1. Nguyên tắc chia đất khi ly hôn
Thực tiễn hiện nay cho thấy, trường hợp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ có tên một người chồng tương đối phổ biến. Trong quá trình chung sống hạnh phúc, việc một người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ không phát sinh các ảnh hưởng tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người không được đứng tên trên Giấy.
Tuy nhiên, việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên một người vợ hoặc chồng sẽ trở thành đối tượng tranh chấp khi ly hôn xảy ra.
Về cơ bản, việc một người đứng tên trên đất thì khi ly hôn có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau, có thể bất lợi cho bất kì bên nào trong quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, việc chia đất khi ly hôn vẫn diễn ra và thực hiện theo các nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:
- Khi phát sinh việc phân chia đất đai khi ly hôn, ưu tiên sự thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp hai bên vợ chồng không thỏa thuận, thống nhất được việc phân chia thì yêu cầu Tòa án phân chia. Khi đó, tài sản được phân chia theo nguyên tắc chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
- Căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh của vợ, chồng như điều kiện về sức khỏe, tài chính, khả năng lao động,…. Người có khó khăn hơn sẽ được ưu tiên chia nhiều hơn và có thể nhận hiện vật.
- Dựa vào công sức đóng góp của vợ, chồng trong việc tạo lập, tôn tạo, quản lý đất đai như công sức tìm kiếm, góp vốn,… Người vợ ở nhà thực hiện công việc gia đình, nuôi nấng chăm sóc con cái được xem là lao động có thu nhập
- Đảm bảo lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh, hành nghề và bảo vệ lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành nên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Trường hợp một bên có lỗi về vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn như ngoại tình, phá tán tài sản, bạo lực gia đình…. thì việc phân chia sẽ ưu tiên bên không vi phạm.
- Việc phân chia đất khi ly hôn được ưu tiên phân chia theo hiện vật hoặc theo giá trị. Trường hợp bên nhận hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên còn lại giá trị chênh lệch.
2. Diện tích đất chồng đứng tên là tài sản chung hay tài sản riêng?
Căn cứ theo Điều 98 Luật Đất đai năm 2013, trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ và chồng thì khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi đầy đủ họ, tên vợ và họ, tên chồng trong Giấy chứng nhận, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Do đó, trước khi tiến hành chia đất khi ly hôn, cần xác định diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên người chồng là tài sản riêng của chồng hay là tài sản chung của vợ chồng.
Căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng được sau khi kết hôn được xem là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được tặng cho riêng, thừa kế riêng hoặc được nhận chuyển nhượng bằng tài sản riêng.
Căn cứ theo Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình, trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì khi phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng đất, người cho rằng đó là tài sản riêng thì cần có tài liệu, căn cứ chứng minh. Trường hợp không có căn cứ chứng minh thì xác định đó là tài sản chung.
Căn cứ theo các Điều 33, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình, diện tích đất mà chồng đứng tên là tài sản riêng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Diện tích đất có được trước khi kết hôn.
- Diện tích đất có được do thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kì hôn nhân
- Diện tích đất có được chia riêng cho chồng nếu hai bên vợ chồng đã tiến hành chia tài sản trong thời kì hôn nhân theo đúng quy định của pháp luật.
- Diện tích đất có được do hình thành từ tài sản riêng của chồng.
Bởi vì đất đai là tài sản đặc biệt và có giá trị lớn, được Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý về giao đất, cho thuê, chuyển nhượng đất đai. Do đó, mọi hoạt động giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng, chuyển đổi đất đai đều được lập thành văn bản hoặc hợp đồng có công chứng, chứng thực.
- Để xác định diện tích đất mà người chồng đứng tên là tài sản riêng của người chồng thì người chồng cần đưa ra được các văn bản như Quyết định giao đất, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập trước khi vợ chồng đăng kí kết hôn hoặc xác minh được nguồn gốc số tiền nhận chuyển quyền sử dụng đất là tài sản riêng của người chồng.
