Đáng kể

Không đáng kể

Hình thức pháp lý

Quy định trong Bộ luật hình sự

Quy định trọng Luật vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính 

Quy định trong Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật khác như Luật Sở hữu trí tuệ,...

Quy định tại nội quy, quy chế nội bộ của cơ quan, tổ chức

Hậu quả pháp lý

Hình phạt và chịu án tích

Biện pháp cưỡng chế và không chịu án tích

Bồi thường thiệt hại, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ

Hình thức xử lý kỷ luật như khiển trách, cách chức, sa thải,...

Chủ thể thực hiện

Cá nhân

Pháp nhân thương mại

Cá nhân, tổ chức, cơ quan, pháp nhân

Xem thêm bài viết: Sự khác biệt giữa hành vi vi phạm hình sự và vi phạm hành chính

3. Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hình sự có phải bồi thường không?

Bên cạnh việc bị áp dụng hình phạt, chủ thể vi phạm hình sự còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hình sự theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự. Theo đó, hành vi vi phạm hình sự xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì sẽ phải bồi thường. Tùy vào từng đối tượng của thiệt hại mà trách nhiệm bồi thường được quy định khác nhau.

Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện kịp thời, toàn bộ thông qua các hình thức như tiền, hiện vật hoặc thực hiện một công việc trong một lần hoặc nhiều lần. Mức bồi thường có thể được giảm bớt trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hình sự với lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Trên đây là 05 dấu hiệu của hành vi vi phạm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu độc giả còn bất kì vấn đề thắc mắc, xin vui lòng phản hồi bên dưới hoặc liên hệ để được hỗ trợ kịp thời.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.