Không có tiền thi hành bản án dân sự thì có bị đi tù không?


Không có tiền thi hành bản án dân sự thì có bị đi tù không?

Chị Nguyễn Hằng (Vĩnh Phúc): Chồng tôi có vay tiền nhưng do làm ăn thua lỗ nên không thể trả nợ được, sau đó bị chủ nợ khởi kiện tại Tòa và bị tòa tuyên phải trả lại số tiền đã vay với số tiền lãi. Hiện gia đình tôi đang gặp khó khăn, nếu không có tiền trả nợ thì chồng tôi có bị đi tù hay không? Cảm ơn chị đã quan tâm và  gửi câu hỏi đến Luật Ánh Ngọc. Mong rằng qua bài viết dưới đây có thể giúp chị giải đáp được những thắc mắc.

1. Thế nào là thi hành bản án dân sự?

1.1. Bản án dân sự là gì?

Bản án dân sự là văn bản ghi nhận phán quyết, quyết định của Tòa án có thẩm quyền nhân danh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đưa ra sau khi xét xử một vụ án dân sự, xác định quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tranh chấp và là một phần quan trọng của hệ thống pháp luật để giải quyết tranh chấp dân sự. Bản án dân sự có hai loại bao gồm: bản án dân sự sơ thẩm và bản án dân sự phúc thẩm

Tranh chấp dân sự có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm vi phạm hợp đồng, tổn thất do hành vi bất hợp pháp, tranh chấp tài sản, ly hôn, giải quyết vấn đề gia đình, … Khi một bên cảm thấy quyền lợi của mình đã bị xâm phạm, họ có thể khởi kiện với tòa án.  Sau khi tòa án sẽ xem xét các bằng chứng và luật sư đại diện cho cả hai bên. Tòa án sau đó sẽ xem xét các yếu tố liên quan và phân tích theo quy định của pháp luật để đưa ra một quyết định cuối cùng.

Bản án dân sự thường đưa ra các quyết định về quyền và nghĩa vụ của các bên như: yêu cầu bên bị kiện tuân thủ các điều khoản hợp đồng, trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại hoặc thậm chí yêu cầu các biện pháp phục hồi như cấm chỉ hay lệnh ngừng việc. Bản án, quyết định dân sự của tòa án khi có hiệu lực pháp lý thì các bên tham gia phải chấp hành theo.

1.2. Thi hành bản án dân sự là gì?

Thi hành bản án dân sự là quá trình thực hiện và thi hành các quyết định của tòa án trong các vụ kiện dân sự. Khi tòa án ra phán quyết hoặc ban hành một quyết định, bản án trở thành lệnh phải được thực hiện. Thi hành bản án đảm bảo rằng người được thi hành án nhận được những quyền và lợi ích đã được xác định. Quá trình thi hành bản án dân sự có thể bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, chẳng hạn như thu hồi tiền bồi thường, chuyển giao tài sản, thông qua việc đình chỉ hoặc chấm dứt một hợp đồng, hoặc thực hiện những hành động cụ thể như trả lại tài sản hoặc thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, …

Cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên có vai trò đảm bảo rằng bản án được thực hiện đầy đủ và hiệu quả. Trong một số trường hợp, việc thi hành bản án có thể gặp khó khăn hoặc gây tranh cãi, và trong những trường hợp như vậy, các biện pháp đặc biệt có thể được sử dụng để áp dụng bản án và bảo vệ kịp thời quyền lợi của các bên liên quan.

2. Không có tiền thi hành bản án dân sự thì có bị đi tù không?

Không có tiền thi hành bản án dân sự thì có bị đi tù không
Không có tiền thi hành bản án dân sự thì có bị đi tù không?

Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ thực hiện một số biện pháp cưỡng chế thi hành án:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án: Biện pháp này cho phép cơ quan thi hành án khấu trừ một phần hoặc toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của người phải thi hành án để đền bù cho bên được thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án: Thu nhập bao gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất khả năng lao động và một số thu nhập khác được xem là hợp pháp. Mức cao nhất được khấu trừ vào thu nhập là 30% tổng số tiền thu nhập hàng tháng của người phải thi hành án
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ như ngân hàng, tổ chức tín dụng, …
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án: Biện pháp này cho phép cơ quan thi hành án khai thác, sử dụng tài sản của người phải thi hành án (như đất đai, nhà cửa)
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định

Căn cứ Điều 380 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội không chấp hành án quy định như sau:

Điều 380. Tội không chấp hành án

1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;

b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

c) Tẩu tán tài sản.

3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Như vậy, người phải thi hành án không có tiền, không có tài sản hay điều kiện thi hành án và được cơ quan thi hành án xác nhận là chưa có điều kiện thi hành án theo khoản 1 Điều 44a Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự năm 2020; và không thực hiện các hành vi cố tình không chấp hành bản án,quyết định của Tòa án, chống đối chấp hành viên hay các hành vi nhằm tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ như Điều 380 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định thì sẽ không bị đi tù. Trong một số trường hợp cụ thể, nếu người phải thi hành án dân sự được xác định là chưa có điều kiện để thi hành án, thì có thể xem xét hoãn thi hành án dân sự cho đến khi họ có điều kiện để thi hành.

Xem thêm: Xóa án tích và đương nhiên được xóa án tích trong pháp luật hình sự

3. Các hình thức thi hành bản án dân sự

Căn cứ Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự năm 2020, quy định về 2 hình thức thi hành án:

  • Người phải thi hành án tự nguyện thi hành án khi nhận được quyết định thi hành án hoặc có thông báo hợp lệ về quyết định thi hành án
  • Cưỡng chế thi hành án: Hết thời hạn 10 ngày tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế

Tóm lại, trong quá trình thi hành án, bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án có thể tiến hành cưỡng chế thi hành án, các biện pháp ngắn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhắm trốn tránh việc thi hành án. Mục đích của việc cưỡng chế và áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án là đảm bảo tính công bằng, kịp thời và hiệu lực của quyết định thi hành án.

4. Xác minh điều kiện thi hành án

Căn cứ khoản 2 Điều 44 và khoản 1 Điều 44a Văn bản hợp nhất Luật Thi hành án dân sự năm 2020 quy định:

Điều 44. Xác minh điều kiện thi hành án

2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Điều 44a. Xác định việc chưa có điều kiện thi hành án

1. Căn cứ kết quả xác minh điều kiện thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án không có thu nhập hoặc có thu nhập chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án, người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng và không có tài sản để thi hành án hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc tài sản theo quy định của pháp luật không được kê biên, xử lý để thi hành án;’

b) Người phải thi hành án phải thi hành nghĩa vụ về trả vật đặc định nhưng vật phải trả không còn hoặc hư hỏng đến mức không thể sử dụng được; phải trả giấy tờ nhưng giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được mà đương sự không có thỏa thuận khác;

c) Chưa xác định được địa chỉ, nơi cư trú của người phải thi hành án, người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng.

Như vậy, trong trường hợp sau khi xác nhận người phải thi hành án chưa có đủ điều kiện thi hành dân sự vì thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 44a thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án. Trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.

Và sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh tiếp tục được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.