Mẫu Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản cập nhật mới nhất


Mẫu Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản cập nhật mới nhất
Hãy khám phá mẫu hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản mới nhất, tuân theo quy định pháp luật. Bài viết này giúp bạn hiểu rõ về quy trình, yêu cầu và điều kiện cần thiết để chấm dứt hợp đồng thuê tài sản một cách hợp pháp. Đảm bảo tính pháp lý và bảo vệ quyền lợi của bạn trong các giao dịch thuê tài sản.

1. Các trường hợp được hủy bỏ hợp đồng

Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải bồi thường trong một số trường hợp theo quy định Điều 423 đến Điều 426 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể:

a. Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận

Trong trường hợp này, các bên đã có thỏa thuận cụ thể các trường hợp một bên được hủy bỏ hợp đồng khi bên kia vi phạm. Chẳng hạn như: “Bên bán có quyền hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp bên mua không thanh toán”, “bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng khi bên bán không giao hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận”.

Nếu xảy ra các trường hợp mà hai bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng thì bên bị vi phạm đương nhiên có quyền hủy bỏ hợp đồng.

b. Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng 

Khoản 2 Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng".

Đây là trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ không cần dựa trên sự thỏa thuận của các bên chủ thể bởi lẽ việc vi phạm nghiêm trọng đến mức mục đích giao kết hợp đồng của bên kia không thể đạt được. Như vậy, hợp đồng buộc phải hủy bỏ.

c. Bên kia chậm thực hiện nghĩa vụ

Trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự là sự vi phạm về thời hạn thực hiện hợp đồng. Điều 424 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định về hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự:

"Điều 424. Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ

1. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng.

2. Trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định tại khoản 1 Điều này."

Đối với trường hợp ở Khoản 1 Điều luật này, bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ mà bên có quyền yêu cầu thực hiện trong một thời hạn hợp lý được hiểu là do ý chí chủ quan của bên có nghĩa vụ, không phải do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc do lỗi của bên có quyền. Do vậy, khi có sự vi phạm về thời hạn thực hiện của một bên thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng. Sự chậm thực hiện nghĩa vụ này là trường hợp vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng, vì thế bên có quyền có thể lựa chọn hủy bỏ hoặc không hủy bỏ hợp đồng.

Ở khoản 2 của Điều này, có sự vi phạm nghĩa vụ do bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ trong thời hạn nhất định, tuy nhiên, mức độ của sự vi phạm là nghiêm trọng hơn, cụ thể là hợp đồng không đạt được mục đích do thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn. Trong trường hợp này, bên kia có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và bên có nghĩa vụ phải chịu những hậu quả do hợp đồng bị hủy bỏ. Tuy nhiên, bên có quyền phải chứng minh được do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định.

d. Hủy bỏ hợp đồng do bên kia không có khả năng thực hiện

Điều 425 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình làm cho mục đích của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại." Theo đó, nếu do bên kia không thể thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên còn lại có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại cho việc hợp đồng không thể thực hiện.

e. Hủy bỏ hợp đồng do bên kia làm mất, làm hỏng tài sản

Theo Điều 426 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp một bên làm mất, làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng. Bên vi phạm phải bồi thường bằng tiền ngang với giá trị của tài sản bị mất, bị hư hỏng, trừ trường hợp:

  • Các bên có thỏa thuận khác
  • Do sự kiện bất khả kháng
  • Không có lỗi tỏng việc không thực hiện được hợp đồng
  • Bên bị vi phạm có lỗi

2. Trường hợp không được hủy bỏ hợp đồng đang thực hiện

Nếu thuộc trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm không được hủy bỏ hợp đồng. Các trường hợp được miễn trách nhiệm trong hợp đồng bao gồm:

  • Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng
  • Xảy ra sự kiện bất khả kháng
  • Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của của bên kia.

3. Hậu quả pháp lý của hủy bỏ hợp đồng

Trước khi quyết định huỷ bỏ hợp đồng, hãy cân nhắc kỹ những hậu quả pháp lý của nó. Theo quy định tại Điều 427 Bộ luật dân sự năm 2015 thì hậu quả của việc huỷ bỏ hợp đồng bao gồm

Hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết

Hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết chính là hậu quả trực tiếp khi hợp đồng bị hủy bỏ, tức là hủy bỏ hợp đồng có giá trị hồi tố. Về cơ bản, có thể thấy, hậu quả pháp lý này của việc hủy bỏ hợp đồng cũng tương tự hậu quả hợp đồng vô hiệu. 

Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng đó, loại trừ một số nghĩa vụ vẫn phải thực hiện như nghĩa vụ phát sinh từ thỏa thuận về phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.

Các bên có trách nhiệm phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận

Các bên có trách nhiệm phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật và trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền đễ hoàn trả.

Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm 

Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ sẽ phải bồi thường “toàn bộ thiệt hại”, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Theo Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại phát sinh do vi phạm nghĩa vụ sẽ bao gồm cả thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Vấn đề xác định cụ thể thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 491 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

  • Thiệt hại vật chất thực tế xác định được gồm: tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút;
  • Các khoản lợi ích mà lẽ ra bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được hưởng do hợp đồng mang lại;
  • Chi phí phát sinh do việc không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại;
  • Thiệt hại tinh thần.

Giải quyết hậu quả liên quan tới nhân thân do huỷ bỏ hợp đồng

Trường hợp các bên giao kết hợp đồng mà khi thực hiện có liên quan đến quyền nhân thân như quyền đối với tính mạng, sức khỏe, quyền bí mật đời tư... Nếu hợp đồng bị hủy bỏ thì việc giải quyết hậu quả của hợp đồng sẽ áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự và các Luật liên quan có quy định (căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sư, Luật Hôn nhân và Gia đình.....).

Thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định

Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các điều 423, 424, 425 và 426 của Bộ luật Dân sự 2015 (đã trình bày ở trên) thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ. Sự vi phạm nghĩa vụ nếu không thuộc các trường hợp loại trừ trách nhiệm sẽ khiến cho bên vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

4. Quy trình hủy bỏ hợp đồng

Nắm rõ quy trình hủy bỏ hợp đồng để không vi phạm pháp luật. Các việc cần làm khi hủy bỏ hợp đồng là:

  • Xem lại các điều khoản của hợp đồng: Khi xem lại các điều khoản của hợp đồng cản đặc biệt tập trung vào bất kỳ phần nào liên quan đến điều khoản huỷ bỏ hợp đồng. Các điều khoản này thường nêu rõ các trường hợp có thể hủy bỏ hợp đồng, thời hạn thông báo bắt buộc và các chế tài xử lý nếu có vi phạm.
  • Chuẩn bị giấy tờ, tài liệu cần thiết: Các giấy tờ, tài liệu cần chuẩn bị cho việc huỷ bỏ hợp đồng bao gồm: bản sao của hợp đồng gốc, mọi sửa đổi hợp đồng hoặc phụ lục, tài liệu liên quan đến việc trao đổi với bên kia về hợp đồng và hồ sơ thanh toán đã thực hiện (nếu có). Các giấy tờ này sẽ có giá trị nếu có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh trong quá trình hủy bỏ hợp đồng.
  • Thông báo cho bên kia biết:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 423 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên thì Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Pháp luật chưa quy định hình thức của sự thông bảo, tuy nhiên, các bên có thể thông báo với hình thức nào phù hợp với các bên như bằng lời nói hoặc bằng văn bản, nhưng tốt hơn hết là thông báo phải bằng văn bản hoặc qua email để làm bằng chứng nếu phát sinh tranh chấp.

Khi soạn thông báo, cần nêu cụ thể thông tin về hợp đồng như Hợp đồng về vấn đề gì, số bao nhiều, ký ngày nào, lý do hủy bỏ cụ thể và các mốc thời gian có liên quan.

  • Xác định các nghĩa vụ của đối tác phải thực hiện và chế tài phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại được áp dụng để gửi cho đối tác và yêu cầu thực hiện.
  • Lưu giữ lại tất cả các giấy tờ, tài liệu liên quan đến huỷ bỏ hợp đồng: Sau khi huỷ bỏ hợp đồng hãy lưu giữ hồ sơ tỉ mĩ về tất cả các giấy tờ, tài liệu có liên quan bao gồm cả thông tin liên lạc với bên kia. Những hồ sơ này đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh.

Áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng phù hợp sẽ bảo vệ tối đa quyền, lợi ích của bên bị vi phạm. Tuy nhiên trước khi áp dụng, bên hủy bỏ hợp đồng cần cẩn trọng để phòng tránh việc hủy bỏ hợp đồng trái luật khiến cho từ bên bị vi phạm hợp đồng lại trở thành bên phải bồi thường thiệt hại.

5. Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng là gì ?

Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc chấm dứt thực hiện quyền và nghĩa vụ được quy định tại một hợp đồng khác. Theo đó, hợp đồng đã giao kết trước đó không còn hiệu lực dù các bên chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận. Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng có thể quy định thêm hậu quả pháp lý khi hợp đồng trước đó bị hủy bỏ và nghĩa vụ phát sinh từ việc hủy bỏ mà các bên phải thực hiện.

Đọc thêm: Thỏa thuận môi giới là gì? Mẫu hợp đồng: Thỏa thuận môi giới song ngữ

6. Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản mẫu

 

Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản trang 1
Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản trang 1

 

Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản trang 2
Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản trang 2

 

Lời của công chứng viên
Lời của công chứng viên

 

Đọc thêm: Hợp đồng thuê chuyên gia mới nhất

7. Tải về mẫu Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản

Click để xem chi tiết: Tải về mẫu Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng

Mọi người cũng đọc: 

Hợp đồng dịch vụ cộng tác viên kinh doanh

Mẫu Hợp đồng dịch vụ quảng cáo

Để được tư vấn cụ thể về hợp đồng bạn ký kết, liên hệ với Luật Ánh Ngọc ngay hôm nay!

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.