1. Kinh doanh đặt cược tại Việt Nam là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2017 quy định kinh doanh đặt cược là việc doanh nghiệp tổ chức, cung cấp sản phẩm đặt cược cho người chơi dưới hình thức bỏ tiền mua vé đặt cược và dựa theo kết quả trận cược mà doanh nghiệp kinh doanh đặt cược sẽ trả thưởng bằng tiền hoặc sản phẩm, dịch vụ có thể quy đổi thành tiền cho người chơi nếu thắng cược.
Trong đó, đặt cược được coi là trò chơi giải trí có thưởng mà có thể có nhiều người cùng tham gia đặt cược để dự đoán kết quả trận đấu thể thao, giải trí dùng để kinh doanh đặt cược.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam công nhận việc kinh doanh đặt cược là hợp pháp dưới ba hình thức: kinh doanh đặt cược đua chó, đua ngựa và kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Tuy nhiên, đây là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vì vậy, để được kinh doanh đặt cược, doanh nghiệp phải xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược theo trình tự, thủ tục luật định.
2. Các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược
Giấy phép kinh doanh đặt cược được chia thành 03 loại, tương ứng với ba loại hình kinh doanh được quy định tại Điều 5 Nghị định 06/2017/NĐ-CP bao gồm:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó;
+ Là văn bản pháp lý được Bộ Tài chính cấp cho doanh nghiệp thực hiện tổ chức, cung cấp sản phẩm đặt cược dựa trên thứ hạng của ngựa đua, chó đua khi về đích trong cuộc đua ngựa, đua chó thông qua phương thức người chơi bỏ tiền mua vé đặt cược và được doanh nghiệp trả thưởng nếu trúng cược.
+ Kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó phải đáp ứng các điều kiện theo luật định để được cấp giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó;
+ Việc xin cấp giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó được tuân theo quy định tại Điều 31 Nghị định 06/2017/NĐ-CP.
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế:
+ Cũng như giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó, giấy phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế là văn bản pháp lý mà Bộ Tài chính cấp cho doanh nghiệp để doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm đặt cược dựa trên kết quả tỷ số trận đấu, hiệp đấu cũng như các sự kiện xảy ra trong trận đấu bóng đá thông qua phương thức mua vé và trả thưởng;
+ Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế;
+ Việc xin cấp giấy phép kinh doanh bóng đá quốc tế tuân theo các quy định tại Điều 40 Nghị định này.
Tùy từng loại hình kinh doanh của mình, doanh nghiệp thực hiện việc đăng ký xin cấp giấy phép phù hợp. Tuy nhiên, nội dung giấy phép kinh doanh đặt cược bao gồm chủ yếu các nội dung sau:
- Đầy đủ thông tin về doanh nghiệp: bao gồm chi tiết tên doanh nghiệp, địa chỉ kinh doanh của doanh nghiệp xin cấp giấy phép;
- Số, ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư;
- Thông tin về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
- Thông tin chi tiết về nội dung kinh doanh đặt cược:
+ Loại hình thực hiện kinh doanh đặt cược: có thể là kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó hoặc kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế;
+ Địa chỉ đặt trường đua (áp đụng đối với giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó);
+ Phương thức phát hành, phân phối vé đặt cược: tuân thủ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, thông qua phương thức phát hành bằng thiết bị đầu cuối hoặc phát hành bằng điện thoại (không bao gồm việc phát hành vé qua mạng Internet);
+ Địa bàn doanh nghiệp thực hiện kinh doanh đặt cược: phụ thuộc vào phương thức phát hành vé cũng như tùy vào từng loại hình kinh doanh đặt cược;
+ Hiệu lực của giấy phép;
- Các nội dung khác theo yêu cầu.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh đặt cược
Theo quy định tại Nghị định 06/2017/NĐ-CP, thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh đặt cược do Bộ tài chính cấp.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xem xét việc cấp giấy phép, Bộ tài chính phải phối hợp, xin ý kiến của các cơ quan liên quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và du Lịch, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh nơi doanh nghiệp đăng ký đầu tư.
4. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược là bao lâu
Tùy từng loại hình kinh doanh đặt cược mà thời hạn hiệu lực của giấy phép đó cũng được quy định khác nhau.
- Thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó được quy định cụ thể dựa trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, nhưng không được vượt quá thời hạn của dự án đầu tư và không quá 10 năm kể từ ngày giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó có hiệu lực.
Ngoài ra, cần hiểu thêm về các quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó trong một số trường hợp đặc biệt sau:
+ Trường hợp cấp lại/ điều chỉnh giấy phép: Thời hạn của giấy phép được tính là thời hạn còn lại ghi trên giấy phép kinh doanh đặt cược được cấp, cấp lại tại thời điểm gần nhất;
+ Trường hợp gia hạn giấy phép: Trong trường hợp này, thời hạn hiệu lực đối với giấy phép được quy định giống với thời hạn của giấy phép được cấp lần đầu. Theo đó, thời hạn không cố định mà dựa trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, không vượt quá thời hạn của dự án và không quá 10 năm kể từ ngày giấy phép kinh doanh đặt cược gia hạn có hiệu lực thi hành.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định 06/2017/NĐ-CP thì thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế trong thời hạn 05 năm kể từ ngày giấy phép được cấp cho doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.
5. Thực trạng kinh doanh đặt cược hiện nay
Khi nhắc đến kinh doanh đặt cược, việc kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó còn là khái niệm và loại hình kinh doanh mới mẻ, hiếm gặp trên địa bàn lãnh thổ Việt Nam. Việc đặt cược sẽ chủ yếu phổ biến ở đặt cược bóng đá. Đặc biệt, khi mạng Internet, truyền hình vệ tinh phát triển mạnh mẽ thì tình hình này ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê, chưa doanh nghiệp nào được cấp giấy phép kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế. Mặc dù có thể nói, đây là loại hình kinh doanh béo bở nhưng doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm phát triển. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Pháp luật quy định về kinh doanh đặt cược còn nhiều vướng mắc, đặc biệt quy định về danh mục trận đấu, giải thi đấu;
- Pháp luật hạn chế các loại hình kinh doanh đặt cược được công nhận tại Việt Nam. Hơn nữa, việc kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó còn hạn chế do chưa thực sự phát triển, gần gũi ở Việt Nam;
- Hạn chế về mức đặt cược tối đa đối với mỗi sản phẩm đặt cược tại trong một ngày của một người tại một doanh nghiệp kinh doanh đặt cược là 1.000.000 đồng dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không quan tâm nhiều;
- Việc kinh doanh đặt cược đòi hỏi phải có nguồn vốn rất lớn và điều kiện khắt khe về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thông công nghệ,... và thủ tục xin giấy phép kinh doanh đặt cược còn khó khăn, phức tạp;
...
Chính vì thế, để hoạt động kinh doanh đặt cược thực sự thu hút các doanh nghiệp, Nhà nước cần có các quy định chặt chẽ hơn đối với ngành nghề kinh doanh này.
Tuy chưa có doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh đặt cược, song trên thực tế, đặc biệt trong bóng đá, không hiếm gặp các trận đặt cược, cá độ mỗi dịp mùa bóng đá về. Mọi hình thức đặt cược bóng đá trực tiếp hay online hiện nay, đều là hành vi vi phạm pháp luật, bởi chưa được pháp luật công nhận. Người có hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ vi phạm. Trách nhiệm hình sự đối với người chơi được xác định dựa trên tổng số tiền hoặc giá trị hiện vật sử dụng trong các đợt đặt cược đó.
Trên đây là toàn bộ nội dung về các loại giấy phép kinh doanh đặt cược. Mọi thắc mắc liên quan đến giấy phép kinh doanh đặt cược hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng nhất.