- Trường hợp diện tích đất được tặng cho riêng, thừa kế riêng thì trong văn bản chia di sản thừa kế cần thể hiện rõ chỉ chia riêng cho một mình chồng hoặc văn bản tặng cho thể hiện người được tặng cho là tên người chồng.
Nếu người chồng không chứng minh được diện tích đất trên là tài sản riêng của chồng thì được xem là tài sản chung của vợ chồng.
3. Các trường hợp chia đất khi ly hôn phát sinh nếu một mình chồng đứng tên trên đất
3.1. Trường hợp người chồng có căn cứ chứng minh đó là tài sản riêng của chồng
Trong trường hợp người chồng có căn cứ, tài liệu chứng minh diện tích đất mà họ đang đứng tên thuộc về tài sản của riêng họ thì áp dụng nguyên tắc bảo về quyền sở hữu tài sản riêng thì khi ly hôn, toàn bộ diện tích đất mà người chồng đứng tên thuộc về người chồng. Người chồng tiếp tục có quyền sử dụng đối với diện tích đất đó.
Trường hợp trong quá trình chung sống, người vợ có công sức đóng góp trong quá trình bảo quản, phát triển đất hoặc thực hiện việc sản xuất, nuôi trồng trên đất thì được nhận phần giá trị tương ứng với công sức mà mình đã đóng góp trong thời kì hôn nhân.
Tuy nhiên, trong trường hợp người chồng đã đồng ý nhập diện tích đất này vào tài sản chung của vợ chồng nhưng chưa đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì khi đó, diện tích đất được xác định là tài sản chung của vợ chồng và được phân chia theo quy định.
Xem thêm bài viết: Bố mẹ chồng cho đất, sau ly hôn con dâu có được chia đất không
3.2. Chia đất khi ly hôn mà không chứng minh được là tài sản riêng
Trường hợp người chồng không chứng minh được diện tích đất đứng tên là tài sản riêng hoặc có căn cứ xác định đây là tài sản chung của vợ chồng thì khi ly hôn, các bên có thể thỏa thuận cách phân chia đất. Việc phân chia đất khi ly hôn phải được lập thành văn bản và phải đảm bảo các điều kiện:
- Việc thỏa thuận được xác lập trên tinh thần tự nguyện, không bên nào bị cưỡng ép, bắt buộc.
- Việc thỏa thuận không được trái với pháp luật, không vi phạm điều cấm, không trái với đạo đức và không nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.
- Hai bên được thỏa thuận phân chia nhưng vẫn phải đảm bảo quyền và lợi ích tối thiểu của các bên, đảm bảo quyền và lợi ích của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình.
Trong trường hợp này, việc phân chia đất khi ly hôn được tiến hành theo thỏa thuận.
Trường hợp hai bên vợ và chồng không thể thỏa thuận được và yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, việc phân chia đất được thực hiện theo nguyên tắc chia đôi nhưng có xem xét đến hoàn cảnh vợ chồng, công sức đóng góp trong việc tạo lập, phát triển tài sản, lỗi của các bên dẫn đến ly hôn….:
- Bên nào khó khăn hơn thì được ưu tiên chia nhiều hơn và ưu tiên nhận hiện vật nhằm đảm bảo sau khi ly hôn, bên khó khăn vẫn có đủ điều kiện để ổn định cuộc sống, yên tâm lao động.
- Bên nào đóng góp công sức nhiều hơn được ưu tiên chia nhiều hơn bên còn lại.
- Đặc biệt, trong trường hợp diện tích đất có nguồn gốc là của gia đình bên vợ hoặc gia định bên chồng cho vợ chồng thì phải coi người vợ hoặc người chồng đó được gia đình tặng cho đất có công sức đóng góp nhiều hơn để chia theo công sức đóng góp.
Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại đất mà việc phân chia đất khi ly hôn cũng khác nhau:
- Đối với đất nông nghiệp là đất trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản
- Nếu có một bên vợ, chồng có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì khi ly hôn, bên này được ưu tiên nhận hiện vật là tiếp tục sử dụng diện tích đất và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ được hưởng.
- Nếu cả hai vợ chồng đều có nhu cầu và có điều kiện trực tiếp sử dụng đất thì diện tích đất được chia dựa trên công sức đóng góp, hoàn cảnh gia đình,…
- Đối với đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp để trồng rừng hoặc đất ở, việc phân chia đất được tiến hành tương tự như đối với đất nông nghiệp dùng để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản trong trường hợp cả hai vợ chồng đều có mong muốn và đủ điều kiện sử dụng đất.
- Đối với các loại đất còn lại được phân chia theo pháp luật đất đai.
Trường hợp diện tích đất không thể chia tách, tách thửa do không đủ diện tích tách thửa tối thiểu, thì khi chia đất, nếu các bên có thỏa thuận một người được nhận hiện vật là quyền sử dụng đất thì bên tiếp tục sử dụng đất phải thanh toán cho bên còn lại giá trị quyền sử dụng đất mà bên còn lại được hưởng.
Xem thêm bài viết: Cách chia đất khi ly hôn theo quy định mới nhất
4. Một số lưu ý đối với trường hợp chia đất chồng đứng tên khi ly hôn?
Trên thực tế cho thấy, việc tranh chấp đối với chia tài sản khi ly hôn, đặc biệt là khi tài sản là đất đai chỉ đứng tên một người trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tương đối phổ biến. Nhất là khi diện tích đất đai nằm ở vị trí thuận lợi, có khả năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc ly hôn bị kéo dài do không thể giải quyết được vấn đề chia tài sản chung.
Mặt khác, trên thực tế việc chứng minh diện tích đất do chồng đứng tên hoặc chỉ vợ đứng tên trên giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất tương đối khó khăn dẫn đến ảnh hưởng quyền và lợi ích của các bên vợ chồng trong việc chia đất khi ly hôn.
- Ví dụ như nhiều trường hợp người chồng nhận chuyển nhượng đất trước khi kết hôn, đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nhưng sau khi kết hôn mới tiến hành xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc tặng cho không rõ ràng,…
- Ngoài ra, có một số trường hợp, diện tích đất được tặng cho riêng người vợ nhưng vì một số quan niệm, tư tưởng “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, người vợ để chồng được đứng tên khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến khi ly hôn, mảnh đất này được chia đôi do không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản.
Vậy làm sao để hạn chế rủi ro và hạn chế việc tranh chấp không đáng có đối với trường hợp “chia đất khi ly hôn” nếu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ đứng tên vợ hoặc chồng?
Theo quan điểm của người viết, để tránh phát sinh trường hợp này, khi xác lập, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời kì hôn nhân, cả hai vợ chồng nên cùng được ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp tài sản chung đã được đăng kí và ghi tên một bên chồng hoặc vợ thì bên còn lại có quyền yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên của cả vợ và chồng
Ngoài ra, hiện nay pháp luật cũng ưu tiên sự thỏa thuận trong việc phân chia đất khi ly hôn. Do đó, để tránh việc giải quyết ly hôn kéo dài do không phân định được tài sản, hai bên vợ chồng nên ưu tiên việc thỏa thuận khi phân chia. Dẫu biết ai cũng mong muốn và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình, nhưng “việc dân sự cốt ở hai bên”, dẫu cho có yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng nếu các bên không thỏa mãn, thuyết phục thì việc chia đất sẽ tiếp tục được kháng cáo, kháng nghị, dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Xem thêm bài viết: Đất bố mẹ cho sau ly hôn chia như thế nào?
Trên đây là toàn bộ giải đáp cho câu hỏi: “Chồng đứng tên đất thì khi chia đất ly hôn như thế nào?”. Luật Ánh Ngọc hi vọng, bài viết này đã đem đến một số thông tin hữu ích cho bạn đọc trong quá trình phân chia đất đai nếu không may xảy ra vấn đề ly hôn hoặc dự báo các tình huống tranh chấp đất đai cho thể xảy ra trong quan hệ vợ chồng. Nếu độc giả còn vấn đề thắc mắc, xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ, tư vấn.